Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải làm sao nếu cha mẹ nghiện ngập?

Phải làm sao nếu cha mẹ nghiện ngập?

CHƯƠNG 23

Phải làm sao nếu cha mẹ nghiện ngập?

“Ba nói là đi sửa xe nhưng cả ngày vẫn chưa thấy về. Mẹ gọi điện nhưng ba không bắt máy. Một lúc sau, mình thấy mẹ có vẻ lo lắng và sắp đi ra ngoài. Mẹ nói: ‘Để mẹ đi xem ba con ở đâu’.

Rồi khi mẹ trở về, mình hỏi: ‘Ba đi sửa xe hả mẹ?’. Mẹ đáp: ‘Không’.

Y như lần trước, ba lại chứng nào tật nấy. Ba mình nghiện ma túy. Khi ba về, hai mẹ con rất lo lắng và sợ hãi. Cả ngày hôm sau mình chẳng thèm nhìn mặt ba, dù mình không muốn đối xử với ba như vậy”.—Karen, 14 tuổi.

Hàng triệu bạn trẻ phải sống trong cảm giác bất an vì có cha nghiện rượu hoặc ma túy. * Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ, thất vọng và thậm chí tức giận.

Chẳng hạn, những người xung quanh nghĩ rằng Mary có một người cha tử tế. Nhưng ở nhà, ông ấy là người nghiện rượu, chửi tục và ngược đãi gia đình. Mary cay đắng kể: “Người ta cứ nói mình thật may mắn khi có một người cha tuyệt vời”. *

Nếu cha nghiện rượu hoặc ma túy, bạn có thể đương đầu như thế nào?

Nguyên nhân dẫn đến nghiện ngập

Trước tiên, hãy thấu hiểu vấn đề của cha. Châm ngôn 1:5 nói: “Người hiểu biết có được sự hướng dẫn khéo léo”. Do đó, sẽ có ích nếu bạn tìm hiểu chứng nghiện rượu hoặc ma túy là gì, ai thường bị nghiện và tại sao.

Ví dụ, một người thỉnh thoảng mới quá chén thì không hẳn là nghiện rượu. Người nghiện rượu là người thường xuyên say sưa. Người nghiện rượu thì mê rượu và không thể kiểm soát lượng rượu mình uống. Thói nghiện này gây nhiều tai hại cho gia đình, công việc và sức khỏe.

Dù có lẽ một số người nghiện rượu là do khuynh hướng có sẵn, nhưng số khác là do các yếu tố tâm lý tác động. Trên thực tế, những người nghiện thường thất vọng về bản thân (Châm ngôn 14:13). Nhiều người trong số họ có cha mẹ nghiện rượu. Họ cho rằng rượu bia có thể xoa dịu những vết thương lòng trong quá khứ. Đối với người nghiện ma túy thì cũng tương tự thế.

Tuy nhiên, uống rượu hoặc dùng ma túy chỉ gây thêm vấn đề, khiến lối suy nghĩ và cảm xúc của họ càng lệch lạc hơn. Chính vì thế, có lẽ cha bạn cần sự giúp đỡ từ chuyên gia để thoát khỏi chứng nghiện ngập.

Hãy thực tế

Đúng là hiểu được lý do cha nghiện ngập cũng không xóa đi vấn đề. Nhưng việc thấu hiểu hoàn cảnh sẽ giúp bạn cảm thông cho cha.

Ví dụ, bạn có mong được chơi bóng đá với cha khi ông đang bị gãy chân không? Nói sao nếu bạn biết cha bị như thế là do ông tự gây ra. Tất nhiên là bạn sẽ thất vọng. Nhưng dù sao bạn cũng hiểu rằng cha sẽ không thể chơi bóng với mình cho tới khi hồi phục. Hiểu được điều này sẽ giúp bạn có mong đợi hợp lý.

Tương tự, khi nghiện rượu hoặc ma túy, cha sẽ mất thăng bằng về cảm xúc và tâm lý. Đó là “chấn thương” mà ông tự gây ra cho mình. Có lẽ bạn thấy bực tức với cha vì những hành động thiếu khôn ngoan của ông. Thế nhưng, chừng nào còn chưa cai nghiện thì chừng đó ông chưa thể chu toàn trách nhiệm làm cha. Nếu xem thói nghiện ngập của cha như một chấn thương chưa lành, bạn sẽ có mong đợi thực tế hơn.

Điều bạn có thể làm

Sự thật là bạn vẫn phải chịu đựng cho tới khi cha thay đổi. Trong khi chờ đợi, bạn có thể làm gì?

Đừng gánh trách nhiệm cho cha. Chính cha bạn phải chịu trách nhiệm. Nơi Ga-la-ti 6:5 nói: “Mỗi người sẽ gánh lấy phần riêng của mình”. Thế nên, bạn không có trách nhiệm chữa trị hoặc phải giúp cha thoát khỏi hậu quả. Ví dụ, bạn không cần bịa chuyện để bao che hoặc dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi cha say bí tỉ.

Động viên. Đôi khi vấn đề lớn nhất của cha là thừa nhận ông đang có vấn đề. Khi cha tỉnh rượu, mẹ và những người con lớn trong nhà có thể nói cho cha biết là những hành vi của ông đang ảnh hưởng tới gia đình ra sao và ông cần phải làm gì.

Ngoài ra, cha cần suy nghĩ về những câu hỏi sau: “Nếu mình cứ tiếp tục uống rượu hoặc dùng ma túy thì gia đình mình sẽ ra sao? Nếu mình bỏ thói xấu này thì gia đình mình sẽ tốt hơn không? Phải làm sao để cai nghiện?”.

Khi thấy nguy hiểm, hãy đi chỗ khác. Châm ngôn 17:14 nói: “Hãy tránh đi trước khi cuộc cãi lộn bùng nổ”. Đừng liều lĩnh xen vào cuộc cãi vã. Nếu được thì hãy về phòng hoặc đi đến nhà một người bạn. Khi có nguy cơ bị hành hung, bạn phải kêu cứu.

Hiểu cảm xúc của chính mình. Một số bạn trẻ cảm thấy có lỗi khi oán giận người cha nghiện ngập. Ở một mức độ nào đó, cảm giác tức giận cũng là lẽ đương nhiên, nhất là khi thói nghiện cản trở cha yêu thương và chu cấp cho bạn. Thật ra, Kinh Thánh cho biết bạn có bổn phận phải hiếu kính cha (Ê-phê-sô 6:2, 3). Nhưng “hiếu kính” có nghĩa là tôn trọng quyền của cha, giống như bạn tôn trọng quyền của cảnh sát hay quan tòa. Điều này không có nghĩa là phải chấp nhận thói nghiện của cha (Rô-ma 12:9). Bạn cũng không nên cảm thấy có lỗi khi căm ghét thói nghiện của cha, vì suy cho cùng, thói nghiện đó đúng là đáng căm ghét!—Châm ngôn 23:29-35.

Tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng. Khi cuộc sống trong gia đình bị đảo lộn, bạn có thể đánh mất quan điểm thăng bằng. Do đó, điều quan trọng bạn cần làm là kết hợp với những người có tinh thần lạc quan và có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va. Các thành viên trong hội thánh có thể khích lệ và hỗ trợ bạn, cũng như giúp bạn giải tỏa những căng thẳng (Châm ngôn 17:17). Kết hợp với họ sẽ giúp bạn thấy những gương tốt thay vì gương xấu ở nhà.

Tìm sự giúp đỡ. Hãy chia sẻ cảm xúc với một người lớn đáng tin cậy. Các trưởng lão trong hội thánh sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Kinh Thánh nói rằng họ giống như “một nơi núp gió, một nơi ẩn náu tránh cơn mưa bão, như các dòng nước trong xứ khô hạn, bóng vách đá lớn trong đất cằn cỗi” (Ê-sai 32:2). Thế nên, đừng ngại đến gặp họ để xin lời khuyên và được an ủi.

Trong sáu cách trên, bạn muốn áp dụng cách nào trước tiên? Hãy viết ra. ․․․․․

Dù không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng đừng để nó chi phối bạn. Thay vì cố gắng kiểm soát cha, hãy tập trung kiểm soát chính mình. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi” (Phi-líp 2:12). Khi làm thế, bạn giữ được tinh thần lạc quan và biết đâu điều đó sẽ thôi thúc cha cai nghiện.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Phải làm gì nếu cha mẹ cãi nhau suốt ngày? Làm thế nào để đối phó với sự xáo trộn về cảm xúc?

[Chú thích]

^ đ. 6 Những nguyên tắc thảo luận trong chương này áp dụng cho cả cha lẫn mẹ.

^ đ. 7 Nếu bị người cha nghiện rượu ngược đãi, bạn cần tìm sự giúp đỡ. Hãy nói với một người lớn mà bạn tin cậy. Nếu là Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn có thể nói với một trưởng lão trong hội thánh hoặc một anh chị thành thục khác.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Nhờ sáng suốt, một người chậm nóng giận”.Châm ngôn 19:11.

MẸO

Đừng ghét cha mẹ nhưng hãy tập ghét những hành vi sai trái của họ.​—Châm ngôn 8:13; Giu-đe 23.

BẠN CÓ BIẾT...?

Trong Kinh Thánh, từ được dịch là “hiếu kính” có nghĩa là công nhận uy quyền chính đáng của một người (Ê-phê-sô 6:1, 2). Do đó, việc hiếu kính cha mẹ không đòi hỏi bạn phải chấp nhận mọi hành vi của họ.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu bị cha/mẹ chửi mắng hoặc đánh đập, mình sẽ ․․․․․

Mình có thể động viên cha/mẹ cai nghiện bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Điều gì khiến một số người nghiện rượu hoặc ma túy?

Tại sao bạn không cần chịu trách nhiệm cho thói nghiện của cha/mẹ?

Bạn có thể kiểm soát những khía cạnh nào trong hoàn cảnh của mình? Và bạn làm thế ra sao?

[Câu nổi bật nơi trang 192]

“Dù vấn đề của cha mẹ có thể làm mình xấu hổ, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình chịu đựng nếu tin cậy nơi ngài”.—Mạnh

[Khung nơi trang 198]

Nếu cha mẹ ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va

Giả sử cha/mẹ bạn ngưng làm theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, thậm chí không muốn thuộc về hội thánh nữa. Bạn có thể làm gì?

Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bắt bạn chịu trách nhiệm cho lối sống của cha mẹ. Kinh Thánh nói: “Mỗi người chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 14:12.

Hãy tránh so sánh mình với những bạn trẻ có hoàn cảnh tốt hơn (Ga-la-ti 5:26). Một thanh niên bị cha bỏ rơi nói rằng: “Thay vì cứ nghĩ về chuyện đó thì tốt hơn là tập trung vào những cách đương đầu với hoàn cảnh”.

Hãy tiếp tục kính trọng người cha/mẹ cố chấp của mình. Hãy vâng lời cha mẹ nếu những đòi hỏi của họ không trái với tiêu chuẩn Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho con cái phải hiếu kính cha mẹ ngay cả khi họ không phải là người tin đạo (Ê-phê-sô 6:1-3). Khi hiếu kính và vâng lời cha mẹ cho dù họ làm điều sai trái, bạn chứng tỏ mình yêu thương Đức Giê-hô-va.—1 Giăng 5:3.

Hãy gắn bó với hội thánh. Bạn sẽ nhận được sự an ủi từ gia đình thiêng liêng (Mác 10:30). Một anh trẻ tên David từng lo sợ mình sẽ bị những người trong hội thánh tránh né, vì cha anh đã ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng David nhận ra nỗi sợ của mình thật vô lý. Anh nói: “Các anh chị không làm gì để mình cảm thấy là mình bị ruồng bỏ. Nhờ vậy, mình tin chắc hội thánh thật sự quan tâm đến mình”.

[Hình nơi trang 194]

Nếu xem thói nghiện ngập của cha như một chấn thương chưa lành, bạn sẽ có mong đợi thực tế hơn