Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 9

Kết quả của việc rao giảng—‘Cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái’

Kết quả của việc rao giảng—‘Cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái’

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Đức Giê-hô-va làm những hạt giống sự thật Nước Trời lớn lên

1, 2. (a) Tại sao các môn đồ bối rối? (b) Chúa Giê-su nói đến mùa gặt nào?

 Các môn đồ bối rối. Chúa Giê-su vừa bảo họ: “Hãy ngước mắt lên nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái”. Nhưng khi nhìn về phía ngài chỉ, họ chỉ thấy cánh đồng màu xanh, chứ không phải màu lúa chín. Hẳn họ lý luận: “Mùa gặt nào? Còn mấy tháng nữa mới đến mùa gặt mà”.—Giăng 4:35.

2 Chúa Giê-su không nói đến mùa gặt theo nghĩa đen. Thay vì thế, ngài đang tận dụng cơ hội này để dạy các môn đồ hai bài học quan trọng về mùa gặt thiêng liêng—thời kỳ thu nhóm người ta. Những bài học đó là gì? Để giải đáp, chúng ta hãy xem xét kỹ lời tường thuật ấy.

Lời kêu gọi hành động và lời hứa về sự vui mừng

3. (a) Có thể điều gì thúc đẩy Chúa Giê-su nói: ‘Cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái’? (b) Chúa Giê-su giải thích rõ ý của ngài ra sao?

3 Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giê-su và các môn đồ diễn ra vào cuối năm 30 CN, ở gần thành Si-kha thuộc xứ Sa-ma-ri. Trong khi môn đồ vào thành, Chúa Giê-su ở lại bên một giếng nước. Tại đây, ngài chia sẻ các sự thật thiêng liêng cho một phụ nữ và bà nhanh chóng hiểu rằng những sự dạy dỗ của ngài rất quan trọng. Khi các môn đồ trở lại, người phụ nữ vội vàng vào thành Si-kha nói cho người ta biết những điều lạ lùng bà vừa nghe. Lời loan báo của bà khiến họ rất tò mò, và nhiều người đã đổ về giếng để gặp Chúa Giê-su. Có thể vào lúc đó, khi Chúa Giê-su nhìn về phía cánh đồng xa xa và thấy đoàn người Sa-ma-ri đang tiến đến, ngài nói: ‘Hãy nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái’. Sau đó, để giải thích rõ rằng ngài có ý nói đến mùa gặt theo nghĩa thiêng liêng, chứ không phải theo nghĩa đen, Chúa Giê-su nói thêm: ‘Thợ gặt đang thu hoạch hoa lợi cho sự sống vĩnh cửu’.—Giăng 4:5-30, 36.

4. (a) Hai bài học quan trọng mà Chúa Giê-su dạy về mùa gặt là gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

4 Hai bài học quan trọng mà Chúa Giê-su dạy về mùa gặt thiêng liêng là gì? Thứ nhất, công việc gặt hái rất cấp bách. Lời tuyên bố ‘cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái’ là lời Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ hành động. Để nhấn mạnh mức độ cấp bách, Chúa Giê-su nói thêm: “Thợ gặt đang nhận tiền công”. Thật vậy, mùa gặt đã bắt đầu, không thể trì hoãn! Thứ hai, những người tham gia mùa gặt rất vui mừng. Chúa Giê-su nói rằng người gieo và thợ gặt sẽ “cùng nhau vui vẻ” (Giăng 4:35b, 36). Như Chúa Giê-su đã vui mừng khi thấy ‘nhiều người Sa-ma-ri tin ngài’, các môn đồ cũng sẽ cảm nghiệm niềm vui sâu xa khi hết lòng tham gia mùa gặt (Giăng 4:39-42). Lời tường thuật này vào thế kỷ thứ nhất rất có ý nghĩa với chúng ta vì nó cho thấy điều đang diễn ra ngày nay trong mùa gặt thiêng liêng lớn nhất từ trước đến giờ. Mùa gặt thời hiện đại bắt đầu khi nào? Ai tham gia mùa gặt? Mùa gặt đạt được kết quả nào?

Vua dẫn đầu trong mùa gặt lớn nhất từ trước đến giờ

5. Ai dẫn đầu mùa gặt toàn cầu? Làm thế nào khải tượng của Giăng cho thấy công việc gặt hái rất cấp bách?

5 Trong một khải tượng mà sứ đồ Giăng thấy, Đức Giê-hô-va tiết lộ về việc ngài giao cho Chúa Giê-su dẫn đầu mùa gặt toàn cầu nhằm thu nhóm người ta. (Đọc Khải huyền 14:14-16). Trong khải tượng này, Chúa Giê-su đội vương miện và cầm lưỡi liềm. “Vương miện bằng vàng” mà Chúa Giê-su đội xác nhận địa vị của ngài với tư cách là Vua. “Lưỡi liềm sắc bén” tay ngài cầm chứng tỏ vai trò của ngài là Thợ Gặt. Khi phán qua thiên sứ là “vụ mùa trên đất đã sẵn sàng”, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh rằng công việc gặt hái rất cấp bách. Thật vậy, “giờ gặt đã đến”, không thể trì hoãn! Hưởng ứng mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là “hãy vung lưỡi liềm của anh”, Chúa Giê-su vung lưỡi liềm và cánh đồng trái đất được gặt, tức là người trên đất được thu nhóm. Khải tượng lý thú này nhắc lại một lần nữa là ‘cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái’. Khải tượng này có giúp chúng ta xác định khi nào mùa gặt toàn cầu bắt đầu không? Có!

6. (a) Khi nào mùa gặt bắt đầu? (b) Khi nào “vụ mùa trên đất” mới bắt đầu được gặt hái? Hãy giải thích.

6 Vì khải tượng của Giăng nơi Khải huyền chương 14 cho thấy Chúa Giê-su, tức Thợ Gặt, đang đội vương miện (câu 14), điều này có nghĩa là việc ngài lên ngôi năm 1914 đã xảy ra rồi (Đa 7:13, 14). Một thời gian sau đó, Chúa Giê-su được lệnh bắt đầu gặt hái (câu 15). Trình tự này phù hợp với thứ tự các biến cố trong minh họa của Chúa Giê-su về mùa gặt. Ngài nói: “Mùa gặt là thời kỳ cuối cùng của thế gian này”. Vì thế, mùa gặt và thời kỳ cuối cùng của thế gian bắt đầu cùng thời điểm, đó là năm 1914 (Mat 13:30, 39). Nhìn lại từ thời của mình, chúng ta có thể thấy việc gặt hái đã bắt đầu sau khi Chúa Giê-su lên ngôi được vài năm. Trước tiên, từ năm 1914 đến đầu năm 1919, Chúa Giê-su tiến hành làm sạch các môn đồ được xức dầu (Mal 3:1-3; 1 Phi 4:17). Rồi vào năm 1919, “vụ mùa trên đất” mới bắt đầu được gặt hái. Không chần chừ, Chúa Giê-su dùng đầy tớ trung tín vừa được bổ nhiệm để giúp anh em nhận ra tính cấp bách của công việc rao giảng. Hãy xem điều đã xảy ra.

7. (a) Nhờ xem xét điều gì mà các anh dẫn đầu hiểu tính cấp bách của công việc rao giảng? (b) Anh em chúng ta được khuyến khích làm gì?

7 Tháng 7 năm 1920, Tháp Canh viết: “Nhờ xem xét Kinh Thánh, chúng ta thấy hội thánh được ban một đặc ân lớn là rao truyền thông điệp Nước Trời”. Chẳng hạn, những lời tiên tri của Ê-sai đã giúp các anh dẫn đầu hiểu rằng tin mừng về Nước Trời phải được rao báo khắp thế giới (Ê-sai 49:6; 52:7; 61:1-3). Dù không biết công việc ấy sẽ được thực hiện thế nào nhưng họ tin Đức Giê-hô-va sẽ mở đường cho họ. (Đọc Ê-sai 59:1). Vì các anh hiểu rõ hơn về tính cấp bách của công việc rao giảng nên đã khuyến khích anh em đồng đạo gia tăng thánh chức. Họ đã hưởng ứng ra sao?

8. Năm 1921, anh em chúng ta hiểu hai yếu tố quan trọng nào về công việc rao giảng?

8 Tháng 12 năm 1921, Tháp Canh thông báo: “Năm vừa qua là năm bội thu nhất, và số người nghe thông điệp về sự thật trong năm 1921 nhiều hơn bất cứ năm nào trước đây”. Tạp chí nói thêm: “Còn nhiều việc phải làm... Chúng ta hãy thực hiện công việc với lòng hân hoan”. Hãy lưu ý rằng các anh đã hiểu hai yếu tố quan trọng mà Chúa Giê-su nhấn mạnh với các sứ đồ về công việc rao giảng: Công việc này rất cấp bách và những người tham gia rất vui mừng.

9. (a) Năm 1954, Tháp Canh đã nói gì về công việc gặt hái, và tại sao? (b) Số người công bố trên thế giới gia tăng thế nào trong 50 năm qua? (Xem biểu đồ “ Sự gia tăng trên toàn cầu”).

9 Vào thập niên 1930, sau khi các anh em hiểu rằng đám đông thuộc chiên khác sẽ hưởng ứng thông điệp Nước Trời, công việc rao giảng càng được đẩy mạnh (Ê-sai 55:5; Giăng 10:16; Khải 7:9). Kết quả là gì? Số người rao báo thông điệp Nước Trời tăng từ 41.000 vào năm 1934 lên 500.000 vào năm 1953! Tháp Canh ngày 1-12-1954 kết luận thật đúng rằng: “Chính thần khí của Đức Giê-hô-va và quyền lực của Lời ngài đã thực hiện công việc gặt hái to lớn này trên toàn cầu” a.—Xa 4:6.

SỰ GIA TĂNG TRÊN TOÀN CẦU

 Quốc gia

1962

1987

2013

Úc

15.927

46.170

66.023

Brazil

26.390

216.216

756.455

Pháp

18.452

96.954

124.029

Ý

6.929

149.870

247.251

Nhật Bản

2.491

120.722

217.154

Mexico

27.054

222.168

772.628

Nigeria

33.956

133.899

344.342

Philippines

36.829

101.735

181.236

Hoa Kỳ

289.135

780.676

1.203.642

Zambia

30.129

67.144

162.370

SỰ GIA TĂNG SỐ HỌC HỎI KINH THÁNH

 1950

234.952

1960

646.108

1970

1.146.378

1980

1.371.584

1990

3.624.091

2000

4.766.631

2010

8.058.359

Kết quả của mùa gặt—Được báo trước trong các minh họa sống động

10, 11. Minh họa về hạt cải nhấn mạnh những khía cạnh nào về sự phát triển của hạt này?

10 Trong các minh họa về Nước Trời, Chúa Giê-su dùng ngôn từ sống động để báo trước kết quả của công việc gặt hái. Chúng ta hãy xem xét hai minh họa về hạt cải và men. Chúng ta sẽ tập trung vào cách chúng được ứng nghiệm trong những ngày sau cùng.

11 Minh họa về hạt cải. Một người kia gieo một hạt cải. Nó phát triển thành một cây và chim chóc tìm đến trú ẩn. (Đọc Ma-thi-ơ 13:31, 32). Minh họa này nhấn mạnh những khía cạnh nào về sự phát triển của hạt cải? (1) Tầm mức phát triển đáng kinh ngạc. “Hạt nhỏ nhất trong các loại hạt” trở thành một cây có “cành lớn” (Mác 4:31, 32). (2) Sự phát triển được đảm bảo. “Khi [hạt] đã gieo rồi thì mọc”. Chúa Giê-su không nói: “Có thể mọc”, mà ngài nói: “Rồi thì mọc”. Nó mọc lên và không gì có thể cản nó phát triển. (3) Cây tiếp tục phát triển thu hút chim chóc và cung cấp nơi trú ẩn. ‘Chim đến trú dưới bóng nó’. Ba khía cạnh trên áp dụng thế nào cho mùa gặt thiêng liêng trong thời hiện đại?

12. Minh họa về hạt cải áp dụng thế nào cho việc gặt hái ngày nay? (Cũng xem biểu đồ “ Sự gia tăng số học hỏi Kinh Thánh”).

12 (1) Tầm mức phát triển: Minh họa nhấn mạnh sự lan rộng của thông điệp Nước Trời và sự phát triển của hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Từ năm 1919, những người sốt sắng tham gia mùa gặt đã được thu nhóm vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô được khôi phục. Lúc đó, số người tham gia còn ít, nhưng rồi nhanh chóng phát triển. Trên thực tế, con số đó phát triển đáng kinh ngạc từ đầu thế kỷ 20 đến ngày nay (Ê-sai 60:22). (2) Sự đảm bảo: Không điều gì có thể cản trở hội thánh đạo Đấng Ki-tô phát triển. Bất kể sự chống đối dữ dội từ kẻ thù của Đức Chúa Trời, hạt giống nhỏ bé đã vượt qua mọi vật cản và tiếp tục phát triển (Ê-sai 54:17). (3) Nơi trú ẩn: “Chim” tìm đến cây đó để trú ẩn tượng trưng cho hàng triệu người có lòng ngay thẳng từ khoảng 240 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng thông điệp Nước Trời bằng cách trở thành thành viên của hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Ê-xê 17:23). Tại đó, họ nhận được thức ăn thiêng liêng, sự khoan khoái và bảo vệ.—Ê-sai 32:1, 2; 54:13.

Minh họa về hạt cải cho thấy hội thánh đạo đấng Ki-tô là nơi trú ẩn và bảo vệ cho những người ở trong đó (Xem đoạn 11, 12)

13. Minh họa về men nhấn mạnh những khía cạnh nào của việc lan ra?

13 Minh họa về men. Sau khi người phụ nữ cho men vào đống bột, men làm cả đống bột dậy lên. (Đọc Ma-thi-ơ 13:33). Minh họa này nhấn mạnh những khía cạnh nào của việc men lan ra? Hãy xem hai khía cạnh. (1) Lan ra làm cho biến đổi. Men lan ra “cho đến khi cả đống bột dậy lên”. (2) Lan ra khắp nơi. Men làm dậy lên “ba đấu bột”, tức cả đống bột. Hai khía cạnh này áp dụng thế nào cho mùa gặt thiêng liêng trong thời hiện đại?

14. Minh họa về men áp dụng thế nào cho mùa gặt ngày nay?

14 (1) Biến đổi: Men tượng trưng cho thông điệp Nước Trời, và đống bột tượng trưng cho nhân loại. Như men làm cho bột thay đổi sau khi được trộn vào bột, thông điệp Nước Trời làm lòng của người ta biến đổi sau khi họ chấp nhận thông điệp (Rô 12:2). (2) Khắp nơi: Sự lan rộng của men ám chỉ sự lan rộng của thông điệp Nước Trời. Men lan rộng và làm cả đống bột dậy lên. Tương tự, thông điệp Nước Trời lan ra “đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Khía cạnh này của minh họa cũng cho thấy ngay cả ở những nước mà công việc rao giảng bị cấm đoán, thông điệp Nước Trời vẫn lan ra, dù có thể phần lớn các hoạt động rao giảng tại những nơi ấy diễn ra một cách kín đáo.

15. Những lời nơi Ê-sai 60:5, 22 được ứng nghiệm thế nào? (Cũng xem các khung “ Đức Giê-hô-va đã làm cho ‘có thể’”, trang 93 và “ Người hèn-yếu trở nên một dân mạnh”, trang 96, 97).

15 Khoảng 800 năm trước khi Chúa Giê-su nói những minh họa ấy, qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va dùng những từ ngữ dễ nhớ để báo trước phạm vi của mùa gặt thiêng liêng thời hiện đại và niềm vui mà mùa gặt ấy mang lại b. Đức Giê-hô-va miêu tả những người “từ xa” đổ về tổ chức của ngài. Ngài nói với người mà ngày nay tượng trưng cho nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu còn lại trên đất: “Ngươi sẽ thấy và được chói-sáng, lòng ngươi vừa rung-động vừa nở-nang [“xúc động và vui mừng”, Bản Dịch Mới]; vì sự dư-dật dưới biển sẽ trở đến cùng ngươi, sự giàu-có các nước sẽ đến với ngươi” (Ê-sai 60:1, 4, 5, 9). Những lời ấy quả đúng làm sao! Ngày nay, những tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va thật sự vui mừng rạng rỡ khi thấy số người công bố về Nước Trời trong xứ của mình gia tăng từ vài người lên tới hàng ngàn người.

Tại sao mọi tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều có lý do để vui mừng?

16, 17. Một lý do khiến ‘người gieo và thợ gặt đều cùng nhau vui vẻ’ là gì? (Cũng xem khung “ Hai tờ chuyên đề động đến lòng hai người ở Amazon”).

16 Hẳn bạn còn nhớ những lời Chúa Giê-su từng nói với các sứ đồ: ‘Thợ gặt đang thu hoạch hoa lợi cho sự sống vĩnh cửu, để người gieo và thợ gặt đều cùng nhau vui vẻ’ (Giăng 4:36). Làm thế nào chúng ta “cùng nhau vui vẻ” trong mùa gặt toàn cầu? Qua nhiều cách. Hãy cùng xem ba cách.

17 Thứ nhất, chúng ta vui mừng khi thấy vai trò của Đức Giê-hô-va trong công việc rao giảng. Khi rao giảng thông điệp Nước Trời là chúng ta đang gieo hạt (Mat 13:18, 19). Khi giúp một người trở thành môn đồ Đấng Ki-tô, chúng ta gặt hái hoa lợi. Tất cả chúng ta đều vui mừng khôn xiết khi chứng kiến cách Đức Giê-hô-va làm cho hạt giống “nảy mầm và mọc lên” (Mác 4:27, 28). Một số hạt giống chúng ta gieo về sau mới mọc lên và được người khác gặt. Có lẽ bạn gặp trường hợp tương tự như chị Joan, một tín đồ ở Anh Quốc đã làm báp-têm 60 năm trước. Chị nói: “Có những người gặp tôi và nói là tôi đã gieo hạt giống vào lòng họ khi rao giảng cho họ từ nhiều năm trước. Tôi không hề biết rằng sau đó những Nhân Chứng khác đã học Kinh Thánh với họ và giúp họ trở thành tôi tớ Đức Giê-hô-va. Tôi rất vui mừng khi hạt giống mình gieo đã mọc lên và được gặt”.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7.

18. Theo 1 Cô-rinh-tô 3:8, một lý do khiến chúng ta vui mừng là gì?

18 Thứ hai, chúng ta luôn vui mừng tham gia mùa gặt khi ghi nhớ những lời sau của Phao-lô: “Mỗi người sẽ nhận phần thưởng cho công sức của mình” (1 Cô 3:8). Phần thưởng được ban tùy theo công sức chứ không phải kết quả. Lời đảm bảo ấy quả là nguồn an ủi cho các anh chị rao giảng ở những khu vực có ít người hưởng ứng! Trong mắt Đức Chúa Trời, mọi Nhân Chứng hết lòng tham gia công việc gieo hạt đều đang “kết nhiều quả” và do đó họ có lý do để vui mừng.—Giăng 15:8; Mat 13:23.

19. (a) Lời tiên tri nơi Ma-thi-ơ 24:14 liên quan thế nào đến niềm vui của chúng ta? (b) Chúng ta nên nhớ điều gì ngay cả khi mình chưa đào tạo được ai thành môn đồ?

19 Thứ ba, chúng ta vui mừng vì công việc mình đang thực hiện làm ứng nghiệm lời tiên tri. Hãy xem câu trả lời của Chúa Giê-su khi các sứ đồ hỏi: “Khi nào những điều đó sẽ xảy ra, có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của thầy và kỳ cuối cùng của thời đại này?”. Ngài cho họ biết một đặc điểm của dấu hiệu ấy là công việc rao giảng toàn cầu. Có phải ngài đang nói đến công việc đào tạo môn đồ? Không. Ngài nói: “Tin mừng này về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng” (Mat 24:3, 14). Vì thế, việc rao truyền về Nước Trời, tức gieo hạt, là một đặc điểm của dấu hiệu ấy. Vậy, khi rao giảng tin mừng về Nước Trời, hãy nhớ rằng dù chưa đào tạo được ai thành môn đồ, chúng ta vẫn thành công trong việc “làm chứng” c. Thật vậy, dù người ta có hưởng ứng hay không, chúng ta cũng góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su và có đặc ân phụng sự với tư cách là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Quả là lý do chính đáng để vui mừng!

“Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn”

20, 21. (a) Những lời nơi Ma-la-chi 1:11 đang được ứng nghiệm như thế nào? (b) Liên quan đến công việc gặt hái, bạn quyết tâm làm gì, và tại sao?

20 Vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giê-su đã giúp các sứ đồ hiểu rằng công việc gặt hái rất cấp bách. Từ năm 1919, Chúa Giê-su cũng giúp các môn đồ thời hiện đại hiểu sự thật này. Hưởng ứng lời kêu gọi của ngài, dân Đức Chúa Trời đã đẩy mạnh công việc rao giảng. Quả thật, không điều gì có thể ngăn cản công việc gặt hái. Như nhà tiên tri Ma-la-chi đã báo trước, ngày nay công việc rao giảng đang được thực hiện “từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn” (Mal 1:11). Đúng vậy, từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn—từ phương đông đến phương tây, dù sống ở nơi đâu trên đất—người gieo và thợ gặt cùng nhau làm việc và vui vẻ. Và từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn—từ sáng đến tối—chúng ta làm việc với tinh thần cấp bách.

21 Ngày nay, khi nhìn lại khoảng 100 năm qua và thấy nhóm nhỏ tôi tớ của Đức Chúa Trời phát triển thành “một dân mạnh”, lòng chúng ta vừa xúc động vừa vui mừng (Ê-sai 60:5, 22). Mong sao niềm vui đó và tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va, “Chủ mùa gặt”, thúc đẩy mỗi chúng ta tiếp tục góp phần hoàn tất mùa gặt lớn nhất từ trước đến giờ!—Lu 10:2.

a Để biết thêm về những năm và thập kỷ sau đó, chúng tôi khuyến khích bạn đọc sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom), trang 425-520, phần cho biết công việc gặt hái được thực hiện từ năm 1919 đến 1992.

b Để biết thêm chi tiết về lời tiên tri sống động này, xin xem sách Lời tiên tri của Ê-sai—Ánh sáng cho toàn thể nhân loại II, trang 303-320.

c Học viên Kinh Thánh đã hiểu sự thật trọng yếu này. Tháp Canh ngày 15-11-1895 viết: “Dù chỉ gặt được ít lúa mì nhưng sự thật sẽ được làm chứng rộng rãi... Mọi người đều có thể rao truyền tin mừng”.