Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao tìm được niềm vui trong sự thờ phượng?

Làm sao tìm được niềm vui trong sự thờ phượng?

CHƯƠNG 38

Làm sao tìm được niềm vui trong sự thờ phượng?

Vũ, 16 tuổi, cứ nằm ườn trên giường. Mẹ đứng ngay cửa và nghiêm giọng: “Vũ, dậy đi! Con biết tối nay có nhóm họp mà!”. Vũ lớn lên trong gia đình là Nhân Chứng Giê-hô-va, và việc tham dự các buổi nhóm họp đã đi vào nề nếp của cả nhà. Vậy mà dạo gần đây, Vũ chẳng có hứng đi nhóm nữa.

“Mẹ, có nhất thiết con phải đi không?”, Vũ càu nhàu.

“Thôi đừng có cằn nhằn nữa, dậy thay đồ đi! Mẹ không muốn tới trễ nữa đâu!”, mẹ thúc giục rồi quay trở ra.

“Mẹ ơi, đạo của mẹ đâu có nghĩa là đạo của con”, Vũ buột miệng trong khi mẹ chưa đi khuất. Vũ biết mẹ đã nghe thấy vì tiếng bước chân của mẹ bỗng khựng lại. Nhưng rồi mẹ lẳng lặng đi tiếp.

Vũ thấy hơi áy náy. Bạn ấy đâu cố ý làm mẹ buồn lòng. Nhưng Vũ cũng chẳng muốn xin lỗi mẹ. Điều duy nhất bạn ấy có thể làm là...

Vũ thở dài rồi uể oải thay đồ. Bạn ấy tự nhủ: “Một ngày nào đó mình sẽ phải quyết định thôi. Mình thấy lạc lõng khi đến Phòng Nước Trời. Thậm chí mình còn không nghĩ sẽ trở thành Nhân Chứng nữa là!”.

Đã bao giờ bạn cảm thấy như Vũ chưa? Phải chăng đôi lúc bạn thấy những người khác hăng hái tham gia các hoạt động thiêng liêng còn mình chỉ làm cho có lệ? Ví dụ:

● Bạn nghĩ học hỏi Kinh Thánh chẳng khác nào làm bài tập về nhà?

● Bạn không thích đi rao giảng?

● Bạn ngán cái cảnh phải ngồi trong buổi nhóm họp?

Nếu trả lời “Phải” thì bạn cũng đừng vội nản. Bạn có thể tìm được niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Bằng cách nào?

THỬ THÁCH 1 Học hỏi Kinh Thánh

Tại sao khó? Có lẽ bạn cho rằng mình không phải “người ham học”. Bạn không có khả năng tập trung cao, nên khó mà ngồi yên một chỗ và chú tâm học! Ngoài ra, chẳng phải bài tập về nhà đã là quá đủ rồi sao?

Tại sao quan trọng? Kinh Thánh không chỉ được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà còn “có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa sai và dạy cách sống ngay thật” (2 Ti-mô-thê 3:16, BPT). Học hỏi Kinh Thánh và suy ngẫm những gì mình đọc có thể mở ra cho bạn cả một chân trời mới về nhận thức. Hãy nhớ rằng có công mài sắt có ngày nên kim. Nếu muốn chơi giỏi một môn thể thao, bạn phải biết luật chơi và luyện tập. Nếu muốn có sức khỏe, bạn cần tập thể dục. Tương tự, nếu muốn biết về Đấng Tạo Hóa, bạn phải học Lời ngài.

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Khi bước vào trung học, mình như đứng trước ngã ba đường. Mấy đứa trong trường làm đủ chuyện sai trái, và mình phải cân nhắc: ‘Mình muốn làm thế ư? Những gì ba mẹ dạy có đúng là sự thật không?’. Chính mình phải tự tìm câu trả lời”.—Tendani.

“Dù chưa bao giờ nghi ngờ nhưng mình phải tự chứng minh những điều bố mẹ dạy là sự thật. Mình muốn đó là tôn giáo của chính mình chứ không phải theo kiểu cha truyền con nối”.—Huy.

Điều bạn có thể làm: Lên lịch học tùy theo nhu cầu và sở thích của bạn. Thoải mái chọn đề tài mà bạn muốn khám phá. Có thể bắt đầu từ đâu? Hãy thử đào sâu Kinh Thánh và xem xét kỹ niềm tin của bạn, có lẽ dùng một sách như Kinh Thánh thật sự dạy gì?. *

Thực hiện! Đánh dấu ✔ kế bên hai hay ba đề tài Kinh Thánh mà bạn muốn tìm hiểu thêm, hoặc tự viết ra một số đề tài khác.

□ Đức Chúa Trời có thật không?

□ Làm sao mình biết chắc những người viết Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hướng dẫn?

□ Tại sao mình nên tin vào sự sáng tạo thay vì thuyết tiến hóa?

□ Nước Trời là gì? Làm thế nào mình có thể chứng minh là Nước ấy có thật?

□ Mình có thể giải thích thế nào về tình trạng người chết?

□ Tại sao mình nên tin chắc là sẽ có sự sống lại?

□ Làm sao mình biết chắc đâu là tôn giáo thật?

․․․․․

THỬ THÁCH 2 Tham gia thánh chức

Tại sao khó? Có lẽ tay chân bạn run lẩy bẩy khi nghĩ đến việc phải nói với người khác về Kinh Thánh, hay vô tình gặp bạn học khi đang làm thế.

Tại sao quan trọng? Chúa Giê-su dặn những người theo ngài: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi,... và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Nhưng cũng có những lý do khác để thực hiện công việc này. Nghiên cứu cho thấy tại một số nơi, phần lớn các bạn trẻ tin vào Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Thế nhưng, chính các bạn ấy lại không có hy vọng thật cho tương lai. Nhờ học Kinh Thánh, bạn có những thông tin mà nhiều bạn trẻ cần biết và đang tìm kiếm! Khi chia sẻ niềm tin với người khác, bạn sẽ cảm thấy mãn nguyện, và quan trọng hơn là bạn làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm-ngôn 27:11.

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Mình cùng một người bạn chuẩn bị những lời nhập đề hữu hiệu. Chúng mình cũng học cách đáp lại lời thoái thác và trở lại viếng thăm. Khi dành nhiều tâm huyết cho thánh chức thì mình thấy công việc này vui hơn”.—Huy.

“Một chị hơn mình sáu tuổi đã giúp mình rất nhiều! Chị dẫn mình đi rao giảng, thỉnh thoảng lại còn rủ ăn sáng chung nữa. Chị chia sẻ với mình những câu Kinh Thánh khích lệ, điều đó giúp mình thay đổi suy nghĩ. Nhờ noi theo gương xuất sắc của chị mà bây giờ mình biết quan tâm đến người khác hơn. Mình không bao giờ quên ơn chị ấy!”.—Shontay.

Điều bạn có thể làm: Xin phép cha mẹ rồi rủ một anh chị lớn tuổi hơn trong hội thánh cùng đi thánh chức (Công vụ 16:1-3). Kinh Thánh nói: “Sắt mài bén sắt, bạn hữu giúp bạn hữu cải tiến” (Châm-ngôn 27:17, BPT). Bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích nếu kết hợp với những người lớn tuổi hơn và giàu kinh nghiệm. Như Alexis, 19 tuổi, cho biết: “Mình thấy yên tâm khi đi cùng những anh chị lớn tuổi hơn”.

Thực hiện! Ngoài cha mẹ, hãy ghi ra tên một anh chị cùng hội thánh có thể hỗ trợ bạn trong thánh chức.

․․․․․

THỬ THÁCH 3 Tham dự nhóm họp

Tại sao khó? Sau khi ngồi cả ngày ở trường, tới hội thánh ngồi tiếp một tiếng hoặc hơn để nghe bài giảng, có lẽ bạn cảm thấy như thời gian kéo dài bất tận.

Tại sao quan trọng? Kinh Thánh khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau bày tỏ tình yêu thương và làm việc lành, chớ bỏ việc nhóm lại với nhau như một số người quen làm, nhưng hãy khuyến khích nhau, và khi thấy ngày ấy gần kề thì hãy làm như thế nhiều hơn nữa”.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Ý kiến của vài bạn trẻ: “Chủ yếu là phải chuẩn bị cho buổi nhóm. Đôi lúc bạn cần ‘lên dây cót’ tinh thần để ngồi vào bàn học. Nếu soạn trước, bạn sẽ thích thú khi đến nhóm vì biết ở đó đang thảo luận những gì, thậm chí còn có thể tham gia bình luận nữa”.—Đào.

“Giờ mới để ý là khi giơ tay phát biểu thì mình thấy buổi nhóm hào hứng hơn hẳn”.—Jessica.

Điều bạn có thể làm: Dành thời gian để chuẩn bị bài, và nếu được thì bình luận một câu. Khi làm vậy, bạn sẽ cảm thấy mình có phần trong buổi nhóm.

Để minh họa: Xem người khác chơi thể thao trên ti-vi hay tự mình chơi, cái nào vui hơn? Dĩ nhiên được tham gia thì thích hơn là chỉ ngồi xem. Vậy sao không thử làm thế tại các buổi nhóm?

Thực hiện! Mỗi tuần bạn có thể dành 30 phút vào lúc nào để chuẩn bị cho một buổi nhóm? Hãy ghi ra.

․․․․․

Nhiều bạn trẻ đã cảm nghiệm được những lời nơi Thi-thiên 34:8 quả không sai: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!”. Nếu chỉ nghe miêu tả về một món ăn ngon thì bạn có thỏa cơn thèm không? Chẳng phải tốt hơn là chính bạn nếm thử sao? Việc thờ phượng Đức Chúa Trời cũng tương tự thế. Hãy “nếm thử xem” các hoạt động thiêng liêng mang lại thỏa nguyện biết nhường nào. Kinh Thánh nói rằng người nào nghe và làm theo thì “sẽ được hạnh phúc”.—Gia-cơ 1:25.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Tìm hiểu cách đặt ra và đạt được mục tiêu.

[Chú thích]

^ đ. 19 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Hãy biến đổi tâm trí mình, hầu tự chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”.—Rô-ma 12:2.

MẸO

Sắm một cuốn sổ và ghi lại những điểm chính được thảo luận trong buổi nhóm. Thời gian sẽ trôi nhanh hơn và bạn sẽ tiếp thu dễ hơn!

BẠN CÓ BIẾT...?

Không có gì sai nếu bạn kiểm chứng niềm tin tôn giáo của mình. Thật ra, đặt câu hỏi và tra cứu là cách tốt để biết điều bạn tin về Đức Chúa Trời có đúng là sự thật hay không.—Công vụ 17:11.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình sẽ định ra ․․․․․ phút mỗi ngày để đọc Kinh Thánh và dành ․․․․․ mỗi tuần để chuẩn bị cho các buổi nhóm.

Để chú tâm hơn vào chương trình nhóm họp, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao các hoạt động thiêng liêng có vẻ tẻ nhạt đối với một số bạn trẻ?

● Trong ba khía cạnh của sự thờ phượng được nói đến nơi chương này, bạn muốn trau dồi khía cạnh nào?

[Câu nổi bật nơi trang 278]

“Giờ đạo mà mình đang theo không chỉ là đạo của ba mẹ nhưng là đạo của chính mình. Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của mình, và mình không muốn làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho mối quan hệ giữa mình với ngài”.—Samantha

[Khung/Các hình nơi các trang 280, 281]

Họ đã đặt mục tiêu

Kinh Thánh nói: “Anh em chẳng biết ngày mai đời mình sẽ ra sao” (Gia-cơ 4:14). Trong một số trường hợp, cái chết đến bất ngờ và ngay trong tuổi xuân xanh. Khi đọc về gương của hai bạn Catrina và Kyle, hãy để ý làm thế nào việc đặt ra và đạt được những mục tiêu thiêng liêng giúp họ gây dựng tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va, dù chỉ sống một quãng đời ngắn ngủi.—Truyền-đạo 7:1.

Tuổi xuân của Catrina khép lại khi vừa tròn 18, nhưng lúc mới 13 tuổi, bạn ấy đã lập sẵn một “kế hoạch cuộc đời”, tức danh sách mục tiêu mà bạn ấy muốn đạt được. Các mục tiêu của Catrina bao gồm tham gia thánh chức trọn thời gian, phục vụ tại một xứ cần người dạy Kinh Thánh và chung tay với cha trong các dự án xây cất Phòng Nước Trời. Bạn ấy viết: “Tôi đã dâng trọn đời mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời!”. Catrina quyết tâm “sống theo tiêu chuẩn của ngài, theo đường lối làm ngài vui lòng”. Tại tang lễ của Catrina, bạn ấy được miêu tả là một “cô gái đáng yêu, người đã hoạch định cả cuộc đời để dành riêng cho Đức Giê-hô-va”.

Ngay từ thuở nhỏ, Kyle đã được dạy là nên đặt mục tiêu. Khi Kyle bước vào tuổi 20, một tai nạn xe hơi thảm khốc cướp đi mạng sống của bạn ấy. Sau đó, người nhà của Kyle tìm thấy “sách mục tiêu” mà mẹ đã giúp Kyle làm hồi mới lên bốn. Một số mục tiêu của Kyle là làm báp-têm, trình bày bài giảng tại Phòng Nước Trời và phụng sự tại trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va, nơi bạn ấy có thể góp phần xuất bản các ấn phẩm giúp người khác biết về Đức Chúa Trời. Sau khi xem lại cuốn sách mục tiêu mà Kyle làm nhiều năm về trước, mẹ bạn ấy tự hào: “Kyle đã đạt được hết các mục tiêu đó”.

Bạn đã đặt những mục tiêu nào cho chính mình? Bạn không biết ngày mai đời mình sẽ ra sao. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa mỗi ngày mình có. Như Catrina và Kyle, hãy dùng thời gian theo cách có ý nghĩa nhất. Hãy noi gương sứ đồ Phao-lô, người đã hãnh diện nói như sau vào lúc cuối đời: “Ta đã chiến đấu trong trận chiến tốt lành, đã hoàn tất cuộc đua, đã sống theo niềm tin” (2 Ti-mô-thê 4:7). Chương tiếp theo sẽ giúp bạn làm điều đó!

[Hình nơi các trang 274, 275]

Nếu muốn có sức khỏe tốt, bạn cần tập thể dục. Nếu muốn khỏe mạnh về thiêng liêng, bạn cần học Lời Đức Chúa Trời