Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỤ LỤC

Danh Đức Chúa Trời—Cách dùng và ý nghĩa

Danh Đức Chúa Trời—Cách dùng và ý nghĩa

TRONG Kinh Thánh của bạn, Thi-thiên 83:18 được dịch như thế nào? Bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch câu này như sau: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Một số bản Kinh Thánh khác cũng dịch tương tự. Tuy nhiên, nhiều bản dịch không dùng danh Giê-hô-va mà thay bằng tước vị như “Chúa” hoặc “Chúa Hằng Hữu”. Từ nào phải được dùng trong câu này? Một tước vị hay danh Giê-hô-va?

Danh Đức Chúa Trời trong mẫu tự Hê-bơ-rơ

Câu này nói về một danh. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ mà phần lớn Kinh Thánh được viết, một danh từ riêng có một không hai được dùng ở đây. Theo mẫu tự Hê-bơ-rơ, danh này được viết là יהוה (YHWH). Danh này thường được dịch ra trong tiếng Việt là “Giê-hô-va”. Có phải danh đó chỉ thấy trong một câu Kinh Thánh? Không. Trong bản gốc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, danh này được nhắc đến gần 7.000 lần!

Danh Đức Chúa Trời quan trọng như thế nào? Hãy xem lời cầu nguyện mẫu mà Chúa Giê-su Christ dạy, được mở đầu như sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Trong một dịp khác, Chúa Giê-su cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!” Để đáp lời, Đức Chúa Trời phán từ trời: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” (Giăng 12:28) Rõ ràng danh Đức Chúa Trời là quan trọng hàng đầu. Thế thì tại sao một số dịch giả không dùng danh này trong bản dịch Kinh Thánh của họ nhưng lại thay bằng những tước vị?

Dường như có hai lý do chính. Thứ nhất, nhiều người cho rằng không nên dùng danh ấy vì ngày nay không ai biết cách phát âm lúc đầu nữa. Chữ viết Hê-bơ-rơ ngày xưa không có nguyên âm. Vì thế ngày nay không ai có thể nói chính xác những người trong thời Kinh Thánh đã phát âm YHWH ra sao. Tuy nhiên, chúng ta có nên để điều này ngăn trở chúng ta dùng danh Đức Chúa Trời không? Vào thời Kinh Thánh được viết ra, danh Giê-su có lẽ được phát âm Yê-su-a hoặc Yê-hô-su-a—không ai biết chắc cả. Nhưng ngày nay trên khắp thế giới người ta dùng những dạng khác nhau của danh Giê-su, phát âm theo cách phổ thông trong tiếng nói của họ. Họ không ngại dùng danh ấy dù rằng không biết cách phát âm trong thế kỷ thứ nhất như thế nào. Tương tự, nếu bạn đi đến một nước khác, rất có thể bạn thấy chính tên mình được gọi rất khác trong tiếng nước đó. Vì thế, không biết chắc cách phát âm danh Đức Chúa Trời thời xưa không phải là lý do chính đáng để không dùng danh ấy.

Lý do thứ hai thường được đưa ra về việc không dùng danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh có liên quan đến truyền thống lâu đời của người Do Thái. Nhiều người tin rằng không bao giờ nên phát âm danh Đức Chúa Trời. Niềm tin này hiển nhiên căn cứ vào sự áp dụng sai một điều luật của Kinh Thánh, đó là: “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô-tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7.

Luật này ngăn cấm việc dùng danh Đức Chúa Trời không đúng cách. Nhưng có cấm việc dùng danh Ngài một cách tôn trọng không? Hoàn toàn không. Những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu Ước”) đều là người trung thành sống theo Luật Pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Tuy vậy, họ thường xuyên dùng danh Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, họ viết danh này trong nhiều bài Thi-thiên đã được những người thờ phượng Ngài hát xướng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời còn bảo họ cầu khẩn danh Ngài, và những người trung thành đã vâng theo. (Giô-ên 2:32; Công-vụ 2:21) Vì vậy, tín đồ Đấng Christ ngày nay không ngần ngại dùng danh Đức Chúa Trời một cách tôn trọng, như Chúa Giê-su hẳn đã dùng.—Giăng 17:26.

Khi thay danh Đức Chúa Trời bằng tước vị, các dịch giả Kinh Thánh phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Họ làm cho Đức Chúa Trời có vẻ xa cách và lạnh lùng vô cảm, trong khi Kinh Thánh nói loài người có thể trở thành “bạn thiết” với Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 25:14) Hãy nghĩ đến người bạn rất thân của mình. Nếu không hề biết tên người ấy thì có thật sự là thân không? Tương tự, khi người ta không biết danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, thì làm sao họ thật sự gần gũi với Ngài? Ngoài ra, khi không dùng danh Đức Chúa Trời, người ta cũng không hiểu được ý nghĩa tuyệt diệu của danh ấy. Danh Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

Chính Đức Chúa Trời giải thích ý nghĩa của danh Ngài cho tôi tớ trung thành là Môi-se. Khi Môi-se hỏi danh Ngài, Đức Giê-hô-va đáp: “Ta là Đấng tự-hữu hằng-hữu”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14) Bản dịch của Rotherham dịch như sau: “Ta sẽ thành bất cứ gì mà ta muốn”. Vậy Đức Giê-hô-va có thể trở thành bất cứ vai trò nào cần thiết để thực hiện ý định Ngài.

Giả sử bạn có thể trở thành bất cứ vai trò nào mình muốn, bạn sẽ làm gì cho bạn bè? Nếu một người bạn bị bệnh nặng, có thể bạn trở thành một bác sĩ tài giỏi để chữa lành bệnh cho người ấy. Nếu người khác bị nợ nần thua lỗ, bạn có thể trở thành một mạnh thường quân giàu có và đến cứu giúp người ấy. Tuy nhiên, trên thực tế bạn bị giới hạn trong những gì mình có thể làm. Tất cả chúng ta đều ở trong trường hợp đó. Khi học Kinh Thánh, bạn sẽ thán phục khi thấy rằng Đức Giê-hô-va trở thành bất cứ vai trò nào cần thiết để thực hiện lời hứa của Ngài. Và Ngài vui lòng dùng quyền năng để giúp những người yêu thương Ngài. (2 Sử-ký 16:9) Những người không biết danh Đức Giê-hô-va thì không nhận thấy những khía cạnh tốt đẹp này trong cá tính của Ngài.

Rõ ràng là danh Giê-hô-va phải được dùng trong Kinh Thánh. Biết được ý nghĩa và thường xuyên dùng danh Ngài trong sự thờ phượng sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc gần gũi hơn với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. *

^ đ. 3 Muốn biết thêm về danh Đức Chúa Trời và ý nghĩa cũng như tại sao nên dùng danh ấy trong sự thờ phượng, xin xem sách mỏng Danh Đức Chúa Trời sẽ còn đến muôn đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.