Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Hãy giữ lập trường về sự thờ phượng thật

Hãy giữ lập trường về sự thờ phượng thật
  • Kinh Thánh dạy gì về việc thờ hình tượng và thờ cúng tổ tiên?

  • Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào về các ngày lễ tôn giáo?

  • Làm sao bạn có thể giải thích tín ngưỡng mình cho người khác mà không làm họ giận?

1, 2. Sau khi từ bỏ tôn giáo sai lầm, bạn phải tự hỏi điều gì, và tại sao bạn nghĩ điều này là quan trọng?

GIẢ SỬ một người nào đó lén thải chất độc hại làm khu xóm nhà bạn bị ô nhiễm, và bây giờ mạng sống mọi người bị đe dọa. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ dọn đi nếu có thể được. Nhưng dù có dọn đi, bạn vẫn bị ám ảnh bởi một thắc mắc nghiêm trọng: ‘Không biết tôi bị nhiễm độc chưa?’

2 Nói về tôn giáo sai lầm thì cũng tương tự như thế. Kinh Thánh dạy rằng sự thờ phượng đó bị nhiễm những giáo lý và thực hành ô uế. (2 Cô-rinh-tô 6:17) Đó là lý do tại sao bạn phải ra khỏi “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới. (Khải-huyền 18:2, 4) Bạn ra khỏi chưa? Nếu rồi thì rất tốt. Nhưng chỉ tách rời hay từ bỏ tôn giáo sai lầm thì chưa đủ. Sau đó, bạn phải tự hỏi: ‘Sự thờ phượng sai lầm còn lưu lại dấu vết gì trong tôi không?’ Hãy xem vài thí dụ.

HÌNH TƯỢNG VÀ SỰ THỜ CÚNG TỔ TIÊN

3. (a) Kinh Thánh nói gì về việc dùng hình tượng, và tại sao một số người thấy khó chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời? (b) Bạn nên làm gì với bất cứ vật dụng nào của mình có liên quan đến sự thờ phượng sai lầm?

3 Một số người có hình tượng hay bàn thờ trong nhà nhiều năm. Bạn cũng vậy phải không? Nếu thế, có thể bạn cảm thấy không thoải mái khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà không có hình tượng nào. Có lẽ bạn cảm thấy gắn bó với một vài hình tượng đó. Nhưng Đức Chúa Trời đã cho biết Ngài muốn được thờ phượng như thế nào, và Kinh Thánh dạy Ngài không muốn chúng ta dùng hình tượng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; Thi-thiên 115:4-8; Ê-sai 42:8; 1 Giăng 5:21) Vậy bạn có thể giữ lập trường về sự thờ phượng thật bằng cách tiêu hủy bất cứ vật dụng nào của mình có liên quan đến sự thờ phượng sai lầm. Tất nhiên, bạn phải xem chúng theo quan điểm của Đức Giê-hô-va: ấy là vật “gớm-ghiếc”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:15.

4. (a) Làm sao chúng ta biết sự thờ cúng tổ tiên là vô ích? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va cấm dân Ngài dính líu đến bất cứ hình thức nào của ma thuật?

4 Sự thờ cúng tổ tiên cũng thường thấy trong nhiều tôn giáo sai lầm. Trước khi học biết lẽ thật của Kinh Thánh, một số người tin rằng người chết còn ý thức ở một cõi vô hình và họ có thể giúp hoặc hại người sống. Có lẽ trước đây bạn cố hết sức làm vui lòng tổ tiên. Nhưng như bạn đã học trong Chương 6 sách này, người chết không ý thức và không hiện hữu ở bất cứ nơi nào. Vì vậy, cố gắng để liên lạc với họ là vô ích. Bất cứ thông điệp nào dường như đến từ người thân đã chết thật ra là bắt nguồn từ các quỉ. Do đó, Đức Giê-hô-va cấm dân Y-sơ-ra-ên tìm cách nói chuyện với người chết hoặc dính líu vào bất cứ hình thức nào của ma thuật.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12.

5. Bạn có thể làm gì nếu trước kia từng dùng hình tượng hoặc thờ cúng tổ tiên?

5 Nếu trước đây bạn từng dùng hình tượng và thờ cúng tổ tiên, bạn có thể làm gì? Hãy đọc và suy ngẫm những đoạn Kinh Thánh cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời về những điều đó. Hãy cầu nguyện Đức Giê-hô-va hàng ngày về việc bạn muốn đi theo sự thờ phượng thật, và xin Ngài giúp bạn có lối suy nghĩ giống như Ngài.—Ê-sai 55:9.

TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST THỜI BAN ĐẦU KHÔNG CỬ HÀNH LỄ GIÁNG SINH

6, 7. (a) Lễ Giáng Sinh được cho là để kỷ niệm điều gì, và các môn đồ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có ăn mừng lễ này không? (b) Vào thời các môn đồ ban đầu của Chúa Giê-su, việc cử hành sinh nhật có liên hệ đến điều gì?

6 Sự thờ phượng của một người có thể bị nhiễm tôn giáo sai lầm khi dính líu tới những ngày lễ thịnh hành. Chẳng hạn, hãy xem Lễ Giáng Sinh. Lễ này được cho là để kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su Christ, và hầu hết các tôn giáo xưng là theo Đấng Christ đều ăn mừng lễ này. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất đã ăn mừng lễ này. Sách nói về nguồn gốc những điều sâu nhiệm (Sacred Origins of Profound Things) ghi: “Trong hai thế kỷ sau khi Đấng Christ giáng sinh, không ai biết ngày sinh của ngài và chỉ một ít người chú ý đến điều đó”.

7 Dù biết chính xác ngày sinh của Chúa Giê-su, hẳn các môn đồ của ngài cũng không ăn mừng. Tại sao? Bởi vì một bách khoa tự điển (The World Book Encyclopedia) nói rằng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu “xem việc ăn mừng ngày sinh của bất cứ một ai là phong tục ngoại giáo”. Hai lễ sinh nhật duy nhất mà Kinh Thánh đề cập đến là của hai người cai trị không thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 40:20; Mác 6:21) Thời đó người ta cũng tổ chức sinh nhật để tôn vinh các thần ngoại giáo. Thí dụ, vào ngày 24 tháng 5, người La Mã cử hành sinh nhật của nữ thần Đi-anh. Ngày kế tiếp họ cử hành sinh nhật cho thần mặt trời Apollo. Vì vậy, việc ăn mừng sinh nhật có liên hệ đến ngoại giáo, chứ không phải đạo Đấng Christ.

8. Hãy giải thích sự liên hệ giữa việc ăn mừng sinh nhật và sự mê tín.

8 Có một lý do khác để tin rằng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã không cử hành sinh nhật của Chúa Giê-su. Chắc hẳn các môn đồ ngài biết rằng việc cử hành sinh nhật có dính líu đến sự mê tín. Chẳng hạn, nhiều người Hy Lạp và La Mã thời xưa tin rằng một vị thần có mặt vào lúc mỗi người được sinh ra và hộ mạng người ấy trọn đời. Sách nói về truyền thuyết sinh nhật (The Lore of Birthdays) ghi: “Thần hộ mạng này có quan hệ huyền bí với vị thần có cùng ngày sinh với cá nhân đó”. Đức Giê-hô-va chắc chắn không hài lòng về bất cứ ngày lễ nào liên kết Chúa Giê-su với sự mê tín. (Ê-sai 65:11, 12, cước chú) Thế thì tại sao nhiều người ăn mừng Lễ Giáng Sinh?

NGUỒN GỐC LỄ GIÁNG SINH

9. Tại sao ngày 25 tháng 12 lại được chọn để ăn mừng ngày sinh của Chúa Giê-su?

9 Vài trăm năm sau khi Chúa Giê-su xuống trái đất người ta mới bắt đầu cử hành sinh nhật của ngài vào ngày 25 tháng 12. Nhưng đó không phải ngày sinh của Chúa Giê-su vì bằng chứng cho thấy ngài sinh ra vào tháng 10. * Thế thì tại sao người ta lại chọn ngày 25 tháng 12? Một số người sau này tự xưng là tín đồ Đấng Christ có thể “muốn ngày này trùng với ngày lễ của dân La Mã ngoại giáo ăn mừng ‘sinh nhật của mặt trời vô địch’ ”. (The New Encyclopædia Britannica) Vào mùa đông, khi mặt trời có vẻ yếu nhất, người ngoại giáo cử hành những lễ hội để nguồn ánh sáng ấm áp này từ nơi xa trở lại. Ngày 25 tháng 12 được cho là ngày mặt trời bắt đầu trở lại. Trong nỗ lực cải đạo người ngoại, những nhà lãnh đạo tôn giáo đã chấp nhận lễ này và cố làm cho nó ra vẻ “thuộc đạo Đấng Christ”. *

10. Trong quá khứ, tại sao một số người không cử hành Lễ Giáng Sinh?

10 Từ lâu người ta đã nhận biết Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ ngoại giáo. Vì không bắt nguồn từ Kinh Thánh, Lễ Giáng Sinh bị cấm ở Anh Quốc và một số thuộc địa ở Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 17. Bất cứ người nào ở nhà, không đi làm vào ngày Lễ Giáng Sinh phải bị phạt. Nhưng chẳng bao lâu sau, các phong tục xa xưa trở lại và một số phong tục mới đã được thêm vào. Lần nữa, Lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ lớn và hiện vẫn còn được giữ như thế trong nhiều xứ. Tuy nhiên vì Lễ Giáng Sinh có liên hệ đến tôn giáo sai lầm, nên những người muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không cử hành lễ này hay bất cứ lễ nào khác bắt nguồn từ ngoại giáo. *

NGUỒN GỐC CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

11. Tại sao một số người ăn mừng các ngày lễ, nhưng chúng ta nên xem điều gì là quan trọng nhất?

11 Một số người đồng ý rằng những ngày lễ như Giáng Sinh có nguồn gốc ngoại giáo nhưng vẫn cảm thấy việc cử hành những lễ này không có gì sai. Xét cho cùng, phần đông người ta không nghĩ đến sự thờ phượng sai lầm khi giữ những ngày lễ ấy. Những dịp này cho gia đình có cơ hội gần gũi nhau. Bạn có cảm thấy như thế không? Nếu thế thì có thể là tình thương đối với gia đình, chứ không phải với tôn giáo sai lầm, làm cho bạn thấy khó giữ lập trường về sự thờ phượng thật. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va, Đấng thiết lập gia đình, muốn bạn có mối quan hệ tốt đẹp với người thân. (Ê-phê-sô 3:14, 15) Nhưng bạn có thể củng cố mối quan hệ như thế theo cách Đức Chúa Trời đẹp lòng. Nói về vấn đề chúng ta nên xem là quan trọng nhất, sứ đồ Phao-lô đã viết: “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa”.—Ê-phê-sô 5:10.

Bạn có muốn ăn viên kẹo nhặt từ cống rãnh lên không?

12. Hãy minh họa tại sao chúng ta nên tránh những phong tục và ngày lễ có nguồn gốc ô uế.

12 Có lẽ bạn cảm thấy nguồn gốc của các ngày lễ này không liên hệ gì đến cách người ta cử hành ngày nay. Nguồn gốc có quan trọng không? Có! Để minh họa: Giả sử bạn thấy một viên kẹo dưới cống rãnh. Bạn có nhặt lên ăn không? Chắc chắn không! Viên kẹo bị bẩn. Như viên kẹo ấy, các ngày lễ có vẻ hấp dẫn, nhưng chúng bắt nguồn từ nơi ô uế. Để giữ lập trường về sự thờ phượng thật, chúng ta cần có quan điểm giống như nhà tiên tri Ê-sai, ông nói với những người thờ phượng thật: “Đừng động đến đồ ô-uế”.—Ê-sai 52:11.

KHÔN KHÉO TRONG VIỆC ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI KHÁC

13. Khi bạn không tham dự vào các ngày lễ, những khó khăn nào có thể xảy ra?

13 Khi bạn quyết định không tham dự vào các ngày lễ, những khó khăn có thể xảy ra. Thí dụ, người cùng sở có lẽ hỏi tại sao bạn không tham gia vào sinh hoạt ngày lễ tại chỗ làm. Nếu bạn được biếu một món quà Giáng Sinh thì sao? Nhận quà có gì sai không? Nếu người hôn phối của bạn không cùng tín ngưỡng với bạn thì sao? Bạn có thể làm gì để con cái không cảm thấy bị thiệt thòi khi không ăn mừng những ngày lễ?

14, 15. Bạn có thể làm gì trong dịp lễ nếu có ai chúc mừng hay biếu quà cho bạn?

14 Bạn cần phải sáng suốt để biết cách đối phó với mỗi tình huống. Nhân dịp lễ nếu có ai chúc mừng, có thể bạn chỉ cần nói cám ơn. Nhưng đối với một người thường gặp hoặc làm chung thì bạn có lẽ muốn giải thích thêm. Trong mọi trường hợp, hãy tế nhị. Kinh Thánh khuyên: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6) Hãy thận trọng, đừng tỏ vẻ thiếu lễ độ với người khác. Thay vì thế, hãy tế nhị giải thích lập trường của bạn. Hãy cho thấy rõ là bạn không phản đối việc tặng quà và họp mặt nhưng chỉ muốn làm thế vào một dịp khác.

15 Nhưng nếu có người muốn biếu quà cho bạn thì sao? Điều này còn tùy trường hợp. Người biếu có thể nói: “Tôi biết bạn không ăn mừng lễ, nhưng vẫn muốn biếu bạn món quà này”. Bạn có thể quyết định rằng nhận quà trong trường hợp ấy không có nghĩa là bạn tham dự vào ngày lễ. Dĩ nhiên, nếu người biếu không biết về tín ngưỡng của bạn, bạn có thể nói mình không ăn mừng lễ. Điều này sẽ giúp giải thích tại sao bạn nhận quà nhưng không biếu lại vào dịp ấy. Mặt khác, không nên nhận quà nếu người biếu muốn chứng minh bạn không làm theo những gì bạn tin hoặc bạn sẵn sàng nhượng bộ vì được lợi.

ĐỐI VỚI NGƯỜI THÂN THÌ SAO?

16. Làm sao bạn có thể tỏ ra tế nhị trong những vấn đề liên hệ đến các ngày lễ?

16 Còn nếu người thân không tin đạo thì sao? Trong trường hợp này cũng phải tế nhị. Bạn không cần phải tranh cãi về mỗi phong tục hoặc ngày lễ mà người thân muốn cử hành. Trái lại, hãy tôn trọng quyền tự do của họ cũng như bạn muốn họ tôn trọng quyền của bạn. (Ma-thi-ơ 7:12) Hãy tránh những hành động khiến bạn tham dự vào ngày lễ. Nhưng về những vấn đề không thật sự liên hệ đến việc cử hành lễ, bạn nên phải lẽ. Dĩ nhiên, bạn nên luôn hành động sao cho có được lương tâm tốt.—1 Ti-mô-thê 1:18, 19.

17. Làm sao bạn có thể giúp con cái không cảm thấy thiệt thòi vì thấy người khác ăn mừng các ngày lễ?

17 Bạn có thể làm gì để con cái không cảm thấy thiệt thòi vì không ăn mừng những ngày lễ trái với Kinh Thánh? Điều này tùy thuộc những gì bạn làm vào những dịp khác trong năm. Một số cha mẹ chọn lúc khác để cho con quà. Một món quà tốt nhất mà bạn có thể cho con cái là thời giờ và sự quan tâm đầy yêu thương của bạn.

THỰC HÀNH SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

Thực hành sự thờ phượng thật mang lại hạnh phúc chân chính

18. Dự các buổi họp đạo Đấng Christ giúp bạn giữ lập trường về sự thờ phượng thật như thế nào?

18 Để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, bạn phải bác bỏ sự thờ phượng sai lầm và giữ lập trường về sự thờ phượng thật. Lập trường này bao hàm điều gì? Kinh Thánh nói: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Các buổi họp đạo Đấng Christ là dịp vui mừng để bạn thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài đẹp lòng. (Thi-thiên 22:22; 122:1) Trong những buổi họp đó, các tín đồ trung thành “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ”.—Rô-ma 1:12.

19. Tại sao nói cho người khác biết về những gì bạn học được trong Kinh Thánh là điều quan trọng?

19 Một cách khác chứng tỏ bạn giữ lập trường về sự thờ phượng thật là nói cho người khác biết về những điều bạn đã học trong Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhiều người quả thật đang “than-thở khóc-lóc” trước sự gian ác đang xảy ra trên thế gian. (Ê-xê-chi-ên 9:4) Có lẽ bạn biết một số người cảm thấy như vậy. Tại sao không nói với họ về niềm hy vọng tương lai dựa trên Kinh Thánh? Khi bạn kết hợp với tín đồ thật của Đấng Christ và nói với người khác về lẽ thật tuyệt diệu trong Kinh Thánh mà mình đã học được, dần dần bạn sẽ không còn cảm thấy lưu luyến những phong tục liên quan đến tôn giáo sai lầm nữa. Hãy biết chắc rằng bạn sẽ rất vui mừng và nhận được nhiều ân phước nếu giữ lập trường về sự thờ phượng thật.—Ma-la-chi 3:10.

^ đ. 9 Lễ Saturnalia cũng là một nhân tố khiến người ta chọn ngày 25 tháng 12. Lễ này tôn vinh thần nông nghiệp La Mã được cử hành vào ngày 17-24 tháng 12. Vào dịp lễ này, người ta tiệc tùng, vui chơi và tặng quà nhau.

^ đ. 10 Để biết thêm quan điểm của tín đồ thật Đấng Christ về những ngày lễ thịnh hành khác, xin xem Phụ Lục, trang 222, 223.