Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI

Các tạo vật thần linh ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Các tạo vật thần linh ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
  • Thiên sứ có giúp người ta không?

  • Các ác thần ảnh hưởng đến loài người như thế nào?

  • Chúng ta có phải sợ các ác thần không?

1. Tại sao chúng ta muốn biết về thiên sứ?

KHI tìm hiểu một người, chúng ta thường muốn biết về gia đình người đó. Tương tự, để tìm hiểu về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta cần biết rõ hơn về gia đình gồm các thiên sứ của Ngài. Kinh Thánh gọi thiên sứ là “các con trai Đức Chúa Trời”. (Gióp 38:7) Vậy, họ giữ vai trò nào trong ý định của Ngài? Họ có vai trò nào không trong lịch sử nhân loại? Thiên sứ có ảnh hưởng đến đời sống bạn không? Nếu có thì ảnh hưởng như thế nào?

2. Thiên sứ bắt nguồn từ đâu và có tất cả là bao nhiêu?

2 Kinh Thánh nói đến thiên sứ hàng trăm lần. Chúng ta hãy xem xét vài trường hợp để biết nhiều hơn về các thiên sứ. Thiên sứ bắt nguồn từ đâu? Cô-lô-se 1:16 nói: “Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài [Chúa Giê-su Christ], bất luận trên trời, dưới đất”. Vì vậy, mỗi một tạo vật thần linh, được gọi là thiên sứ, đều do Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo ra qua trung gian Con đầu lòng của Ngài. Có tất cả là bao nhiêu thiên sứ? Kinh Thánh nói đến hàng trăm triệu thiên sứ đã được tạo ra, và tất cả đều có quyền năng mạnh mẽ.—Thi-thiên 103:20. *

3. Theo Gióp 38:4-7, chúng ta biết gì về thiên sứ?

3 Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, cho chúng ta biết khi trái đất được dựng nên, “các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng”. (Gióp 38:4-7) Do đó, các thiên sứ đã hiện hữu từ lâu trước khi loài người được dựng nên, ngay cả trước trái đất nữa. Câu Kinh Thánh này cũng cho thấy thiên sứ có cảm xúc, vì nói rằng họ “cất tiếng reo mừng”. Hãy lưu ý rằng “hết mọi con cái Thiên Chúa cùng rập tiếng tung hô” (TTGM). Vào lúc ấy, tất cả thiên sứ đều hợp nhất phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

SỰ TRỢ GIÚP VÀ CHE CHỞ CỦA THIÊN SỨ

4. Kinh Thánh cho thấy các thiên sứ trung thành chú ý đến những hoạt động của loài người như thế nào?

4 Kể từ lúc chứng kiến sự sáng tạo hai người đầu tiên, các tạo vật thần linh trung thành cho thấy họ rất chú ý đến gia đình nhân loại ngày càng gia tăng và đến việc Đức Chúa Trời thực hiện ý định Ngài. (Châm-ngôn 8:30, 31; 1 Phi-e-rơ 1:11, 12) Tuy nhiên, với thời gian các thiên sứ thấy rằng phần lớn gia đình nhân loại từ bỏ không phụng sự Đấng Tạo Hóa yêu thương. Chắc chắn điều này làm buồn lòng những thiên sứ trung thành. Mặt khác, mỗi khi một người quay về với Đức Giê-hô-va, thì “thiên-sứ... mừng-rỡ”. (Lu-ca 15:10) Vì thiên sứ có lòng quan tâm sâu xa đến hạnh phúc của những người phụng sự Đức Chúa Trời, nên chúng ta hiểu tại sao Đức Giê-hô-va nhiều lần dùng thiên sứ để thêm sức và che chở các tôi tớ trung thành của Ngài trên đất. (Hê-bơ-rơ 1:7, 14) Hãy xem vài trường hợp.

“Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên-sứ Ngài, và bịt miệng các sư-tử”.—Đa-ni-ên 6:22

5. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy những trường hợp nào có sự trợ giúp của thiên sứ?

5 Hai thiên sứ giúp người công bình Lót và hai con gái ông sống sót qua sự hủy diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đầy gian ác bằng cách dẫn họ ra khỏi vùng ấy. (Sáng-thế Ký 19:15, 16) Nhiều thế kỷ sau, nhà tiên tri Đa-ni-ên bị kẻ thù quăng vào hang sư tử, nhưng ông đã thoát nạn và nói: “Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên-sứ Ngài, và bịt miệng các sư-tử”. (Đa-ni-ên 6:22) Trong thế kỷ thứ nhất CN, một thiên sứ đã giải thoát sứ đồ Phi-e-rơ khỏi tù. (Công-vụ 12:6-11) Ngoài ra, thiên sứ cũng trợ giúp Chúa Giê-su ngay từ lúc ngài bắt đầu thi hành thánh chức trên đất. (Mác 1:13) Và ít lâu trước khi Chúa Giê-su chết, một thiên sứ hiện ra và “thêm sức cho Ngài”. (Lu-ca 22:43) Hẳn đó là điều an ủi biết bao cho Chúa Giê-su vào giờ phút vô cùng quan trọng trong đời ngài!

6. (a) Ngày nay thiên sứ che chở dân Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Bây giờ chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

6 Ngày nay, thiên sứ không còn hiện ra với dân Đức Chúa Trời trên đất nữa. Mặc dù người ta không thấy, nhưng các thiên sứ mạnh mẽ của Đức Chúa Trời vẫn che chở dân Ngài, nhất là để tránh khỏi bất cứ điều gì tai hại về thiêng liêng. Kinh Thánh nói: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”. (Thi-thiên 34:7) Tại sao những lời này an ủi chúng ta rất nhiều? Vì các ác thần nguy hiểm muốn hủy diệt chúng ta! Chúng là ai? Từ đâu ra? Chúng cố hại chúng ta như thế nào? Để hiểu rõ, chúng ta hãy xem qua những gì xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử nhân loại.

MỘT SỐ TẠO VẬT THẦN LINH LÀ KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA

7. Sa-tan thành công tới mức nào trong việc dụ dỗ người ta xây bỏ Đức Chúa Trời?

7 Như đã học trong Chương 3 sách này, một thiên sứ nảy sinh tham vọng cai trị người khác và vì vậy hắn dấy nghịch lại Đức Chúa Trời. Về sau thiên sứ ấy được gọi là Sa-tan Ma-quỉ. (Khải-huyền 12:9) Trong 16 thế kỷ, sau khi lừa gạt Ê-va, Sa-tan đã dụ dỗ được hầu hết mọi người xây bỏ Đức Chúa Trời chỉ trừ một ít người trung thành, chẳng hạn như A-bên, Hê-nóc và Nô-ê.—Hê-bơ-rơ 11:4, 5, 7.

8. (a) Một số thiên sứ trở thành quỉ bằng cách nào? (b) Để được sống qua trận Nước Lụt thời Nô-ê, các quỉ phải làm gì?

8 Vào thời Nô-ê, những thiên sứ khác cũng chống lại Đức Giê-hô-va. Chúng bỏ địa vị trong gia đình trên trời để xuống trái đất mặc lấy thể xác loài người. Tại sao? Chúng ta đọc trong Sáng-thế Ký 6:2: “Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không cho phép các thiên sứ này tiếp tục làm điều đó và cũng không để loài người tiếp tục bại hoại. Ngài giáng trận nước lụt toàn cầu hủy diệt tất cả những người ác và chỉ bảo toàn tính mạng của những tôi tớ trung thành mà thôi. (Sáng-thế Ký 7:17, 23) Vì thế, những thiên sứ phản nghịch, tức các quỉ, buộc phải bỏ thể xác loài người và trở về trời trong thể thần linh. Chúng đứng về phía Ma-quỉ, vì thế Sa-tan đã trở thành “chúa quỉ”.—Ma-thi-ơ 9:34.

9. (a) Điều gì xảy ra cho các quỉ khi chúng trở về trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì về các quỉ?

9 Khi những thiên sứ bội nghịch trở về trời, chúng bị xem là thành phần đáng khinh bỏ, cũng như chúa của chúng là Sa-tan. (2 Phi-e-rơ 2:4) Dù ngày nay không thể mặc lấy thể xác loài người, nhưng chúng vẫn còn ảnh hưởng rất xấu đến loài người. Thật vậy, có các quỉ hợp sức, Sa-tan đang “dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9; 1 Giăng 5:19) Bằng cách nào? Chủ yếu là các quỉ dùng những mưu chước làm lầm lạc loài người. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Chúng ta hãy xem xét một số mưu chước này.

CÁCH CÁC QUỈ LÀM LẦM LẠC

10. Ma thuật là gì?

10 Để làm người ta lầm lạc, các quỉ dùng ma thuật. Thực hành ma thuật là liên hệ trực tiếp với các quỉ và gián tiếp qua một người đồng cốt. Kinh Thánh lên án ma thuật và khuyên chúng ta tránh hết những gì có dính líu đến nó. (Ga-la-ti 5:19-21) Các quỉ dùng ma thuật giống như người câu cá dùng mồi. Người ấy dùng nhiều thứ mồi để bắt các loại cá khác nhau. Tương tự, ác thần dùng các hình thức ma thuật khác nhau để khiến nhiều hạng người rơi vào vòng ảnh hưởng của hắn.

11. Bói khoa là gì, và tại sao chúng ta nên tránh?

11 Một loại mồi mà các quỉ dùng là bói khoa. Bói khoa là gì? Đó là tìm cách biết về tương lai hay về điều gì chưa biết. Một số hình thức của bói khoa là chiêm tinh, bói bài, bói bằng quả cầu thạch anh, xem chỉ tay và đoán điềm giải mộng. Dù nhiều người nghĩ rằng thực hành bói khoa là vô hại, nhưng Kinh Thánh cho biết thầy bói có liên hệ với ác thần. Thí dụ, Công-vụ 16:16-18 nói rằng “quỉ Phi-tôn” ám vào một cô gái để cho cô khả năng bói toán. Nhưng cô ta mất khả năng ấy khi quỉ bị trục xuất.

Các quỉ dùng nhiều phương cách khác nhau để lừa người ta

12. Tại sao cố liên lạc với người chết là nguy hiểm?

12 Một cách khác mà các quỉ làm người ta lầm lạc là khiến họ đi cầu hỏi người chết. Những người thương tiếc người thân đã mất thường bị lừa gạt bởi những ý tưởng sai lầm về người chết. Người đồng cốt có thể cho biết những thông tin đặc biệt hoặc nói bằng giọng của người đã chết. Kết quả là nhiều người đã tin rằng người chết còn sống và liên lạc với họ sẽ giúp người sống vơi đi nỗi buồn. Nhưng bất cứ sự “an ủi” nào giống như thế cũng chỉ là giả dối và nguy hiểm. Tại sao? Vì các quỉ có thể bắt chước giọng người chết và cho đồng cốt biết thông tin về người đã chết. (1 Sa-mu-ên 28:3-19) Ngoài ra, như chúng ta đã học trong Chương 6, người chết không còn hiện hữu nữa. (Thi-thiên 115:17) Vậy, “kẻ đi cầu vong” đã bị ác thần dẫn dụ và hành động trái với ý muốn Đức Chúa Trời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10, 11; Ê-sai 8:19) Do đó, hãy thận trọng tránh xa món mồi nguy hiểm này mà các quỉ đã dùng.

13. Nhiều người trước kia từng sợ hãi các quỉ đã có thể làm gì?

13 Ác thần không chỉ làm lầm lạc mà còn làm người ta sợ hãi. Ngày nay, Sa-tan và các quỉ biết “thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu” trước khi bị giam cầm, chúng dữ tợn hơn bao giờ hết. (Khải-huyền 12:12, 17) Dù thế, hàng ngàn người trước kia sống trong sợ hãi những ác thần đó nay không còn sợ nữa. Làm sao họ thoát được? Một người có thể làm gì dù đã dính líu với ma thuật?

CÁCH KHÁNG CỰ ÁC THẦN

14. Như tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất ở Ê-phê-sô, làm sao chúng ta có thể thoát khỏi các ác thần?

14 Kinh Thánh cho chúng ta biết cách kháng cự ác thần và thoát khỏi chúng. Hãy xem gương của tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất ở thành Ê-phê-sô. Một số đã thực hành ma thuật trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ. Khi quyết định bỏ ma thuật, họ đã làm gì? Kinh Thánh nói: “Có lắm người trước theo nghề phù-phép đem sách-vở mình đốt trước mặt thiên-hạ”. (Công-vụ 19:19) Bằng cách đốt hết sách về ma thuật, những tín đồ mới ấy nêu gương cho những người ngày nay muốn kháng cự ác thần. Những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va cần hủy bỏ hết tất cả những gì dính líu đến ma thuật, bao gồm sách báo, phim, hình ảnh và băng đĩa âm nhạc xui giục thực hành ma thuật, và làm cho nó có vẻ hấp dẫn và thích thú. Cũng hãy hủy đi những bùa hộ mạng hoặc những đồ đeo tránh tai họa.—1 Cô-rinh-tô 10:21.

15. Để kháng cự ác thần, chúng ta cần phải làm gì?

15 Nhiều năm sau khi tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô đốt đi những sách về ma thuật, sứ đồ Phao-lô viết cho họ: “Chúng ta đánh trận... cùng các thần dữ”. (Ê-phê-sô 6:12) Các quỉ chưa bỏ cuộc. Chúng vẫn cố giành lợi thế. Vậy các tín đồ Đấng Christ đó cần làm gì? Phao-lô nói: “Phải lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ [Sa-tan]”. (Ê-phê-sô 6:16) Thuẫn đức tin của chúng ta càng chắc chắn thì sức kháng cự ác thần của mình càng vững mạnh.—Ma-thi-ơ 17:20.

16. Bằng cách nào chúng ta có thể làm đức tin mình vững mạnh?

16 Thế thì bằng cách nào chúng ta có thể làm đức tin mình vững mạnh? Bằng cách học Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Như bức tường được chắc là nhờ có nền bền vững, thì cũng thế, đức tin vững là nhờ được đặt trên nền tảng chắc chắn, đó là sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời. Nếu đọc và học Kinh Thánh mỗi ngày, đức tin chúng ta sẽ trở nên vững vàng. Như bức tường chắc, đức tin ấy sẽ che chở chúng ta khỏi ảnh hưởng của các ác thần.—1 Giăng 5:5.

17. Cần làm gì để kháng cự ác thần?

17 Tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô cần làm điều gì khác? Họ cần thêm sự che chở vì sống trong một thành đầy những thực hành ma thuật. Vì thế Phao-lô bảo họ: “Hãy nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin”. (Ê-phê-sô 6:18) Vì chúng ta cũng sống trong thế gian đầy sự tin tưởng nơi ma quỉ, tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va xin Ngài che chở là điều rất cần thiết để kháng cự ác thần. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải dùng danh Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. (Châm-ngôn 18:10) Vì thế nên tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời ‘cứu chúng ta khỏi Kẻ Ác’, tức Sa-tan Ma-quỉ. (Ma-thi-ơ 6:13, BDM) Đức Giê-hô-va sẽ nhậm lời cầu nguyện như thế.—Thi-thiên 145:19.

18, 19. (a) Tại sao chúng ta có thể nắm chắc phần thắng trong trận chiến chống lại ác thần? (b) Câu hỏi nào sẽ được trả lời trong chương kế tiếp?

18 Ác thần rất nguy hiểm nhưng chúng ta không cần phải sợ nếu chúng ta chống cự Ma-quỉ và đến gần Đức Chúa Trời bằng cách làm theo ý muốn Ngài. (Gia-cơ 4:7, 8) Quyền năng của ác thần có giới hạn. Chúng bị trừng phạt vào thời Nô-ê, và chắc chắn sẽ bị phán xét trong tương lai. (Giu-đe 6) Cũng hãy nhớ rằng chúng ta có sự che chở của các thiên sứ mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va. (2 Các Vua 6:15-17) Các thiên sứ đó rất muốn thấy chúng ta thắng được ác thần. Nói theo nghĩa bóng là các thiên sứ công bình đang reo hò khích lệ chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy gần gũi với Đức Giê-hô-va và với gia đình gồm các tạo vật thần linh trung thành của Ngài. Mong rằng chúng ta cũng tránh mọi hình thức ma thuật và luôn luôn áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7; 2 Phi-e-rơ 2:9) Làm thế chúng ta có thể nắm chắc phần thắng trong trận chiến chống lại ác thần.

19 Nhưng tại sao Đức Chúa Trời để cho các ác thần và sự gian ác tiếp diễn gây ra quá nhiều đau khổ cho người ta? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong chương kế tiếp.

^ đ. 2 Về các thiên sứ công bình, Khải-huyền 5:11 nói đến số “hàng muôn hàng ngàn” hay “ức ức triệu triệu” (TTGM). Vậy, Kinh Thánh nói đến hàng trăm triệu thiên sứ đã được tạo ra.