Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG BA

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì?

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì?
  • Ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là gì?

  • Đức Chúa Trời bị thách thức như thế nào?

  • Trong tương lai đời sống trên đất sẽ ra sao?

1. Ý định Đức Chúa Trời đối với trái đất là gì?

Ý ĐỊNH của Đức Chúa Trời đối với trái đất thật là tuyệt diệu. Đức Giê-hô-va muốn trái đất có đầy những người hạnh phúc và khỏe mạnh. Kinh Thánh nói rằng “Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen” và Ngài “khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon”. Sau khi Đức Chúa Trời dựng nên người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, A-đam và Ê-va, Ngài đặt họ ở trong khu vườn xinh đẹp ấy và phán dặn: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng”. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:8, 9, 15) Vậy, ý định của Đức Chúa Trời là loài người có con cái, nới rộng ranh giới địa đàng ra khắp đất và chăm sóc loài vật.

2. (a) Làm sao chúng ta biết ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất sẽ thành tựu? (b) Theo Kinh Thánh, những người nào sẽ được sống đời đời?

2 Bạn nghĩ ý định của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho loài người sống trong địa đàng sẽ thành hiện thực không? “Điều ta đã rao ra”, Đức Chúa Trời tuyên bố, “ta cũng sẽ làm”. (Ê-sai 46:9-11; 55:11) Thật vậy, Đức Chúa Trời đã định điều gì thì Ngài chắc chắn sẽ thực hiện! Ngài phán rằng Ngài “chẳng phải dựng nên [trái đất] là trống-không” nhưng “đã làm nên để dân ở”. (Ê-sai 45:18) Đức Chúa Trời muốn những người nào sống trên đất? Và Ngài muốn họ sống trên đó bao lâu? Kinh Thánh trả lời: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.Thi-thiên 37:29; Khải-huyền 21:3, 4.

3. Ngày nay có tình trạng đau khổ nào trên đất, và điều này đưa đến những câu hỏi nào?

3 Hiển nhiên điều này chưa xảy ra. Ngày nay người ta mắc bệnh và chết; và họ còn đánh giết nhau nữa. Tại sao lại có tình trạng này? Dù sao, chắc chắn Đức Chúa Trời không có ý định cho trái đất phải chịu cảnh như chúng ta thấy ngày nay! Nhưng điều gì đã xảy ra? Tại sao ý định Đức Chúa Trời chưa được thực hiện? Không sách sử nào do loài người viết có thể cho chúng ta biết được vì vấn đề bắt đầu từ trên trời.

GỐC TÍCH CỦA KẺ THÙ

4, 5. (a) Thật ra ai đã nói với Ê-va qua con rắn? (b) Làm thế nào một người trước kia đàng hoàng lương thiện có thể trở thành một kẻ trộm?

4 Sách đầu tiên của Kinh Thánh cho biết kẻ chống lại Đức Chúa Trời xuất hiện trong vườn Ê-đen. Hắn được miêu tả là “con rắn”, nhưng hắn không phải đơn thuần là một con vật. Sách cuối cùng của Kinh Thánh cho biết hắn được “gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. Hắn cũng được gọi là “con rắn xưa”. (Sáng-thế Ký 3:1; Khải-huyền 12:9) Thiên sứ mạnh mẽ này, hay tạo vật thần linh vô hình, đã dùng con rắn để nói với Ê-va, cũng như một người có tài có thể làm tiếng nói mình dường như xuất phát ra từ con búp bê hay hình nộm ngay kế bên. Tạo vật thần linh ấy chắc hẳn đã hiện diện khi Đức Chúa Trời chuẩn bị trái đất cho nhân loại ở.—Gióp 38:4, 7.

5 Vì tất cả các tạo vật của Đức Giê-hô-va là hoàn hảo, thế thì ai tạo ra “Sa-tan Ma-quỉ” này? Nói đơn giản, một con thần linh mạnh mẽ của Đức Chúa Trời tự làm mình thành Ma-quỉ. Làm sao điều này lại xảy ra được? Chúng ta phải hiểu là một người trước kia đàng hoàng lương thiện nay có thể trở thành một kẻ trộm cắp. Chuyện này xảy ra thế nào? Một người có thể để sự ham muốn sai quấy nảy nở trong lòng. Nếu cứ nghĩ mãi về điều đó thì sự ham muốn ấy trở nên rất mạnh. Rồi nếu gặp cơ hội, người ấy có thể hành động theo dục vọng xấu xa ấy.—Gia-cơ 1:13-15.

6. Làm thế nào một con thần linh mạnh mẽ của Đức Chúa Trời trở thành Sa-tan Ma-quỉ?

6 Đó là điều đã xảy ra trong trường hợp của Sa-tan Ma-quỉ. Chắc hẳn hắn đã nghe Đức Chúa Trời phán bảo A-đam và Ê-va sinh sản con cái, làm cho đầy dẫy đất. (Sáng-thế Ký 1:27, 28) Sa-tan hẳn đã nghĩ: ‘Được lắm! Mọi người sẽ thờ ta thay vì Đức Chúa Trời’. Vì vậy, dục vọng xấu xa nảy mầm trong lòng hắn. Cuối cùng, hắn lừa gạt Ê-va bằng cách nói với bà những điều giả dối về Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Vì thế hắn trở thành “Ma-quỉ” có nghĩa là “Kẻ Vu Khống”. Đồng thời hắn trở thành “Sa-tan” có nghĩa là “Kẻ Chống Đối”.

7. (a) Tại sao A-đam và Ê-va bị chết? (b) Tại sao tất cả con cháu A-đam phải già và chết?

7 Bằng cách dùng lời giả dối và thủ đoạn quỷ quyệt, Sa-tan Ma-quỉ khiến cho A-đam và Ê-va cãi lời Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 2:17; 3:6) Hậu quả là cuối cùng họ chết, như Đức Chúa Trời đã phán. (Sáng-thế Ký 3:17-19) Vì khi phạm tội, A-đam trở thành bất toàn, nên tất cả con cháu phải chịu tội lỗi do ông di truyền. (Rô-ma 5:12) Tình trạng này có thể minh họa bằng một khuôn làm bánh. Nếu khuôn bị móp, mỗi ổ bánh sẽ như thế nào? Mỗi ổ sẽ bị vết lõm hay không hoàn hảo. Tương tự thế, mỗi người bị “vết lõm” hay sự bất toàn của A-đam. Đó là lý do tại sao mọi người đều phải già và chết.—Rô-ma 3:23.

8, 9. (a) Sa-tan hẳn đã thách thức điều gì? (b) Tại sao Đức Chúa Trời không hủy diệt những kẻ phản nghịch ngay lập tức?

8 Khi Sa-tan dẫn dụ A-đam và Ê-va phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời, thật sự là hắn dẫn đầu một cuộc phản nghịch. Hắn thách thức cách cai trị của Đức Giê-hô-va. Chẳng khác nào hắn nói: ‘Đức Chúa Trời cai trị bất công. Ngài nói dối và không cho thần dân được hưởng mọi quyền lợi. Nhân loại không cần Đức Chúa Trời cai trị. Họ có thể tự quyết định điều thiện và điều ác. Và nếu ở dưới sự cai trị của ta thì họ được sung sướng hơn’. Đức Chúa Trời đối phó với sự thách thức xấc xược đó thế nào? Một số người nghĩ rằng Đức Chúa Trời chỉ cần diệt những kẻ phản nghịch đó là xong. Nhưng làm thế có đáp lại được thách thức của Sa-tan không? Điều đó có chứng tỏ cách Đức Chúa Trời cai trị là đúng không?

9 Công lý hoàn toàn của Đức Giê-hô-va không cho Ngài hủy diệt những kẻ phản nghịch ngay lập tức. Ngài quyết định là cần phải có thời gian để trả lời sự thách thức của Sa-tan một cách thỏa đáng và chứng tỏ Ma-quỉ là kẻ nói dối. Vì vậy Đức Chúa Trời quyết định cho phép loài người tự cai trị một thời gian dưới ảnh hưởng của Sa-tan. Tại sao Đức Giê-hô-va làm thế và tại sao Ngài lại cho một thời gian dài như vậy trước khi giải quyết vấn đề, sẽ được bàn đến nơi Chương 11 của sách này. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta nên suy nghĩ về điều này: Có đúng không khi A-đam và Ê-va tin Sa-tan, một kẻ chưa hề làm điều gì tốt cho họ cả? Có đúng không khi họ nghĩ rằng Đức Giê-hô-va, Đấng ban cho họ tất cả những gì họ có, là một người dối gạt tàn nhẫn? Bạn làm gì trong trường hợp ấy?

10. Bạn có thể ủng hộ Đức Giê-hô-va bằng cách nào để đáp lại thách thức của Sa-tan?

10 Nên nghĩ đến những câu hỏi này vì mỗi người chúng ta đứng trước những vấn đề tương tự ngày nay. Thật vậy, bạn có cơ hội ủng hộ Đức Giê-hô-va khi đáp lại thách thức này của Sa-tan. Bạn có thể nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị và góp phần chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. (Thi-thiên 73:28; Châm-ngôn 27:11) Đáng buồn là chỉ một số ít trong hàng tỷ người trên thế giới sẵn sàng làm như thế. Điều này nêu lên một câu hỏi quan trọng: Kinh Thánh có thật sự cho biết Sa-tan cai trị thế gian này không?

AI CAI TRỊ THẾ GIAN NÀY?

Làm sao Sa-tan có thể cho Chúa Giê-su mọi nước thế gian nếu hắn không làm chủ các nước ấy?

11, 12. (a) Qua một cám dỗ của Chúa Giê-su, làm sao chúng ta biết Sa-tan là kẻ cai trị thế gian? (b) Điều gì khác cho thấy Sa-tan là kẻ cai trị thế gian này?

11 Chúa Giê-su không hề nghi ngờ Sa-tan là kẻ cai trị thế gian này. Có lần bằng một cách siêu nhiên, Sa-tan chỉ cho Chúa Giê-su thấy “các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy”. Rồi hắn hứa với ngài: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy”. (Ma-thi-ơ 4:8, 9; Lu-ca 4:5, 6) Hãy suy nghĩ về điều này. Lời ấy có là một cám dỗ cho Chúa Giê-su không nếu Sa-tan không phải là kẻ cai trị các nước này? Chúa Giê-su không phủ nhận sự kiện tất cả các chính phủ thế gian thuộc về Sa-tan. Chắc hẳn ngài đã phủ nhận nếu Sa-tan không có quyền trên các chính phủ này.

12 Dĩ nhiên Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ kỳ diệu này. (Khải-huyền 4:11) Nhưng không nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời hay Chúa Giê-su Christ cai trị thế gian này. Thật vậy, Chúa Giê-su nói rõ Sa-tan là “vua-chúa của thế-gian nầy”. (Giăng 12:31; 14:30; 16:11) Kinh Thánh còn gọi Sa-tan Ma-quỉ là “chúa đời nầy”. (2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Nói về kẻ chống đối đó, tức Sa-tan, sứ đồ của Đấng Christ là Giăng viết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”.—1 Giăng 5:19.

THẾ GIAN CỦA SA-TAN SẼ BỊ LOẠI TRỪ BẰNG CÁCH NÀO?

13. Tại sao cần có một thế giới mới?

13 Mỗi năm trôi qua chúng ta càng thấy thế gian này càng trở nên nguy hiểm hơn. Thế giới có đầy quân đội hiếu chiến, chính khách bất lương, giới lãnh đạo tôn giáo giả hình và những tội phạm chai lì. Thế giới nói chung không thể sửa đổi được. Kinh Thánh cho thấy gần đến lúc Đức Chúa Trời sẽ loại trừ thế gian ác này trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn của Ngài. Điều này sẽ mở đường cho một thế giới mới công bình.—Khải-huyền 16:14-16.

14. Đức Chúa Trời chọn ai để cai trị Nước Trời, và điều này được báo trước như thế nào?

14 Giê-hô-va Đức Chúa Trời chọn Chúa Giê-su Christ để cai trị Nước Trời tức chính phủ của Ngài. Từ xưa, Kinh Thánh báo trước: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai-trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là... Chúa Bình-an. Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”. (Ê-sai 9:5, 6) Về chính phủ này, Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10) Như sẽ bàn đến trong phần sau sách này, Nước của Đức Chúa Trời sắp sửa loại trừ tất cả chính phủ trên thế gian và sẽ thay thế mọi chính phủ đó. (Đa-ni-ên 2:44) Rồi Nước Trời sẽ đưa con người vào địa đàng.

MỘT THẾ GIỚI MỚI GẦN ĐẾN

15. “Đất mới” là gì?

15 Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13; Ê-sai 65:17) Kinh Thánh đôi khi dùng từ “trái đất” để chỉ những người sống trên đất. (Thi-thiên 100:1) Vậy “đất mới” công bình là một xã hội gồm những người được Đức Chúa Trời chấp nhận.

16. Đức Chúa Trời ban món quà vô giá nào cho những người Ngài chấp nhận, và chúng ta phải làm gì để nhận được món quà ấy?

16 Chúa Giê-su hứa rằng trong thế giới mới sắp đến, những người mà Đức Chúa Trời chấp nhận sẽ được hưởng “sự sống đời đời”. (Mác 10:30) Xin bạn mở Kinh Thánh nơi Giăng 3:16 và 17:3, và đọc những gì Chúa Giê-su nói chúng ta phải làm để nhận được sự sống đời đời. Giờ đây hãy xem xét Kinh Thánh nói gì về những ân phước sẽ đến cho những người hội đủ tiêu chuẩn để nhận món quà tuyệt diệu đó của Đức Chúa Trời trong Địa Đàng sắp đến.

17, 18. Làm sao chúng ta biết chắc chắn là sẽ có bình an khắp đất?

17 Sự gian ác, chiến tranh, tội ác và hung bạo sẽ biến mất. “Kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”. (Thi-thiên 37:10, 11) Sẽ có hòa bình vì ‘Đức Chúa Trời sẽ dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất’. (Thi-thiên 46:9; Ê-sai 2:4) Sau đó “người công-bình sẽ hưng-thịnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn”—có nghĩa là bình an mãi mãi!—Thi-thiên 72:7.

18 Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ được sống bình an. Khi dân Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh vâng lời Đức Chúa Trời thì họ được sống bình an. (Lê-vi Ký 25:18, 19) Được hưởng sự bình an giống như thế trong Địa Đàng quả là tuyệt vời!—Ê-sai 32:18; Mi-chê 4:4.

19. Tại sao chúng ta biết sẽ có dư dật thức ăn trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?

19 Sẽ không có đói kém. Người viết Thi-thiên hát: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”. (Thi-thiên 72:16) Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho người công bình, và ‘đất sẽ sanh hoa-lợi nó’.—Thi-thiên 67:6.

20. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn cả trái đất sẽ thành địa đàng?

20 Cả trái đất sẽ thành địa đàng. Nhà cửa, vườn tược xinh đẹp sẽ được xây trên vùng đất mà trước kia đã bị những người xấu hủy phá. (Ê-sai 65:21-24; Khải-huyền 11:18) Với thời gian, những vùng đất đã được làm tươi tốt sẽ lan rộng ra cho đến chừng cả địa cầu trở nên xinh đẹp và màu mỡ như vườn Ê-đen. Và Đức Chúa Trời sẽ chắc chắn “xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”.—Thi-thiên 145:16.

21. Điều gì cho thấy sẽ có hòa thuận giữa loài người và loài thú?

21 Sẽ có hòa thuận giữa loài người và loài thú. Những dã thú và gia súc sẽ ăn chung. Ngay cả một em bé cũng sẽ không sợ những thú vật mà ngày nay được xem là nguy hiểm.—Ê-sai 11:6-9; 65:25.

22. Bệnh tật sẽ ra sao?

22 Bệnh tật sẽ không còn nữa. Là Đấng cai trị Nước Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su sẽ chữa lành trên bình diện rộng lớn hơn thời ngài còn trên đất. (Ma-thi-ơ 9:35; Mác 1:40-42; Giăng 5:5-9) Lúc ấy, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”.—Ê-sai 33:24; 35:5, 6.

23. Tại sao sự sống lại sẽ đem lại sự vui mừng cho chúng ta?

23 Những người chết sẽ được sống lại với triển vọng không bao giờ chết nữa. Tất cả những người đã chết mà Đức Chúa Trời nhớ đến sẽ được cho sống lại. Thật vậy, “sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”.—Công-vụ 24:15; Giăng 5:28, 29.

24. Bạn cảm thấy thế nào về việc sống trong Địa Đàng?

24 Quả là tương lai tuyệt diệu đang chờ đón những người quyết định học về Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và phụng sự Ngài! Chính là Địa Đàng sắp đến này mà Chúa Giê-su đã hứa với tên trộm bị xử tử bên cạnh ngài: “Ngươi sẽ cùng ta ở trong lạc viên”. (Lu-ca 23:43, Ghi) Điều trọng yếu là chúng ta học biết thêm về Chúa Giê-su Christ, nhờ ngài mà chúng ta có thể hưởng được tất cả các ân phước này.