Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để bênh vực niềm tin nơi Đức Chúa Trời?

Làm sao để bênh vực niềm tin nơi Đức Chúa Trời?

CHƯƠNG 36

Làm sao để bênh vực niềm tin nơi Đức Chúa Trời?

Điều gì thường cản trở bạn nói về niềm tin của mình với bạn học?

□ Không hiểu rõ Kinh Thánh

□ Sợ bị chế giễu

□ Không biết cách bắt chuyện

Bạn thấy cách nào dễ nhất để nói về niềm tin của mình?

□ Nói với từng người

□ Nói trước cả lớp

□ Viết một bài về niềm tin dựa trên Kinh Thánh

Hãy viết tên một bạn học mà bạn nghĩ sẽ chấp nhận thảo luận Kinh Thánh nếu bạn biết cách gợi chuyện. ․․․․․

Đối với các bạn học, có lẽ đề tài về Đức Chúa Trời không hấp dẫn cho lắm. Bàn về những thứ như thể thao, thời trang hoặc người khác phái thì ai cũng ríu ra ríu rít. Nhưng khi nhắc đến Đức Chúa Trời thì bầu không khí trở nên yên lặng.

Không phải vì họ không tin nơi Đức Chúa Trời, chỉ là một số người cảm thấy ngượng khi nói về đề tài này. Có lẽ họ nghĩ: “Chẳng ai quan tâm đâu”.

Còn bạn thì sao?

Việc bạn ngại nói với bạn học về Đức Chúa Trời cũng là điều dễ hiểu. Nói về đức tin của mình có thể khiến bạn bị tẩy chay hoặc bị chọc ghẹo. Hẳn không ai muốn như thế. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết nhiều bạn học đang tìm lời giải đáp cho những câu hỏi như: “Tại sao thế giới này có quá nhiều vấn đề? Thế giới này đang đi về đâu?”. Có thể họ muốn thảo luận điều này với bạn đồng lứa hơn là với người lớn.

Dù sao đi nữa, nói với bạn học về tôn giáo có thể là một thách đố. Có lẽ bạn sợ không biết phải nói gì hoặc nghĩ rằng bạn bè sẽ xem mình là người cuồng tín. Nói về niềm tin của bản thân tương tự như chơi một nhạc cụ. Lúc đầu có vẻ khó, nhưng nếu luyện tập thì dần dần sẽ dễ hơn và nỗ lực của bạn sẽ đáng công. Bạn có thể bắt chuyện bằng cách nào?

Thường thì bạn có thể tìm một đề tài dễ bắt chuyện, chẳng hạn như khi các bạn ở trường đang bàn về một tin tức thời sự nào đó, bạn có thể chêm vào quan điểm của mình dựa trên Kinh Thánh. Hoặc bạn có thể thử nói chuyện với chỉ một người. Để dễ hơn, một số tín đồ trẻ thử đặt một ấn phẩm về Kinh Thánh trên bàn để gợi sự chú ý của bạn học. Thường thì ai đó sẽ chú ý và một cuộc thảo luận bắt đầu.

Trong những cách trên, bạn có thể thử cách nào? ․․․․․

Bạn có cách khác để nói với bạn học về niềm tin của mình không? Nếu có, hãy viết ra.

․․․․․

Đôi khi, bài tập ở trường sẽ cho bạn cơ hội làm chứng. Ví dụ, bạn sẽ làm gì khi cả lớp thảo luận về sự tiến hóa? Bạn có thể bênh vực niềm tin về sự sáng tạo ra sao?

Bênh vực niềm tin về sự sáng tạo

Một bạn tên Ryan nói: “Khi cả lớp thảo luận về thuyết tiến hóa, mình thấy nó hoàn toàn khác với những gì mình được dạy. Thuyết này được trình bày như một sự thật nên mình cảm thấy hơi lo”. Một bạn nữ tên Phương cũng chia sẻ điều tương tự: “Mình thấy sợ khi biết bài tới sẽ học về thuyết tiến hóa. Việc đứng trước cả lớp để giải thích niềm tin của mình về vấn đề này không dễ chút nào”.

Bạn cảm thấy thế nào khi cả lớp bàn về thuyết tiến hóa? Bạn tin Đức Chúa Trời “tạo nên muôn vật”, và thấy mọi nơi đều có bằng chứng của những thiết kế thông minh (Khải huyền 4:11). Nhưng sách giáo khoa cũng như thầy cô đều cho rằng sự sống là do tiến hóa. Bạn thầm nghĩ: “Mình là ai mà dám bất đồng ý kiến với những ‘chuyên gia’ đó?”.

Đừng lo, bạn không phải là người duy nhất không tin vào thuyết tiến hóa! Trên thực tế, nhiều giáo viên, học sinh và thậm chí một số nhà khoa học cũng không chấp nhận thuyết này.

Tuy nhiên, để bênh vực niềm tin về sự sáng tạo, bạn cần biết Kinh Thánh thật sự dạy gì. Bạn không cần phải tranh cãi về những điều mà Kinh Thánh không trực tiếp nói đến. Hãy xem một số ví dụ.

Sách giáo khoa nói rằng trái đất và hệ mặt trời đã tồn tại hàng tỉ năm. Kinh Thánh nói rằng trái đất và vũ trụ hiện hữu trước ngày sáng tạo đầu tiên. Do đó, rất có thể trái đất và hệ mặt trời đã tồn tại hàng tỉ năm.—Sáng thế 1:1.

Thầy cô nói rằng trái đất không thể nào được tạo dựng chỉ trong sáu ngày. Kinh Thánh không nói rằng mỗi ngày sáng tạo có 24 giờ theo nghĩa đen.

Cả lớp bàn luận một số trường hợp về sự thay đổi của loài thú và loài người theo thời gian. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra mọi vật sống “tùy theo loài” (Sáng thế 1:20, 21). Kinh Thánh không tán thành sự sống đến từ chất vô sinh hay Đức Chúa Trời bắt đầu quá trình tiến hóa với một đơn bào. Dù vậy, mỗi “loài” có nhiều giống khác nhau. Thế nên, theo Kinh Thánh, sự biến đổi có thể diễn ra trong mỗi “loài”.

Khi xem xét những điều được thảo luận trong chương này, bạn sẽ nói sao nếu giáo viên hoặc bạn học cho rằng:

“Khoa học đã chứng minh chúng ta là sản phẩm của sự tiến hóa”. ․․․․․

“Tôi không tin nơi Đức Chúa Trời vì tôi không nhìn thấy ngài”. ․․․․․

Tin chắc về niềm tin của mình!

Nếu lớn lên trong gia đình theo đạo Đấng Ki-tô, có lẽ bạn tin nơi sự sáng tạo vì đã được dạy như thế. Nhưng giờ đây khi lớn lên, bạn muốn thờ phượng Đức Chúa Trời “với lý trí” và có một nền tảng đức tin vững chắc (Rô-ma 12:1). Vì thế, hãy tự hỏi: “Điều gì khiến mình tin có Đấng Tạo Hóa?”. Sam, 14 tuổi, đã nói về cơ thể con người như sau: “Cơ thể có rất nhiều chi tiết phức tạp và tất cả các bộ phận đều hòa hợp với nhau. Cơ thể con người không thể nào do tiến hóa mà có!”. Holly, 16 tuổi, cũng đồng ý và nói: “Từ khi bị mắc bệnh tiểu đường, mình hiểu nhiều hơn về cách cơ thể hoạt động. Ví dụ, tuyến tụy là cơ quan rất nhỏ nằm phía sau bao tử, nhưng nó có chức năng rất lớn là giúp cho máu và các cơ quan khác hoạt động. Thật ngạc nhiên!”.

Hãy liệt kê ba điều thuyết phục bạn tin có Đấng Tạo Hóa.

1. ․․․․․

2. ․․․․․

3. ․․․․․

Bạn không cần phải cảm thấy ngượng vì tin nơi Đức Chúa Trời và sự sáng tạo. Khi xem xét các bằng chứng, thật hợp lý để tin rằng con người hiện hữu là do sự thiết kế thông minh.

Suy cho cùng, để tin vào thuyết tiến hóa thì cần nhiều đức tin hơn là tin vào sự sáng tạo. Điều này cũng giống như việc bắt bạn phải tin có phép lạ trong khi không có ai làm phép lạ đó. Khi dùng lý trí để nghiên cứu kỹ đề tài này, bạn sẽ thấy tự tin bênh vực niềm tin nơi Đức Chúa Trời hơn.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Những bạn trạc tuổi của bạn đã báp-têm. Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng làm bước này chưa?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Tôi không hổ thẹn về tin mừng; thật vậy, tin mừng là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu rỗi mọi người có đức tin”.Rô-ma 1:16.

MẸO

Hãy chú ý đến cử chỉ của bạn khi nói về niềm tin. Nếu thấy bạn ngượng nghịu thì người khác sẽ có cớ để trêu chọc. Nhưng nếu bạn nói với niềm tin chắc, như cách mà các bạn học nói lên quan điểm của họ, có thể họ sẽ nể phục bạn hơn.

BẠN CÓ BIẾT...?

Trong một số trường hợp, khi thầy cô được hỏi về thuyết tiến hóa, họ nhận ra rằng mình không chứng minh được và họ chấp nhận thuyết này chỉ vì được dạy như thế.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để bắt đầu nói chuyện với bạn học về Kinh Thánh, mình sẽ ․․․․․

Nếu ai đó hỏi tại sao mình tin có Đấng Tạo Hóa, mình sẽ nói: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao nói với người khác về niềm tin của bạn là điều quan trọng?

● Ở trường, bạn thấy cách nào dễ để trình bày niềm tin nơi sự sáng tạo?

● Bằng cách nào bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn với đấng tạo nên muôn vật?—Công vụ 17:26, 27.

[Câu nổi bật nơi trang 299]

“Trường học là khu vực rao giảng mà chỉ có chúng ta mới tiếp cận được”.—Như Ý

[Hình nơi trang 298]

Giống như chơi một nhạc cụ, việc nói lên đức tin cũng cần có kỹ năng. Nếu kiên trì luyện tập, bạn sẽ trở nên thành thạo

[Hình nơi trang 300, 301]

Bạn có thể chiến thắng nỗi sợ hãi khi bênh vực niềm tin của mình