Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG SÁU

Những người chết ở đâu?

Những người chết ở đâu?
  • Khi chết, điều gì xảy ra?

  • Tại sao chúng ta chết?

  • Có phải chúng ta được an tâm khi biết sự thật về tình trạng người chết?

1-3. Người ta nêu ra những câu hỏi nào về sự chết, và các tôn giáo khác nhau trả lời thế nào?

ĐÂY là những câu hỏi mà người ta đã nghĩ đến từ hàng ngàn năm qua. Những câu hỏi này quan trọng. Dù chúng ta là ai và ở đâu đi nữa, câu trả lời có liên quan đến mỗi người chúng ta.

2 Trong chương trước, chúng ta thảo luận về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ đã mở ra triển vọng sống muôn đời như thế nào rồi. Chúng ta cũng biết được là Kinh Thánh báo trước về một thời kỳ “sẽ không có sự chết... nữa”. (Khải-huyền 21:4) Nhưng hiện nay tất cả chúng ta đều phải chết. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã nói: “Kẻ sống biết mình sẽ chết”. (Truyền-đạo 9:5) Chúng ta cố làm sao để sống càng lâu càng tốt. Nhưng chúng ta vẫn tự hỏi điều gì xảy ra khi chúng ta chết.

3 Khi người thân chết, chúng ta thương tiếc và có thể hỏi: ‘Điều gì xảy ra cho họ? Họ có đau đớn không? Họ có phù hộ chúng ta không? Chúng ta có thể giúp họ không? Chúng ta có bao giờ gặp lại họ không?’ Các tôn giáo thế gian đưa ra nhiều giải đáp khác nhau. Một số dạy rằng nếu ăn hiền ở lành sẽ được lên trời nhưng nếu làm ác thì sẽ bị đày xuống hỏa ngục. Có đạo dạy rằng người chết đi về với tổ tiên họ ở cõi vô hình, còn có tôn giáo lại dạy rằng những người chết sẽ xuống âm phủ để bị xét xử và rồi đầu thai hoặc tái sinh trong một thể xác khác.

4. Nhiều tôn giáo có cùng khái niệm căn bản nào về sự chết?

4 Những giáo lý đó đều có chung một khái niệm căn bản—một phần của chúng ta tiếp tục sống sau khi thân thể chết. Theo hầu hết các tôn giáo, xưa cũng như nay, bằng cách này hay cách khác chúng ta cứ sống mãi và có khả năng thấy, nghe và suy nghĩ. Nhưng làm sao lại như thế được? Các giác quan cùng với tư tưởng của chúng ta đều nối liền với sự hoạt động của não. Khi chết, não ngưng hoạt động. Như thế thì ký ức, cảm xúc và giác quan của chúng ta không tiếp tục hoạt động độc lập một cách bí ẩn. Những điều này không tiếp tục tồn tại khi não chết.

KHI CHẾT ĐIỀU GÌ THẬT SỰ XẢY RA?

5, 6. Kinh Thánh dạy gì về tình trạng người chết?

5 Điều gì xảy ra lúc chết không phải là bí ẩn đối với Đức Giê-hô-va, Đấng tạo ra bộ não. Ngài biết sự thật và trong lời Ngài là Kinh Thánh, Ngài giải thích về tình trạng của người chết. Kinh Thánh dạy dễ hiểu là: Khi chết, một người không còn hiện hữu nữa. Chết là ngược lại với sống. Người chết không thấy, nghe hoặc suy nghĩ. Không một phần vô hình nào của chúng ta tiếp tục sống sau khi thân thể chết. Chúng ta không có một linh hồn bất tử. *

Ngọn lửa đi đâu?

6 Sau khi Sa-lô-môn nhận xét người sống biết mình sẽ chết, ông đã được soi dẫn để viết: “Nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết”. Rồi ông bổ sung lẽ thật căn bản ấy bằng cách nói rằng người chết không thể yêu hay ghét và ở trong mồ mả “chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. (Truyền-đạo 9:5, 6, 10) Tương tự, Thi-thiên 146:4 nói rằng khi một người chết ‘các mưu-mô liền mất đi’. Chúng ta đều phải chết và không còn tồn tại sau khi thể xác chết đi. Sự sống mà chúng ta có giống như ngọn lửa của một cây nến. Khi ngọn lửa bị dập tắt, nó không đi đâu cả. Nó chỉ biến mất.

NHỮNG GÌ CHÚA GIÊ-SU NÓI VỀ SỰ CHẾT

7. Chúa Giê-su giải thích gì về tình trạng người chết?

7 Chúa Giê-su Christ nói về tình trạng người chết. Khi nghe tin một người ngài quen thân là La-xa-rơ đã chết, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ”. Các môn đồ tưởng rằng Chúa Giê-su có ý nói La-xa-rơ đang nghỉ ngơi, tịnh dưỡng cho hết bệnh. Họ đã hiểu lầm. Chúa Giê-su giải thích: “La-xa-rơ chết rồi”. (Giăng 11:11-14) Hãy lưu ý Chúa Giê-su ví sự chết với sự nghỉ ngơi và ngủ. La-xa-rơ không đi lên trời hay xuống hỏa ngục. Ông không gặp thiên sứ hoặc tổ tiên. La-xa-rơ không đầu thai thành một người khác. Ông đang nằm yên trong sự chết, như thể một giấc ngủ mê không mộng mị. Những câu Kinh Thánh khác cũng ví sự chết với giấc ngủ. Thí dụ, khi môn đồ Ê-tiên bị ném đá chết, Kinh Thánh nói ông “ngủ”. (Công-vụ 7:60) Tương tự, sứ đồ Phao-lô viết về một số người vào thời của ông “đã ngủ rồi”.—1 Cô-rinh-tô 15:6.

Đức Giê-hô-va tạo ra loài người để sống mãi trên đất

8. Làm sao chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không có ý định cho người ta chết?

8 Ban đầu Đức Chúa Trời có ý định cho người ta chết không? Tất nhiên không! Đức Giê-hô-va tạo ra con người để sống mãi trên đất. Như chúng ta đã biết ở phần trước của sách này, Đức Chúa Trời đặt cặp vợ chồng đầu tiên trong một vườn địa đàng xinh đẹp. Ngài ban cho họ sức khỏe hoàn toàn. Đức Giê-hô-va chỉ muốn điều tốt cho họ mà thôi. Có cha mẹ nào thương con lại muốn cho con chịu khổ vì già và chết không? Chắc chắn không! Đức Giê-hô-va yêu thương con cái của Ngài và muốn họ hưởng hạnh phúc bất tận trên đất. Nói về loài người, Kinh Thánh viết: “Đức Chúa Trời... khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”. (Truyền-đạo 3:11) Đức Chúa Trời tạo chúng ta với ước muốn được sống mãi mãi. Và Ngài có sự sắp đặt để thỏa mãn ước muốn đó.

TẠI SAO LOÀI NGƯỜI CHẾT?

9. Đức Giê-hô-va đưa ra hạn chế nào cho A-đam, và tại sao điều răn này không khó để vâng theo?

9 Thế thì tại sao người ta chết? Để biết câu trả lời, chúng ta phải xem xét điều gì đã xảy ra vào lúc chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà trên mặt đất. Kinh Thánh giải thích: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon”. (Sáng-thế Ký 2:9) Tuy nhiên, có một hạn chế. Đức Giê-hô-va nói với A-đam: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Điều răn này không khó để vâng theo. Có nhiều trái cây khác mà A-đam và Ê-va có thể ăn. Nhưng giờ đây họ có được một cơ hội đặc biệt để tỏ lòng biết ơn đối với Đấng đã cho họ tất cả mọi điều, kể cả sự sống hoàn toàn. Việc họ vâng lời cũng cho thấy rằng họ tôn trọng uy quyền của Cha trên trời và muốn có được sự hướng dẫn yêu thương của Ngài.

10, 11. (a) Vì sao cặp vợ chồng đầu tiên đã cãi lời Đức Chúa Trời? (b) Tại sao hành động bất tuân của A-đam và Ê-va là một vấn đề nghiêm trọng?

10 Đáng buồn thay, cặp vợ chồng đầu tiên đã cố ý cãi lời Đức Giê-hô-va. Qua con rắn, Sa-tan hỏi Ê-va: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Ê-va đáp rằng: “Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng”.—Sáng-thế Ký 3:1-3.

11 “Hai ngươi chẳng chết đâu”, Sa-tan nói. “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 3:4, 5) Sa-tan muốn Ê-va tin rằng bà được lợi ích khi ăn trái cấm. Theo những gì hắn nói, Ê-va có thể tự quyết định điều thiện và điều ác; bà có thể làm điều gì bà muốn. Sa-tan cũng vu cáo rằng Đức Giê-hô-va nói dối về hậu quả của việc ăn trái cấm. Ê-va tin hắn. Vì vậy bà hái trái và ăn. Rồi đưa cho chồng, ông cũng ăn nữa. Không phải họ làm vì không biết. Họ biết rõ mình làm điều mà Đức Chúa Trời bảo không được làm. Bằng cách ăn trái cấm, họ cố tình cãi lại một mệnh lệnh đơn giản và hợp lý. Họ tỏ thái độ khinh thường đối với Cha trên trời và uy quyền của Ngài. Hành động bất kính đó đối với Đấng Tạo Hóa yêu thương là điều không tha thứ được!

12. Điều gì có thể giúp chúng ta hiểu cảm xúc của Đức Giê-hô-va khi A-đam và Ê-va phản lại Ngài?

12 Để minh họa: Bạn cảm thấy thế nào khi nuôi nấng một đứa con và rồi nó cãi lời bạn, tỏ thái độ bất kính vô ơn đối với bạn? Điều đó chắc làm bạn đau lòng lắm. Vậy, hãy tưởng tượng Đức Giê-hô-va hẳn đã đau lòng đến độ nào khi cả A-đam và Ê-va đều phản lại Ngài.

A-đam được tạo ra từ bụi đất, và ông trở về bụi đất

13. Đức Giê-hô-va nói điều gì sẽ xảy ra cho A-đam khi ông chết, và điều này có nghĩa gì?

13 Đức Giê-hô-va không có lý do nào để cho A-đam và Ê-va sống mãi. Họ chết, y như Ngài đã phán. A-đam và Ê-va không tồn tại nữa. Họ không đi đến cõi vô hình. Chúng ta biết điều này qua những gì Đức Giê-hô-va nói với A-đam sau khi Ngài buộc ông chịu trách nhiệm về hành động bất tuân. Đức Chúa Trời phán: “Ngươi [sẽ] trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. (Sáng-thế Ký 3:19) Đức Chúa Trời đã tạo ra A-đam từ bụi đất. (Sáng-thế Ký 2:7) Trước đó A-đam không hiện hữu. Do đó, khi Đức Giê-hô-va phán rằng A-đam sẽ trở về bụi đất, Ngài có ý nói rằng A-đam sẽ trở về tình trạng không hiện hữu. A-đam sẽ không có sự sống như bụi đất mà từ đó ông được tạo thành.

14. Tại sao chúng ta chết?

14 A-đam và Ê-va đáng lẽ còn sống đến ngày nay, nhưng vì phạm tội cố ý cãi lời Đức Chúa Trời nên họ đã chết. Lý do chúng ta chết là vì A-đam đã truyền lại tình trạng tội lỗi và sự chết cho tất cả con cháu của ông. (Rô-ma 5:12) Tội lỗi cũng như một chứng bệnh di truyền khủng khiếp mà không ai có thể tránh được. Hậu quả là sự chết, ấy là một tai họa. Sự chết là kẻ thù, chứ không phải là bạn. (1 Cô-rinh-tô 15:26) Chúng ta thật biết ơn xiết bao là Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc để giải cứu chúng ta khỏi kẻ thù đáng sợ này!

BIẾT SỰ THẬT VỀ TÌNH TRẠNG NGƯỜI CHẾT LÀ ĐIỀU HỮU ÍCH

15. Tại sao biết sự thật về tình trạng người chết làm chúng ta an tâm?

15 Những điều Kinh Thánh dạy về tình trạng người chết làm chúng ta an tâm. Như đã biết, người chết không bị đau đớn hay khổ tâm. Không có lý do gì để sợ vì họ không thể làm hại chúng ta. Họ không cần chúng ta giúp, và họ cũng không thể giúp chúng ta. Chúng ta không thể nói với họ, và họ cũng không thể nói với chúng ta. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng họ có thể giúp những người đã chết, cho nên người ta tin và đưa tiền cho họ. Nhưng biết sự thật sẽ giúp chúng ta khỏi bị lừa gạt bởi những người dạy các điều giả dối đó.

16. Ai đã ảnh hưởng các giáo lý của nhiều tôn giáo, và bằng cách nào?

16 Giáo lý của tôn giáo bạn có phù hợp với những gì Kinh Thánh dạy về người chết không? Đa số thì không. Tại sao? Bởi vì các giáo lý đó đã bị Sa-tan ảnh hưởng. Hắn dùng tôn giáo sai lầm để khiến người ta tin rằng sau khi thể xác chết, họ sẽ tiếp tục sống ở cõi vô hình. Đây là một trong những điều giả dối mà Sa-tan đã dùng để khiến người ta xa cách Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Như thế nào?

17. Tại sao giáo lý về sự hành hạ đời đời bôi nhọ Đức Giê-hô-va?

17 Như đã nói trên, một số tôn giáo dạy rằng nếu một người làm ác, sau khi chết người ấy sẽ đi đến một nơi đầy lửa để chịu thống khổ mãi mãi. Sự dạy dỗ này bôi nhọ Đức Chúa Trời. Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài không bao giờ hành hạ người ta như vậy. (1 Giăng 4:8) Bạn cảm thấy thế nào khi một người cha phạt đứa con cãi lời bằng cách đốt tay con? Bạn có kính trọng một người như vậy không? Bạn có muốn tìm hiểu người ấy không? Chắc chắn không! Hẳn bạn sẽ nghĩ rằng người ấy thật độc ác. Thế mà Sa-tan muốn chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va hành hạ người ta trong lửa mãi mãi—đến hàng tỷ năm!

18. Việc thờ cúng người chết dựa trên giáo lý giả dối nào?

18 Sa-tan cũng dùng một số tôn giáo để dạy rằng sau khi chết người ta trở thành những thần thánh mà người sống phải tôn kính và sùng bái. Theo sự dạy dỗ này, hồn của người chết có thể trở thành người phù hộ linh thiêng hay là kẻ thù đáng sợ. Nhiều người tin điều giả dối này. Họ sợ hãi và thờ cúng người chết. Trái lại, Kinh Thánh dạy rằng người chết như đang ngủ và chúng ta nên thờ phượng chỉ một mình Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa và Đấng cung cấp mọi điều cho chúng ta.—Khải-huyền 4:11.

19. Biết sự thật về người chết giúp chúng ta hiểu những giáo lý nào khác của Kinh Thánh?

19 Khi biết sự thật về người chết, bạn được che chở không bị những giáo lý giả dối dẫn dụ. Điều này cũng giúp bạn hiểu những giáo lý khác của Kinh Thánh. Thí dụ, khi biết rằng người ta không đi vào cõi vô hình sau khi chết, lời hứa về sự sống muôn đời trong địa đàng mới thật sự có ý nghĩa đối với bạn.

20. Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào trong chương kế tiếp?

20 Cách đây rất lâu, người công bình Gióp đã nêu lên câu hỏi này: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” (Gióp 14:14) Một người không có sinh khí đang trong giấc ngủ ngàn thu có thể được sống lại không? Những gì Kinh Thánh dạy về điều này an ủi chúng ta rất nhiều, như chương kế tiếp sẽ cho thấy.

^ đ. 5 Muốn hiểu thêm về từ “linh hồn” và “thần linh”, xin xem Phụ Lục, trang 208-211.