Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 4

Đức Giê-hô-va tôn cao danh ngài

Đức Giê-hô-va tôn cao danh ngài

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Dân Đức Chúa Trời đề cao danh ngài

1, 2. Bản dịch Thế Giới Mới tôn cao danh Đức Chúa Trời như thế nào?

 Vào một buổi sáng đẹp trời, thứ ba ngày 2-12-1947, tại Bê-tên ở Brooklyn, New York, nhóm nhỏ những anh được xức dầu đã bắt tay thực hiện một công việc to lớn. Dù công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng họ vẫn kiên trì thực hiện suốt 12 năm. Cuối cùng, vào chủ nhật ngày 13-3-1960, họ hoàn tất bản dịch Kinh Thánh mới. Ba tháng sau, ngày 18-6-1960, anh Nathan Knorr ra mắt phần cuối của Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới trước dàn cử tọa đang rất phấn khởi tại một hội nghị ở Manchester, Anh Quốc. Diễn giả nói lên cảm xúc của tất cả những người tham dự: ‘Hôm nay là ngày đầy vui mừng đối với Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới!’. Thật vui khi thấy một điểm nổi bật của bản dịch này là nhiều lần dùng danh Đức Chúa Trời!

Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), Anh ngữ, ra mắt vào năm 1950 tại hội nghị “Thần quyền tăng tiến” (Ảnh trái: Sân vận động Yankee, thành phố New York; ảnh phải: Ghana)

2 Nhiều bản Kinh Thánh loại bỏ danh Đức Chúa Trời. Nhưng những tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va đã chống lại mưu đồ của Sa-tan là xóa tên Đức Chúa Trời khỏi trí nhớ con người. Lời mở đầu của Bản dịch Thế Giới Mới ra mắt vào ngày đó có ghi: “Đặc điểm nổi bật của bản dịch này là khôi phục danh Đức Chúa Trời vào đúng những chỗ danh ấy xuất hiện trong bản gốc”. Thật vậy, Bản dịch Thế Giới Mới dùng danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va hơn 7.000 lần. Bản dịch này quả đã tôn cao danh Cha trên trời—Giê-hô-va!

3. (a) Anh em chúng ta đã nhận ra điều gì về danh Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta nên hiểu Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13, 14 ra sao? (Xem khung “ Ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời”).

3 Trước đây, Học viên Kinh Thánh hiểu rằng danh Đức Chúa Trời có nghĩa: “Ta là Đấng tự-hữu hằng-hữu” (Xuất 3:14). Vì thế, Tháp Canh ngày 1-1-1926 nói: “Danh Giê-hô-va nghĩa là Đấng tự mình hiện hữu... Đấng không có khởi đầu cũng không có kết thúc”. Tuy nhiên, khi các dịch giả của Bản dịch Thế Giới Mới bắt tay vào công việc, Đức Giê-hô-va đã giúp dân ngài hiểu danh Giê-hô-va không chỉ có nghĩa là ngài tự hiện hữu nhưng trên hết ngài là Đức Chúa Trời có ý định và hành động để thực hiện ý định. Họ nhận ra rằng danh Giê-hô-va có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Thật vậy, ngài đã làm cho vũ trụ và những tạo vật thông minh hiện hữu, đồng thời tiếp tục làm cho ý muốn và ý định của ngài được thành tựu. Nhưng tại sao tôn cao danh Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng, và làm sao chúng ta có thể góp phần đề cao danh ấy?

Làm sáng danh Đức Chúa Trời

4, 5. (a) “Xin cho danh Cha được nên thánh” có nghĩa là chúng ta cầu xin điều gì? (b) Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh ngài khi nào và như thế nào?

4 Đức Giê-hô-va muốn danh ngài được tôn cao. Thật vậy, ý định chính của Đức Giê-hô-va là làm sáng danh ngài, như lời thỉnh cầu đầu tiên của Chúa Giê-su trong bài cầu nguyện mẫu: “Xin cho danh Cha được nên thánh” (Mat 6:9). Chúng ta cầu xin điều gì khi thỉnh cầu như thế?

5 Như chúng ta đã học trong chương 1, “xin cho danh Cha được nên thánh” là một trong ba lời thỉnh cầu của bài cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời. Hai lời thỉnh cầu kia là: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện” (Mat 6:10). Vậy, như việc cầu xin Đức Giê-hô-va cho Nước Trời đến và ý ngài được thực hiện, chúng ta cũng cầu xin ngài hành động để làm thánh danh ngài. Nói cách khác, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va ra tay xóa sạch những vết nhơ chồng chất mà danh ngài phải chịu kể từ cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen. Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao trước lời cầu nguyện như thế? Ngài phán: “Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân” (Ê-xê 36:23; 38:23). Tại Ha-ma-ghê-đôn, khi xóa bỏ sự gian ác, Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh ngài trước mắt mọi tạo vật.

6. Chúng ta có thể góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời bằng cách nào?

6 Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va cho phép các tôi tớ góp phần làm thánh danh ngài. Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm danh Đức Chúa Trời thánh hơn. Danh ấy vốn dĩ đã thánh một cách tuyệt đối. Vậy, chúng ta có thể làm thánh danh ấy bằng cách nào? Ê-sai nói: “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn-quân là thánh”. Và chính Đức Giê-hô-va nói về dân ngài: ‘Họ sẽ tôn danh ta là thánh, kính-sợ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên’ (Ê-sai 8:13; 29:23). Như vậy, chúng ta làm thánh danh Đức Chúa Trời bằng cách biệt danh ấy riêng ra và tôn cao hơn mọi danh khác, cũng như xem trọng ý nghĩa của danh ấy và giúp người khác tôn danh ấy là thánh. Đặc biệt, chúng ta thể hiện sự kính sợ danh Đức Chúa Trời khi công nhận ngài là Đấng Cai Trị của mình và hết lòng vâng lời ngài.—Châm 3:1; Khải 4:11.

Được chuẩn bị để mang danh Đức Chúa Trời và tôn vinh danh ngài

7, 8. (a) Tại sao cần thời gian để dân Đức Chúa Trời có thể mang danh ngài? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

7 Từ thập niên 1870, tôi tớ của Đức Chúa Trời vào thời hiện đại đã dùng danh ngài trong các ấn phẩm. Tháp Canh tháng 8 năm 1879 và Những bài ca của cô dâu (Songs of the Bride), sách hát được xuất bản cùng năm, đã đề cập đến danh Giê-hô-va. Dù vậy, dường như trước khi Đức Giê-hô-va cho phép dân sự mang danh thánh của ngài, ngài đã giúp họ hội đủ điều kiện nhận đặc ân lớn đó. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp Học viên Kinh Thánh thời ban đầu chuẩn bị để mang danh ngài?

8 Nhìn lại cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chúng ta thấy cách Đức Giê-hô-va giúp dân ngài hiểu rõ hơn về những sự thật quan trọng liên quan đến danh ngài. Hãy cùng xem ba sự thật.

9, 10. (a) Tại sao những bài Tháp Canh thời ban đầu tập trung vào Chúa Giê-su? (b) Điều gì thay đổi kể từ năm 1919, và kết quả là gì? (Cũng xem khung “ Cách Tháp Canh đề cao danh Đức Chúa Trời”).

9 Thứ nhất, tôi tớ của Đức Giê-hô-va dần hiểu tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời. Những Học viên Kinh Thánh trung thành thời ban đầu từng xem sắp đặt về giá chuộc là sự dạy dỗ chính của Kinh Thánh. Đó là lý do Tháp Canh thường tập trung vào Chúa Giê-su. Chẳng hạn, trong năm đầu phát hành, Tháp Canh đề cập đến tên Chúa Giê-su nhiều hơn danh Đức Giê-hô-va tới mười lần. Về Học viên Kinh Thánh thời ban đầu, Tháp Canh ngày 15-3-1976 nói rằng họ đã “quá chú trọng” Chúa Giê-su. Nhưng với thời gian, Đức Giê-hô-va giúp họ hiểu rằng Kinh Thánh đề cao danh Đức Chúa Trời. Điều này tác động thế nào đến họ? Bài Tháp Canh đó cho biết rằng từ năm 1919, “họ bắt đầu chú trọng hơn đến Cha trên trời của Đấng Mê-si là Đức Giê-hô-va”. Thật vậy, trong một thập kỷ sau năm 1919, Tháp Canh nhắc đến danh Đức Chúa Trời hơn 6.500 lần!

10 Khi chú tâm thích đáng đến danh Đức Chúa Trời, anh em cho thấy họ yêu mến danh ngài. Như thời Môi-se, họ bắt đầu “tung-hô danh Giê-hô-va” (Phục 32:3; Thi 34:3). Về phía Đức Giê-hô-va, Kinh Thánh hứa rằng ngài không quên tình yêu thương của họ đối với danh ngài và ban ơn cho họ.—Thi 119:132; Hê 6:10.

11, 12. (a) Không lâu sau năm 1919, ấn phẩm của chúng ta đã có sự thay đổi nào? (b) Đức Giê-hô-va đã khiến các tôi tớ chú tâm đến điều gì, và tại sao?

11 Thứ hai, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đã hiểu đúng về công việc Đức Chúa Trời giao cho họ. Không lâu sau năm 1919, những anh dẫn đầu đã được thúc đẩy để xem xét các lời tiên tri của Ê-sai. Vì thế, nội dung ấn phẩm của chúng ta đã có sự thay đổi rõ rệt. Tại sao sự điều chỉnh đó chứng tỏ là “thức ăn đúng giờ”?—Mat 24:45.

12 Trước năm 1919, Tháp Canh chưa bao giờ thảo luận về những lời sau của Ê-sai: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn”. (Đọc Ê-sai 43:10-12). Nhưng không lâu sau năm 1919, ấn phẩm của chúng ta bắt đầu chú ý đến những lời ấy, khuyến khích mọi tín đồ được xức dầu tham gia công việc Đức Giê-hô-va giao, đó là làm chứng về ngài. Thật vậy, chỉ tính từ năm 1925 đến năm 1931, có 57 số Tháp Canh xem xét Ê-sai chương 43, và mỗi số đều áp dụng những lời của Ê-sai cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính. Rõ ràng, trong những năm ấy, Đức Giê-hô-va đã khiến tôi tớ ngài chú tâm đến công việc họ phải thực hiện. Tại sao? Theo một nghĩa nào đó, nhờ điều này, họ có thể “được thử trước để xem có xứng đáng hay không” (1 Ti 3:10). Để có thể mang danh Đức Chúa Trời, Học viên Kinh Thánh phải chứng tỏ cho Đức Giê-hô-va thấy họ thật sự là nhân chứng của ngài.—Lu 24:47, 48.

13. Lời Đức Chúa Trời đã tiết lộ thế nào về vấn đề hệ trọng nhất cần được giải quyết?

13 Thứ ba, dân Đức Giê-hô-va dần hiểu tầm quan trọng của việc làm thánh danh Đức Chúa Trời. Trong thập niên 1920, họ nhận ra rằng làm thánh danh Đức Chúa Trời là vấn đề hệ trọng nhất cần được giải quyết. Lời Đức Chúa Trời tiết lộ thế nào về sự thật quan trọng ấy? Hãy xem hai ví dụ. Đâu là lý do chính Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập? Đức Giê-hô-va phán: “Hầu cho danh ta đồn khắp cả thiên-hạ” (Xuất 9:16). Tại sao Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót với dân Y-sơ-ra-ên khi họ phản nghịch ngài? Đức Giê-hô-va cũng phán: “Ta đã vì cớ danh ta mà làm, hầu cho danh ấy khỏi bị nói phạm trước mắt các dân ngoại” (Ê-xê 20:8-10). Học viên Kinh Thánh học được gì từ các lời tường thuật ấy và những lời tường thuật khác trong Kinh Thánh?

14. (a) Cuối thập niên 1920, dân Đức Chúa Trời nhận ra điều gì? (b) Sự hiểu biết rõ ràng hơn của Học viên Kinh Thánh ảnh hưởng ra sao đến công việc rao giảng? (Cũng xem khung “ Lý do chính đáng để rao giảng”).

14 Cuối thập niên 1920, dân Đức Chúa Trời nhận ra ý nghĩa của những lời do Ê-sai ghi lại khoảng 2.700 năm trước. Ông nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài đã dắt dân mình đi đường, để cho rạng danh vinh-hiển mình” (Ê-sai 63:14). Học viên Kinh Thánh đã hiểu rằng vấn đề chính không phải là sự cứu rỗi của mình mà là danh Đức Chúa Trời được nên thánh (Ê-sai 37:20; Ê-xê 38:23). Năm 1929, sách Lời tiên tri (Prophecy) tóm tắt sự thật ấy như sau: “Làm thánh danh Đức Giê-hô-va là vấn đề trọng yếu nhất [phải được giải quyết] trước mắt mọi tạo vật”. Sự hiểu biết được điều chỉnh này đã giúp tôi tớ của Đức Chúa Trời có thêm động lực làm chứng về Đức Giê-hô-va và khôi phục thanh danh của ngài.

15. (a) Đến thập niên 1930, anh em chúng ta đã có quan điểm đúng nào? (b) Đã đến lúc Đức Giê-hô-va làm gì?

15 Đầu thập niên 1930, anh em chúng ta có quan điểm đúng về tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời và hiểu rõ hơn về công việc Đức Giê-hô-va giao cũng như vấn đề chính cần giải quyết. Đã đến lúc Đức Giê-hô-va ban cho các tôi tớ đặc ân mang danh ngài. Để hiểu điều đó xảy ra thế nào, hãy xem một số biến cố trong quá khứ.

Đức Giê-hô-va “lấy ra một dân mang danh ngài”

16. (a) Đức Giê-hô-va tôn cao danh ngài qua cách nổi bật nào? (b) Lúc đầu dân mang danh Đức Chúa Trời là ai?

16 Đức Giê-hô-va tôn cao danh ngài qua cách nổi bật là cho một dân trên đất mang danh ấy. Từ năm 1513 TCN, dân Y-sơ-ra-ên đại diện cho Đức Giê-hô-va với tư cách là dân của ngài (Ê-sai 43:12). Tuy nhiên, vì không giữ giao ước với Đức Chúa Trời nên họ đánh mất mối quan hệ đặc biệt với ngài vào năm 33 CN. Không lâu sau đó, Đức Giê-hô-va đã ‘đoái đến dân ngoại để lấy ra một dân mang danh ngài’ (Công 15:14). Dân mới được chọn gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, bao gồm các môn đồ được xức dầu của Đấng Ki-tô đến từ nhiều nước.—Ga 6:16.

17. Sa-tan đã thực hiện thành công âm mưu nào?

17 Khoảng năm 44 CN, môn đồ Chúa Giê-su “được gọi là tín đồ Đấng Ki-tô, theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Công 11:26). Lúc đầu, danh hiệu ấy là riêng biệt, vì nó chỉ nói đến tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính (1 Phi 4:16). Thế nhưng, như được thấy trong minh họa về lúa mì và cỏ dại, Sa-tan đã thực hiện thành công âm mưu áp dụng danh hiệu độc nhất “tín đồ Đấng Ki-tô” cho mọi loại tín đồ giả hiệu. Do đó, trong nhiều thế kỷ, người ta khó phân biệt tín đồ chân chính với tín đồ giả hiệu. Nhưng khi bước vào “mùa gặt” năm 1914 thì bắt đầu có sự thay đổi. Tại sao? Vì các thiên sứ bắt đầu tách tín đồ giả hiệu ra khỏi tín đồ chân chính.—Mat 13:30, 39-41.

18. Điều gì giúp anh em chúng ta hiểu rằng họ cần một danh hiệu mới?

18 Sau khi bổ nhiệm đầy tớ trung tín vào năm 1919, Đức Giê-hô-va giúp dân ngài nhận ra công việc ngài giao cho họ. Họ nhanh chóng hiểu rằng việc rao giảng từng nhà khiến họ khác biệt với tín đồ giả hiệu. Không lâu sau khi nhận ra sự thật đó, họ thấy danh hiệu “Học viên Kinh Thánh” chưa đủ để làm họ khác biệt. Mục đích chính trong đời sống của họ không phải là nghiên cứu Kinh Thánh mà là làm chứng về Đức Chúa Trời, tôn kính và tôn cao danh ngài. Vậy, danh hiệu nào sẽ phù hợp với công việc họ đang thực hiện? Câu hỏi đó được giải đáp vào năm 1931.

Chương trình hội nghị năm 1931

19, 20. (a) Có nghị quyết đầy hứng khởi nào tại hội nghị năm 1931? (b) Anh em chúng ta phản ứng ra sao khi nhận danh hiệu mới?

19 Tháng 7 năm 1931, khoảng 15.000 Học viên Kinh Thánh đến Columbus, Ohio, Hoa Kỳ, tham dự hội nghị. Khi nhận tờ chương trình, họ tò mò về hai ký tự lớn JW được in ở mặt trước. Họ thắc mắc: “Những ký tự ấy có nghĩa gì?”. Một số đoán hai ký tự ấy là viết tắt của “Just Watch” (Hãy nhìn xem); số khác cho rằng đó là “Just Wait” (Hãy chờ đợi). Sau đó, vào chủ nhật ngày 26 tháng 7, anh Joseph Rutherford đọc một nghị quyết, trong đó có những lời hùng hồn sau: “Chúng ta muốn được biết đến và được gọi bằng danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va”. Lúc này, tất cả cử tọa hiểu rằng hai ký tự mà họ thắc mắc là viết tắt của Jehovah’s Witnesses (Nhân Chứng Giê-hô-va), danh hiệu dựa trên câu Kinh Thánh Ê-sai 43:10.

20 Cử tọa hưởng ứng nghị quyết đó bằng những tiếng reo hò và tràng pháo tay không ngớt. Qua radio, sự hưởng ứng nhiệt liệt ở Columbus đã vang dội khắp nửa địa cầu! Anh chị Ernest và Naomi Barber, ở Úc, nhớ lại: “Khi tiếng vỗ tay vang lên ở Mỹ, anh em ở Melbourne đứng bật dậy và tiếp tục vỗ tay. Chúng tôi không bao giờ quên giây phút ấy!”. a

Danh Đức Chúa Trời được tôn cao khắp đất

21. Danh hiệu mới đẩy mạnh công việc rao giảng như thế nào?

21 Sau khi lấy danh hiệu “Nhân Chứng Giê-hô-va” từ Kinh Thánh, tôi tớ của Đức Chúa Trời được thêm sức để tham gia công việc rao giảng. Anh chị Edward và Jessie Grimes, một cặp tiên phong ở Hoa Kỳ, đã tham dự hội nghị tại Columbus năm 1931, nói: “Khi rời nhà, vợ chồng tôi là Học viên Kinh Thánh nhưng khi về nhà, vợ chồng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tất cả chúng tôi vui mừng vì nhận được danh hiệu giúp mình tôn vinh danh Đức Chúa Trời”. Sau hội nghị ấy, một số Nhân Chứng đã dùng cách mới để tôn vinh danh ngài. Họ giới thiệu về mình bằng cách mời chủ nhà nhận danh thiếp có dòng chữ: “Một Nhân Chứng GIÊ-HÔ-VA rao giảng về Nước của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, Đức Chúa Trời chúng ta”. Thật vậy, dân Đức Chúa Trời tự hào khi được mang danh Đức Giê-hô-va, và họ sẵn sàng rao báo khắp nơi ý nghĩa của danh ấy.—Ê-sai 12:4.

“Khi rời nhà, vợ chồng tôi là Học viên Kinh Thánh nhưng khi về nhà, vợ chồng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”

22. Điều gì chứng tỏ dân Đức Giê-hô-va có sự khác biệt rõ rệt?

22 Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi Đức Giê-hô-va thôi thúc anh em được xức dầu lấy danh hiệu khác biệt ấy. Trong suốt những năm đó, Sa-tan có thể khiến dân Đức Chúa Trời bị lu mờ không? Hắn có thể khiến chúng ta bị hòa lẫn vào các tôn giáo của thế gian không? Tuyệt nhiên không! Trái lại, người ta dễ nhận ra các nhân chứng của Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết. (Đọc Mi-chê 4:5; Ma-la-chi 3:18). Thật vậy, chúng ta gắn chặt với danh Đức Chúa Trời đến nỗi khi người ta thấy ai thường dùng danh ấy thì nhận ra ngay đó là Nhân Chứng Giê-hô-va. Thay vì bị hàng núi tôn giáo sai lầm che khuất, sự thờ phượng thật “được lập vững trên đỉnh các núi” (Ê-sai 2:2). Thật vậy, ngày nay sự thờ phượng Đức Giê-hô-va và danh thánh của ngài đang được tôn cao.

23. Theo Thi-thiên 121:5, sự thật quan trọng nào về Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững lòng?

23 Thật vững lòng khi biết Đức Giê-hô-va che chở chúng ta khỏi những cuộc tấn công của Sa-tan ở hiện tại và tương lai! (Thi 121:5). Vì thế, chúng ta có lý do chính đáng để đồng tâm tình với người viết Thi-thiên: “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, dân-tộc nào được Ngài chọn làm cơ-nghiệp mình có phước thay!”.—Thi 33:12.

a Để biết thêm chi tiết về việc dùng radio thời đó, xin xem chương 7, trang 72-74.