Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 8

Công cụ rao giảng​—Xuất bản ấn phẩm cho cánh đồng thế giới

Công cụ rao giảng​—Xuất bản ấn phẩm cho cánh đồng thế giới

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Đức Giê-hô-va tiếp tục cung cấp cho chúng ta những công cụ cần thiết để dạy người từ mọi nước, mọi chi phái và mọi thứ tiếng

1, 2. (a) Vào thế kỷ thứ nhất, điều gì đã khiến tin mừng lan ra khắp đế quốc La Mã? (b) Ngày nay, bằng chứng nào cho thấy chúng ta được Đức Giê-hô-va hỗ trợ? (Cũng xem khung “ Tin mừng trong hơn 670 thứ tiếng”).

 Các du khách đến Giê-ru-sa-lem khó có thể tin nổi điều họ đang nghe. Những người Ga-li-lê nói lưu loát tiếng nước ngoài, và thông điệp họ chia sẻ thu hút người nghe. Đó là Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, và các môn đồ nhận được món quà kỳ diệu là nói những thứ tiếng khác—bằng chứng cho thấy họ được Đức Chúa Trời hỗ trợ. (Đọc Công vụ 2:1-8, 12, 15-17). Tin mừng họ rao giảng trong ngày đó đến với người thuộc nhiều gốc gác, rồi sau này lan ra khắp đế quốc La Mã.—Cô 1:23.

2 Ngày nay, tôi tớ của Đức Chúa Trời không nói được nhiều thứ tiếng một cách mầu nhiệm. Dù vậy, so với thế kỷ thứ nhất, họ rao giảng trong nhiều ngôn ngữ hơn khi dịch thông điệp Nước Trời ra hơn 670 ngôn ngữ (Công 2:9-11). Dân Đức Chúa Trời xuất bản ấn phẩm với số lượng lớn và trong nhiều ngôn ngữ đến mức thông điệp đã lan đến mọi ngóc ngách của địa cầu a. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy Đức Giê-hô-va đang dùng Vua Giê-su Ki-tô hướng dẫn công việc rao giảng (Mat 28:19, 20). Khi xem xét một số công cụ mà chúng ta đã dùng để thi hành công việc này trong 100 năm qua, hãy chú ý đến cách Vua từng bước huấn luyện chúng ta quan tâm đến mỗi người và khuyến khích chúng ta dạy Lời Đức Chúa Trời.—2 Ti 2:2.

Vua trang bị cho tôi tớ để gieo hạt giống sự thật

3. Tại sao chúng ta dùng nhiều công cụ khác nhau để rao giảng?

3 Chúa Giê-su ví “lời giảng về Nước của Đức Chúa Trời” với hạt giống và lòng của một người với đất (Mat 13:18, 19). Như người nông dân dùng nhiều công cụ xới cho đất tơi xốp để chuẩn bị gieo hạt, dân Đức Giê-hô-va cũng dùng nhiều công cụ để giúp hàng triệu người chuẩn bị lòng hầu tiếp nhận thông điệp Nước Trời. Một số công cụ chỉ hữu dụng trong một thời gian. Những công cụ khác, chẳng hạn như sách và tạp chí, vẫn tiếp tục hữu hiệu. Khác với đa số cách tiếp cận nhiều người được xem trong chương trước, tất cả công cụ được thảo luận trong chương này giúp người công bố Nước Trời rao giảng trực tiếp cho từng người.—Công 5:42; 17:2, 3.

Xưởng sản xuất máy quay đĩa và thiết bị âm thanh, tại Toronto, Canada

4, 5. Máy quay đĩa được dùng ra sao, nhưng nó không có khả năng nào?

4 Những bài giảng thu âm. Trong những thập niên 1930 và 1940, người công bố đã rao giảng bằng các bài giảng thu âm được mở trên máy quay đĩa xách tay. Mỗi phần thu âm kéo dài chưa đầy năm phút. Đôi khi, đĩa thu âm có tựa ngắn, chẳng hạn như “Chúa Ba Ngôi”, “Nơi luyện tội” và “Nước Trời”. Chúng được dùng như thế nào? Anh Clayton Woodworth, Junior, làm báp-têm năm 1930 ở Hoa Kỳ, kể: “Tôi mang theo một máy quay đĩa dạng xách tay như va-li nhỏ, tay quay dây cót và cần đọc đĩa có đầu kim. Tôi phải đặt cần đọc vào đúng chỗ trên mép đĩa thì chương trình mới chạy tốt. Tôi đến trước cửa một nhà, mở máy ra, đặt cần đọc vào vị trí rồi bấm chuông. Khi chủ nhà mở cửa, tôi sẽ nói: ‘Tôi có một thông điệp quan trọng muốn mời ông bà nghe’”. Chủ nhà phản ứng thế nào? Anh Woodworth nói: “Nhiều người hưởng ứng. Nhưng cũng có những người đóng sầm cửa lại. Có khi người ta còn tưởng là tôi đi bán máy quay đĩa”.

Đến năm 1940, có hơn 90 bài giảng thu âm và hơn một triệu đĩa được sản xuất

5 Đến năm 1940, có hơn 90 bài giảng thu âm và hơn một triệu đĩa được sản xuất. Anh John E. Barr, lúc đó đang làm tiên phong ở Anh Quốc và sau này là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo, cho biết: “Từ năm 1936 đến 1945, bạn đồng hành của tôi là chiếc máy quay đĩa. Thật ra, hồi đó nếu không có chiếc máy này thì tôi thấy thiếu thiếu cái gì đó. Khi nghe giọng của anh Rutherford tại cửa nhà người ta, tôi được khích lệ vì thấy giống như anh đang có mặt ở đó. Dĩ nhiên, máy quay đĩa không có khả năng dạy dỗ và động đến lòng người ta”.

6, 7. (a) Việc dùng thẻ làm chứng có mặt lợi cũng như mặt hạn chế nào? (b) Đức Giê-hô-va ‘đặt lời trong miệng chúng ta’ theo nghĩa nào?

6 Thẻ làm chứng. Từ năm 1933, người công bố được khuyến khích dùng thẻ làm chứng khi rao giảng từng nhà. Thẻ làm chứng có kích cỡ khoảng 8x13cm. Thẻ ghi ngắn gọn thông điệp Kinh Thánh và lời miêu tả về ấn phẩm chủ nhà có thể nhận. Người công bố chỉ cần đưa thẻ và mời chủ nhà đọc. Chị Lilian Kammerud, sau này làm giáo sĩ ở Puerto Rico và Argentina, cho biết: “Tôi thích dùng thẻ làm chứng”. Tại sao? Chị giải thích: “Không phải ai cũng trình bày hay, nên thẻ này giúp tôi tập tiếp cận người ta”.

Thẻ làm chứng (tiếng Ý)

7 Anh David Reusch, làm báp-têm năm 1918, nhận xét: “Thẻ làm chứng đã giúp anh em, vì ít người cảm thấy mình có thể nói đúng điều cần nói”. Dù vậy, thẻ này cũng có mặt hạn chế. Anh Reusch nói: “Đôi khi người ta tưởng chúng tôi không nói được. Đúng là theo nghĩa nào đó, nhiều người trong chúng tôi không biết nói. Nhưng làm chứng bằng thẻ là cách Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng tôi để sau này rao giảng cho công chúng với tư cách là người truyền giáo của ngài. Không lâu sau, ngài đặt lời trong miệng chúng tôi bằng cách dạy chúng tôi biết dùng Kinh Thánh tại cửa nhà người ta. Điều này được thực hiện qua Trường thánh chức, bắt đầu từ thập niên 1940”.—Đọc Giê-rê-mi 1:6-9.

8. Bạn có thể để Đấng Ki-tô huấn luyện mình qua cách nào?

8 Sách. Từ năm 1914, dân Đức Giê-hô-va xuất bản hơn 100 sách thảo luận các đề tài Kinh Thánh. Trong đó, một số sách được biên soạn nhằm huấn luyện người công bố trở thành người truyền giảng hữu hiệu. Chị Anna Larsen ở Đan Mạch, đã là người công bố khoảng 70 năm, nói: “Đức Giê-hô-va giúp chúng ta trở nên hữu hiệu hơn qua Trường thánh chức và những sách có liên quan. Tôi nhớ một trong những sách đầu tiên là Sự giúp đỡ thần quyền cho những người công bố Nước Trời (Theocratic Aid to Kingdom Publishers) ra mắt năm 1945. Sách kế tiếp là ‘Được trang bị để làm mọi việc lành’ (“Equipped for Every Good Work”) xuất bản năm 1946. Bây giờ, chúng ta có sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, xuất bản năm 2001”. Chắc chắn, Trường thánh chức và những sách có liên quan đóng vai trò quan trọng khi Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta thành người có “đủ tư cách để phục vụ” (2 Cô 3:5, 6). Bạn đã ghi tên vào Trường thánh chức chưa? Khi đi nhóm họp mỗi tuần, bạn có mang theo sách Trường Thánh Chức và theo dõi khi anh giám thị trường bình luận trong sách không? Nếu có, bạn đang để Đấng Ki-tô huấn luyện mình trở thành người dạy dỗ hữu hiệu hơn.—2 Cô 9:6; 2 Ti 2:15.

9, 10. Các sách đóng vai trò nào trong việc trồng và tưới hạt giống sự thật?

9 Đức Giê-hô-va cũng hỗ trợ chúng ta bằng cách dùng tổ chức của ngài để cung cấp các sách giúp người công bố giải thích những sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh. Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời là một sách rất hữu ích. Sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1968 và có hiệu quả tức thì. Thánh Chức Nước Trời tháng 11 năm 1968 cho biết: “Nhu cầu về sách Lẽ thật lớn đến mức xưởng của Hội ở Brooklyn phải tăng một ca làm việc vào ban đêm”. Bài đó giải thích thêm: “Một lần vào tháng 8 trong năm, nhu cầu về sách Lẽ thật lớn đến nỗi phải bổ sung hơn một triệu rưỡi cuốn vào kho sách!”. Đến năm 1982, hơn 100 triệu cuốn đã được xuất bản trong 116 ngôn ngữ. Trong 14 năm, từ năm 1968 đến 1982, nhờ sách Lẽ thật mà số người công bố về Nước Trời tăng hơn một triệu. b

10 Năm 2005, một công cụ nổi bật khác trợ giúp việc học Kinh Thánh được ra mắt, là sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?. Khoảng 200 triệu cuốn đã được xuất bản trong 256 ngôn ngữ! Kết quả là gì? Chỉ trong bảy năm, từ 2005 đến 2012, có khoảng 1,2 triệu người trở thành người công bố tin mừng. Cũng trong thời gian đó, số người tìm hiểu Kinh Thánh tăng từ khoảng 6 triệu đến hơn 8,7 triệu. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va đang ban phước cho chúng ta khi nỗ lực trồng và tưới hạt giống sự thật Nước Trời.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7.

11, 12. Phù hợp với những câu Kinh Thánh được đề cập, các tạp chí của chúng ta được biên soạn cho những đối tượng độc giả nào?

11 Tạp chí. Ban đầu, Tháp Canh chủ yếu dành cho “bầy nhỏ”, là những người được “gọi lên trời” (Lu 12:32; Hê 3:1). Ngày 1-10-1919, tổ chức của Đức Giê-hô-va ra mắt thêm một tạp chí nhằm thu hút đối tượng độc giả là công chúng. Tạp chí này được Học viên Kinh Thánh và công chúng yêu thích đến mức được phát hành với số lượng lớn hơn Tháp Canh trong nhiều năm. Lúc đầu, tạp chí này có tên Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age). Năm 1937, tên ấy được đổi thành Niềm An Ủi (Consolation). Sau đó, năm 1946, tạp chí này được gọi là Tỉnh Thức!.

12 Qua nhiều thập kỷ, cách viết và thiết kế của Tháp Canh cùng Tỉnh Thức! đã thay đổi, nhưng mục đích vẫn như trước, đó là loan báo về Nước Đức Chúa Trời và xây dựng đức tin nơi Kinh Thánh. Ngày nay, Tháp Canh được xuất bản dưới hai dạng: ấn bản học hỏi và ấn bản công cộng. Độc giả của ấn bản học hỏi là “các đầy tớ”, gồm cả “bầy nhỏ” và “chiên khác” c (Mat 24:45; Giăng 10:16). Còn ấn bản công cộng được biên soạn cho những người chưa biết sự thật nhưng tôn trọng Kinh Thánh và kính sợ Đức Chúa Trời (Công 13:16). Tỉnh Thức! dành cho những người biết ít về Kinh Thánh và Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.—Công 17:22, 23.

13. Bạn thấy điều gì ấn tượng về tạp chí của chúng ta? (Thảo luận biểu đồ “ Những ấn phẩm đạt kỷ lục thế giới”).

13 Từ đầu năm 2014, mỗi tháng có hơn 44 triệu cuốn Tỉnh Thức! và khoảng 46 triệu cuốn Tháp Canh được xuất bản. Tỉnh Thức! được dịch trong khoảng 100 ngôn ngữ, và Tháp Canh được dịch trong hơn 200 ngôn ngữ. Như vậy, so với các tạp chí khác thì hai tạp chí này được dịch và phát hành rộng rãi nhất trên thế giới! Dù ấn tượng trước thành quả này, nhưng chúng ta không lấy làm ngạc nhiên. Vì những tạp chí ấy chứa đựng thông điệp mà Chúa Giê-su từng nói là sẽ được rao truyền khắp đất.—Mat 24:14.

14. Chúng ta đã sốt sắng đẩy mạnh điều gì, và tại sao?

14 Kinh Thánh. Năm 1896, anh Russell và các cộng sự đã đổi tên hiệp hội họ dùng để sản xuất ấn phẩm hầu cho tên có kèm theo từ Kinh Thánh (Bible); và gọi là Watch Tower Bible and Tract Society. Sự thay đổi này rất thích hợp vì Kinh Thánh luôn là công cụ chính để rao báo tin mừng về Nước Trời (Lu 24:27). Phù hợp với tên pháp lý đó, tôi tớ của Đức Chúa Trời sốt sắng đẩy mạnh việc phân phát và đọc Kinh Thánh. Chẳng hạn, năm 1926, chúng ta đã in The Emphatic Diaglott, bản dịch Kinh Thánh phần Ma-thi-ơ đến Khải huyền của Benjamin Wilson, tại xưởng in của chúng ta. Từ năm 1942, chúng ta in và phân phát khoảng 700.000 cuốn King James Version trọn bộ. Chỉ hai năm sau đó, chúng ta bắt đầu in cuốn American Standard Version, bản Kinh Thánh dùng danh Đức Giê-hô-va ở 6.823 chỗ. Đến năm 1950, chúng ta đã phân phát hơn 250.000 cuốn.

15, 16. (a) Bạn quý trọng điều gì nơi Bản dịch Thế Giới Mới? (Thảo luận khung “ Đẩy mạnh việc dịch Kinh Thánh”). (b) Bạn có thể để Đức Giê-hô-va động đến lòng bằng cách nào?

15 Năm 1950, Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), Anh ngữ, được ra mắt. Trọn bộ Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới gói gọn trong một quyển được ra mắt năm 1961. Bản dịch này tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách khôi phục danh ngài vào những vị trí có trong bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ. Danh Đức Chúa Trời cũng xuất hiện 237 lần trong phần Ma-thi-ơ đến Khải huyền. Để đạt mục tiêu càng chính xác và dễ đọc càng tốt, tổ chức đã chỉnh sửa Bản dịch Thế Giới Mới vài lần, gần nhất là năm 2013. Năm 2013, có hơn 201 triệu cuốn Bản dịch Thế Giới Mới được xuất bản trọn bộ hay từng phần trong 121 ngôn ngữ.

16 Một số người phản ứng thế nào khi đọc Bản dịch Thế Giới Mới trong ngôn ngữ của họ? Một người đàn ông ở Nepal nói: “Nhiều người thấy bản dịch cũ trong tiếng Nepal rất khó hiểu vì dùng ngôn từ cổ. Nhưng nay chúng tôi có thể hiểu Kinh Thánh rõ hơn vì bản dịch mới dùng ngôn ngữ đời thường”. Khi một phụ nữ tại Cộng hòa Trung Phi đọc bản dịch trong tiếng Sango, chị bật khóc và nói: “Đây là ngôn ngữ của lòng tôi”. Như người phụ nữ ấy, mỗi chúng ta có thể để Đức Giê-hô-va động đến lòng bằng cách đọc Lời ngài mỗi ngày.—Thi 1:2; Mat 22:36, 37.

Biết ơn về các công cụ và sự huấn luyện

17. Làm thế nào bạn cho thấy mình quý trọng những công cụ và sự huấn luyện nhận được? Kết quả là gì nếu bạn làm thế?

17 Bạn có quý trọng những công cụ và sự huấn luyện ngày một cải tiến mà Vua Giê-su Ki-tô cung cấp không? Bạn có dành thời gian đọc các ấn phẩm do tổ chức của Đức Chúa Trời xuất bản, và dùng chúng để giúp người khác không? Nếu có thì bạn đồng tâm tình với chị Opal Betler, người làm báp-têm ngày 4-10-1914. Chị Opal nói: “Trong nhiều năm qua, chồng tôi [anh Edward] và tôi đã dùng máy quay đĩa và thẻ làm chứng. Chúng tôi cũng rao giảng từng nhà bằng sách, sách nhỏ và tạp chí. Chúng tôi còn tham gia các chiến dịch và đợt diễu hành cũng như phân phát những tờ chuyên đề. Sau này, chúng tôi được huấn luyện để đi thăm lại và điều khiển học hỏi Kinh Thánh tại nhà của người chú ý. Vợ chồng tôi đã có một đời sống bận rộn và hạnh phúc”. Chúa Giê-su hứa rằng thần dân của ngài sẽ bận rộn gieo, gặt và vui vẻ cùng nhau. Hàng triệu người giống như chị Opal có thể chứng thực lời hứa ấy quả đúng không sai.—Đọc Giăng 4:35, 36.

18. Chúng ta có đặc ân nào?

18 Có thể nhiều người chưa là tôi tớ của Vua xem dân Đức Chúa Trời là “dân thường, ít học” (Công 4:13). Nhưng hãy thử nghĩ, Vua làm cho dân thường đó trở thành một nhà xuất bản lớn mạnh, xuất bản một số trong những ấn phẩm được dịch và phát hành rộng rãi nhất trong lịch sử! Quan trọng hơn, ngài đã huấn luyện và thúc đẩy chúng ta dùng những công cụ ấy để rao truyền tin mừng cho muôn dân. Quả là đặc ân khi được tham gia cùng Đấng Ki-tô trong việc gieo hạt giống sự thật và gặt hái thành quả là những môn đồ!

a Chỉ trong mười năm qua, dân của Đức Giê-hô-va đã xuất bản hơn 20 tỉ ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Ngoài ra, hiện nay trên thế giới, hơn 2,7 tỉ người dùng Internet có thể truy cập trang web của chúng ta, là jw.org.

b Một số công cụ khác đã giúp người công bố dạy sự thật Kinh Thánh là sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God) (xuất bản năm 1921), Đức Chúa Trời luôn chân thật (Let God Be True) (xuất bản năm 1946), Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất (xuất bản năm 1982) và Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời (xuất bản năm 1995).

c Để biết sự điều chỉnh cách hiểu về “các đầy tớ”, xin xem bài “Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?” đoạn 13 trong Tháp Canh ngày 15-7-2013.