Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 7

Phương pháp rao giảng—Dùng mọi cách để tiếp cận nhiều người

Phương pháp rao giảng—Dùng mọi cách để tiếp cận nhiều người

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Dân Đức Chúa Trời dùng nhiều phương pháp rao giảng để tiếp cận càng nhiều người càng tốt

1, 2. (a) Chúa Giê-su đã dùng phương pháp nào để nói cho nhiều người nghe? (b) Những môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô đã noi gương ngài thế nào, và tại sao?

 Dân chúng vây quanh Chúa Giê-su bên bờ hồ, nhưng ngài lên thuyền và đi cách bờ một quãng khá xa. Tại sao? Chúa Giê-su biết rằng mặt nước sẽ khuếch đại tiếng nói và nhiều người có thể nghe rõ hơn thông điệp của ngài.—Đọc Mác 4:1, 2.

2 Trong những thập niên trước và sau năm Nước Trời ra đời, các môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô đã noi gương ngài bằng cách dùng những phương pháp mới để rao truyền tin mừng về Nước Trời cho nhiều người. Dưới sự hướng dẫn của Vua, dân Đức Chúa Trời tiếp tục cải tiến và thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi cũng như công nghệ mới ra đời. Chúng ta muốn rao giảng cho càng nhiều người càng tốt trước khi thời điểm kết thúc đến (Mat 24:14). Hãy xem xét một vài phương pháp chúng ta đã dùng để tiếp cận người ta dù họ ở nơi đâu. Cũng hãy suy nghĩ về những cách bạn có thể noi theo đức tin của những người rao truyền tin mừng vào thời ban đầu, tức là các Học viên Kinh Thánh.

Tiếp cận nhiều người

3. Tại sao những kẻ thù của sự thật tức giận khi chúng ta dùng báo chí?

3 Báo chí. Anh Russell và các cộng sự đã xuất bản Tháp Canh từ năm 1879, qua đó có thể mang thông điệp Nước Trời đến cho nhiều người. Nhưng trong thập niên trước năm 1914, dường như Đấng Ki-tô lèo lái mọi việc để tin mừng đến với nhiều người hơn. Năm 1903, một chuỗi sự kiện bắt đầu xảy ra. Vào năm đó, tiến sĩ E. L. Eaton, phát ngôn viên của nhóm mục sư Tin Lành ở Pennsylvania, đã thách thức anh Russell tham gia những cuộc tranh luận về giáo lý Kinh Thánh. Trong một lá thư, ông Eaton viết: “Tôi nghĩ sự tranh luận công khai giữa tôi và anh về một số điều mà chúng ta không đồng quan điểm... sẽ tạo sức hút lớn với công chúng”. Anh Russell và các cộng sự cũng nghĩ vậy nên họ sắp xếp để đăng những bài tranh luận lên một tờ báo hàng đầu (The Pittsburgh Gazette). Những bài này được nhiều người yêu thích, và lời giải thích rõ ràng của anh Russell về sự thật Kinh Thánh thuyết phục đến nỗi tờ báo đó đề nghị đăng các bài của anh hằng tuần. Hẳn điều này làm những kẻ thù của sự thật rất tức giận!

Đến năm 1914, có hơn 2.000 tờ báo đăng các bài giảng của anh Russell

4, 5. Anh Russell đã thể hiện đức tính nào, và những anh có trách nhiệm có thể noi gương anh ra sao?

4 Chẳng bao lâu sau, có thêm những tờ báo khác muốn đăng bài của anh Russell. Đến năm 1908, Tháp Canh báo cáo rằng những bài giảng của anh Russell được đăng “đều đặn trên mười một tờ báo”. Tuy nhiên, những anh biết về ngành báo chí khuyên anh Russell chuyển các văn phòng của Hội từ Pittsburgh đến thành phố nổi tiếng hơn, nhờ thế sẽ có thêm nhiều báo đăng các bài giảng dựa trên Kinh Thánh. Sau khi cân nhắc lời khuyên đó và những yếu tố khác, anh Russell chuyển các văn phòng đến Brooklyn, New York vào năm 1909. Kết quả là gì? Chỉ vài tháng sau khi chuyển đến đó, có khoảng 400 tờ báo đăng các bài giảng của anh, và con số đó cứ tiếp tục tăng. Cho đến khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, có hơn 2.000 tờ báo, trong bốn ngôn ngữ, đăng những bài giảng và bài viết của anh Russell!

5 Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào? Ngày nay, những anh có trách nhiệm trong tổ chức của Đức Chúa Trời có thể noi gương khiêm nhường của anh Russell. Bằng cách nào? Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng, các anh nên xem xét lời khuyên của người khác.—Đọc Châm-ngôn 15:22.

6. Một chị đã được tác động thế nào qua những sự thật đăng trên báo?

6 Những sự thật về Nước Trời được đăng trong các bài báo đó đã thay đổi đời sống của người ta (Hê 4:12). Chẳng hạn, chị Ora Hetzel, làm báp-têm năm 1917, là một trong những người biết sự thật qua các bài báo đó. Chị kể: “Sau khi kết hôn, tôi về thăm mẹ ở Rochester, Minnesota. Về đến nơi, tôi thấy mẹ đang cắt các bài từ một tờ báo. Đó là các bài giảng của anh Russell. Mẹ giải thích những điều mẹ học được từ các bài ấy”. Chị Ora chấp nhận những sự thật học được và trung thành rao giảng về Nước Đức Chúa Trời trong khoảng sáu thập niên.

7. Điều gì khiến các anh dẫn đầu xem xét lại việc dùng báo chí để rao giảng?

7 Năm 1916, có hai biến cố quan trọng khiến các anh dẫn đầu phải xem xét lại việc dùng báo chí để rao truyền tin mừng. Thứ nhất, Cuộc Đại Chiến nổ ra khiến cho việc mua vật liệu in ấn rất khó khăn. Năm 1916, một báo cáo từ ban báo chí của chúng ta ở Anh Quốc nêu bật khó khăn đó khi nói: “Lúc này, chỉ có hơn 30 tờ báo đăng các bài giảng. Rất có thể không lâu nữa, con số này sẽ giảm nhiều vì giá giấy tăng cao”. Biến cố thứ hai là sự ra đi của anh Russell vào ngày 31-10-1916. Tháp Canh ngày 15-12-1916 thông báo: “Vì anh Russell đã qua đời nên mục bài giảng của anh [trên các tờ báo] sẽ không còn nữa”. Dù cách rao giảng này khép lại, nhưng những phương pháp khác, chẳng hạn như “Kịch ảnh về sự sáng tạo”, tiếp tục gặt hái được thành công lớn.

8. Những công việc nào được thực hiện để sản xuất “Kịch ảnh về sự sáng tạo”?

8 Phim ảnh. Anh Russell và các cộng sự đã làm việc trong khoảng ba năm để cho ra đời “Kịch ảnh về sự sáng tạo” vào năm 1914 (Châm 21:5). “Kịch ảnh”, cách gọi bộ phim đó, là kết quả của việc phối hợp những đoạn phim, đĩa thu âm và những tấm kính dương bản màu. Hàng trăm người tham gia vào các cảnh phim tái diễn những sự kiện Kinh Thánh, ngay cả những con vật cũng góp phần. Một báo cáo năm 1913 cho biết: “Các con vật trong khu lớn nhất của một sở thú lớn được dùng để diễn lại cảnh sống động (gồm âm thanh) liên quan đến thời Nô-ê trong bộ phim về lịch sử nhân loại”. Hàng trăm tấm kính dương bản được dùng trong “Kịch ảnh” là do các họa sĩ ở Luân Đôn, New York, Paris và Philadelphia tự tay tô màu từng cái một.

9. Tại sao lại đầu tư nhiều thời gian và tiền của cho “Kịch ảnh”?

9 Tại sao lại đầu tư nhiều thời gian và tiền của cho “Kịch ảnh”? Một nghị quyết được đọc trong nhiều hội nghị vào năm 1913 giải thích: “Sự thành công chưa từng thấy của báo chí Mỹ trong việc dùng truyện tranh và hình minh họa... để tác động đến tư tưởng công chúng, cũng như sự phổ biến, mới lạ và linh hoạt của phim ảnh cho thấy rõ giá trị của những phương tiện này. Với tư cách là những người rao giảng tân tiến và giảng viên của các lớp Kinh Thánh, chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng phim và hình ảnh là công cụ hữu hiệu cho những người truyền giảng và dạy dỗ”.

Trên: Một phòng chiếu “Kịch ảnh”; dưới: Những tấm kính dương bản dùng cho “Kịch ảnh”

10. “Kịch ảnh” được trình chiếu rộng rãi đến mức nào?

10 Năm 1914, mỗi ngày “Kịch ảnh” được chiếu tại 80 thành phố. Gần tám triệu người ở Hoa Kỳ và Canada đã xem phim này. Cùng năm đó, “Kịch ảnh” được chiếu ở Anh Quốc, Đan Mạch, Đức, Na Uy, New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Úc. Bản đơn giản của “Kịch ảnh”, không có các đoạn phim, được sản xuất để dùng ở những thị trấn. Bản đó được gọi là “Kịch Eureka”, kinh phí sản xuất ít hơn và dễ vận chuyển hơn. Đến năm 1916, “Kịch ảnh” và “Kịch Eureka” được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác.

Năm 1914, “Kịch ảnh” được chiếu trong những hội trường chật cứng người

11, 12. “Kịch ảnh” đã tác động ra sao đến một anh, và anh để lại gương mẫu nào?

11 Bản “Kịch ảnh” trong tiếng Pháp đã tác động mạnh đến Charles Rohner lúc anh 18 tuổi. Anh kể: “Kịch ảnh được chiếu tại thị trấn của tôi, là Colmar, Alsace, Pháp. Ngay từ đầu, tôi đã ấn tượng trước cách bộ phim trình bày rõ ràng về sự thật Kinh Thánh”.

12 Kết quả là anh Charles làm báp-têm, và anh bắt đầu phụng sự trọn thời gian vào năm 1922. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của anh là giúp trình chiếu “Kịch ảnh” cho khán giả ở Pháp. Về công việc này, anh Charles cho biết: “Tôi được giao một số việc là chơi vĩ cầm, làm kế toán và phụ trách sách báo. Tôi cũng có trách nhiệm đề nghị khán giả giữ trật tự trước khi chương trình bắt đầu. Trong giờ giải lao, chúng tôi chia mỗi anh chị đi một sảnh của hội trường để mời nhận sách báo. Mỗi người ôm một chồng sách báo và đi mời từng người nhận. Ngoài ra, tại lối vào của hội trường, chúng tôi đặt một bàn có đầy sách báo”. Năm 1925, anh Charles được mời đến phụng sự tại Bê-tên ở Brooklyn, New York. Ở đó, anh được giao nhiệm vụ điều khiển một dàn hợp xướng của đài phát thanh WBBR mới thành lập. Sau khi xem xét gương của anh Rohner, hãy tự hỏi: “Mình có sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào nhằm đẩy mạnh việc rao truyền thông điệp Nước Trời không?”.—Đọc Ê-sai 6:8.

13, 14. Radio được dùng như thế nào để phổ biến tin mừng? (Cũng xem các khung “ Chương trình của đài WBBR” và “ Một hội nghị trọng đại”).

13 Radio. Vào thập niên 1920, “Kịch ảnh” được trình chiếu ít dần. Nhưng radio bắt đầu lên ngôi và chứng tỏ là một phương pháp hữu hiệu để rao giảng tin mừng về Nước Trời. Ngày 16-4-1922, anh Rutherford nói bài giảng lịch sử tại đài phát thanh của Nhà hát Thành phố ở Philadelphia, Pennsylvania. Có khoảng 50.000 người đã nghe bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Sau đó, năm 1923, lần đầu tiên một phiên họp của hội nghị được phát sóng. Những anh dẫn đầu nhận thấy ngoài việc dùng các đài phát thanh thương mại, điều khôn ngoan là chúng ta có đài phát thanh riêng. Và đài phát thanh đã được xây ở đảo Staten, New York, có tên viết tắt là WBBR. Đài ấy bắt đầu phát sóng vào ngày 24-2-1924.

Năm 1922, có khoảng 50.000 người nghe bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết” qua radio

14 Giải thích về mục đích của WBBR, Tháp Canh ngày 1-12-1924 nói: “Chúng tôi tin rằng radio là cách loan báo thông điệp của sự thật tiết kiệm và hiệu quả nhất kể từ trước đến nay”. Bài nói thêm: “Nếu Chúa thấy việc xây thêm các đài phát thanh để rao truyền sự thật là thích hợp, ngài sẽ chu cấp kinh phí theo cách nhân từ của ngài” (Thi 127:1). Đến năm 1926, dân Đức Chúa Trời đã sở hữu sáu đài phát thanh. Hai đài tọa lạc ở Hoa Kỳ: WBBR ở New York và WORD gần Chicago. Bốn đài khác là ở Canada, đặt tại tỉnh Alberta, British Columbia, Ontario và Saskatchewan.

15, 16. (a) Trước việc phát sóng của chúng ta, hàng giáo phẩm ở Canada đã phản ứng thế nào? (b) Các bài giảng trên đài và công việc rao giảng từng nhà hỗ trợ nhau như thế nào?

15 Cách phổ biến sự thật Kinh Thánh này không tránh khỏi sự dòm ngó của hàng giáo phẩm thuộc khối Ki-tô giáo. Anh Albert Hoffman, người quen với công việc ở đài phát thanh tại Saskatchewan, Canada, nói: “Ngày càng có nhiều người biết đến Học viên Kinh Thánh [tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó]. Việc làm chứng tiến triển rất tốt cho đến năm 1928, khi hàng giáo phẩm gây áp lực trên các nhà chức trách và tất cả các đài phát thanh của Học viên Kinh Thánh tại Canada bị đình chỉ hoạt động”.

16 Dù các đài phát thanh ở Canada bị đóng cửa, những bài giảng về Kinh Thánh vẫn được phát sóng trên các đài phát thanh thương mại (Mat 10:23). Để tăng hiệu quả của các chương trình này, Tháp Canh và Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age), nay là Tỉnh Thức!, đã đăng danh sách những đài phát thanh thương mại phát sóng sự thật Kinh Thánh để người công bố đi rao giảng từng nhà có thể khuyến khích chủ nhà nghe bài giảng trên đài địa phương. Kết quả là gì? Tờ Bản tin (Bulletin) tháng 1 năm 1931 cho biết: “Các bài giảng trên radio là nguồn khích lệ lớn đối với các anh chị đi rao giảng từng nhà. Nhiều báo cáo gửi về văn phòng cho biết rằng những người nghe bài giảng của anh Rutherford và chương trình khác của tổ chức đã rất sẵn lòng nhận sách”. Tờ “Bản tin” miêu tả đài phát thanh và công việc rao giảng từng nhà là “hai cách quảng bá lớn về tổ chức của Chúa”.

17, 18. Dù hoàn cảnh thay đổi, làm thế nào radio tiếp tục đóng vai trò quan trọng?

17 Trong thập niên 1930, việc dùng các đài phát thanh thương mại bắt đầu bị chống đối. Vì thế, cuối năm 1937, dân Đức Giê-hô-va điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Thay vì dùng đài phát thanh thương mại, họ tập trung nhiều hơn vào việc rao giảng từng nhà a. Dù vậy, đài phát thanh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc loan truyền thông điệp Nước Trời tại một số vùng hẻo lánh hoặc khó rao giảng. Chẳng hạn, từ năm 1951 đến 1991, một đài phát thanh ở Tây Đức đã đều đặn phát sóng những bài giảng về Kinh Thánh để dân trong những vùng thuộc Đông Đức có thể nghe thông điệp Nước Trời. Từ năm 1961 và kéo dài hơn ba thập kỷ sau đó, một đài phát thanh quốc gia ở Suriname, Nam Mỹ, đã phát một chương trình rao truyền sự thật Kinh Thánh dài 15 phút mỗi tuần. Từ năm 1969 đến 1977, tổ chức đã sản xuất hơn 350 phần thu âm loạt bài “Cả Kinh Thánh hữu ích”. Tại Hoa Kỳ, có 291 đài đã phát những phần đó trong 48 bang. Năm 1996, một đài phát thanh ở Apia, thủ đô của Samoa (thuộc Nam Thái Bình Dương), đã phát một chương trình hằng tuần có tên “Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh”.

18 Khi thế kỷ 20 sắp khép lại, radio không còn đóng vai trò chính trong việc rao báo tin mừng nữa. Tuy nhiên, một phương tiện kỹ thuật khác xuất hiện có thể tiếp cận lượng độc giả lớn chưa từng thấy.

19, 20. Tại sao dân Đức Giê-hô-va lập trang web jw.org, và trang này hữu dụng như thế nào? (Cũng xem khung “ JW.ORG”).

19 Internet. Năm 2013 có hơn 2,7 tỉ người, chiếm gần 40% dân số thế giới, đã dùng Internet. Theo một số ước tính, khoảng hai tỉ người truy cập Internet qua những thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Con số đó tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, nhưng sự gia tăng nhanh nhất hiện nay là ở châu Phi. Tại đây có hơn 90 triệu thuê bao Internet. Những sự phát triển ấy đã thay đổi cách nhiều người tiếp nhận thông tin.

20 Từ năm 1997, dân Đức Giê-hô-va đã dùng cách liên lạc phổ biến này. Năm 2013, trang web jw.org có trong khoảng 300 ngôn ngữ, và những thông tin dựa trên Kinh Thánh có thể được tải về trong hơn 520 ngôn ngữ. Mỗi ngày, trang web có hơn 750.000 lượt truy cập. Mỗi tháng, ngoài việc xem video, người ta tải về hơn 3 triệu cuốn sách, 4 triệu tạp chí và 22 triệu bản thu âm.

21. Bạn học được gì từ kinh nghiệm của anh Sina?

21 Trang web ấy trở thành cách hữu hiệu để rao truyền tin mừng về Nước Trời, ngay cả trong những nước mà công việc rao giảng bị hạn chế. Chẳng hạn, đầu năm 2013, một người đàn ông tên là Sina thấy trang web jw.org và gọi cho trụ sở trung ương, tọa lạc ở Hoa Kỳ, để xin biết thêm về Kinh Thánh. Tại sao cuộc gọi này khác thường? Sina là người Hồi giáo và sống trong ngôi làng hẻo lánh tại một nước mà công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va bị hạn chế gắt gao. Sau cuộc gọi đó, tổ chức đã sắp xếp để anh Sina tìm hiểu Kinh Thánh hai lần mỗi tuần với một Nhân Chứng ở Hoa Kỳ. Họ đã học bằng dịch vụ video qua Internet.

Dạy từng người

22, 23. (a) Có phải những phương pháp tiếp cận nhiều người thay thế việc rao giảng từng nhà không? (b) Vua ban phước cho những nỗ lực của chúng ta như thế nào?

22 Những phương pháp chúng ta đã dùng để tiếp cận nhiều người, như báo chí, “Kịch ảnh”, radio và trang web, không thay thế cho việc rao giảng từng nhà. Tại sao? Vì dân Đức Giê-hô-va học từ gương Chúa Giê-su. Ngài không chỉ rao giảng cho đoàn dân đông mà còn tập trung giúp từng người (Lu 19:1-5). Chúa Giê-su cũng huấn luyện các môn đồ làm thế, và cho họ biết cần chia sẻ thông điệp nào. (Đọc Lu-ca 10:1, 8-11). Như đã thảo luận trong chương 6, những anh dẫn đầu luôn khuyến khích mỗi tôi tớ của Đức Giê-hô-va rao giảng trực tiếp cho người ta.—Công 5:42; 20:20.

23 Một trăm năm sau khi Nước Trời thành lập, có gần tám triệu người công bố sốt sắng dạy người khác biết về ý định của Đức Chúa Trời. Chắc chắn, Vua đã ban phước cho chúng ta khi dùng những phương pháp khác nhau để quảng bá về Nước Trời. Như chương kế tiếp sẽ cho biết, Chúa Giê-su cũng cung cấp cho chúng ta những công cụ cần thiết để rao báo tin mừng cho mọi nước, mọi chi phái và mọi thứ tiếng.—Khải 14:6.

a Năm 1957, những anh dẫn đầu quyết định đóng cửa WBBR ở New York, đài phát thanh cuối cùng của chúng ta.