Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để trò chuyện với cha mẹ?

Làm sao để trò chuyện với cha mẹ?

CHƯƠNG 1

Làm sao để trò chuyện với cha mẹ?

“Mình đã phải thu hết can đảm mới dám cho bố mẹ biết cảm nghĩ, nhưng cuối cùng lại ấp a ấp úng, thế là bị bố mẹ ngắt lời. Đúng là thất bại thảm hại!”.—Rosa

Hồi nhỏ, khi có chuyện gì chắc cha mẹ là người đầu tiên bạn chạy đến xin lời khuyên. Bạn kể cho họ nghe mọi chuyện, dù lớn hay nhỏ. Bạn thoải mái giãi bày mọi tâm tư tình cảm và tin tưởng lời khuyên của họ.

Nhưng giờ, có lẽ bạn cảm thấy cha mẹ không còn hiểu mình nữa. Vân tâm sự: “Một buổi tối nọ, khi đang ăn cơm thì mình bỗng òa lên khóc và nói ra hết nỗi lòng. Ba mẹ mình lắng nghe, nhưng hình như không thấu hiểu”. Rốt cuộc thì sao? “Mình chỉ biết bỏ về phòng khóc nức nở!”.

Mặt khác, đôi khi bạn không muốn thổ lộ với cha mẹ. Đăng nói: “Mình kể cho bố mẹ đủ thứ chuyện, nhưng thỉnh thoảng mình không thích cho họ biết hết mọi suy nghĩ của mình”.

Giữ kín một số suy nghĩ thì có gì sai không? Không hẳn, miễn là bạn không gian dối (Châm-ngôn 3:32). Tuy vậy, dù cha mẹ có vẻ không hiểu bạn hay bạn không muốn thổ lộ mọi chuyện, một điều chắc chắn là bạn cần trò chuyện với cha mẹ, và họ cần nghe bạn tâm sự.

Đừng bỏ cuộc!

Có thể ví việc trò chuyện với cha mẹ giống như lái xe. Nếu gặp rào cản, bạn sẽ không bỏ cuộc mà tìm đường khác. Hãy xem hai trường hợp.

RÀO CẢN 1 Bạn cần nói chuyện nhưng dường như cha mẹ không lắng nghe. Liên kể: “Mình thấy khó nói chuyện với ba. Đôi khi mình nói được một hồi thì ba quay sang hỏi: ‘Ủa, con đang nói với ba hả?’”.

CÂU HỎI: Liên phải làm sao nếu có chuyện cần nói? Liên có ít nhất ba lựa chọn.

Lựa chọn A

Gắt gỏng với ba. Liên gắt lên: “Sao ba không chịu nghe? Con có chuyện quan trọng!”.

Lựa chọn B

Không nói chuyện với ba nữa. Liên bỏ cuộc, chẳng buồn nói cho ba biết vấn đề.

Lựa chọn C

Chờ đến lúc tiện hơn thì nói. Liên nói với ba sau hoặc viết thư cho ba hiểu vấn đề.

Theo bạn, Liên nên làm theo lựa chọn nào? ․․․․․

Hãy xem mỗi lựa chọn dẫn đến đâu.

Ba Liên đang lơ đãng nên không thấy Liên bực. Vì vậy, nếu Liên làm theo Lựa chọn A thì ba cũng chẳng hiểu tại sao Liên lại gắt lên như thế. Lựa chọn này chẳng những không khiến ba chú ý đến lời Liên hơn mà còn là vô lễ (Ê-phê-sô 6:2). Do đó, lựa chọn này chỉ dẫn đến bế tắc.

Lựa chọn B có vẻ dễ nhất nhưng không phải khôn ngoan nhất. Tại sao? Vì “đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế” (Châm-ngôn 15:22). Nếu muốn giải quyết vấn đề của mình, Liên cần nói chuyện với ba, và ba chỉ có thể giúp khi biết đang có chuyện gì xảy ra với con gái. Chấm dứt cuộc nói chuyện không giúp ích được gì.

Tuy nhiên, khi làm theo Lựa chọn C, Liên không dừng lại trước rào cản. Thay vì vậy, Liên cố tìm lúc khác để nói chuyện. Hoặc Liên có thể viết thư cho ba. Làm thế sẽ giúp Liên trình bày rõ ràng những gì muốn nói và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khi đọc thư, ba sẽ biết Liên muốn nói gì và hiểu vấn đề của Liên hơn. Lựa chọn C giúp ích cho cả hai cha con.

Liên còn những lựa chọn nào khác? Bạn hãy thử suy nghĩ và ghi một lựa chọn ra bên dưới. Hình dung xem lựa chọn ấy có thể dẫn đến đâu rồi viết ra.

․․․․․

RÀO CẢN 2 Cha mẹ muốn trò chuyện, còn bạn thì không. Sa cho biết: “Mình sợ nhất là phải trả lời hàng loạt câu hỏi của bố mẹ khi vừa về nhà sau một ngày học hành mệt mỏi. Mình chỉ muốn quên đi chuyện trường lớp nhưng bố mẹ cứ hỏi dồn dập: ‘Hôm nay con đi học thế nào? Có chuyện gì không?’”. Dù bố mẹ hỏi han với ý tốt, nhưng Sa than: “Lúc mệt và căng thẳng, mình chẳng muốn nhắc gì đến chuyện trường lớp”.

CÂU HỎI: Sa nên làm gì trong hoàn cảnh này? Như trường hợp trên, Sa cũng có ít nhất ba lựa chọn.

Lựa chọn A

Từ chối nói chuyện. Sa nói: “Tha cho con đi! Con không muốn nói chuyện bây giờ!”.

Lựa chọn B

Cứ nói chuyện. Dù căng thẳng, Sa vẫn miễn cưỡng trả lời những câu hỏi của bố mẹ.

Lựa chọn C

Gác chuyện trường lớp lại và tiếp tục nói chuyện về đề tài khác. Sa đề nghị để lúc nào tâm trạng thoải mái hơn thì mới nói đến chuyện trường lớp. Rồi Sa thật lòng hỏi thăm bố mẹ: “Hôm nay bố mẹ có gì vui không? Kể con nghe với”.

Theo bạn, Sa nên làm theo lựa chọn nào?

Một lần nữa, hãy xem mỗi lựa chọn dẫn đến đâu.

Sa đang căng thẳng và không muốn nói chuyện. Nếu làm theo Lựa chọn A, Sa chẳng những không bớt căng thẳng mà còn thêm cảm giác có lỗi vì đã nổi nóng với bố mẹ.—Châm-ngôn 29:11.

Đồng thời, bố mẹ sẽ không vui khi Sa nổi nóng rồi sau đó lại chẳng thèm nói năng gì. Họ có thể cho rằng Sa đang giấu giếm chuyện gì đó. Có lẽ họ còn cố gặng hỏi để Sa nói ra nhưng điều đó càng khiến Sa bực bội. Cuối cùng, lựa chọn này chỉ dẫn đến tình trạng bế tắc.

Lựa chọn B rõ ràng khả quan hơn lựa chọn A. Ít nhất Sa và bố mẹ cũng nói chuyện. Nhưng vì chỉ là gượng ép nên cả Sa lẫn bố mẹ đều không đạt được điều mình muốn, đó là một cuộc trò chuyện thoải mái, cởi mở.

Tuy nhiên, Sa sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi làm theo Lựa chọn C, vì chuyện trường lớp đã được gác lại. Bố mẹ cũng vui vì Sa cố gắng nói chuyện với họ. Làm theo lựa chọn này hẳn sẽ dẫn đến kết quả tốt vì cả hai bên đều áp dụng nguyên tắc nơi Phi-líp 2:4: “Đừng chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, mà cũng quan tâm đến lợi ích của người khác nữa”.

Tránh nói những lời gây hiểu lầm

Hãy nhớ rằng có khi bạn nói một đằng nhưng cha mẹ lại hiểu một nẻo. Ví dụ, cha mẹ hỏi tại sao trông bạn có vẻ không vui. Bạn trả lời: “Con không muốn nói”. Nhưng cha mẹ hiểu là: “Con không tin tưởng bố mẹ cho lắm. Con sẽ tâm sự với bạn bè chứ không phải với bố mẹ”. Hãy thử điền vào phần dưới đây. Tưởng tượng bạn đang gặp một vấn đề và cha mẹ muốn giúp.

Nếu bạn nói: “Bố mẹ đừng lo. Con tự xoay xở được”.

Cha mẹ có thể hiểu: ․․․․․

Câu trả lời khác tốt hơn: ․․․․․

Điều quan trọng cần nhớ: Khéo lựa lời và nói năng lễ phép (Cô-lô-se 4:6). Xem cha mẹ là đồng minh chứ không phải đối thủ. Sự thật là bạn cần có thêm đồng minh để đương đầu với những khó khăn.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Phải làm sao nếu bạn không ngại nói chuyện với cha mẹ, nhưng vấn đề là mỗi lần nói chuyện thì lại cãi vã?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Lời tôi phát xuất từ tấm lòng chân thật”.—Gióp 33:3, BPT

MẸO

Nếu thấy khó ngồi xuống và nói chuyện với cha mẹ về một vấn đề, bạn có thể nói khi cùng họ đi bộ, mua sắm hoặc khi đi chung xe.

BẠN CÓ BIẾT...?

Nếu bạn thấy khó nói chuyện với cha mẹ về những đề tài nghiêm túc thì có lẽ cha mẹ cũng thấy ngại và lúng túng không kém.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Lần tới, nếu muốn ngưng cuộc nói chuyện với cha mẹ, mình sẽ ․․․․․

Nếu cha mẹ cứ bắt mình nói về chuyện mình chưa muốn nhắc tới, mình sẽ nói là: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Để có cuộc trò chuyện cởi mở, tại sao phải chọn đúng thời điểm?—Châm-ngôn 25:11.

● Tại sao cố gắng trò chuyện với cha mẹ là điều đáng công?—Gióp 12:12.

[Câu nổi bật nơi trang 10]

“Trò chuyện với cha mẹ không phải lúc nào cũng dễ, nhưng một khi mở lòng tâm sự với họ, bạn sẽ cảm thấy như trút được gánh nặng’’.—Duyên

[Hình nơi trang 8]

Gặp rào cản không có nghĩa là hết đường. Tương tự, bạn có thể tìm hướng khác để trò chuyện với cha mẹ!