Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để đối phó với nỗi cô đơn?

Làm sao để đối phó với nỗi cô đơn?

CHƯƠNG 9

Làm sao để đối phó với nỗi cô đơn?

Đó là một ngày đẹp trời và bạn chẳng có kế hoạch gì. Nhưng tất cả bạn bè của bạn thì đi chơi vui vẻ với nhau. Một lần nữa, bạn bị cho ra rìa! Không được mời đi chung đã tệ rồi, nhưng nó còn cho thấy một điều còn tệ hơn. Bạn thầm nghĩ: “Chắc là mình có gì đó không ổn. Sao chẳng ai muốn kết bạn với mình?”.

Có lẽ nhiều lần bạn gặp phải tình huống như được miêu tả ở trang bên. Bạn cảm thấy như thể có một khoảng cách giữa bạn với bạn bè đồng lứa. Bạn lắp bắp mỗi khi cố gắng bắt chuyện với họ. Rồi đến khi cơ hội để giao tiếp thì bạn bị tính nhút nhát đánh bại. Tại sao việc giao tiếp đơn giản lại khó đến thế?

Thay vì tiếp tục tự cô lập mình với người khác, bạn có thể xây vài chiếc cầu nối. Hãy xem chúng ta làm điều đó bằng cách nào.

Khoảng cách 1: Có cái nhìn tiêu cực về bản thân. Một số bạn trẻ thường xuyên hạ thấp chính mình. Họ khăng khăng cho rằng chẳng ai thích mình và mình không thể góp vui vào câu chuyện. Bạn có cảm thấy như thế về chính mình không? Nếu có thì cái nhìn tiêu cực về bản thân sẽ làm cho khoảng cách giữa bạn với bạn đồng lứa xa hơn.

Cầu nối: Hãy tập trung vào ưu điểm (2 Cô-rinh-tô 11:6). Hãy tự hỏi: “Thế mạnh của mình là gì?”. Hãy nghĩ đến một số năng khiếu hoặc những đức tính tốt của bạn và ghi ra bên dưới.

․․․․․

Chắc chắn bạn có những thiếu sót, và ý thức được điều đó là tốt (1 Cô-rinh-tô 10:12). Nhưng bạn cũng có nhiều thứ để cho đi. Khi nhận ra ưu điểm của bản thân, bạn sẽ có đủ tự tin để không nghĩ tiêu cực về chính mình.

Khoảng cách 2: Tính nhút nhát. Bạn rất thích bắt chuyện nhưng khi có cơ hội thì bạn dường như không thể mở miệng. Elizabeth, 19 tuổi, than rằng: “Vốn là đứa nhút nhát nên mình rất khó tiếp xúc với mọi người tại buổi nhóm họp. Mình thật sự ngưỡng mộ những ai có thể làm thế!”. Nếu ở trong trường hợp giống như Elizabeth, có lẽ bạn cảm thấy không thể nào vượt qua được khoảng cách này.

Cầu nối: Quan tâm chân thành đến người khác. Đừng lo lắng, bạn không cần phải là nhà ngoại giao. Hãy bắt đầu bằng cách biểu lộ lòng quan tâm đến chỉ một người. Một bạn trẻ tên Trường nói: “Chỉ đơn giản hỏi thăm về sức khỏe hoặc công việc sẽ giúp bạn hiểu họ nhiều hơn”.

Gợi ý: Đừng chỉ chơi với bạn đồng lứa. Một số tình bạn thân nhất được ghi lại trong Kinh Thánh là giữa những người cách xa về tuổi tác, chẳng hạn như Ru-tơ và Na-ô-mi, Đa-vít và Giô-na-than, Ti-mô-thê và Phao-lô (Ru-tơ 1:16, 17; 1 Sa-mu-ên 18:1; 1 Cô-rinh-tô 4:17). Một cuộc nói chuyện phải đến từ hai phía, chứ không phải là màn độc thoại. Mọi người đều quý trọng những người biết lắng nghe. Vì vậy, nếu bạn có tính nhút nhát thì hãy nhớ rằng bạn không cần thao thao bất tuyệt trong cuộc trò chuyện!

Hãy viết tên hai người lớn mà bạn muốn hiểu rõ hơn.

․․․․․

Hãy đến gặp một trong hai người mà bạn đã liệt kê ở trên và cố gắng bắt chuyện với họ. Càng tìm cơ hội nói chuyện với “cả đoàn thể anh em”, bạn sẽ càng bớt cô đơn.—1 Phi-e-rơ 2:17.

Khoảng cách 3: Có thái độ khó chịu. Kẻ ra vẻ ta đây luôn sẵn sàng dùng lời xúc phạm, mỉa mai hoặc hạ thấp người khác. Cũng có người chỉ thích tranh cãi và áp đặt ý kiến của mình lên mọi người. Vì “công chính quá”, họ vội lên án bất cứ ai không sống theo tiêu chuẩn riêng của mình (Truyền đạo 7:16). Chắc bạn không chịu đựng nổi những người đó! Tuy nhiên, có thể nào khoảng cách hình thành là do chính bạn cư xử như vậy không? Kinh Thánh nói: “Kẻ dại cứ nói mãi” và “nói lắm lời ắt không tránh khỏi vi phạm”.—Truyền đạo 10:14; Châm ngôn 10:19.

Cầu nối: Tập đồng cảm (1 Phi-e-rơ 3:8). Dù bạn không đồng ý với quan điểm của người khác, hãy kiên nhẫn để họ nói. Hãy tập trung vào những điểm mà bạn đồng tình. Nếu bạn không đồng ý về vấn đề nào đó thì hãy bày tỏ ý kiến cách khéo léo và ôn hòa.

Hãy nói với người khác theo cách bạn muốn họ nói với mình. Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục làm mọi việc mà không cằn nhằn và cãi cọ” (Phi-líp 2:14). Tranh luận vô ích, trêu chọc, xúc phạm hoặc kết án người khác theo sự công chính của riêng mình sẽ chỉ làm người khác xa lánh bạn. Họ sẽ thích bạn hơn nếu lời nói của bạn “luôn hòa nhã”.—Cô-lô-se 4:6.

Phải có bạn bằng mọi giá?

Sau khi xem xét những điểm trên, có lẽ bạn thấy một số cách để xây cầu nối giữa bạn với người khác. Dĩ nhiên, bạn phải thực tế. Bạn không thể mong mọi người đều thích mình. Chúa Giê-su nói rằng một số người thậm chí sẽ ghét những ai làm điều đúng (Giăng 15:19). Vậy, không ích gì khi cố gắng có được bạn bè bằng mọi giá!

Tuy nhiên, bạn có thể gắng sức để trở nên dễ hòa hợp mà không thỏa hiệp những tiêu chuẩn dựa trên Kinh Thánh. Một nhân vật Kinh Thánh là Sa-mu-ên đã kiên quyết làm điều đẹp lòng Đức Chúa Trời. Kết quả là gì? Cậu ấy “tiếp tục lớn lên và càng được Đức Giê-hô-va cùng mọi người quý mến” (1 Sa-mu-ên 2:26). Nếu nỗ lực, bạn cũng sẽ được như vậy!

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 8

Để biết thêm thông tin, xin xem DVD “Giới trẻ thắc mắc—Làm sao tìm được người bạn đích thực?” có trong hơn 40 ngôn ngữ

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn thân của bạn tự nhiên hành động như một kẻ thù tệ hại nhất. Bạn có thể làm gì?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Ai làm người khác tươi tỉnh, chính mình sẽ được tươi tỉnh”.​Châm ngôn 11:25.

MẸO

Hãy giữ cho cuộc trò chuyện tiếp tục. Ví dụ, nếu ai đó hỏi bạn cuối tuần qua có vui không, đừng chỉ nói có nhưng hãy giải thích tại sao. Sau đó, hãy hỏi người ấy đã làm gì vào cuối tuần.

BẠN CÓ BIẾT...?

Kinh Thánh cho thấy rằng có thể Môi-se, Giê-rê-mi và Ti-mô-thê là người nhút nhát.​—Xuất Ai Cập 3:11, 13; 4:1, 10; Giê-rê-mi 1:6-8; 1 Ti-mô-thê 4:12; 2 Ti-mô-thê 1:6-8.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Trở ngại lớn nhất để mình kết bạn là: ․․․․․

Mình sẽ xây cầu nối trong trường hợp này bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô lại cô đơn?

● Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực chế ngự, điều gì có thể giúp bạn có cái nhìn thăng bằng về bản thân?

● Nếu em bạn đang đấu tranh với nỗi cô đơn, bạn an ủi em ấy như thế nào?

[Câu nổi bật nơi trang 88]

“Một chị trong hội thánh cố gắng kết bạn với mình, nhưng trong một thời gian mình đã làm ngơ. Sau này nghĩ lại, mình cảm thấy thật ngốc nghếch. Giờ đây, chị là một trong những người bạn thân nhất của mình, dù chị hơn mình đến 25 tuổi!”.—Marie

[Hình nơi trang 87]

Bạn có thể nối liền khoảng cách giữa mình với bạn đồng lứa