Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI BA

Có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về sự sống

Có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về sự sống
  • Đức Chúa Trời xem sự sống như thế nào?

  • Đức Chúa Trời xem việc phá thai như thế nào?

  • Chúng ta tôn trọng sự sống bằng cách nào?

1. Ai đã tạo ra mọi vật sống?

NHÀ TIÊN TRI Giê-rê-mi tuyên bố: “Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật; Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống”. (Giê-rê-mi 10:10) Ngoài ra Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của mọi vật sống. Các tạo vật trên trời ca tụng Ngài: “Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. (Khải-huyền 4:11) Trong bài ca khen ngợi Đức Chúa Trời, Vua Đa-vít hát: “Nguồn sự sống ở nơi Chúa”. (Thi-thiên 36:9) Thế thì sự sống là sự ban cho của Đức Chúa Trời.

2. Đức Chúa Trời làm gì để duy trì sự sống của chúng ta?

2 Đức Giê-hô-va cũng duy trì sự sống của chúng ta. (Công-vụ 17:28) Ngài ban cho đồ ăn, nước uống, không khí và đất đai. (Công-vụ 14:15-17) Cách Đức Giê-hô-va cung cấp những điều thiết yếu này cũng làm cho đời sống được thích thú. Nhưng để hưởng được sự sống một cách trọn vẹn, chúng ta cần học biết về luật pháp của Đức Chúa Trời và vâng theo.—Ê-sai 48:17, 18.

TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

3. Đức Chúa Trời xem việc A-bên bị giết như thế nào?

3 Đức Chúa Trời muốn chúng ta tôn trọng sự sống—của chính mình và của người khác. Thí dụ vào thời A-đam và Ê-va, con của họ là Ca-in giận dữ với em là A-bên. Đức Giê-hô-va cảnh cáo Ca-in là cơn giận của ông có thể khiến ông phạm trọng tội. Ca-in lờ đi lời cảnh cáo đó. Ông “xông đến A-bên là em mình, và giết đi”. (Sáng-thế Ký 4:3-8) Đức Giê-hô-va trừng phạt Ca-in vì tội giết em.—Sáng-thế Ký 4:9-11.

4. Trong Luật Pháp Môi-se, Đức Chúa Trời nhấn mạnh quan điểm đúng đắn về sự sống như thế nào?

4 Hàng ngàn năm sau, Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên những luật pháp để giúp họ phụng sự theo cách đẹp ý Ngài. Vì những luật pháp này được ban qua trung gian nhà tiên tri Môi-se, cho nên đôi khi được gọi là Luật Pháp Môi-se. Một điều luật trong Luật Pháp Môi-se nói: “Ngươi chớ giết người”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:17) Điều này cho dân Y-sơ-ra-ên biết rằng Đức Chúa Trời quý trọng mạng sống của con người và họ cũng phải quý trọng sự sống của người khác.

5. Chúng ta phải xem việc phá thai như thế nào?

5 Còn về sự sống của một thai nhi thì sao? Theo Luật Pháp Môi-se, gây ra cái chết của đứa bé trong bụng mẹ là một tội trọng. Thật vậy, ngay cả một mạng sống như thế cũng quý giá đối với Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22, 23; Thi-thiên 127:3) Điều này có nghĩa phá thai là phạm tội.

6. Tại sao chúng ta không nên thù ghét người đồng loại?

6 Để tôn trọng sự sống, chúng ta cần có quan điểm đúng về người đồng loại. Kinh Thánh nói: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình”. (1 Giăng 3:15) Nếu muốn sống muôn đời, chúng ta cần loại trừ mọi hận thù khỏi lòng mình, vì hận thù là căn nguyên của hầu hết mọi sự hung bạo. (1 Giăng 3:11, 12) Điều trọng yếu là chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau.

7. Một số thực hành nào cho thấy thái độ không tôn trọng sự sống?

7 Còn về việc tôn trọng chính mạng sống mình thì sao? Thường thì người ta không muốn chết, nhưng một số người muốn tìm khoái lạc dù biết điều này dẫn đến cái chết. Thí dụ, nhiều người dùng thuốc lá, ăn trầu hoặc dùng ma túy để tiêu khiển. Những chất này làm hại thân thể và thường giết chết người dùng. Một người thường xuyên dùng những chất ấy không xem sự sống là thiêng liêng. Những thực hành này là ô uế dưới mắt Đức Chúa Trời. (Rô-ma 6:19; 12:1; 2 Cô-rinh-tô 7:1) Để phụng sự theo cách đẹp ý Đức Chúa Trời, chúng ta phải bỏ những thực hành ấy. Mặc dù đây là điều khó làm, nhưng Đức Giê-hô-va có thể cho chúng ta sự giúp đỡ cần thiết. Và Ngài quý trọng những nỗ lực của chúng ta khi chúng ta xem sự sống là món quà quý giá mà Ngài đã ban.

8. Tại sao chúng ta phải luôn quan tâm đến sự an toàn?

8 Nếu tôn trọng sự sống, chúng ta sẽ luôn quan tâm đến sự an toàn. Chúng ta sẽ thận trọng và không liều lĩnh chỉ vì muốn được khoái lạc hoặc kích thích. Chúng ta sẽ tránh lái xe bất cẩn và chơi những trò thể thao hung bạo hay nguy hiểm. (Thi-thiên 11:5) Luật pháp của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên xưa có ghi: “Khi ngươi cất một cái nhà mới [có sân thượng], thì phải làm câu-lơn [lan can] nơi mái nhà, kẻo nếu người nào ở trên đó té xuống, ngươi gây cho nhà mình can đến huyết chăng”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8) Để phù hợp với nguyên tắc được ghi trong luật pháp này, chúng ta phải giữ thang lầu được an toàn để không người nào bị vấp, ngã và bị thương. Nếu bạn có xe, hãy chắc chắn xe được bảo trì tốt. Đừng để cho nhà cửa hay xe cộ của bạn gây nguy hại cho chính bạn hoặc người khác.

9. Nếu tôn trọng sự sống, chúng ta sẽ đối xử thế nào với thú vật?

9 Còn về mạng sống của thú vật thì sao? Nó cũng được xem là thiêng liêng theo Đấng Tạo Hóa. Đức Chúa Trời cho phép giết thú vật để ăn thịt và lấy da làm áo, hoặc để bảo vệ người ta khỏi hiểm nguy. (Sáng-thế Ký 3:21; 9:3; Xuất Ê-díp-tô Ký 21:28) Tuy nhiên đối xử tàn nhẫn với thú vật hoặc giết chúng chỉ để tiêu khiển là sai và chứng tỏ khinh thường tính chất thiêng liêng của sự sống.—Châm-ngôn 12:10.

TÔN TRỌNG HUYẾT

10. Đức Chúa Trời cho thấy sự sống và máu có liên hệ với nhau như thế nào?

10 Sau khi Ca-in giết em là A-bên, Đức Giê-hô-va nói với Ca-in: “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta”. (Sáng-thế Ký 4:10) Khi nói về máu của A-bên, Đức Chúa Trời muốn nói về mạng sống của A-bên. Ca-in đã lấy đi mạng sống của A-bên và giờ đây ông phải bị trừng phạt. Như thể là máu, tức sự sống, của A-bên đang kêu đến Đức Giê-hô-va để được minh xét. Sự liên hệ giữa sự sống và máu cũng được thấy rõ sau trận Nước Lụt thời Nô-ê. Trước thời Nước Lụt, loài người chỉ ăn trái cây, rau, quả và hạt. Sau Nước Lụt, Đức Giê-hô-va phán bảo Nô-ê và các con của ông: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ-ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã đưa ra giới hạn này: “Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu”. (Sáng-thế Ký 1:29; 9:3, 4) Rõ ràng là Đức Giê-hô-va xem sự sống và máu của các sinh vật có liên hệ chặt chẽ với nhau.

11. Từ thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cấm điều gì liên quan đến huyết?

11 Chúng ta tỏ sự tôn trọng máu bằng cách không ăn huyết. Trong Luật Pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va phán: “Còn nếu ai... đi săn được một con thú hay là con chim ăn thịt được, thì phải đổ huyết nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại... Ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi không nên ăn huyết của xác-thịt nào”. (Lê-vi Ký 17:13, 14) Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cấm ăn huyết thú vật, lần đầu tiên được ban cho Nô-ê khoảng 800 năm trước đó, cho đến bấy giờ vẫn còn hiệu lực. Đức Giê-hô-va cho thấy rõ quan điểm của Ngài: Các tôi tớ của Ngài có thể ăn thịt thú vật nhưng không được ăn huyết. Họ phải đổ huyết xuống đất—hành động này có nghĩa là trả sự sống của sinh vật đó cho Đức Chúa Trời.

12. Lệnh nào về huyết đã được ban qua thánh linh vào thế kỷ thứ nhất và ngày nay vẫn còn hiệu lực?

12 Tín đồ Đấng Christ cũng phải vâng theo một mệnh lệnh tương tự. Các sứ đồ và những người khác giữ vai trò dẫn đầu trong vòng môn đồ của Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã họp lại để quyết định xem mệnh lệnh nào mọi người trong hội thánh phải vâng theo. Họ đi đến kết luận này: “Thánh-Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngột [chưa đổ huyết], và chớ tà-dâm”. (Công-vụ 15:28, 29; 21:25) Vậy chúng ta phải ‘kiêng huyết’. Dưới mắt Đức Chúa Trời, vâng giữ điều này cũng quan trọng như việc tránh thờ hình tượng và phạm tội vô luân.

Nếu bác sĩ bảo bạn kiêng rượu, bạn có chích rượu vào mạch máu không?

13. Hãy minh họa tại sao mệnh lệnh kiêng huyết bao gồm việc tiếp máu.

13 Mệnh lệnh kiêng huyết có bao gồm sự tiếp máu không? Có. Để minh họa: Giả sử bác sĩ bảo bạn kiêng rượu. Phải chăng điều đó có nghĩa là bạn không được uống nhưng có thể chích vào mạch máu? Hẳn nhiên không! Cũng vậy kiêng huyết có nghĩa là không cho vào thân thể bằng bất cứ cách nào. Vậy lệnh kiêng huyết có nghĩa là chúng ta không để cho ai tiếp máu vào mạch của chúng ta.

14, 15. Nếu bác sĩ nói một tín đồ Đấng Christ cần phải tiếp máu, người ấy sẽ phản ứng thế nào, và tại sao?

14 Nhưng nếu một tín đồ bị thương nặng hay cần giải phẫu nghiêm trọng thì sao? Giả sử bác sĩ nói rằng người ấy cần tiếp máu, nếu không thì sẽ chết. Dĩ nhiên tín đồ ấy không muốn chết. Để bảo tồn sự sống quý báu mà Đức Chúa Trời ban cho, người ấy sẽ chấp nhận phương pháp trị liệu nào không dùng máu. Vì vậy, người ấy sẽ tìm sự chữa trị như thế nếu có và sẽ chấp nhận những phương pháp không dùng máu.

15 Một tín đồ Đấng Christ có nên vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời chỉ để kéo dài đời sống thêm một ít lâu trong hệ thống này không? Chúa Giê-su nói: “Ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại”. (Ma-thi-ơ 16:25) Chúng ta không muốn chết. Nhưng nếu cố giữ mạng sống hiện tại bằng cách vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có nguy cơ mất sự sống muôn đời. Thế thì chúng ta nên tin rằng luật pháp Đức Chúa Trời là hoàn toàn đúng, tin chắc rằng nếu chúng ta chết vì nguyên do nào đó, Đấng Ban Sự Sống sẽ nhớ đến chúng ta và ban lại món quà sự sống quý báu cho chúng ta.—Giăng 5:28, 29; Hê-bơ-rơ 11:6.

16. Tôi tớ Đức Chúa Trời cương quyết làm gì về vấn đề máu?

16 Ngày nay, tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cương quyết làm theo chỉ thị về máu. Họ không ăn huyết dưới bất cứ hình thức nào. Và họ cũng không nhận máu vì lý do y tế. * Họ chắc chắn rằng Đấng tạo ra huyết biết điều gì tốt nhất cho họ. Bạn có tin như thế không?

TRƯỜNG HỢP DUY NHẤT ĐỂ DÙNG HUYẾT

17. Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời cho dùng huyết trong trường hợp duy nhất nào?

17 Luật Pháp Môi-se nhấn mạnh cách duy nhất để dùng máu. Nói về sự thờ phượng đòi hỏi nơi người Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va phán: “Sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình; vì nhờ sanh-mạng mà huyết mới chuộc tội được”. (Lê-vi Ký 17:11) Khi người Y-sơ-ra-ên phạm tội, họ có thể được tha thứ bằng cách dâng một con vật và rưới huyết nó trên bàn thờ trong đền tạm, hay sau này là trong đền thờ của Đức Chúa Trời. Đó là trường hợp duy nhất để dùng huyết.

18. Chúng ta có thể được lợi ích và ân phước nào nhờ sự đổ huyết của Chúa Giê-su?

18 Tín đồ thật của Đấng Christ không ở dưới Luật Pháp Môi-se và vì vậy không dâng thú vật làm lễ vật và rưới huyết nó trên bàn thờ. (Hê-bơ-rơ 10:1) Tuy nhiên, việc dùng huyết trên bàn thờ vào thời Y-sơ-ra-ên xưa là hình bóng của sự hy sinh quý báu của Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ. Như đã học trong Chương 5 sách này, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống vì chúng ta bằng cách chịu đổ huyết ra làm của-lễ hy sinh. Rồi ngài lên trời và dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của huyết mà ngài đã đổ ra một lần vĩnh viễn. (Hê-bơ-rơ 9:11, 12) Điều đó đặt nền tảng cho sự tha tội và mở đường cho chúng ta được sống mãi mãi. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16) Việc dùng máu như thế đã chứng tỏ hết sức quan trọng! (1 Phi-e-rơ 1:18, 19) Chỉ qua đức tin nơi huyết đã đổ ra của Chúa Giê-su chúng ta mới có thể đạt được sự cứu rỗi.

Bạn tỏ lòng tôn trọng sự sống và huyết bằng cách nào?

19. Chúng ta phải làm gì để được “tinh-sạch về huyết” của mọi người?

19 Chúng ta vô cùng biết ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho sự sống một cách yêu thương! Và chẳng phải điều này thúc đẩy chúng ta nói cho người khác biết về cơ hội được sống đời đời nhờ đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su sao? Tỏ lòng quan tâm về mạng sống của người đồng loại như cách Đức Chúa Trời quan tâm sẽ thúc đẩy chúng ta làm công việc này với lòng sốt sắng và nhiệt thành. (Ê-xê-chi-ên 3:17-21) Nếu siêng năng làm tròn trách nhiệm này, chúng ta có thể nói như sứ đồ Phao-lô: “Tôi tinh-sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ-nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý-muốn của Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 20:26, 27) Nói cho người khác biết về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài là cách rất tốt để chứng tỏ chúng ta tôn trọng sự sống và máu một cách sâu xa.

^ đ. 16 Để biết thêm về những phương pháp chữa trị không dùng máu, xin xem trang 13-17 trong sách mỏng Máu có thể cứu sống bạn như thế nào? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.