Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải làm sao khi cha mẹ tái hôn?

Phải làm sao khi cha mẹ tái hôn?

CHƯƠNG 5

Phải làm sao khi cha mẹ tái hôn?

Cha/mẹ có vẻ rất hạnh phúc trong ngày tái hôn. Còn bạn thì thấy chuyện đó chẳng có gì vui cả! Tại sao? Cha/mẹ tái hôn đồng nghĩa với việc mọi hy vọng cha mẹ quay lại với nhau tan thành mây khói. Mặt khác, việc cha/mẹ đi bước nữa khiến bạn vô cùng đau đớn nếu cha/mẹ ruột mới qua đời không lâu.

Bạn cảm thấy thế nào khi cha/mẹ tái hôn? Đánh dấu ✔ vào những ô diễn tả cảm xúc của bạn.

Mình cảm thấy...

□ Hạnh phúc

□ Bất an

□ Bị phản bội

□ Ghen tị với cha/mẹ kế

□ Có lỗi, như là kẻ phản bội vì bắt đầu quý mến cha/mẹ kế

Cảm xúc cuối cùng có thể đến từ ý nghĩ phải một lòng một dạ với cha/mẹ ruột. Dù lý do là gì đi nữa, một số cảm xúc kể trên có thể thôi thúc bạn trút giận bằng những hành động phá hoại.

Chẳng hạn như bạn cứ làm khó “người mới”. Thậm chí còn tìm cách phá đám để cha/mẹ và “người mới” phải chia tay. Tuy nhiên, một câu châm ngôn khôn ngoan cảnh báo: “Ai khuấy-rối nhà mình sẽ được gió làm cơ-nghiệp”, tức chẳng được gì hết (Châm-ngôn 11:29). Đừng mắc phải sai lầm đó. Bạn có thể đương đầu với sự xáo trộn về tình cảm bằng những hành động khác hiệu quả hơn. Hãy xem vài ví dụ.

Thử thách 1: Phải ở dưới quyền của cha/mẹ kế

Ở dưới quyền của cha/mẹ kế không dễ chút nào. Khi bị bảo làm việc gì, có lẽ bạn muốn đáp trả: “Ông/Bà đâu phải cha/mẹ tôi!”. Đáp lại như thế khiến bạn hả dạ trong chốc lát, nhưng nó để lộ ra suy nghĩ trẻ con của bạn.

Trái lại, chấp nhận uy quyền của “người mới” là một cách cho thấy bạn đã làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Hãy trưởng thành trong sự suy nghĩ” (1 Cô-rinh-tô 14:20, BDM). Sự thật là cha/mẹ kế của bạn chỉ đang thi hành bổn phận của bậc cha mẹ và xứng đáng được bạn tôn trọng.—Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:1-4.

Thường cha/mẹ kế sửa dạy là vì yêu thương và quan tâm bạn (Châm-ngôn 13:24). Yến Nhi, 18 tuổi, nói: “Dượng sửa dạy chúng mình, nhưng đó là điều một người cha bình thường phải làm. Mình thấy nếu tỏ thái độ khi dượng khuyên thì chẳng khác nào mình xem thường mọi sự chu cấp về vật chất và thiêng liêng của dượng bao năm qua. Như thế là ăn cháo đá bát”.

Dù có lý do chính đáng để phàn nàn, bạn hãy chứng tỏ mình là người lớn bằng cách áp dụng lời khuyên nơi Cô-lô-se 3:13: “Tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác”.

Hãy ghi ra bên dưới vài tính tốt của cha/mẹ kế.

․․․․․

Tại sao việc nhớ tới những tính tốt của cha/mẹ kế có thể giúp bạn dễ tôn trọng người ấy hơn?

․․․․․

Thử thách 2: Tập chia sẻ và nhường nhịn

Aaron, 24 tuổi, nhớ lại: “Ba tái hôn đến hai lần. Mình thấy rất khó để có tình cảm với mỗi gia đình mới. Lúc đầu họ chỉ là những người xa lạ, nhưng mình bị bắt phải yêu thương họ. Mình rất bối rối”.

Có thể bạn cũng phải đối mặt với những khó khăn, ví dụ như bị mất “chức” con cả hay con một. Nếu là con trai, có lẽ trong một thời gian dài bạn thấy mình là trụ cột của gia đình, nhưng giờ vị thế đó lại bị cha dượng “tước mất”. Hoặc trường hợp của bạn có thể giống như Yến Nhi. Bạn ấy tâm sự: “Bố ruột mình không bao giờ để ý đến mẹ nên hồi ấy mình và mẹ luôn quấn quýt nhau như hình với bóng. Nhưng khi mẹ đi bước nữa, dượng rất ân cần với mẹ. Dượng và mẹ dành nhiều thời gian cho nhau, trò chuyện với nhau. Lúc đầu mình có cảm giác như bị dượng cướp mất mẹ. Nhưng giờ thì mình đã quen rồi”.

Như Yến Nhi, làm sao bạn có thể thích nghi? Kinh Thánh khuyên: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Từ “phải lẽ” trong nguyên ngữ có nghĩa là “nhường” và miêu tả thái độ của người không khăng khăng đòi mọi quyền lợi hợp pháp cho mình. Bạn có thể áp dụng lời khuyên này thế nào? (1) Đừng đắm chìm trong quá khứ (Truyền-đạo 7:10). (2) Sẵn sàng chia sẻ (1 Ti-mô-thê 6:18). (3) Đừng đối xử với cha/mẹ kế và con riêng của người ấy như người dưng nước lã.

Trong những điểm trên, bạn cần cải thiện điểm nào nhất? ․․․․․

Thử thách 3: Đối mặt với sự phân biệt đối xử

Tara kể: “Dượng thương con riêng hơn chị em mình nhiều. Họ thích ăn gì là dượng mua cho, thích xem phim gì là dượng đi thuê về. Họ muốn gì dượng cũng chiều”. Đúng là thật khó để chịu đựng sự phân biệt đối xử như thế. Nhưng điều gì có thể giúp? Hãy cố gắng hiểu lý do cha/mẹ kế không xem con ruột và con riêng của vợ/chồng như nhau. Có thể lý do không phải là vì tình máu mủ nhưng vì họ đã cùng nhau trải qua bao đắng cay ngọt bùi. Nói cho cùng, chính bạn hẳn cũng cảm thấy gắn bó với cha/mẹ ruột hơn là cha/mẹ kế.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa bình đẳng và công bằng. Mỗi người có tính cách và nhu cầu khác nhau. Do đó, thay vì quá bận tâm về việc cha/mẹ kế đối xử có bình đẳng hay không, hãy xem liệu người ấy có đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của bạn không.

Cha/Mẹ kế đã thỏa mãn những nhu cầu nào của bạn?

․․․․․

Bạn thấy có những nhu cầu nào chưa được đáp ứng?

․․․․․

Nếu thấy có vài nhu cầu chưa được đáp ứng, sao không lễ phép trình bày vấn đề với cha/mẹ kế?

Sự kiên nhẫn sẽ được tưởng thưởng!

Thường phải mất vài năm để các thành viên trong một gia đình “chắp nối” bắt đầu tin cậy nhau đến mức cảm thấy thoải mái với nhau. Chỉ tới lúc đó, mọi thành viên với những thói quen và quan điểm khác nhau mới có thể sống chan hòa. Nên hãy kiên nhẫn! Đừng kỳ vọng là trong một sớm một chiều bạn sẽ có ngay một gia đình thương yêu nhau.

Khi mẹ tái hôn, Thomas rất khó chịu. Mẹ bạn ấy có bốn con và dượng có ba. Thomas viết: “Chúng mình đánh lộn, cãi cọ, bất hòa và căng thẳng tột độ”. Cuối cùng điều gì đã giúp Thomas đối phó với vấn đề? “Khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, mọi chuyện được giải quyết êm xuôi”.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn phải làm sao nếu anh chị em ruột thịt mà cũng làm bạn bực hoài?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Cuối-cùng của một việc hơn sự khởi-đầu nó; lòng kiên-nhẫn hơn lòng kiêu-ngạo”.—Truyền-đạo 7:8.

MẸO

Sống cùng nhà với những anh chị em mới khác phái có thể nảy sinh sự hấp dẫn về giới tính. Vì thế, bạn phải ngăn chặn ham muốn tình dục, cũng như tránh mọi cách ăn mặc hay hành vi khêu gợi.

BẠN CÓ BIẾT...?

Có lẽ các con riêng của cha/mẹ kế cũng thấy khó thích nghi với hoàn cảnh gia đình “hỗn hợp”.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình sẽ cố gắng tôn trọng cha/mẹ kế hơn bằng cách ghi nhớ những điều tốt người ấy đã làm cho gia đình là (ghi ra hai điều tích cực): ․․․․․

Nếu con riêng của cha/mẹ kế lạnh nhạt với mình, mình sẽ áp dụng nguyên tắc nơi Rô-ma 12:21 bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha/mẹ ruột hoặc cha/mẹ kế là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Khi gia nhập gia đình bạn, có thể cha/mẹ kế hoặc con riêng của người ấy lo sợ những gì?

● Tại sao cần có tầm nhìn xa về các mối quan hệ trong gia đình mới?

[Câu nổi bật nơi trang 38]

“Cuộc hôn nhân thứ hai của mẹ cũng đổ vỡ. Nhưng cho đến giờ mình vẫn rất thân với các con riêng của dượng. Được quen biết và kết bạn với họ là một trong những điều tuyệt vời nhất trên đời”.—Tara

[Hình nơi trang 39]

Hòa hợp hai gia đình giống như trộn nước với xi-măng, phải mất thời gian và công sức nhưng kết quả nhận được là một sản phẩm bền chắc