Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng mình bị nghiện công nghệ?

Phải chăng mình bị nghiện công nghệ?

CHƯƠNG 36

Phải chăng mình bị nghiện công nghệ?

“Mình mê nhắn tin kinh khủng! Không có gì vui bằng nhắn tin qua lại với người khác. Ngày nào không nhắn tin là ngày đó mình ăn ngủ không yên”.—Liêm.

Khi cha mẹ ở tuổi bạn, ti-vi và radio là thiết bị công nghệ phổ biến nhất. Thời đó, điện thoại chỉ là điện thoại, tính năng duy nhất là truyền tiếng nói, và phải gắn vào ổ cắm mới dùng được. Nghe có lạc hậu quá không? Bạn gái tên Anna đã nghĩ thế. Anna nói: “Ba mẹ mình lớn lên trong thời kỳ công nghệ chưa được khai sáng. Giờ họ mới đang mày mò mấy tính năng của điện thoại di động!”.

Thời nay, bạn có thể nghe điện thoại, xem chương trình giải trí, chơi điện tử, nghe nhạc, viết e-mail, chụp hình và lên mạng chỉ với một thiết bị bỏ túi nhỏ gọn. Vì từ bé tới giờ đã quá quen với máy tính, điện thoại di động, ti-vi và Internet nên chắc bạn không mảy may nhận ra là mình đang mê mải với chúng. Nhưng có lẽ cha mẹ thấy bạn đang trở thành “con nghiện công nghệ”. Nếu cha mẹ nhắc nhở, đừng bỏ ngoài tai những lời họ nói. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn nhận định: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”.—Châm-ngôn 18:13.

Bạn có biết vì sao cha mẹ lo lắng? Hãy thử trả lời các câu hỏi bên dưới để xem bạn có những biểu hiện của chứng nghiện công nghệ không.

“Phải chăng mình bị nghiện công nghệ?”

Một bách khoa từ điển định nghĩa “nghiện” là khi “một người cứ lặp đi lặp lại hành vi thái quá nào đó theo thói quen. Người ấy không thể hoặc không muốn bỏ thói xấu đó, bất chấp hậu quả tai hại”. Bên dưới, hãy xem xét từng điểm của định nghĩa này. Đọc những câu nói của các bạn trẻ và ngẫm nghĩ xem mình có nói hay làm điều gì tương tự không. Rồi trả lời các câu hỏi.

Hành vi thái quá. “Mình chơi điện tử hàng tiếng đồng hồ không biết chán. Hậu quả là mình bị thiếu ngủ trầm trọng và khi nói chuyện với người khác thì chỉ toàn huyên thuyên về mấy trò đó. Suốt ngày mình đắm chìm trong thế giới ảo và sống tách biệt với gia đình”.—Andrew.

Theo bạn, mỗi ngày dùng bao nhiêu thời gian để giải trí với đồ công nghệ là hợp lý? ․․․․․

Cha mẹ nghĩ bạn nên dành bao nhiêu thời gian? ․․․․․

Tổng thời gian bạn dùng mỗi ngày để nhắn tin, xem ti-vi, đăng hình và viết bình luận trên một trang web, chơi điện tử, v.v. là bao nhiêu? ․․․․․

Dựa vào những câu trả lời trên, bạn nghĩ là mình có đang dùng đồ công nghệ một cách thái quá không?

□ Có □ Không

Không thể hoặc không muốn bỏ. “Ba má thấy mình hay nhắn tin nên nói là sao mình cứ dán mắt vô điện thoại bấm bấm suốt. Nhưng chừng đó có thấm tháp vào đâu so với mấy đứa bạn khác. Dĩ nhiên so với ba má thì mình nhắn nhiều, nhưng so sánh kiểu đó sao được, ba má 40 tuổi, còn mình mới 15 à”.—Liêm.

Cha mẹ và bạn bè có nói là bạn bỏ quá nhiều thời giờ cho một thiết bị nào đó không?

□ Có □ Không

Trước giờ bạn không muốn hoặc không thể giới hạn thời gian sử dụng thiết bị đó?

□ Đúng □ Sai

Hậu quả tai hại. “Lũ bạn mình cứ nhắn tin liên tục, ngay cả khi lái xe. Làm vậy mất mạng như chơi!”.—Julie.

“Hồi mới sắm điện thoại, mình cứ hết nhắn tin lại gọi điện. Điều đó khiến tình cảm của mình với gia đình, và cả bạn bè, ngày càng xa cách. Giờ mình mới để ý là lúc đi chơi và trò chuyện với mấy đứa bạn, tụi nó cũng thường cắt ngang và nói: ‘Đợi chút, mình phải trả lời tin nhắn’. Đó là lý do tại sao mình không thân thiết với tụi nó”.—Thư.

Có bao giờ bạn đọc hoặc gửi tin nhắn khi đang lái xe, trong lớp học hoặc buổi nhóm họp không?

□ Có □ Không

Khi trò chuyện với gia đình và bạn bè, bạn có hay cắt ngang để trả lời e-mail, điện thoại hoặc tin nhắn không?

□ Có □ Không

Thời gian bạn dùng đồ công nghệ có lấn sang giờ ngủ hoặc làm bạn mất tập trung khi học không?

□ Có □ Không

Bạn có thấy mình cần thay đổi điểm nào không? Nếu có, hãy xem những gợi ý sau:

Cách giữ thăng bằng

Nếu bạn đang dùng một thiết bị công nghệ nào đó (máy tính, điện thoại,...), hãy tự hỏi bốn câu dưới đây. Khi áp dụng các lời khuyên trong Kinh Thánh cùng vài điều “nên” và “không nên” làm, bạn sẽ được an toàn và giữ mọi việc trong tầm kiểm soát.

Nội dung là gì? “Hễ điều gì chân thật, điều gì trang nghiêm, điều gì công chính, điều gì trong sạch, điều gì đáng yêu quý, điều gì có tiếng tốt, điều gì đạo đức và điều gì đáng khen ngợi thì hãy tiếp tục nghĩ đến”.—Phi-líp 4:8.

✔ Nên giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, chia sẻ những thông tin tích cực.—Châm-ngôn 25:25; Ê-phê-sô 4:29.

X Không nên tung tin về người khác, gửi tin nhắn hay hình ảnh dung tục, xem những chương trình bậy bạ.—Cô-lô-se 3:5; 1 Phi-e-rơ 4:15.

Mình xài khi nào? “Việc gì cũng có lúc”.—Truyền-đạo 3:1, BDY.

✔ Nên giới hạn thời gian nói chuyện điện thoại, gửi và nhận tin nhắn, xem chương trình giải trí hoặc chơi điện tử.

X Không nên để các thiết bị công nghệ làm gián đoạn thời gian bạn dành riêng cho gia đình, bạn bè, học tập và các hoạt động thiêng liêng.—Ê-phê-sô 5:15-17; Phi-líp 2:4.

Mình kết giao với ai? “Đừng để bị lừa dối; kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt”.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

✔ Nên dùng thiết bị công nghệ để thắt chặt tình bạn với những ai khuyến khích bạn rèn luyện các thói quen tốt.—Châm-ngôn 22:17.

X Không nên lừa dối bản thân. Sự thật là bạn sẽ tiếp thu tiêu chuẩn, cách nói chuyện và lối suy nghĩ của những người mà bạn chọn kết giao qua e-mail, tin nhắn, ti-vi, video hay Internet.—Châm-ngôn 13:20.

Thời lượng là bao nhiêu? “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.

✔ Nên theo dõi lượng thời gian bạn dùng thiết bị công nghệ để giải trí.

X Không nên lờ đi lời nhắc nhở của cha mẹ và bạn bè khi họ thấy bạn tốn nhiều thời giờ cho một thiết bị nào đó.—Châm-ngôn 26:12.

Nói về cách giữ thăng bằng, bạn Andrew đúc kết: “Dùng thiết bị công nghệ cũng hay, nhưng chỉ là khi biết giới hạn thời gian. Mình nghiệm ra rằng không nên để công nghệ trở thành rào cản chia cắt mình với gia đình và bạn bè”.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 2, CHƯƠNG 30

TRONG CHƯƠNG TỚI

Làm sao bạn có thể thuyết phục cha mẹ cho mình vui chơi một chút?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Chớ khôn-ngoan theo mắt mình; hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác”.—Châm-ngôn 3:7.

MẸO

Để kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, hãy cho bạn bè biết là có những lúc bạn không trả lời điện thoại, tin nhắn hay e-mail ngay được.

BẠN CÓ BIẾT...?

Dù nhiều năm trôi qua, nhà tuyển dụng hay người khác vẫn có thể thấy những tấm hình và lời bình luận mà bạn đã đăng về các hoạt động của mình.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu bắt đầu mất kiểm soát trong việc sử dụng ․․․․․, nhất định mình chỉ dùng thiết bị đó ․․․․․ mỗi tuần

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Có lẽ bạn khó nhận ra mình đang nghiện một thiết bị công nghệ nào đó, tại sao?

● Hậu quả có thể là gì nếu bạn mất kiểm soát khi dùng thiết bị công nghệ?

[Câu nổi bật nơi trang 262]

“Có vài điều đã giúp mình bỏ được thói nghiện xem ti-vi. Mình ép bản thân vào khuôn khổ và thường xuyên trò chuyện với mẹ về vấn đề này. Mình cũng cầu nguyện không ngớt”.—Tú

[Hình nơi trang 263]

Bạn làm chủ các thiết bị công nghệ, hay chúng làm chủ bạn?