Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao mình bệnh nặng đến thế?

Sao mình bệnh nặng đến thế?

CHƯƠNG 8

Sao mình bệnh nặng đến thế?

“Lúc còn trẻ, bạn thấy mình bất khả chiến bại. Rồi đột nhiên, khi mắc bệnh trầm trọng, bạn nhận ra mình không phải như vậy. Bạn cảm thấy mình già đi nhanh chóng”.—Jason.

Lúc 18 tuổi, Jason biết mình mắc bệnh Crohn, là chứng rối loạn đường ruột khiến cơ thể đau đớn và suy nhược. Có lẽ bạn cũng khổ sở vì bị bệnh kinh niên hay tàn tật. Những hoạt động bình thường như mặc quần áo, ăn uống hay đi học có thể đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều.

Vấn đề sức khỏe kinh niên có thể khiến bạn có cảm giác như bị giam cầm, mất đi tự do. Có lẽ bạn cảm thấy cô đơn. Thậm chí, bạn bắt đầu băn khoăn liệu mình có phạm lỗi với Đức Chúa Trời hay phải chăng ngài muốn thử thách lòng trung kiên của mình. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời không thể bị thử thách bởi điều ác nào, và chính ngài cũng không dùng điều ác để thử thách ai” (Gia-cơ 1:13). Bệnh tật là một phần của tình trạng con người hiện tại. Ngoài ra, “thời thế và chuyện bất trắc” cũng xảy đến với tất cả chúng ta.—Truyền đạo 9:11.

Đáng mừng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa về một thế giới mới, nơi “không cư dân nào sẽ nói: ‘Tôi đau ốm’” (Ê-sai 33:24). Ngay cả người đã qua đời cũng được sống lại để có cơ hội vui hưởng thế giới mới ấy (Giăng 5:28, 29). Nhưng trong lúc này, làm thế nào bạn có thể tận dụng hoàn cảnh của mình?

Hãy cố gắng lạc quan. Kinh Thánh nói: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay” (Châm ngôn 17:22). Một số người có lẽ cảm thấy không thích hợp để vui cười khi đang phải chịu đựng căn bệnh nghiêm trọng. Nhưng sự dí dỏm và những người bạn vui vẻ có thể làm tâm trí bạn tươi tỉnh và tăng thêm nghị lực sống. Vì thế, hãy nghĩ về những việc bạn có thể làm để gia tăng niềm vui trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng sự vui mừng là phẩm chất đến từ Đức Chúa Trời và là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga-la-ti 5:22). Tinh thần ấy có thể giúp bạn chịu đựng bệnh tật với niềm vui.—Thi thiên 41:3.

Đặt mục tiêu thực tế. Kinh Thánh nói: “Sự khôn ngoan ở với người khiêm tốn” (Châm ngôn 11:2). Tính khiêm tốn sẽ giúp bạn không liều lĩnh hay cẩn trọng quá mức. Ví dụ, nếu sức khỏe của bạn cho phép, những hoạt động thể chất thích hợp có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn. Đó là lý do mà các cơ sở y tế thường có những chương trình vật lý trị liệu cho bệnh nhân trẻ. Trong nhiều trường hợp, tập thể dục điều độ không những giúp bạn nhanh chóng phục hồi thể chất mà còn làm bạn lên tinh thần. Điều quan trọng là thành thật đánh giá tình trạng của bạn và đặt mục tiêu thực tế.

Học cách ứng xử. Nói sao nếu ai đó nhận xét thiếu suy nghĩ về tình cảnh của bạn? Kinh Thánh khuyên: “Đừng để lòng mọi lời người ta nói” (Truyền đạo 7:21). Đôi khi cách tốt nhất để đối phó với những lời như thế là lờ đi, hoặc bạn có thể ngăn tình huống đó xảy ra. Chẳng hạn, nếu người khác dường như lúng túng vì thấy bạn ngồi xe lăn, hãy trấn an họ bằng cách nói: “Có lẽ bạn thắc mắc tại sao mình ngồi xe lăn. Bạn có muốn biết không?”.

Đừng bỏ cuộc. Khi đối mặt với nỗi đau tột cùng, Chúa Giê-su đã cầu nguyện, tin cậy nơi Đức Chúa Trời và chú tâm vào niềm vui của ngài trong tương lai thay vì nỗi đau (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngài học từ những trải nghiệm gian khổ của mình (Hê-bơ-rơ 4:15, 16; 5:7-9). Ngài chấp nhận sự giúp đỡ và khích lệ (Lu-ca 22:43). Ngài tập trung vào lợi ích của người khác thay vì nỗi đau của bản thân.—Lu-ca 23:39-43; Giăng 19:26, 27.

Đức Giê-hô-va quan tâm đến bạn

Dù mắc căn bệnh nào đi nữa, bạn cũng đừng nghĩ là Đức Chúa Trời xem bạn kém giá trị. Ngược lại, Đức Giê-hô-va rất quý và xem trọng những người cố gắng làm ngài vui lòng (Lu-ca 12:7). Ngài quan tâm đến cá nhân bạn và vui lòng dùng bạn trong công việc của ngài dù bạn bị bệnh hay tàn tật.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Thế nên, đừng để nỗi sợ hay việc không biết chắc về tình trạng của mình cản trở bạn làm những điều bạn muốn và cần phải làm. Hãy luôn hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời để được hỗ trợ. Ngài hiểu nhu cầu và cảm xúc của bạn. Hơn nữa, ngài có thể ban “sức lực hơn mức bình thường” để giúp bạn chịu đựng (2 Cô-rinh-tô 4:7). Với thời gian, có lẽ bạn sẽ có cái nhìn lạc quan như Timothy, người được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên lúc 17 tuổi. Bạn ấy nói: “Theo 1 Cô-rinh-tô 10:13, Đức Giê-hô-va sẽ không để chúng ta chịu đựng quá sức. Mình lý luận rằng nếu Đấng Tạo Hóa tin chắc mình có thể đương đầu với thử thách này thì mình là ai mà dám cãi?”.

Nếu biết một người đang mắc bệnh

Nói sao nếu bạn khỏe mạnh nhưng biết ai đó đang bị bệnh hoặc tàn tật? Làm sao bạn có thể giúp người ấy? Bí quyết là biểu lộ “sự đồng cảm” và “lòng trắc ẩn dịu dàng” (1 Phi-e-rơ 3:8). Hãy cố gắng hiểu những gì người đó đang phải trải qua và nhìn những khó khăn theo quan điểm của họ thay vì của mình. Nina, một bạn bị chứng nứt đốt sống bẩm sinh, nói: “Vì mình có cơ thể nhỏ bé và phải ngồi xe lăn nên một vài người nói chuyện với mình như thể mình là con nít. Điều này làm mình nản lòng. Nhưng nhiều người cố gắng ngồi xuống ngang tầm với mình để nói chuyện. Mình thật sự thích vậy!”.

Nếu không chú ý vào bệnh tật của họ, bạn sẽ thấy rằng những người đang gặp vấn đề sức khỏe cũng giống như bạn. Hãy nghĩ về điều này: Lời nói của bạn có sức mạnh để ‘chia sẻ một món quà thiêng liêng’ cho những người ấy! Khi làm thế, bạn cũng sẽ cảm nghiệm được ân phước vì đó là sự “khích lệ lẫn nhau”.—Rô-ma 1:11, 12.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 13

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Vào lúc ấy... Không cư dân nào sẽ nói: ‘Tôi đau ốm’”.Ê-sai 33:23, 24.

MẸO

Sự hiểu biết làm giảm đi nỗi sợ về điều mà mình không biết. Vì vậy, hãy tìm hiểu về tình trạng của bạn càng nhiều càng tốt. Nếu chưa nắm rõ vấn đề nào đó, hãy hỏi bác sĩ một cách cụ thể.

BẠN CÓ BIẾT...?

Việc bạn mắc bệnh hay tàn tật không phải là do Đức Chúa Trời trừng phạt. Nhưng đó là hậu quả của sự bất toàn mà tất cả chúng ta đều phải gánh chịu từ A-đam.—Rô-ma 5:12.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Dù bị bệnh hay tàn tật, mình sẽ giữ quan điểm tích cực bằng cách: ․․․․․

Mình có thể đặt ra một mục tiêu thực tế là: ․․․․․

Nếu ai đó nói những lời thiếu tử tế về tình cảnh của mình, mình sẽ giữ cái nhìn thăng bằng qua việc: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Để giúp một người bị tàn tật hoặc mắc bệnh kinh niên, bạn có thể dùng thông tin nào trong chương này?

Nếu bị bệnh kinh niên, bạn có thể suy ngẫm về những điều tích cực nào để tận dụng hoàn cảnh của mình?

Làm thế nào bạn biết rằng sự đau đớn và bệnh tật không phải là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời không chấp nhận mình?

[Khung/Hình nơi trang 75]

DUSTIN, 22 tuổi

“Mình nhớ là đã khóc trong vòng tay của mẹ khi biết mình phải ngồi xe lăn. Lúc đó, mình chỉ mới tám tuổi.

Mình bị bệnh loạn dưỡng cơ. Mình cần người khác giúp để mặc quần áo, tắm rửa và cho ăn. Mình không thể nhấc nổi cánh tay lên. Nhưng đời sống mình luôn bận rộn, hạnh phúc và có nhiều điều để biết ơn. Mình phụng sự với tư cách phụ tá hội thánh và thường xuyên tham gia thánh chức. Thậm chí mình còn không cảm thấy cuộc sống nặng nề. Khi phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta luôn có điều gì đó để làm và trông đợi. Mình mong chờ thế giới mới của Đức Chúa Trời, nơi mình sẽ ‘nhảy như nai’”.Ê-sai 35:6.

[Khung/Hình nơi trang 75]

TOMOKO, 21 tuổi

“Khi mình mới bốn tuổi, bác sĩ nói với mình: ‘Cháu sẽ phải tiêm insulin suốt quãng đời còn lại’.

Kiểm soát lượng đường trong máu là một thách thức với người mắc bệnh tiểu đường. Thường mình không thể ăn khi muốn và khi không muốn thì phải ăn. Cho đến giờ mình đã tiêm khoảng 25.000 mũi, nên tay và đùi mình có những vết chai. Nhưng ba mẹ đã giúp mình tận dụng hoàn cảnh. Ba mẹ luôn vui vẻ, lạc quan và dạy mình biết quý trọng những điều thiêng liêng. Đức Giê-hô-va luôn tốt với mình. Khi sức khỏe cho phép, mình đã quyết định tỏ lòng biết ơn bằng cách tham gia thánh chức trọn thời gian”.

[Khung/Hình nơi trang 76]

JAMES, 18 tuổi

“Mọi người không biết phản ứng thế nào với một người dị dạng như mình.

Mình mắc một chứng lùn hiếm gặp. Mọi người xem trọng ngoại hình nên mình luôn cố gắng để chứng tỏ mình không phải là đứa nhỏ có giọng người lớn. Thay vì chán nản vì khác người thì mình tập trung vào con người thật của mình. Mình vui thích cuộc sống. Mình học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va xin ngài nâng đỡ. Gia đình luôn bên cạnh khích lệ mình. Mình trông đợi thời điểm Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ mọi bệnh tật. Trong lúc này, tuy sống với khuyết tật nhưng mình không để nó kiểm soát đời sống”.

[Khung/Hình nơi trang 76]

DANITRIA, 16 tuổi

“Mình biết có gì không ổn vì cảm thấy rất đau dù chỉ nhấc ly nước lên.

Chứng đau cơ xơ hóa gây ra nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần. Là một thiếu niên, mình muốn giống như bạn bè nhưng mọi thứ trở nên khó khăn hơn trước. Ngay cả ngủ cũng khó! Nhưng mình biết với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, mình có thể làm được những việc bình thường dù bị bệnh. Mình thậm chí có thể dành thêm thời gian cho thánh chức như làm tiên phong phụ trợ. Điều đó không dễ nhưng mình đã làm được. Mình cố gắng hết sức. Mình phải ‘lắng nghe’ cơ thể và biết giới hạn của mình. Nếu mình quên thì mẹ luôn nhắc nhở”.

[Khung/Hình nơi trang 77]

ELYSIA, 20 tuổi

“Mình từng là một học sinh giỏi. Nhưng giờ đây, đọc một câu đơn giản cũng là thách đố, và đôi khi điều này khiến mình chán nản.

Hội chứng mệt mỏi kinh niên khiến những hoạt động đơn giản trở nên khó khăn. Thậm chí, nhiều lúc mình không thể rời khỏi giường. Nhưng mình không bao giờ để bệnh tật trở thành đặc điểm của mình. Mình đọc Kinh Thánh mỗi ngày dù chỉ vài câu hoặc nhờ người nhà đọc cho nghe. Mình rất biết ơn gia đình. Ba thậm chí đã không nhận đặc ân trong một hội nghị để giúp mình tham dự hội nghị đó. Ba không bao giờ than phiền. Ba nói rằng đặc ân lớn nhất mà ba có là chăm sóc gia đình”.

[Khung/Hình nơi trang 77]

KATSUTOSHI, 20 tuổi

“Đột nhiên trong cơn hoảng loạn, mình la hét và co giật dữ dội, thậm chí đập vỡ và ném đồ xung quanh.

Mình mắc chứng động kinh từ khi lên năm và bị lên cơn đến bảy lần một tháng. Vì phải dùng thuốc mỗi ngày nên mình dễ mệt mỏi. Nhưng mình cố gắng nghĩ đến người khác chứ không chỉ bản thân. Trong hội thánh có hai anh phụng sự trọn thời gian cùng tuổi mình đã hỗ trợ mình rất nhiều. Khi tốt nghiệp trung học, mình đã gia tăng thánh chức. Mỗi ngày mình đều phải đấu tranh với chứng bệnh này. Những khi buồn nản thì mình phải nghỉ ngơi, và đến hôm sau thì thấy lạc quan hơn”.

[Khung/Hình nơi trang 78]

MATTHEW, 19 tuổi

“Thật khó để được bạn bè tôn trọng khi bạn không bình thường trước mắt họ.

Mình yêu thích thể thao nhưng không thể chơi được. Mình mắc bệnh bại não và ngay cả việc đi lại cũng khó khăn. Nhưng mình không tập trung vào những điều không thể làm. Mình tham gia tích cực vào những hoạt động mà mình có thể làm như đọc sách. Phòng Nước Trời là nơi mình không phải lo người khác nghĩ gì về mình. Cũng thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va yêu thương mình vì con người bề trong của mình. Thật ra, mình không xem mình là người khuyết tật nhưng xem đây là một thách thức đặc biệt phải vượt qua”.

[Khung/Hình nơi trang 78]

MIKI, 25 tuổi

“Mình từng chơi thể thao được. Nhưng khi đến tuổi thanh thiếu niên, đột nhiên mình cảm thấy như bị già đi.

Mình bị khuyết vách tâm nhĩ bẩm sinh, tức có một lỗ hổng trong tim. Các triệu chứng rõ rệt hơn khi mình tới tuổi thanh thiếu niên. Mình đã phẫu thuật, nhưng giờ đây sau sáu năm, mình vẫn dễ bị mệt và đau đầu kinh niên. Vì thế, mình đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và có thể đạt được. Ví dụ, mình là người truyền giáo trọn thời gian, và phần lớn là làm chứng qua thư hoặc điện thoại. Bệnh tật cũng giúp mình có được những đức tính mà mình chưa có, chẳng hạn như kiên nhẫn và khiêm tốn’’.

[Hình nơi trang 74]

Căn bệnh kinh niên có thể khiến bạn có cảm giác như bị giam cầm, nhưng Kinh Thánh cho bạn hy vọng về sự giải thoát