Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 6

Người rao giảng​—Những người truyền giảng tình nguyện

Người rao giảng​—Những người truyền giảng tình nguyện

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Vua dấy lên một đội ngũ những người rao giảng

1, 2. Chúa Giê-su đã báo trước về công việc to lớn nào? Câu hỏi quan trọng nào được đặt ra?

 Những nhà cai trị thế gian thường chỉ hứa suông. Ngay cả những người thiện chí nhất có lẽ cũng không thực hiện được điều họ hứa. Nhưng thật vui khi biết Vua Mê-si, Chúa Giê-su Ki-tô, là đấng luôn giữ lời.

2 Sau khi lên ngôi năm 1914, Chúa Giê-su sẵn sàng làm ứng nghiệm lời tiên tri ngài đã phán trước đó khoảng 1.900 năm. Không lâu trước khi qua đời, Chúa Giê-su báo trước: “Tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất” (Mat 24:14). Sự ứng nghiệm những lời ấy sẽ là một phần của dấu hiệu về sự hiện diện của ngài trong vương quyền Nước Trời. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào Vua có thể dấy lên một đội ngũ những người tình nguyện rao giảng trong những ngày sau cùng—thời kỳ được đánh dấu bằng sự ích kỷ, vô tình và vô thần? (Mat 24:12; 2 Ti 3:1-5). Chúng ta cần biết câu trả lời vì điều đó liên quan đến mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính.

3. Chúa Giê-su tin chắc điều gì, và nhờ đâu ngài có lòng tin như thế?

3 Hãy xem lại lời tiên tri của Chúa Giê-su. Ngài có tin chắc khi nói tin mừng “sẽ được rao truyền” không? Dĩ nhiên có! Chúa Giê-su biết chắc là sẽ có những người tình nguyện ủng hộ công việc ấy trong những ngày sau cùng. Nhờ đâu ngài có lòng tin như thế? Nhờ ngài học từ Cha (Giăng 12:45; 14:9). Trước khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su tận mắt thấy Đức Giê-hô-va tin nơi tinh thần tình nguyện của những người thờ phượng ngài. Hãy xem Đức Giê-hô-va biểu lộ niềm tin ấy như thế nào.

“Dân Chúa tình-nguyện lại đến”

4. Đức Giê-hô-va kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên ủng hộ công việc nào, và họ hưởng ứng ra sao?

4 Hãy nhớ lại lúc Đức Giê-hô-va lệnh cho Môi-se dựng đền tạm, trung tâm thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên. Qua Môi-se, Đức Giê-hô-va kêu gọi mọi người ủng hộ công việc ấy. Môi-se nói với họ: “Hễ người nào có lòng thành dâng cho, hãy đem lễ-vật cho Đức Giê-hô-va”. Kết quả là gì? “Mỗi buổi sớm mai, dân-sự lại đem đến lễ-vật tình-nguyện”. Họ đóng góp nhiều đến nỗi bị ‘cấm không cho đem đến chi thêm nữa’! (Xuất 35:5; 36:3, 6). Dân Y-sơ-ra-ên đã không phụ lòng tin của Đức Giê-hô-va.

5, 6. Theo Thi-thiên 110:1-3, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su muốn thấy tinh thần nào nơi những người thờ phượng thật trong thời kỳ sau cùng?

5 Đức Giê-hô-va có muốn thấy tinh thần tình nguyện như thế nơi những người thờ phượng ngài trong thời kỳ sau cùng không? Có! Hơn 1.000 năm trước khi Chúa Giê-su sinh ra trên đất, Đức Giê-hô-va hướng dẫn Đa-vít viết về thời điểm Đấng Mê-si bắt đầu cai trị. (Đọc Thi-thiên 110:1-3). Vua mới lên ngôi là Chúa Giê-su sẽ có những kẻ thù nghịch. Thế nhưng, ngài cũng sẽ có một đội ngũ những người ủng hộ. Họ không bị ép buộc phụng sự Vua. Ngay cả người trẻ cũng sẵn lòng làm thế và ngày một đông đảo đến nỗi được ví như vô số giọt sương phủ khắp mặt đất trong ánh nắng ban mai a.

Những người tình nguyện ủng hộ Nước Trời nhiều như những giọt sương (Xem đoạn 5)

6 Chúa Giê-su biết lời tiên tri nơi Thi-thiên 110 áp dụng cho ngài (Mat 22:42-45). Vì thế, ngài có mọi lý do để tin chắc rằng ngài sẽ có những người trung thành ủng hộ, tình nguyện rao truyền tin mừng ra khắp đất. Lịch sử cho thấy gì? Trong những ngày sau cùng này, Vua có dấy lên một đội ngũ những người tình nguyện rao giảng không?

“Đặc ân và nghĩa vụ của mình là rao báo thông điệp đó”

7. Sau khi lên ngôi, Chúa Giê-su thực hiện những bước nào để giúp các môn đồ chuẩn bị sẵn sàng cho công việc phía trước?

7 Không lâu sau khi lên ngôi, Chúa Giê-su từng bước giúp các môn đồ chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện công việc to lớn ấy. Như chương 2 cho thấy, ngài tiến hành việc thanh tra và làm sạch từ năm 1914 đến đầu năm 1919 (Mal 3:1-4). Rồi năm 1919, ngài bổ nhiệm đầy tớ trung tín để dẫn dắt các môn đồ (Mat 24:45). Kể từ đó, đầy tớ ấy bắt đầu cấp phát thức ăn thiêng liêng qua các bài giảng tại hội nghị và ấn phẩm. Các tài liệu ấy nhiều lần nhấn mạnh rằng mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều có nghĩa vụ rao giảng.

8-10. Những hội nghị đẩy mạnh công việc rao giảng như thế nào? Hãy cho ví dụ. (Cũng xem khung “ Những hội nghị thời ban đầu đẩy mạnh công việc rao giảng”).

8 Những bài giảng tại hội nghị. Vì háo hức nhận sự chỉ dẫn, Học viên Kinh Thánh tụ họp lại tại Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 9 năm 1919 để tham dự hội nghị lớn đầu tiên sau Thế Chiến I. Trong một bài giảng vào ngày thứ hai, anh Rutherford nhấn mạnh với các đại biểu: “Sứ mạng trên đất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô... là rao truyền thông điệp về nước của Chúa”.

9 Cao điểm của hội nghị là ngày thứ năm, khi anh Rutherford giảng một bài có tựa đề “Lời ngỏ cho các đồng sự” (sau này được xuất bản trong Tháp Canh với tựa “Thông báo về Nước Trời”). Anh nói: “Trong những lúc ngẫm nghĩ, đương nhiên một tín đồ sẽ tự hỏi ‘Vì sao mình có mặt ở trên đất?’. Câu trả lời nên là ‘Chúa đã nhân từ cho mình làm đại sứ của ngài nhằm mang thông điệp giải hòa của Đức Chúa Trời đến thế gian. Đặc ân và nghĩa vụ của mình là rao báo thông điệp đó’”.

10 Trong bài giảng lịch sử ấy, anh Rutherford thông báo rằng một tạp chí mới, gọi là Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age), nay là Tỉnh Thức!, sẽ được xuất bản nhằm giúp người ta biết Nước Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Rồi anh hỏi có bao nhiêu người trong cử tọa muốn tham gia phân phát tạp chí này. Một báo cáo về hội nghị tường thuật: “Cảnh tượng lúc ấy quả thật khó quên. Sáu ngàn người, hết thảy như một, đều đồng loạt đứng dậy” b. Rõ ràng, Vua Giê-su có những người tình nguyện ủng hộ, và họ hăng say rao truyền về Nước của ngài!

11, 12. Về thời điểm thực hiện công việc Chúa Giê-su đã báo trước, Tháp Canh trong năm 1920 nói gì?

11 Ấn phẩm. Các bài Tháp Canh ngày càng cho thấy rõ hơn về tầm quan trọng của công việc rao giảng tin mừng Nước Trời mà Chúa Giê-su đã báo trước. Hãy xem một số ví dụ từ đầu thập niên 1920.

12 Thông điệp nào sẽ được rao truyền để làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:14? Công việc ấy sẽ được thực hiện khi nào? Bài “Tin mừng về Nước Trời” (trong Tháp Canh ngày 1-7-1920), giải thích về thông điệp đó như sau: “Tin mừng nói đến sự kết thúc của hệ thống cũ và sự thành lập Nước của Đấng Mê-si”. Về thời điểm rao truyền thông điệp, bài cũng cho biết: “Thông điệp này phải được loan báo trong khoảng thời gian từ đại chiến thế giới [Thế Chiến I] đến ‘hoạn nạn lớn’”. Do đó, bài nói thêm: “Giờ là lúc... rao truyền tin mừng này ra khắp khối Ki-tô giáo”.

13. Làm thế nào Tháp Canh trong năm 1921 khơi dậy tinh thần tình nguyện của những tín đồ được xức dầu?

13 Dân Đức Chúa Trời có bị ép làm công việc Chúa Giê-su đã báo trước không? Không hề. Bài “Hãy giữ vững lòng can đảm” (trong Tháp Canh ngày 15-3-1921) đã khơi dậy tinh thần tình nguyện của những tín đồ được xức dầu. Mỗi người được khuyến khích tự hỏi: “Chẳng phải công việc này vừa là đặc ân lớn nhất vừa là nghĩa vụ của mình sao?”. Bài cũng nói: “Chúng tôi biết chắc rằng khi thấy [tham gia rao giảng là một đặc ân], các bạn sẽ như Giê-rê-mi, người từng cảm thấy Lời Đức Chúa Trời ‘như lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương’ đến nỗi không thể nín lặng” (Giê 20:9). Những lời khuyến khích nồng nhiệt đó nói lên niềm tin của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nơi những người trung thành ủng hộ Nước Trời.

14, 15. Năm 1922, Tháp Canh thôi thúc các tín đồ được xức dầu chia sẻ thông điệp cho người khác bằng cách nào?

14 Tín đồ chân chính nên chia sẻ thông điệp Nước Trời cho người khác bằng cách nào? Tháp Canh ngày 15-8-1922 đăng một bài súc tích có tựa đề “Nhiệm vụ cấp thiết”. Bài thôi thúc các tín đồ được xức dầu “hăng hái mang ấn phẩm chứa đựng thông điệp đến với mọi người và nói chuyện với người ta tại nhà của họ, làm chứng là Nước Trời sắp đến”.

15 Rõ ràng, từ năm 1919, Đấng Ki-tô đã dùng đầy tớ trung tín và khôn ngoan để nhấn mạnh nhiều lần rằng đặc ân và nghĩa vụ trên đất của mỗi tín đồ là rao truyền thông điệp Nước Trời. Tuy nhiên, khi được khuyến khích tham gia công việc này, Học viên Kinh Thánh thời ban đầu phản ứng thế nào?

“Tín đồ trung thành sẽ sẵn lòng”

16. Trước lời chỉ dẫn là tất cả cần tham gia thánh chức, một số trưởng lão phản ứng thế nào?

16 Trong thập niên 1920 và 1930, một số người chống lại lời chỉ dẫn là tất cả tín đồ được xức dầu đều phải tham gia thánh chức. Tháp Canh ngày 1-11-1927 giải thích: “Hiện nay, trong hội thánh có những anh đảm nhận chức vụ trưởng lão... không chịu khuyến khích anh em đồng đạo tham gia thánh chức và chính họ cũng không tham gia... Họ chế giễu việc đi từng nhà nói cho người ta biết thông điệp về Đức Chúa Trời, Vua được ngài tấn phong và Nước của ngài”. Bài nói thẳng: “Đã đến lúc các tín đồ trung thành phải để ý đến những người như thế và tránh xa họ, nói với họ là chúng ta sẽ không giao cho họ chức vụ trưởng lão nữa”. c

17, 18. Đa số tín đồ phản ứng ra sao trước lời chỉ dẫn đến từ đầy tớ trung tín? Hàng triệu người đã phản ứng thế nào trong 100 năm qua?

17 Mừng thay, đa số tín đồ đã nhiệt tình hưởng ứng lời chỉ dẫn đến từ đầy tớ trung tín. Họ xem việc chia sẻ thông điệp Nước Trời là một đặc ân. Tháp Canh ngày 15-3-1926 nói về điều đó như sau: “Những tín đồ trung thành sẽ sẵn lòng... nói cho người ta biết thông điệp này”. Các tín đồ trung thành ấy góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Thi-thiên 110:3 và chứng tỏ là những người tình nguyện ủng hộ Nước của Đấng Mê-si.

18 Trong 100 năm qua, hàng triệu người đã tình nguyện tham gia rao truyền về Nước Trời. Những chương kế tiếp sẽ thảo luận về cách họ rao giảng, những phương pháp và công cụ họ đã dùng, cũng như những thành quả họ đạt được. Trước tiên chúng ta hãy xem lý do hàng triệu người tình nguyện rao giảng về Nước Trời, dù sống trong một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân. Khi xem xét, hãy tự hỏi: “Vì sao mình chia sẻ tin mừng cho người khác?”.

‘Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’

19. Tại sao chúng ta làm theo lời khuyên ‘hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’?

19 Chúa Giê-su khuyên các môn đồ ‘hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’ (Mat 6:33). Tại sao chúng ta làm theo lời khuyên ấy? Cơ bản là vì chúng ta hiểu tầm quan trọng của Nước Trời: Nước ấy là phần cốt lõi trong ý định của Đức Chúa Trời. Như chương trước cho thấy, thần khí dần tỏ lộ những sự thật lý thú về Nước Trời. Khi những sự thật vô giá ấy tác động đến lòng thì chúng ta được thôi thúc tìm kiếm Nước Trời trước hết.

Như người đàn ông mừng rỡ khi thấy báu vật chôn giấu, tín đồ đạo Đấng Ki-tô vui sướng khi biết sự thật Nước Trời (Xem đoạn 20)

20. Minh họa của Chúa Giê-su về báu vật chôn giấu cho biết gì về cách các môn đồ phản ứng trước lời khuyên ‘luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’?

20 Chúa Giê-su biết các môn đồ sẽ phản ứng thế nào trước lời khuyên ‘luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’. Hãy xem xét minh họa của ngài về báu vật chôn giấu. (Đọc Ma-thi-ơ 13:44). Khi đi làm đồng như thường lệ, người nông dân trong minh họa thấy một báu vật chôn giấu và liền nhận ra giá trị của nó. Ông làm gì? “Ông vui mừng đi bán hết của cải và mua cánh đồng ấy”. Chúng ta rút ra bài học nào? Khi tìm thấy và nhận ra giá trị của sự thật về Nước Trời, chúng ta sẽ sẵn lòng hy sinh bất cứ điều gì cần thiết để luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. d

21, 22. Làm thế nào những người trung thành ủng hộ Nước Trời cho thấy họ tìm kiếm Nước ấy trước hết? Hãy cho ví dụ.

21 Qua hành động, chứ không chỉ lời nói, những người trung thành ủng hộ Nước Trời cho thấy họ đang tìm kiếm Nước ấy trước hết. Họ dành đời sống, năng lực và của cải cho việc rao giảng về Nước Trời. Không ít người đã hy sinh nhiều điều để theo đuổi việc truyền giáo trọn thời gian. Những anh chị tình nguyện ấy cảm nghiệm rằng Đức Chúa Trời ban phước cho những ai đặt Nước Trời lên hàng ưu tiên. Hãy xem một kinh nghiệm thời trước.

22 Anh chị Avery và Lovenia Bristow bắt đầu làm người phân phát sách đạo (tiên phong) ở miền nam Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1920. Những năm sau đó, chị Lovenia hồi tưởng: “Anh Avery và tôi đã trải qua những năm tháng hạnh phúc khi cùng nhau làm tiên phong kể từ dạo ấy. Có nhiều lúc chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền đổ xăng và mua thực phẩm. Nhưng qua cách này hay cách khác, Đức Giê-hô-va luôn chu cấp cho chúng tôi. Vợ chồng tôi chỉ cần tiếp tục rao giảng. Lúc nào chúng tôi cũng có đủ những thứ mình thật sự cần”. Chị Lovenia nhớ lại khi phụng sự tại thành phố Pensacola, Florida, có lần cả tiền lẫn thức ăn của họ đều sắp hết. Khi họ trở về nhà (là chiếc xe moóc) thì thấy hai túi thực phẩm lớn cùng dòng chữ “Hội đoàn Pensacola gửi đến anh chị với tình yêu thương” e. Ngẫm lại mấy mươi năm trong thánh chức trọn thời gian, chị Lovenia nói: “Đức Giê-hô-va chẳng bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Ngài không bao giờ phụ lòng tin của chúng tôi nơi ngài”.

23. Bạn cảm thấy ra sao về sự thật mà mình tìm thấy, và bạn quyết tâm làm gì?

23 Vì mỗi người một hoàn cảnh nên chúng ta không thể rao giảng nhiều như nhau. Dù vậy, tất cả chúng ta đều xem hết mình rao báo tin mừng là đặc ân (Cô 3:23). Vì xem trọng sự thật quý báu về Nước Trời mà mình đã tìm thấy, chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì có thể để hết lòng phụng sự. Chẳng phải đó là quyết tâm của bạn sao?

24. Một công việc vĩ đại mà Nước Trời thực hiện trong những ngày sau cùng là gì?

24 Trong thế kỷ qua, Vua đã thật sự làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:14. Ngài làm thế mà không cần phải ép buộc con người. Sau khi tách khỏi thế gian ích kỷ này, môn đồ của ngài đã tình nguyện rao giảng cho người khác. Việc rao giảng khắp đất là một phần của dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giê-su trong vương quyền Nước Trời, và là một trong những công việc vĩ đại nhất mà Nước Trời thực hiện trong những ngày sau cùng.

a Trong Kinh Thánh, giọt sương được liên kết với sự dư dật.—Sáng 27:28; Mi 5:6.

b Một sách mỏng (To Whom the Work Is Entrusted) giải thích: “‘Thời Đại Hoàng Kim’ được dùng để truyền bá thông điệp Nước Trời đến từng nhà... Sau khi trình bày thông điệp, hãy để lại một tạp chí này tại mỗi nhà, dù chủ nhà có đặt tạp chí dài hạn hay không”. Trong nhiều năm sau đó, các anh chị được khuyến khích mời người ta đặt dài hạn “Thời Đại Hoàng Kim” và Tháp Canh. Bắt đầu từ ngày 1-2-1940, dân Đức Giê-hô-va được khuyến khích phân phát từng tạp chí, rồi báo cáo số tạp chí mình đã phát.

c Vào thời đó, trưởng lão được hội thánh bầu cử theo thể thức dân chủ. Vì vậy, hội thánh có thể từ chối bầu cử những người chống lại công việc rao giảng. Việc bổ nhiệm trưởng lão được đổi sang thể thức thần quyền sẽ thảo luận trong chương 12.

d Chúa Giê-su nêu minh họa tương tự về người lái buôn đi tìm viên ngọc trai quý giá. Khi tìm thấy, ông bán hết những gì mình có để mua nó (Mat 13:45, 46). Hai minh họa đều dạy rằng có thể chúng ta biết sự thật Nước Trời qua những cách khác nhau. Một số tình cờ biết được, số khác thì đi tìm kiếm. Nhưng dù qua cách nào đi nữa thì chúng ta cũng sẵn sàng hy sinh để đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống.

e Thời đó, hội thánh được gọi là hội đoàn.