Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nói về người khác có gì xấu không?

Nói về người khác có gì xấu không?

CHƯƠNG 12

Nói về người khác có gì xấu không?

“Lần nọ, mình đi dự một bữa tiệc và hôm sau có tin đồn là mình đã ‘qua đêm’ với một anh chàng ở đó. Đúng là bịa đặt!”.—Mai.

“Thỉnh thoảng, mình nghe đồn là mình đang cặp với một người mà mình thậm chí không hề biết! Nhiều người phao tin một cách vô căn cứ”.—Minh.

Khi người khác nói về bạn, họ có thể thêm thắt tình tiết vào đời tư của bạn còn hơn cả phim. Amber, 19 tuổi, nói: “Mình luôn là nạn nhân của trò đó. Người ta đồn nào là mình có thai, phá thai, mua bán và sử dụng ma túy. Sao họ lại nói về mình như vậy?”.

Với e-mail và tin nhắn, một người ác ý có thể hủy hoại danh tiếng của bạn mà không cần nói một lời. Họ chỉ cần gõ vài chữ để gửi tin đồn hiểm độc đến hàng tá người “đói” tin! Trong nhiều trường hợp, người ta lập một trang web chỉ để làm bẽ mặt ai đó. Phổ biến hơn là những trang nhật ký trực tuyến chứa đầy chuyện thày lay mà không bao giờ được nói trong đời thực.

Nói về người khác lúc nào cũng xấu?

Đánh dấu đúng hoặc sai vào câu sau:

Nói về người khác là thói xấu. □ Đúng □ Sai

Câu trả lời nào đúng? Tùy vào từng trường hợp. Nếu bạn chỉ nói chuyện bình thường về người khác thì đôi lúc cũng thích hợp. Thật ra, Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy quan tâm đến người khác (Phi-líp 2:4). Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bàn tán chuyện của họ (1 Phi-e-rơ 4:15). Có những cuộc nói chuyện cung cấp thông tin hữu ích, chẳng hạn ai sắp kết hôn hay ai mới sinh em bé. Sự thật là chúng ta không thể cho rằng mình quan tâm đến người khác nếu không bao giờ nói về họ!

Dù vậy, cuộc nói chuyện bình thường cũng có thể trở thành thày lay. Ví dụ, một nhận xét vô tư như: “Nếu Bảo và Ly cặp với nhau thì sẽ rất hợp” có lẽ được chuyển thành: “Bảo và Ly đang cặp với nhau”, dù hai người ấy không biết gì về chuyện tình tin đồn của họ. Có lẽ bạn nghĩ: “Nói thế có sao đâu”. Tất nhiên là vậy, vì bạn đâu phải là Bảo và Ly!

Julie, 18 tuổi, là nạn nhân của thói nhiều chuyện như thế và bạn ấy đã bị tổn thương. Bạn ấy nói: “Chuyện đó làm mình tức giận và khó tin cậy người khác”. Jane, 19 tuổi, gặp phải tình huống tương tự. Jane nói: “Rốt cuộc mình tránh mặt cậu bạn bị gán ghép với mình. Thật bất công, giữa bạn bè với nhau thì đáng lẽ tụi mình phải được thoải mái nói chuyện mà không bị đồn đại!”.

Cẩn thận lèo lái cuộc nói chuyện

Làm thế nào bạn có thể kiểm soát lời nói khi bị lôi cuốn vào chuyện thày lay? Để trả lời câu hỏi này, hãy nghĩ về kỹ năng cần thiết để lái xe trên đường cao tốc tấp nập. Một tình huống bất ngờ có thể xảy ra buộc bạn phải chuyển làn đường, nhường đường hoặc dừng lại. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy những điều ở phía trước và phản ứng cách phù hợp.

Tương tự, thường thì bạn có thể nhận ra lúc nào cuộc nói chuyện chuyển thành thày lay. Khi đó, bạn có thể khéo léo “chuyển làn đường” không? Nếu không thì hãy nhớ rằng thói nhiều chuyện sẽ gây tổn hại. Mike kể: “Mình đã nói xấu một bạn nữ là bạn ấy ‘mê trai’, và chuyện đó đã tới tai bạn ấy. Mình không bao giờ quên được giọng nói của bạn ấy khi đứng trước mặt mình, những lời thiếu suy nghĩ của mình đã làm bạn ấy tổn thương nặng nề. Tuy tụi mình đã giải quyết ổn thỏa, nhưng mình vẫn thấy không vui vì đã làm tổn thương người khác!”.

Chắc chắn lời nói có thể gây tổn thương. Kinh Thánh công nhận rằng “lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm” (Châm ngôn 12:18). Vì thế, bạn càng phải cân nhắc trước khi nói! Đúng là phải biết tự chủ để ngưng bàn tán về đời tư của người khác. Carolyn, 17 tuổi, cho biết: “Hãy cẩn thận về những điều mình nói. Nếu nó không đến từ một nguồn đáng tin cậy thì có thể bạn đang lan truyền điều dối trá”. Vì vậy, khi bạn thấy cuộc nói chuyện có chiều hướng thành thày lay, hãy áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là “cố gắng hết sức để sống cuộc đời bình lặng, đừng xen vào chuyện người khác”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11.

Làm thế nào bạn có thể bày tỏ sự quan tâm đến người khác mà không xen vào chuyện riêng của họ? Trước khi nói về ai đó, hãy tự hỏi: “Mình có biết chắc đây là sự thật không? Động lực của mình là gì khi nói ra thông tin này? Thói nhiều chuyện sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của mình ra sao?”. Câu hỏi cuối rất quan trọng vì thói nhiều chuyện nói lên tính cách của bạn nhiều hơn là của người mà bạn đang nói tới.

Khi bạn là nạn nhân

Bạn có thể làm gì nếu là nạn nhân của thói nhiều chuyện? Truyền đạo 7:9 cảnh báo: “Chớ vội buồn giận”. Thay vì thế, hãy cố gắng giữ thăng bằng. Kinh Thánh nói: “Đừng để lòng mọi lời người ta nói,... bởi trong lòng con thừa biết đã bao lần chính mình cũng cầu họa cho người khác”.—Truyền đạo 7:21, 22.

Tất nhiên, không gì có thể bào chữa cho thói nhiều chuyện. Nhưng phản ứng thái quá có thể gây tổn hại thêm cho thanh danh của bạn. Hãy tập có quan điểm như Trâm: “Mình thường bị tổn thương khi nghe người khác nói xấu về mình, nhưng mình cố giữ quan điểm thăng bằng. Có lẽ lần sau họ cũng sẽ nói về ai hay chuyện gì khác mà”. *

Vậy, hãy khôn ngoan lèo lái cuộc nói chuyện để không trở thành thày lay. Nếu tin đồn có liên quan đến bạn, hãy cho thấy sự trưởng thành bằng cách không phản ứng thái quá. Hãy để việc làm tốt của bạn nói thay cho mình (1 Phi-e-rơ 2:12). Khi làm thế, bạn sẽ gìn giữ mối quan hệ tốt với người khác và có vị thế tốt trước mắt Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 20 Trong một số trường hợp, điều khôn ngoan là gặp và tế nhị nói chuyện với người phao tin. Nhưng có lúc việc này cũng không cần thiết vì “tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:8.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Người canh giữ miệng mình là bảo toàn mạng sống, nhưng kẻ hở môi quá đi đến chỗ hủy hoại”.​Châm ngôn 13:3.

MẸO

Nếu nghe chuyện thày lay, bạn có thể đáp lại bằng cách nói: “Mình cảm thấy không thoải mái để nói về chuyện này. Suy cho cùng, bạn ấy đâu có ở đây để giải thích”.

BẠN CÓ BIẾT...?

Có thể bạn phải chịu một phần trách nhiệm dù chỉ nghe chuyện thày lay. Nếu để người thày lay kể hết câu chuyện, bạn đang cho phép thông tin lan truyền cách nhanh chóng!

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu bị lôi cuốn vào chuyện phao tin đồn về người khác, mình sẽ ․․․․․

Nếu người khác nói xấu mình, mình sẽ đối phó với tình huống đó bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Khi nào là thích hợp để nói về chuyện của người khác?

● Bạn đã từng là nạn nhân của thói nhiều chuyện chưa? Nếu thế, bạn rút ra bài học gì từ lần đó?

● Thày lay chuyện người khác có thể hủy hoại thanh danh của bạn như thế nào?

[Câu nổi bật nơi trang 107]

“Mình rút ra bài học nhớ đời khi người bị mình nói xấu đã phát hiện và đến gặp mình. Không có cách nào để tránh né vấn đề đó! Mình học được rằng nói thẳng với ai đó còn hơn là nói sau lưng họ!.—Phượng

[Hình nơi trang 108]

Chuyện thày lay giống như một vũ khí nguy hiểm có thể hủy hoại thanh danh người khác