Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỤ LỤC

1914—Một năm quan trọng theo lời tiên tri của Kinh Thánh

1914—Một năm quan trọng theo lời tiên tri của Kinh Thánh

NHIỀU thập niên trước năm 1914, các học viên Kinh Thánh công bố rằng sẽ có những biến cố quan trọng xảy ra vào năm này. Những biến cố ấy là gì, và có bằng chứng nào cho thấy năm 1914 là một năm quan trọng như thế?

Như ghi nơi Lu-ca 21:24, Chúa Giê-su nói: “Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày-đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn”. Giê-ru-sa-lem từng là kinh đô của nước Do Thái—nơi cai trị của các vua thuộc dòng Vua Đa-vít. (Thi-thiên 48:1, 2) Tuy nhiên, những vị vua này thật đặc biệt so với các nhà cai trị thời đó. Họ ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va”, đại diện cho chính Đức Chúa Trời. (1 Sử-ký 29:23) Do đó, Giê-ru-sa-lem biểu trưng cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va.

Thế nhưng sự cai trị của Đức Chúa Trời bắt đầu “bị dân ngoại giày-đạp” khi nào và như thế nào? Điều ấy đã xảy ra vào năm 607 TCN khi Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn chinh phục. Từ đó không ai ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va”, và dòng vua thuộc Nhà Đa-vít đã bị gián đoạn. (2 Các Vua 25:1-26) Sự “giày-đạp” này có kéo dài mãi không? Không, vì lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên nói về vua cuối cùng của Giê-ru-sa-lem là Sê-đê-kia như sau: “Hãy cất mũ nầy, lột mão triều-thiên nầy...; sự nầy cũng sẽ không còn nữa, cho đến chừng nào Đấng đáng được sẽ đến, thì ta sẽ giao cho”. (Ê-xê-chi-ên 21:31, 32) Đấng “đáng được” mão triều thiên của Đa-vít là Chúa Giê-su Christ. (Lu-ca 1:32, 33) Vậy sự “giày-đạp” sẽ chấm dứt khi Chúa Giê-su lên ngôi vua.

Khi nào sự kiện quan trọng đó xảy ra? Chúa Giê-su cho biết Dân Ngoại sẽ cai trị trong một thời gian có hạn định. Lời tường thuật trong Đa-ni-ên chương 4 cho biết manh mối để tính thời gian ấy dài bao lâu. Chương này kể lại giấc mơ có tính cách tiên tri của Nê-bu-cát-nết-sa, vua nước Ba-by-lôn. Ông thấy một cây to lớn bị đốn. Gốc nó không thể mọc lên vì bị xiềng lại bằng dây xích sắt và đồng. Một thiên sứ tuyên bố: “Cho... trải qua bảy kỳ trên [nó].—Đa-ni-ên 4:10-16.

Trong Kinh Thánh, đôi khi cây được dùng tiêu biểu cho sự cai trị. (Ê-xê-chi-ên 17:22-24; 31:2-5) Vậy việc cây tượng trưng ấy bị đốn tiêu biểu cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời, được thể hiện qua các vua ở Giê-ru-sa-lem, sẽ bị gián đoạn. Tuy nhiên, giấc mơ này cho biết việc ‘Giê-ru-sa-lem bị giày-đạp’ là tạm thời—chỉ “bảy kỳ”. Thời gian này kéo dài bao lâu?

Khải-huyền 12:6, 14 cho biết ba thì rưỡi, tức ba kỳ rưỡi, tương đương với “một ngàn hai trăm sáu mươi ngày”. Vì vậy, “bảy kỳ” sẽ dài gấp đôi, tức 2.520 ngày. Nhưng không phải các Dân Ngoại “giày-đạp” trên sự cai trị của Đức Chúa Trời chỉ trong 2.520 ngày sau khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Thế thì rõ ràng là lời tiên tri này nói về một thời gian dài hơn nhiều. Dựa theo Dân-số Ký 14:34 và Ê-xê-chi-ên 4:6, một năm thay cho một ngày, do đó “bảy kỳ” dài 2.520 năm.

Thời kỳ 2.520 năm bắt đầu vào tháng 10 năm 607 TCN khi thành Giê-ru-sa-lem bị rơi vào tay người Ba-by-lôn và vua thuộc dòng Đa-vít bị tước ngôi. Thời kỳ này chấm dứt vào tháng 10 năm 1914. Lúc ấy, “các kỳ dân ngoại” chấm dứt, và Chúa Giê-su Christ được Đức Chúa Trời tấn phong làm Vua trên trời. *Thi-thiên 2:1-6; Đa-ni-ên 7:13, 14.

Như Chúa Giê-su báo trước, ‘sự đến’ của ngài với tư cách là Vua trên trời đã được đánh dấu bởi những biến cố chấn động thế giới—chiến tranh, đói kém, động đất, dịch lệ. (Ma-thi-ơ 24:3-8; Lu-ca 21:11) Những biến cố đó là bằng chứng vững chắc cho thấy năm 1914 quả thật đánh dấu sự ra đời của Nước Đức Chúa Trời ở trên trời và khởi đầu “ngày sau-rốt” của hệ thống gian ác hiện tại.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

^ đ. 4 Từ tháng 10 năm 607 TCN đến tháng 10 năm 1 TCN là 606 năm. Vì không có năm zero, nên từ tháng 10 năm 1 TCN đến tháng 10 năm 1914 CN là 1.914 năm. Cộng 606 năm với 1.914 năm là 2.520 năm. Muốn biết thêm về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN, xin xem sách mỏng “Cả Kinh Thánh”Xác thực và hữu ích (Bài Học Số 3), trang 3, và đề tài “Chronology” trong Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.