Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 10

Vua tinh luyện thần dân về thiêng liêng

Vua tinh luyện thần dân về thiêng liêng

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Lý do và cách Chúa Giê-su tinh luyện cũng như làm sạch các môn đồ về thiêng liêng

1-3. Chúa Giê-su đã làm gì khi thấy đền thờ bị ô uế?

 Chúa Giê-su rất tôn kính đền thờ ở Giê-ru-sa-lem vì ngài biết đền thờ ấy tượng trưng cho điều gì. Từ lâu, đền thờ ấy là trung tâm của sự thờ phượng thật trên đất. Sự thờ phượng đó, tức là sự thờ phượng Đức Chúa Trời thánh, Đức Giê-hô-va, phải thanh khiết và trong sạch. Do đó, hãy tưởng tượng Chúa Giê-su cảm thấy thế nào khi ngài đến đền thờ vào ngày 10 Ni-san năm 33 CN và thấy nơi đó bị ô uế. Chuyện gì đang diễn ra?—Đọc Ma-thi-ơ 21:12, 13.

2 Trong Sân Dân Ngoại, những nhà buôn và kẻ đổi tiền tham lam đang lợi dụng những người thờ phượng đến đền thờ dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va a. Chúa Giê-su “đuổi hết người mua kẻ bán trong đó, lật đổ bàn của kẻ đổi tiền”. (So sánh Nê-hê-mi 13:7-9). Ngài lên án những kẻ ích kỷ ấy vì đã biến nhà Cha ngài thành “hang trộm cướp”. Qua đó, Chúa Giê-su thể hiện lòng tôn kính đối với đền thờ và điều mà đền thờ tượng trưng. Sự thờ phượng Cha ngài phải được giữ thanh sạch!

3 Hàng thế kỷ sau, sau khi được phong làm Vua Mê-si, Chúa Giê-su lại làm sạch một đền thờ liên quan đến tất cả những người ngày nay muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách ngài chấp nhận. Vậy, Chúa Giê-su làm sạch đền thờ nào?

Làm sạch “các con trai Lê-vi”

4, 5. (a) Từ năm 1914 đến đầu năm 1919, môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su được tinh luyện và làm sạch như thế nào? (b) Phải chăng việc tinh luyện và làm sạch dân Đức Chúa Trời đã dừng lại ở đó? Hãy giải thích.

4 Như chúng ta đã xem trong chương 2, sau khi lên ngôi vào năm 1914, Chúa Giê-su cùng Cha đến thanh tra đền thờ thiêng liêng, là sắp đặt cho sự thờ phượng thanh sạch b. Sau đợt thanh tra, Vua thấy các tín đồ được xức dầu, “các con trai Lê-vi”, cần được tinh luyện và làm sạch (Mal 3:1-3). Từ năm 1914 đến đầu năm 1919, Thợ Luyện, là Đức Giê-hô-va, đã để cho dân ngài trải qua những khó khăn và thử thách hầu được tinh luyện và làm sạch. Mừng thay, sau khi vượt qua thử thách, những tín đồ được xức dầu ấy tinh sạch hơn về thiêng liêng, đồng thời hăng hái ủng hộ Vua Mê-si!

5 Phải chăng việc tinh luyện và làm sạch dân Đức Chúa Trời chỉ dừng lại ở đó? Không. Trong suốt những ngày sau cùng, Đức Giê-hô-va dùng Vua Mê-si để tiếp tục giúp các môn đồ thanh sạch, hầu cho họ luôn ở trong đền thờ thiêng liêng. Trong hai chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem cách ngài tinh luyện họ về đạo đức và tổ chức. Nhưng trước hết, hãy thảo luận việc làm sạch về thiêng liêng. Đức tin của chúng ta được củng cố khi xem xét những gì Chúa Giê-su đã thực hiện—cả những điều dễ thấy lẫn không thấy được—hầu giúp các môn đồ thanh sạch về thiêng liêng.

“Hãy làm cho sạch mình!”

6. Qua những mệnh lệnh Đức Giê-hô-va ban cho người Do Thái lưu đày, chúng ta hiểu sạch về thiêng liêng bao hàm điều gì?

6 Sạch về thiêng liêng là gì? Để trả lời, chúng ta hãy xem xét những lời Đức Giê-hô-va nói với người Do Thái bị lưu đày khi họ sắp rời Ba-by-lôn vào năm 537 TCN. (Đọc Ê-sai 52:11). Họ trở về Giê-ru-sa-lem chủ yếu để xây lại đền thờ và khôi phục sự thờ phượng thật (E-xơ-ra 1:2-4). Đức Giê-hô-va muốn dân ngài bỏ lại mọi dấu vết của tôn giáo Ba-by-lôn. Hãy lưu ý rằng ngài đã ban một loạt mệnh lệnh: “Đừng động đến đồ ô-uế”, “hãy ra khỏi giữa nó” và “hãy làm cho sạch mình!”. Sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va không thể bị vấy bẩn bởi sự thờ phượng sai lầm. Vậy, chúng ta rút ra kết luận nào? Sạch về thiêng liêng bao hàm việc tách biệt khỏi mọi dạy dỗ và thực hành của tôn giáo sai lầm.

7. Chúa Giê-su dùng phương tiện nào để giúp các môn đồ sạch về thiêng liêng?

7 Không lâu sau khi lên ngôi, Chúa Giê-su sắp đặt một phương tiện dễ nhận diện, nhờ đó ngài giúp các môn đồ được sạch về thiêng liêng. Phương tiện đó là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, được Đấng Ki-tô bổ nhiệm năm 1919 (Mat 24:45). Đến năm đó, Học viên Kinh Thánh đã làm sạch mình khỏi nhiều sự dạy dỗ của tôn giáo sai lầm. Dù vậy, họ vẫn cần được làm sạch thêm về thiêng liêng. Qua đầy tớ trung tín, Đấng Ki-tô dần soi sáng cho các môn đồ hiểu về những ngày lễ và thực hành mà họ cần từ bỏ (Châm 4:18). Hãy xem một số ví dụ.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nên ăn mừng Lễ Giáng Sinh?

8. Từ lâu, Học viên Kinh Thánh đã hiểu thế nào về Lễ Giáng Sinh, nhưng họ vẫn chưa thấy rõ điều gì?

8 Từ lâu, Học viên Kinh Thánh đã hiểu rằng Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ ngoại giáo và Chúa Giê-su không sinh ngày 25 tháng 12. Tháp Canh tháng 12 năm 1881 viết: “Hàng triệu người gia nhập Ki-tô giáo từng thuộc ngoại giáo. Nhưng sự thay đổi của họ chủ yếu là ở tên gọi, chức sắc ngoại giáo đổi thành chức sắc Ki-tô giáo và những ngày lễ ngoại giáo được khoác cho những cái tên của Ki-tô giáo—Lễ Giáng Sinh nằm trong số đó”. Năm 1883, dưới chủ đề “Chúa Giê-su sinh ra khi nào?”, Tháp Canh lý luận rằng Chúa Giê-su ra đời vào khoảng đầu tháng 10 c. Nhưng lúc đó, Học viên Kinh Thánh chưa thấy rõ là cần chấm dứt việc ăn mừng Lễ Giáng Sinh. Họ vẫn cử hành lễ này, ngay cả các thành viên gia đình Bê-tên ở Brooklyn cũng làm thế. Tuy nhiên, sau năm 1926, tình hình bắt đầu thay đổi. Tại sao?

9. Học viên Kinh Thánh nhận ra điều gì về Lễ Giáng Sinh?

9 Sau khi xem xét kỹ lưỡng và cẩn thận hơn về chủ đề này, Học viên Kinh Thánh nhận thấy thật ra nguồn gốc của Lễ Giáng Sinh và các thực hành liên quan đến lễ này làm ô danh Đức Chúa Trời. Bài “Nguồn gốc của Lễ Giáng Sinh”, trong Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age) ngày 14-12-1927, nói rằng Lễ Giáng Sinh là lễ ngoại giáo, tập trung vào sự vui chơi và dính líu đến việc thờ hình tượng. Bài nói rõ rằng Đấng Ki-tô không ra lệnh ăn mừng Lễ Giáng Sinh, rồi kết luận thẳng thắn: “Chính thế gian, xác thịt và Sa-tan cổ vũ việc cử hành và giữ Lễ Giáng Sinh. Đó là lý do xác đáng để những người dâng trọn đời mình phụng sự Đức Chúa Trời quyết định không ăn mừng lễ này”. Dĩ nhiên, gia đình Bê-tên không cử hành Lễ Giáng Sinh vào tháng 12 ấy, và vĩnh viễn từ bỏ lễ này!

10. (a) Tháng 12 năm 1928, Lễ Giáng Sinh bị phơi bày thế nào? (Cũng xem khung “ Lễ Giáng Sinh, nguồn gốc và mục đích”). (b) Dân Đức Chúa Trời được cảnh báo ra sao về những ngày lễ khác mà họ nên tránh? (Xem khung “ Vạch trần những ngày lễ khác”).

10 Năm sau đó, Học viên Kinh Thánh nhận được lời khuyên cụ thể hơn về Lễ Giáng Sinh. Ngày 12-12-1928, anh Richard H. Barber, thành viên của trụ sở trung ương nói một bài giảng trên radio phơi bày nguồn gốc ô uế của lễ này. Dân Đức Chúa Trời hưởng ứng ra sao trước chỉ dẫn rõ ràng từ trụ sở trung ương? Anh Charles Brandlein nhớ lại khi anh và gia đình không ăn mừng Lễ Giáng Sinh nữa: “Chúng tôi có ngần ngại bỏ đi những điều thuộc về ngoại giáo không? Hoàn toàn không!... Hành động đó chỉ như cởi bỏ chiếc áo bẩn rồi ném đi”. Anh Henry A. Cantwell, sau này làm giám thị lưu động, cũng có tinh thần tương tự. Anh kể: “Chúng tôi vui vì có thể từ bỏ điều gì đó để chứng tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va”. Các môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô sẵn sàng thực hiện những thay đổi cần thiết và không tham gia vào ngày lễ bắt nguồn từ sự thờ phượng ô uế d.—Giăng 15:19; 17:14.

11. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ủng hộ Vua Mê-si?

11 Những Học viên Kinh Thánh trung thành ấy đã nêu gương xuất sắc cho chúng ta! Khi suy ngẫm về gương của họ, hãy tự hỏi: “Mình xem sự chỉ dẫn từ trụ sở trung ương như thế nào? Mình có đón nhận với lòng biết ơn và áp dụng những gì học được không?”. Việc sẵn lòng vâng lời cho thấy chúng ta ủng hộ Vua Mê-si, đấng đang dùng đầy tớ trung tín để cấp phát thức ăn thiêng liêng đúng giờ.—Công 16:4, 5.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nên dùng thập tự giá?

Biểu tượng thập tự giá và vương miện (Xem đoạn 12 và 13)

12. Trong nhiều năm, Học viên Kinh Thánh đã xem thập tự giá như thế nào?

12 Trong nhiều năm, Học viên Kinh Thánh xem thập tự giá là biểu tượng của đạo Đấng Ki-tô. Nhưng họ cũng thấy không nên thờ thập tự giá, vì hiểu thờ hình tượng là sai (1 Cô 10:14; 1 Giăng 5:21). Ngay từ năm 1883, Tháp Canh nói thẳng rằng “mọi hình thức thờ hình tượng đều ghê tởm trước mắt Đức Chúa Trời”. Thế nhưng, ban đầu Học viên Kinh Thánh không bác bỏ thập tự giá vì nghĩ những cách họ đang dùng không có gì sai. Chẳng hạn, họ hãnh diện đeo chiếc cài áo hình thập tự giá và vương miện làm phù hiệu nhận diện. Với họ, điều đó có nghĩa là nếu trung thành cho đến chết, họ sẽ nhận vương miện sự sống. Từ năm 1891, biểu tượng thập tự giá và vương miện xuất hiện trên trang bìa của Tháp Canh.

13. Môn đồ của Đấng Ki-tô nhận được ánh sáng nào về việc dùng thập tự giá? (Cũng xem khung “ Dần được soi sáng về việc dùng thập tự giá”).

13 Học viên Kinh Thánh rất trân trọng biểu tượng thập tự giá và vương miện. Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1920, môn đồ Đấng Ki-tô dần được soi sáng về việc dùng thập tự giá. Nhớ lại hội nghị năm 1928 được tổ chức ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ, anh Grant Suiter, sau này thuộc Hội đồng Lãnh đạo, kể: “Hội nghị cho thấy biểu tượng thập tự giá và vương miện chẳng những không cần thiết mà còn không nên dùng”. Trong vài năm sau đó, dân Đức Chúa Trời được soi sáng thêm về điều này. Rõ ràng, thập tự giá không có chỗ trong sự thờ phượng thanh sạch.

14. Dân Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước những ánh sáng họ dần nhận được về thập tự giá?

14 Dân Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước những ánh sáng họ dần nhận được về thập tự giá? Họ có tiếp tục dùng biểu tượng thập tự giá và vương miện, là điều đã rất gắn bó với họ không? Chị Lela Roberts, một tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va nhớ lại: “Chúng tôi dễ dàng bỏ nó đi khi nhận ra điều mà nó tượng trưng”. Một chị trung thành khác là Ursula Serenco bày tỏ cảm xúc của nhiều người: “Chúng tôi nhận ra rằng thứ mà mình từng trân trọng như là vật biểu trưng cho cái chết của Chúa và sự trung thành của mình thật ra là biểu tượng ngoại giáo. Phù hợp với Châm-ngôn 4:18, chúng tôi biết ơn vì con đường của mình ngày càng được chiếu sáng hơn”. Môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô không muốn dính líu đến những thực hành ô uế của tôn giáo sai lầm!

15, 16. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quyết tâm giữ các sân trên đất thuộc đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va được thanh sạch?

15 Ngày nay, chúng ta cũng một lòng quyết tâm như thế. Chúng ta ý thức rằng Đấng Ki-tô đang dùng một phương tiện được nhận diện rõ ràng, là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, để giúp dân ngài luôn thanh sạch về thiêng liêng. Vì thế, khi các ấn phẩm cảnh báo về những ngày lễ, thực hành hoặc phong tục có dính líu đến tôn giáo sai lầm, chúng ta nhanh chóng hưởng ứng. Như các anh chị sống vào thời kỳ đầu Đấng Ki-tô hiện diện, chúng ta quyết tâm giữ các sân trên đất thuộc đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va được thanh sạch.

16 Trong những ngày sau cùng, dù chúng ta không thấy nhưng Đấng Ki-tô vẫn đang làm việc để bảo vệ các hội thánh của dân Đức Chúa Trời khỏi những kẻ có thể gây ô uế về thiêng liêng. Ngài làm thế bằng cách nào? Chúng ta hãy cùng xem.

Tách “kẻ ác ra khỏi những người công chính”

17, 18. Trong minh họa về cái lưới kéo, những cụm từ sau có nghĩa gì? (a) ‘Thả cái lưới kéo xuống biển’. (b) “Bắt đủ mọi loại cá”. (c) “Lựa cá tốt bỏ vào thúng”. (d) “Cá không ăn được thì ném đi”.

17 Vua Giê-su Ki-tô luôn để mắt đến các hội thánh của dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Ngài và các thiên sứ đang làm công việc phân tách, dù chúng ta không hiểu rõ. Chúa Giê-su miêu tả công việc này trong minh họa về cái lưới kéo. (Đọc Ma-thi-ơ 13:47-50). Minh họa ấy có nghĩa gì?

Lưới kéo tượng trưng cho việc rao giảng về Nước Trời đang diễn ra trong biển nhân loại (Xem đoạn 18)

18 ‘Thả cái lưới kéo xuống biển’. Lưới kéo tượng trưng cho công việc rao giảng về Nước Trời đang được thực hiện trong biển nhân loại. “Bắt đủ mọi loại cá”. Tin mừng thu hút mọi loại người—những người đang thực hiện các bước để trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính và nhiều người có lẽ ban đầu chú ý một chút nhưng không thật sự đứng về phía sự thờ phượng thanh sạch e. “Lựa cá tốt bỏ vào thúng”. Những người có lòng thành được thu nhóm vào các hội thánh, nơi họ có thể dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch. “Cá không ăn được thì ném đi”. Trong những ngày sau cùng, Đấng Ki-tô và các thiên sứ đang tách “kẻ ác ra khỏi những người công chính” f. Kết quả là những người không có lòng ngay thẳng, có lẽ không sẵn sàng từ bỏ những niềm tin và thực hành sai trái, không được phép ở trong hội thánh để làm ô uế nơi này g.

19. Bạn cảm thấy thế nào về những gì Đấng Ki-tô đang thực hiện nhằm giữ cho dân Đức Chúa Trời được thanh sạch và sự thờ phượng thật được thánh khiết?

19 Chẳng phải chúng ta yên tâm khi biết Vua của mình, Chúa Giê-su Ki-tô, bảo vệ những người sống dưới sự cai trị của ngài sao? Chẳng phải chúng ta được an ủi khi biết ngày nay lòng sốt sắng của ngài đối với sự thờ phượng thật, và người thờ phượng thật, vẫn nhiệt thành như khi ngài làm sạch đền thờ vào thế kỷ thứ nhất sao? Chúng ta thật biết ơn vì Đấng Ki-tô đang làm việc để giữ cho dân Đức Chúa Trời thanh sạch về thiêng liêng và sự thờ phượng thật được thánh khiết! Chúng ta có thể ủng hộ Vua và Nước của ngài bằng cách hoàn toàn tách biệt khỏi tôn giáo sai lầm.

a Người Do Thái từ nơi khác đến phải dùng một loại tiền quy định để đóng thuế đền thờ hằng năm, và những người đổi tiền tính phí khi dân chúng đổi tiền xu lấy loại tiền ấy. Ngoài ra, có thể họ cũng phải mua các con vật để dâng lễ. Chúa Giê-su gọi những kẻ buôn bán ấy là phường “trộm cướp”, rất có thể vì họ đã đổi tiền với phí cao và bán đồ với giá cắt cổ.

b Ở trên đất, dân của Đức Giê-hô-va thờ phượng ngài trong các sân trên đất thuộc đền thờ thiêng liêng vĩ đại của ngài.

c Bài này nói rõ rằng việc Chúa Giê-su sinh vào mùa đông là “không phù hợp với lời tường thuật cho biết những người chăn chiên đang ở ngoài đồng cùng với bầy của mình”.—Lu 2:8.

d Trong lá thư ngày 14-11-1927, anh Frederick W. Franz viết: “Năm nay chúng ta sẽ không ăn mừng Lễ Giáng Sinh. Gia đình Bê-tên đã biểu quyết là không tổ chức lễ này nữa”. Vài tháng sau đó, trong lá thư ngày 6-2-1928, anh Franz viết: “Chúa đang làm sạch chúng ta từng chút một khỏi những điều sai trái thuộc tổ chức Ba-by-lôn của Sa-tan”.

e Chẳng hạn, năm 2013, số người công bố cao nhất là 7.965.954, trong khi có 19.241.252 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Ki-tô.

f Việc tách cá tốt khỏi cá không ăn được khác với việc tách chiên khỏi dê (Mat 25:31-46). Việc tách chiên và dê, hay lần phán xét cuối cùng, sẽ diễn ra trong hoạn nạn lớn sắp đến. Từ nay cho tới lúc đó, những người giống như cá không ăn được có cơ hội trở về với Đức Giê-hô-va và được thu nhóm vào các hội thánh được tượng trưng bởi cái thúng.—Mal 3:7.

g Cuối cùng, những người không phù hợp sẽ bị quăng vào lò lửa, ám chỉ sự hủy diệt trong tương lai.