Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 5

Vua chiếu sáng sự thật về Nước Trời

Vua chiếu sáng sự thật về Nước Trời

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Dân Đức Chúa Trời dần nhận ra những sự thật quan trọng về Nước Trời, những người cai trị và thần dân của Nước ấy, cũng như sự trung thành mà Nước ấy đòi hỏi

1, 2. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su là người hướng dẫn khôn ngoan?

 Hãy hình dung một hướng dẫn viên kinh nghiệm đang dẫn bạn tham quan một thành phố tuyệt đẹp. Vì thành phố còn lạ lẫm với bạn và những du khách khác nên bạn chăm chú lắng nghe từng lời của hướng dẫn viên. Thỉnh thoảng, các bạn háo hức muốn biết về một cảnh nào đó của thành phố. Nhưng khi bạn hỏi thì hướng dẫn viên không giải thích ngay mà chờ đến lúc bạn bắt đầu thấy cảnh ấy. Càng lúc bạn càng ấn tượng trước sự khôn ngoan của hướng dẫn viên, vì người ấy giải thích những điều bạn cần biết vào đúng thời điểm.

2 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ở trong hoàn cảnh tương tự những du khách ấy. Chúng ta háo hức muốn biết về một thành tuyệt vời nhất, “thành có nền móng thật”, tức là Nước Đức Chúa Trời (Hê 11:10). Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đích thân hướng dẫn các môn đồ, giúp họ hiểu sâu hơn về Nước Trời. Ngài có trả lời mọi câu hỏi của họ và cho họ biết hết về Nước ấy ngay không? Không. Ngài nói: “Tôi còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng hiện nay anh em không thể hiểu được” (Giăng 16:12). Là hướng dẫn viên khôn ngoan nhất, Chúa Giê-su không bao giờ làm các môn đồ choáng ngợp bởi những điều họ chưa thể hiểu.

3, 4. (a) Chúa Giê-su tiếp tục dạy thần dân trung thành về Nước Trời qua cách nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương này?

3 Chúa Giê-su nói những lời nơi Giăng 16:12 vào đêm cuối của cuộc đời trên đất. Sau khi mất, ngài tiếp tục dạy những người trung thành biết về Nước Trời qua cách nào? Ngài trấn an các sứ đồ: ‘Thần khí tỏ bày sự thật sẽ hướng dẫn anh em hiểu trọn vẹn sự thật’ a (Giăng 16:13). Chúng ta có thể xem thần khí như một hướng dẫn viên kiên nhẫn. Thần khí là phương tiện Chúa Giê-su dùng để dạy các môn đồ những điều họ cần biết về Nước Trời vào đúng thời điểm.

4 Chúng ta hãy xem cách thần khí của Đức Giê-hô-va hướng dẫn những tín đồ có lòng thành hiểu rõ hơn về Nước Trời. Trước tiên, hãy ôn lại cách chúng ta dần hiểu về thời điểm Nước Trời bắt đầu cai trị. Sau đó, cũng xem những người cai trị và thần dân của Nước ấy là ai, và họ có những hy vọng nào. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem làm thế nào môn đồ Đấng Ki-tô hiểu rõ hơn về sự trung thành mà Nước Trời đòi hỏi.

Hiểu một năm then chốt

5, 6. (a) Học viên Kinh Thánh đã hiểu sai thế nào về sự thành lập của Nước Trời và mùa gặt? (b) Tại sao những cách hiểu sai đó không làm chúng ta nghi ngờ việc Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ?

5 Như chúng ta đã xem nơi chương 2, trong hàng thập niên, Học viên Kinh Thánh đã cho biết năm 1914 sẽ là năm quan trọng trong sự ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh Thánh. Dù vậy, vào lúc đó, họ tin rằng Đấng Ki-tô bắt đầu hiện diện vào năm 1874, ngài khởi cai trị ở trên trời vào năm 1878, và đến tháng 10 năm 1914 thì mọi việc đã sẵn sàng để Nước Trời hoạt động. Mùa gặt sẽ diễn ra từ năm 1874 đến năm 1914 và đỉnh điểm là việc thu nhóm các tín đồ được xức dầu lên trời. Những cách hiểu sai đó có làm chúng ta nghi ngờ việc Chúa Giê-su đang hướng dẫn những người trung thành ấy bằng thần khí không?

6 Hoàn toàn không! Hãy nghĩ lại minh họa trong phần mở đầu. Những suy đoán và thắc mắc của du khách có làm chúng ta nghi ngờ sự đáng tin cậy của hướng dẫn viên không? Dĩ nhiên không! Tương tự, dù đôi lúc dân Đức Chúa Trời cố gắng hiểu chi tiết về ý định của Đức Giê-hô-va trước khi thần khí hướng dẫn họ hiểu nhưng rõ ràng là Chúa Giê-su vẫn đang dẫn dắt họ. Vì thế, những người trung thành sẵn sàng thích ứng với sự điều chỉnh cũng như khiêm nhường sửa lại quan điểm.—Gia 4:6.

7. Dân Đức Chúa Trời được ban phước qua những tia sáng thiêng liêng nào?

7 Trong những năm sau 1919, Đức Chúa Trời ban phước cho dân ngài qua những tia sáng thiêng liêng ngày càng nhiều. (Đọc Thi-thiên 97:11). Năm 1925, Tháp Canh đăng một bài đặc biệt có tựa đề “Nước được thành lập”. Bài đưa ra bằng chứng rõ ràng dựa trên Kinh Thánh cho thấy Nước của Đấng Mê-si đã ra đời năm 1914, làm ứng nghiệm hình ảnh mang tính tiên tri về người phụ nữ của Đức Chúa Trời đang sinh nở ở trên trời, như được ghi lại nơi Khải huyền chương 12 b. Bài cũng cho thấy sự bắt bớ và khó khăn mà dân Đức Giê-hô-va phải chịu trong những năm ấy chứng tỏ Sa-tan đã bị đuổi khỏi trời, “hắn đang giận dữ vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn”.—Khải 12:12.

8, 9. (a) Tầm quan trọng của Nước Trời được thấy rõ như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

8 Nước Trời quan trọng đến mức nào? Năm 1928, Tháp Canh bắt đầu nhấn mạnh rằng Nước Trời quan trọng hơn sự cứu rỗi của mỗi cá nhân qua giá chuộc. Thật vậy, qua Nước của Đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh ngài, biện minh cho quyền cai trị của ngài và thực thi mọi ý định của ngài liên quan đến nhân loại.

9 Ai sẽ cùng cai trị với Đấng Ki-tô trong Nước Trời? Thần dân trên đất của Nước ấy là ai? Môn đồ Đấng Ki-tô phải thi hành công việc nào?

Việc gặt hái tập trung vào tín đồ được xức dầu

10. Từ lâu, dân Đức Chúa Trời đã hiểu thế nào về con số 144.000 người?

10 Những thập niên trước năm 1914, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đã hiểu rằng 144.000 môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô sẽ cùng cai trị với ngài ở trên trời c. Họ nhận ra rằng số người đó cần được hiểu theo nghĩa đen và bắt đầu được thu nhóm vào thế kỷ thứ nhất.

11. Những người có triển vọng thuộc lớp cô dâu của Đấng Ki-tô dần hiểu thế nào về nhiệm vụ trên đất?

11 Thế nhưng, những người có triển vọng thuộc lớp cô dâu của Đấng Ki-tô được giao cho công việc gì khi sống trên đất? Họ hiểu rằng Chúa Giê-su đã nhấn mạnh và liên kết công việc rao giảng với mùa gặt (Mat 9:37; Giăng 4:35). Như đã xem trong chương 2, có một thời gian họ cho rằng mùa gặt kéo dài 40 năm, và cuối cùng đỉnh điểm là việc thu nhóm những tín đồ được xức dầu lên trời. Tuy nhiên, vì công việc đó vẫn tiếp diễn sau khi 40 năm kết thúc nên cách hiểu này cần được điều chỉnh. Bây giờ chúng ta biết rằng mùa gặt đã bắt đầu năm 1914. Đó là thời điểm tách lúa mì khỏi cỏ dại, tức là tách tín đồ được xức dầu trung thành ra khỏi tín đồ giả hiệu. Đã đến lúc tập trung vào việc thu nhóm phần còn lại của những người có triển vọng lên trời!

Năm 1914 đánh dấu sự khởi đầu của mùa gặt (Xem đoạn 11)

12, 13. Các minh họa về mười trinh nữ và ta-lâng được ứng nghiệm thế nào trong những ngày sau cùng?

12 Từ năm 1919, Đấng Ki-tô tiếp tục hướng dẫn đầy tớ trung tín và khôn ngoan đẩy mạnh công việc rao giảng. Ngài đã giao cho các môn đồ sứ mạng đó vào thế kỷ thứ nhất (Mat 28:19, 20). Ngài cũng cho thấy các môn đồ được xức dầu phải có những đức tính nào để thi hành thánh chức rao giảng. Như thế nào? Qua minh họa về mười trinh nữ, ngài giải thích nếu các môn đồ được xức dầu muốn có phần trong tiệc cưới linh đình ở trên trời khi Chúa Giê-su đón “cô dâu” gồm 144.000 người, họ phải luôn thức canh và tỉnh táo về thiêng liêng (Khải 21:2). Sau đó, trong minh họa về ta-lâng, Chúa Giê-su dạy rằng những tôi tớ được xức dầu sẽ siêng năng thi hành công việc rao giảng ngài đã giao.—Mat 25:1-30.

13 Những tín đồ được xức dầu chứng tỏ họ tỉnh thức và siêng năng trong suốt thế kỷ vừa qua. Chắc chắn việc họ thức canh sẽ mang lại phần thưởng! Tuy nhiên, có phải công việc gặt hái chỉ giới hạn trong phạm vi thu nhóm phần còn lại của 144.000 người đồng cai trị với Đấng Ki-tô không?

Nước Trời thu nhóm thần dân trên đất!

14, 15. Bốn nhóm nào được nói đến trong sách “Sự mầu nhiệm đã nên trọn”?

14 Từ lâu, những người nam và nữ trung thành đã rất nóng lòng muốn biết về “đám đông” được đề cập nơi Khải huyền 7:9-14. Trước khi Đấng Ki-tô tiết lộ nhóm đó là ai, chủ đề này được giải thích rất khác với những sự thật rõ ràng và đơn giản mà ngày nay chúng ta biết và quý trọng.

15 Năm 1917, sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery) nói rằng có “hai cấp độ hay loại cứu rỗi trên trời và hai cấp độ hay loại cứu rỗi dưới đất”. Bốn nhóm người có hy vọng cứu rỗi khác nhau là ai? Nhóm thứ nhất gồm 144.000 người sẽ cùng cai trị với Đấng Ki-tô. Nhóm thứ hai là “đám đông”. Các tín đồ thời đó cho rằng nhóm thứ hai gồm những người nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su nhưng vẫn thuộc Ki-tô giáo. Họ có đức tin nhưng không đủ mạnh để đứng về phía sự thờ phượng thật. Vì thế, họ sẽ có địa vị thấp hơn ở trên trời. Còn đối với trái đất, các tín đồ thời đó cho rằng nhóm thứ ba là “những người xứng đáng thời xưa”, chẳng hạn như Áp-ra-ham, Môi-se, sẽ có quyền trên nhóm thứ tư là loài người nói chung.

16. Những tia sáng thiêng liêng nào phát ra vào năm 1923 và 1932?

16 Bằng cách nào thần khí hướng dẫn môn đồ Đấng Ki-tô có được sự hiểu biết mà ngày nay chúng ta quý trọng? Thần khí tuần tự cho họ những tia sáng thiêng liêng. Ngay từ năm 1923, Tháp Canh đã tập trung vào nhóm người không có ước muốn lên trời và sẽ sống trên đất dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô. Năm 1932, Tháp Canh thảo luận về Giô-na-đáp, người đã gắn bó và hỗ trợ vị vua Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời xức dầu là Giê-hu trong cuộc chiến chống lại sự thờ phượng sai lầm (2 Vua 10:15-17). Bài nói rằng có một lớp người trong thời hiện đại giống như Giô-na-đáp và Đức Giê-hô-va sẽ đưa lớp người này “qua khỏi cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn đầy cam go” để sống trên đất.

17. (a) Năm 1935, tia sáng thiêng liêng nổi bật nào lóe lên? (b) Sự hiểu biết mới về “đám đông” đã tác động thế nào đến những tín đồ trung thành? (Xem khung “ Vô cùng nhẹ nhõm”).

17 Năm 1935, một tia sáng thiêng liêng nổi bật lóe lên. Tại hội nghị được tổ chức ở Washington, D.C, “đám đông” được nhận diện là nhóm có hy vọng sống trên đất, cũng là chiên trong minh họa của Chúa Giê-su về chiên và dê (Mat 25:33-40). “Đám đông” sẽ nằm trong số “các chiên khác”, nhóm người mà Chúa Giê-su nói là ‘ngài cũng phải mang về’ (Giăng 10:16). Khi anh J. F. Rutherford nói: “Mời những người có hy vọng sống mãi trên đất đứng dậy”, hơn phân nửa cử tọa đứng lên! Anh nói: “Nhìn kìa! Đám đông!”. Nhiều người rất xúc động vì cuối cùng họ cũng hiểu hy vọng trong tương lai của mình là gì.

18. Môn đồ Đấng Ki-tô đã dồn nỗ lực vào thánh chức ra sao, và kết quả là gì?

18 Kể từ đó, Đấng Ki-tô hướng dẫn các môn đồ dồn nỗ lực vào việc thu nhóm những thành viên tương lai của “đám đông”, những người sẽ an toàn qua khỏi hoạn nạn lớn. Lúc đầu, việc thu nhóm không mấy ấn tượng. Thậm chí, có lần anh Rutherford nhận xét: “Có vẻ như cuối cùng ‘đám đông’ sẽ không đông lắm”. Nhưng ngày nay chúng ta thấy rõ Đức Giê-hô-va đã ban phước nhiều đến mức nào cho việc gặt hái kể từ thời đó! Dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su và thần khí, tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành thuộc “chiên khác” hợp thành “một bầy” cùng nhau phụng sự dưới sự coi sóc của “một người chăn”, như Chúa Giê-su đã báo trước.

Anh Rutherford không thể thấy trước “đám đông” sẽ lớn đến mức nào (Từ trái qua phải: Các anh Nathan H. Knorr, Joseph F. Rutherford và Hayden C. Covington)

19. Chúng ta có thể làm gì để “đám đông” ngày càng gia tăng?

19 Phần lớn những người trung thành sẽ sống mãi trong địa đàng dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô và 144.000 người. Khi suy ngẫm về cách Đấng Ki-tô hướng dẫn dân Đức Chúa Trời vươn tới hy vọng rõ ràng ấy, chẳng phải chúng ta thấy thích thú sao? Quả là đặc ân khi được chia sẻ hy vọng đó cho những người mình gặp! Vậy, hãy hết lòng tham gia thánh chức để “đám đông” ngày càng gia tăng và mang lại sự ngợi khen cho danh Đức Giê-hô-va!—Đọc Lu-ca 10:2.

“Đám đông” tiếp tục gia tăng

Sự trung thành mà Nước Trời đòi hỏi

20. Tổ chức của Sa-tan bao gồm các thành phần nào? Sự trung thành của tín đồ đạo Đấng Ki-tô bao hàm điều gì?

20 Khi tiếp tục học về Nước Trời, dân Đức Chúa Trời cũng cần hiểu rõ trung thành với chính phủ trên trời bao hàm điều gì. Về điều này, năm 1922, Tháp Canh nói rằng có hai tổ chức đang hoạt động: tổ chức của Đức Giê-hô-va và tổ chức của Sa-tan. Tổ chức của Sa-tan bao gồm các thành phần thương mại, tôn giáo và chính trị của thế gian. Những người trung thành với Nước Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su cai trị không được có mối liên hệ sai trái với bất cứ thành phần nào thuộc tổ chức của Sa-tan (2 Cô 6:17). Điều này có nghĩa gì?

21. (a) Đầy tớ trung tín đã cảnh báo dân Đức Chúa Trời ra sao về việc làm ăn lớn? (b) Năm 1963, Tháp Canh tiết lộ điều gì về “Ba-by-lôn Lớn”?

21 Thức ăn thiêng liêng do đầy tớ trung tín cung cấp thường phơi bày sự xấu xa bên trong việc làm ăn lớn cũng như cảnh báo dân Đức Chúa Trời đừng chạy theo lối sống thiên về vật chất (Mat 6:24). Ấn phẩm của chúng ta tiếp tục chỉ ra thành phần tôn giáo thuộc tổ chức của Sa-tan. Năm 1963, Tháp Canh cho thấy rõ là “Ba-by-lôn Lớn” không chỉ nói đến khối Ki-tô giáo mà còn ám chỉ toàn bộ đế quốc tôn giáo sai lầm thế giới. Vì thế, như chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong chương 10, dân Đức Chúa Trời ở mọi nước và thuộc mọi nền văn hóa đã được giúp để “ra khỏi nó”, tức từ bỏ mọi thực hành sai trái của tôn giáo sai lầm.—Khải 18:2, 4.

22. Trong Thế Chiến I, nhiều người thuộc dân Đức Chúa Trời đã hiểu thế nào về lời khuyên nơi Rô-ma 13:1?

22 Còn thành phần chính trị thì sao? Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính có thể tham gia chiến tranh và những cuộc xung đột của các nước không? Trong Thế Chiến I, nhìn chung Học viên Kinh Thánh hiểu rằng môn đồ của Đấng Ki-tô không nên giết người đồng loại (Mat 26:52). Dù vậy, nhiều người cho rằng lời khuyên vâng phục “các bậc cầm quyền” nơi Rô-ma 13:1 có nghĩa là họ nên nhập ngũ, mặc quân phục và mang vũ khí; nhưng khi nhận lệnh giết kẻ thù thì họ nên bắn chỉ thiên.

23, 24. Trong Thế Chiến II, anh em chúng ta đã hiểu Rô-ma 13:1 thế nào, và sau đó họ hiểu chính xác hơn ra sao?

23 Khi Thế Chiến II bùng nổ vào năm 1939, Tháp Canh thảo luận kỹ về sự trung lập. Bài đó nói rõ là tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ không tham gia bất cứ cuộc chiến hay xung đột nào giữa các nước thuộc thế gian Sa-tan. Quả là sự hướng dẫn kịp thời! Nhờ thế, trong cuộc chiến đẫm máu ấy, môn đồ Đấng Ki-tô không phải mang mặc cảm tội lỗi như dân các nước. Tuy nhiên, đầu năm 1929, ấn phẩm của chúng ta cũng giải thích rằng các bậc cầm quyền được đề cập nơi Rô-ma 13:1 không phải là giới lãnh đạo của các nước, mà là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Như vậy, vẫn cần có sự hiểu biết chính xác hơn.

24 Năm 1962, thần khí hướng dẫn môn đồ Đấng Ki-tô đạt được điều đó khi có những bài tập trung thảo luận Rô-ma 13:1-7 được đăng trong Tháp Canh ngày 15 tháng 11 và ngày 1 tháng 12. Cuối cùng, dân Đức Chúa Trời hiểu nguyên tắc về sự vâng phục tương đối mà Chúa Giê-su đã tiết lộ trong những lời nổi tiếng sau: “Của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời” (Lu 20:25). Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính hiểu rằng “các bậc cầm quyền” là những người có quyền hành trong thế gian, và tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải vâng phục họ. Tuy nhiên, sự vâng phục đó là tương đối. Khi họ bảo chúng ta bất tuân với Đức Giê-hô-va, chúng ta trả lời giống như các sứ đồ thời ban đầu: “Chúng tôi phải vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục loài người” (Công 5:29). Chương 13 và 14 sẽ xem xét kỹ hơn về cách dân Đức Chúa Trời đã áp dụng nguyên tắc ấy.

Quả là đặc ân khi được chia sẻ hy vọng trong Kinh Thánh về sự sống vĩnh cửu!

25. Tại sao bạn quý trọng sự hướng dẫn của thần khí liên quan đến sự hiểu biết về Nước Trời?

25 Hãy nghĩ đến mọi điều môn đồ Đấng Ki-tô đã được dạy về Nước Trời trong thế kỷ vừa qua. Chúng ta đã hiểu thời điểm Nước Trời thành lập và tầm quan trọng của Nước ấy. Chúng ta đã biết rõ hai hy vọng dành cho những người trung thành, đó là hy vọng lên trời và hy vọng sống trên đất. Chúng ta cũng biết cách thể hiện lòng trung thành với Nước Trời trong khi vâng phục tương đối các nhà cầm quyền thế gian. Hãy tự hỏi: “Nếu Chúa Giê-su Ki-tô không hướng dẫn đầy tớ trung tín hiểu và dạy những sự thật quý giá ấy thì mình có biết không?”. Thật là một ân phước khi được Đấng Ki-tô và thần khí hướng dẫn!

a Theo một tài liệu tham khảo, từ Hy Lạp được dịch là “hướng dẫn” trong câu này có nghĩa là “chỉ đường”.

b Trước đó, anh em chúng ta nghĩ rằng khải tượng này ám chỉ cuộc chiến giữa những đạo ngoại giáo thuộc đế quốc La Mã và Giáo hội Công giáo La Mã.

c Tháng 6 năm 1880, Tháp Canh cho rằng 144.000 người là những người Do Thái nhập đạo trước năm 1914. Thế nhưng, cuối năm 1880, Tháp Canh đưa ra một cách giải thích gần giống cách hiểu của chúng ta ngày nay.