Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỤ LỤC

Bữa Tiệc Thánh của Chúa—Một buổi lễ tôn vinh Đức Chúa Trời

Bữa Tiệc Thánh của Chúa—Một buổi lễ tôn vinh Đức Chúa Trời

TÍN ĐỒ Đấng Christ được phán dạy phải giữ Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Lễ này cũng được gọi là “Tiệc-thánh của Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 11:20) Tại sao lễ này lại quan trọng đến thế? Phải được cử hành khi nào và như thế nào?

Chúa Giê-su Christ đã thiết lập lễ này vào đêm người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua năm 33 CN. Lễ Vượt Qua được cử hành mỗi năm chỉ một lần, vào ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái. Để tính được ngày này, người Do Thái hẳn đã đợi đến xuân phân. Đây là ngày mà đêm và ngày dài bằng nhau. Trăng non nhìn thấy được lần đầu gần ngày xuân phân nhất là dấu chỉ sự bắt đầu tháng Ni-san. Mười bốn ngày sau là Lễ Vượt Qua, được cử hành sau khi mặt trời lặn.

Chúa Giê-su cử hành Lễ Vượt Qua với các sứ đồ, sau đó ngài bảo Giu-đa đi ra rồi thiết lập Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Bữa tiệc này thay thế cho Lễ Vượt Qua của Do Thái, và vì vậy được cử hành mỗi năm chỉ một lần.

Phúc Âm theo Ma-thi-ơ tường thuật: “Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn-đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân-thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn-đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”.—Ma-thi-ơ 26:26-28.

Một số người tin rằng Chúa Giê-su biến bánh thành thân thể và rượu thành huyết của ngài. Tuy nhiên, thân thể Chúa Giê-su vẫn còn nguyên vẹn khi ngài chuyền bánh. Có phải các sứ đồ của Chúa Giê-su quả thật ăn thịt và uống huyết của ngài không? Không, vì làm thế là ăn thịt người và vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Lê-vi Ký 17:10) Theo Lu-ca 22:20, Chúa Giê-su nói: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra”. Chén rượu có thật sự trở thành “giao-ước mới” không? Điều đó không thể nào xảy ra, vì giao ước là một sự thỏa thuận, chứ không phải một vật cụ thể.

Vì thế, cả bánh và rượu chỉ là những biểu tượng. Bánh tượng trưng cho thân thể hoàn toàn của Đấng Christ. Chúa Giê-su dùng bánh còn lại từ bữa ăn của Lễ Vượt Qua. Bánh này không có men. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8) Kinh Thánh thường dùng men để ám chỉ tội lỗi hay là sự bại hoại. Vì vậy, bánh tượng trưng cho thân thể hoàn toàn mà Chúa Giê-su đã hy sinh. Thân thể này không nhiễm tội.—Ma-thi-ơ 16:11, 12; 1 Cô-rinh-tô 5:6, 7; 1 Phi-e-rơ 2:22; 1 Giăng 2:1, 2.

Rượu đỏ tượng trưng cho huyết của Chúa Giê-su. Huyết đó làm cho giao ước mới có hiệu lực. Chúa Giê-su nói rằng huyết ngài đổ ra “cho nhiều người được tha tội”. Nhờ đó con người có thể được thanh sạch dưới mắt Đức Chúa Trời và có thể dự phần vào giao ước mới với Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 9:14; 10:16, 17) Nhờ giao ước này, tức sự thỏa thuận, mà 144.000 tín đồ trung thành của Đấng Christ được lên trời. Họ sẽ làm vua và thầy tế lễ để đem lại ân phước cho cả nhân loại.—Sáng-thế Ký 22:18; Giê-rê-mi 31:31-33; 1 Phi-e-rơ 2:9; Khải-huyền 5:9, 10; 14:1-3.

Ai nên dùng những món biểu tượng này trong Lễ Tưởng Niệm? Điều hợp lý là chỉ những người trong giao ước mới—tức là những người có hy vọng lên trời—nên dùng bánh và rượu. Thánh linh của Đức Chúa Trời khiến những người ấy tin chắc rằng họ được chọn để làm vua trên trời. (Rô-ma 8:16) Họ cũng ở trong giao ước Nước Trời với Chúa Giê-su.—Lu-ca 22:29.

Về phần những người có hy vọng sống đời đời trong Địa Đàng trên đất thì sao? Họ vâng theo lệnh của Chúa Giê-su và dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa, nhưng họ đến với tư cách là những người dự khán, tức quan sát, chứ không dự phần ăn bánh và uống rượu. Mỗi năm một lần, sau khi mặt trời lặn vào ngày 14 tháng Ni-san, Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Mặc dù chỉ vài ngàn người trên khắp thế giới nhận rằng họ có hy vọng lên trời, nhưng tất cả tín đồ Đấng Christ đều xem trọng lễ này. Đây là một dịp mà mọi người có thể ngẫm nghĩ về tình yêu thương cao cả của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ.—Giăng 3:16.