Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hút thuốc lá có gì sai không?

Hút thuốc lá có gì sai không?

CHƯƠNG 33

Hút thuốc lá có gì sai không?

Hãy đọc những lời miêu tả bên cạnh và đánh dấu ✔ vào ô mà bạn cảm thấy đúng với mình.

□ Mình có tính tò mò

□ Mình đang bị căng thẳng

□ Mình không muốn bị lạc loài

□ Mình muốn giảm cân

Bạn có biết nếu đánh dấu vào bất kỳ ô nào nơi trang 237 thì bạn có điểm tương đồng với những bạn trẻ đang hút thuốc lá hoặc từng nghĩ đến chuyện đó không? * Ví dụ:

Thỏa mãn tính tò mò. “Vì tò mò muốn biết cảm giác thế nào nên khi nhỏ bạn đưa gói thuốc, mình cũng lấy một điếu và len lén hút”.—Tracy.

Đối phó với căng thẳng và tránh bị lạc loài. “Lũ học sinh trong trường thường nói: ‘Chắc phải làm một điếu’, rồi sau đó: ‘Phù, nhẹ cả người!’. Những lúc căng thẳng, mình cũng muốn như thế”.—Nikki.

Giảm cân. “Một số bạn nữ hút thuốc để giữ eo, cách này dễ hơn ăn kiêng nhiều!”.—Samantha.

Nhưng trước khi châm điếu thuốc đầu tiên, hoặc tiếp theo, hãy dừng lại và suy nghĩ. Đừng như con cá cắn câu, chỉ vì một miếng mồi nhỏ mà phải trả cái giá quá đắt! Thay vì vậy, hãy làm theo lời khuyên của Kinh Thánh và vận dụng “khả năng suy nghĩ sáng suốt” (2 Phi-e-rơ 3:1). Thử làm phần trắc nghiệm bên dưới.

Bạn có thật sự biết về thuốc lá?

Đánh dấu đúng hoặc sai.

a. Hút thuốc giúp mình bớt căng thẳng.

□ Đúng □ Sai

b. Bao nhiêu khói hít vào cũng phả ra gần hết.

□ Đúng □ Sai

c. Bây giờ trẻ hút không sao, già mới lo hại sức khỏe.

□ Đúng □ Sai

d. Hút thuốc giúp mình “ghi điểm” với bạn khác giới.

□ Đúng □ Sai

e. Hút thuốc đâu có hại cho ai ngoài mình.

□ Đúng □ Sai

f. Đức Chúa Trời chẳng bận tâm chuyện mình hút thuốc đâu.

□ Đúng □ Sai

Đáp án

a. Sai. Dù hút thuốc có thể tạm thời giải tỏa căng thẳng, các nhà khoa học khám phá rằng chất nicotin thật ra làm tăng lượng hormon gây căng thẳng.

b. Sai. Một số nghiên cứu cho biết hơn 80% lượng chất chứa trong khói thuốc mà bạn hít vào sẽ tích tụ trong cơ thể bạn.

c. Sai. Tuy mức độ nguy cơ tỉ lệ thuận với số điếu thuốc bạn hút nhưng có một vài tác hại tức thời. Một số người bị nghiện ngay từ điếu đầu tiên. Chức năng phổi suy giảm và bạn dễ mắc phải chứng ho mãn tính. Da sẽ lão hóa sớm và xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị suy giảm khả năng tình dục, mắc chứng hoảng loạn và trầm cảm.

d. Sai. Nhà nghiên cứu Lloyd Johnston cho biết những bạn trẻ hút thuốc “không mấy thu hút đối với phần lớn bạn khác giới”.

e. Sai. Khói thuốc thụ động cướp đi mạng sống của hàng ngàn người mỗi năm. Nó làm hại gia đình, bạn bè và ngay cả thú nuôi của bạn.

f. Sai. Những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời phải tẩy sạch mình khỏi “mọi sự ô uế về thể xác” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Không có gì nghi ngờ là thuốc lá làm dơ bẩn cơ thể. Nếu cố tình hút thuốc bất chấp việc bị ô uế, gây hại cho bản thân và người khác, bạn không thể làm bạn với Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 22:39; Ga-la-ti 5:19-21.

Cách kháng cự

Vậy bạn sẽ làm gì nếu có người mời hút một điếu? Cách trả lời đơn giản nhưng thẳng thắn, chẳng hạn như: “Cám ơn, nhưng mình không hút thuốc”, thường hiệu quả. Nếu người ấy vẫn cứ ép và ngay cả cười nhạo bạn, hãy nhớ rằng đó là lựa chọn của bạn. Bạn có thể nói:

● “Vì biết là hút thuốc có hại cho sức khỏe nên mình không hút”.

● “Mình còn nhiều việc quan trọng phải làm nên không muốn chết sớm”.

● “Đừng ép mình nữa. Hút hay không là quyền của mình”.

Tuy nhiên, như những bạn trẻ được đề cập nơi đầu chương, có lẽ bạn thấy điều khó cưỡng lại nhất chính là lòng mình. Nếu vậy, bạn có thể chiến thắng bằng cách tự lý luận như:

● “Có thật là hút thuốc đem lại lợi ích không? Ví dụ, nếu hút thuốc chỉ để được người khác chấp nhận, trong khi mình hầu như không có điểm chung với họ thì liệu có tác dụng gì không? Sao mình lại muốn làm bạn với những người thích thú nhìn thấy mình tự làm hại sức khỏe?”.

● “Nếu hút thuốc, mình sẽ bị thiệt hại ra sao về tài chính, sức khỏe hoặc danh tiếng?”.

● “Chẳng lẽ mình sẵn sàng đánh đổi tình bạn với Đức Chúa Trời chỉ vì một điếu thuốc?”.

Nhưng nếu bạn đã “mắc câu” thì sao? Làm thế nào để thoát khỏi?

Cách cai thuốc lá

1. Quyết tâm. Hãy ghi ra lý do bạn muốn cai thuốc lá và thường xuyên xem lại. Ước muốn có vị thế trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời có thể là một động lực mạnh mẽ.—Rô-ma 12:1; Ê-phê-sô 4:17-19.

2. Tìm sự giúp đỡ. Nếu bạn đã lén hút thuốc, giờ là lúc can đảm nói ra. Cho người khác biết mình đang cai thuốc và nhờ họ giúp đỡ. Nếu muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận, hãy cầu xin ngài trợ giúp.—1 Giăng 5:14.

3. Ấn định ngày cai thuốc. Đặt ra thời hạn là hai tuần hoặc ít hơn và đánh dấu trên lịch ngày bạn nhất quyết cai thuốc. Nói với gia đình và bạn bè là mình sẽ cai thuốc vào ngày đó.

4. “Tìm và diệt”. Trước khi đến ngày cai thuốc, hãy lùng sục khắp phòng, xe và quần áo xem còn điếu thuốc nào không, rồi tiêu hủy. Vứt bỏ bật lửa, diêm và gạt tàn.

5. Chống chọi với cơn thèm thuốc. Hãy uống nhiều nước hoặc nước trái cây, và ngủ nhiều hơn. Nhớ rằng cảm giác bứt rứt chỉ là tạm thời còn lợi ích là vĩnh cửu!

6. Tránh xa “mồi châm”. Đừng đặt mình vào những tình huống hay đến những địa điểm mà bạn dễ bị cám dỗ hút thuốc. Cũng nên hạn chế giao tiếp với những người hút thuốc.—Châm-ngôn 13:20.

Đừng “mắc câu”

Mỗi năm, các công ty thuốc lá chi hàng tỉ đô la cho quảng cáo. Đối tượng chính mà họ nhắm đến là ai? Tài liệu nội bộ của một công ty thuốc lá ghi: “Giới trẻ hôm nay là khách hàng tiềm năng của ngày mai”.

Đừng để các hãng thuốc lá moi tiền của bạn. Sao lại dại dột “cắn câu”? Cả họ lẫn những đứa rủ rê bạn hút thuốc đều không ai thật lòng quan tâm đến bạn. Thay vì nghe theo họ, hãy lắng nghe sự hướng dẫn từ Kinh Thánh để “được ích”.—Ê-sai 48:17.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn bè rủ rê bạn uống rượu bia? Tìm hiểu xem tại sao bạn cần biết có chừng mực.

[Chú thích]

^ đ. 8 Dù chương này thảo luận về người hút thuốc lá, nhưng các tác hại được đề cập cũng áp dụng cho người dùng thuốc lá nhai.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Hãy tẩy mình cho sạch khỏi mọi sự ô uế về thể xác”.—2 Cô-rinh-tô 7:1.

MẸO

Đừng biện hộ bằng những ý nghĩ như: “Mình chỉ hít một hơi thôi”. Suy nghĩ như vậy thường dẫn đến tái nghiện.—Giê-rê-mi 17:9.

BẠN CÓ BIẾT...?

Những loại thuốc lá không khói, chẳng hạn như thuốc lá nhai, đưa vào cơ thể nhiều nicotin hơn thuốc lá thông thường. Chúng cũng chứa khoảng 25 độc tố gây ung thư, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ họng và miệng.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu bị bạn học ép hút thuốc, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Dù biết tác hại của thuốc lá, tại sao bạn vẫn có thể bị cám dỗ?

● Tại sao bạn biết chắc hút thuốc là xấu?

[Câu nổi bật nơi trang 240]

“Nếu có người rủ hút thuốc, mình chỉ mỉm cười và nói: ‘Cám ơn, nhưng mình không muốn bị ung thư’”.—Ngân

[Khung/Hình nơi trang 241]

Cần sa có xấu đến mức ấy không?

Ellen, sống ở Ai Len, cho biết: “Một số người nói rằng cần sa giúp họ quên sầu, mà nó cũng không có bất cứ tác hại nào”. Bạn đã từng nghe những lời như vậy về cần sa? Hãy so sánh một số điều lầm tưởng và sự thật.

Lầm tưởng: Cần sa là vô hại.

Sự thật: Người ta đã biết đến hoặc đang kiểm chứng những tác hại sau của cần sa: giảm trí nhớ và khả năng học tập, suy giảm hệ miễn dịch cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục của cả nam lẫn nữ. Nó có thể gây ra chứng lo âu, rối loạn tâm thần và hoang tưởng. Khi người mẹ hút cần sa thì đứa trẻ sinh ra rất dễ bị rối loạn về hành vi, có khả năng tập trung kém và gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định.

Lầm tưởng: Khói cần sa ít độc hại hơn khói thuốc lá.

Sự thật: So với khói thuốc lá, khói cần sa đưa vào đường hô hấp lượng hắc ín nhiều gấp bốn lần và có lượng chất độc cacbon monoxit hấp thụ vào máu nhiều gấp năm lần. Hút năm điếu cần sa có thể đưa vào cơ thể lượng độc tố gây ung thư tương đương với hút cả bao thuốc lá.

Lầm tưởng: Cần sa không gây nghiện.

Sự thật: Những thanh thiếu niên có vấn đề về thần kinh hoặc tâm lý rất dễ bị nghiện cần sa. Những người khác có thể bị nghiện sau một thời gian dài sử dụng. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên hút cần sa có nhiều nguy cơ dùng các loại ma túy gây nghiện khác, chẳng hạn như côcain.

[Khung/Các hình nơi các trang 244, 245]

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Có lẽ bạn thấy trên phim ảnh những người có vẻ khỏe mạnh đang phì phèo điếu thuốc. Giờ hãy so sánh những hình ảnh ấy với các tác hại mà trong thực tế thuốc lá gây ra cho cơ thể bạn.

Miệng và cổ họng: Gây ung thư

[Hình]

Ung thư lưỡi

Tim: Làm xơ cứng và thu hẹp mạch máu, giảm khả năng vận chuyển oxy tới tim và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch lên đến bốn lần

[Hình]

Nghẽn mạch máu

Phổi: Phá hủy phế nang, làm viêm đường hô hấp và tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi lên đến 23 lần

[Hình]

Phổi của người hút thuốc

Não: Tăng nguy cơ đột quỵ lên đến bốn lần

Da: Gây lão hóa sớm

Răng: Làm xỉn màu

Dạ dày: Gây ung thư

Tụy: Gây ung thư

Bàng quang: Gây ung thư

Thận: Gây ung thư

[Hình nơi trang 239]

Như con cá cắn câu, người hút thuốc phải trả giá đắt chỉ vì một miếng mồi nhỏ