Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 11

Tinh luyện về đạo đức—Phản ánh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời

Tinh luyện về đạo đức—Phản ánh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Cách Vua dạy thần dân tôn trọng các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời

Hãy hình dung mình bước vào cổng sân ngoài của đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va

1. Điều gì trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên khiến chúng ta thán phục và kính sợ?

 Hãy hình dung bạn có trải nghiệm giống như nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên cách đây khoảng 25 thế kỷ. Trước mặt bạn là một đền thờ nguy nga, lộng lẫy. Một thiên sứ mạnh mẽ dẫn bạn tham quan nơi tuyệt đẹp này! Bạn leo lên bảy bậc thang dẫn đến một trong ba cổng bên ngoài. Các cổng này cao khoảng 30m. Khi đứng trước chúng, lòng bạn tràn đầy sự thán phục và kính sợ. Dọc lối vào, bạn thấy các phòng lính canh. Các cây cột mang hình dáng những cây chà là tao nhã.—Ê-xê 40:1-4, 10, 14, 16, 22; 41:20.

2. (a) Đền thờ trong khải tượng tượng trưng cho điều gì? (Cũng xem chú thích). (b) Chúng ta học được gì từ các chi tiết của những cổng đền thờ?

2 Đó là đền thờ thiêng liêng trong khải tượng. Ê-xê-chi-ên miêu tả đền thờ này chi tiết đến nỗi lời tường thuật ấy dài từ chương 40 đến 48 trong sách tiên tri mang tên ông. Đền thờ này tượng trưng cho sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch. Mọi chi tiết của đền thờ đều có ý nghĩa với sự thờ phượng của chúng ta trong những ngày sau cùng này a. Những cổng cao ngất nói lên điều gì? Chúng nhắc nhở chúng ta rằng nếu một người muốn vào sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va thì phải sống theo các tiêu chuẩn cao và công chính của ngài. Ngay cả những cây chà là được khắc cũng phản ánh điều đó, vì đôi khi cây ấy được dùng trong Kinh Thánh để tượng trưng cho sự công chính (Thi 92:12). Còn các phòng lính canh thì sao? Rõ ràng, ai không tôn trọng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì không được vào sự thờ phượng thanh sạch tuyệt vời này, là con đường dẫn đến sự sống.—Ê-xê 44:9.

3. Tại sao môn đồ Đấng Ki-tô cần tiếp tục được tinh luyện?

3 Khải tượng mà Ê-xê-chi-ên thấy được ứng nghiệm ra sao? Như chúng ta đã xem nơi chương 2, Đức Giê-hô-va dùng Đấng Ki-tô để tinh luyện dân ngài một cách đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1914 đến đầu năm 1919. Sự tinh luyện có kết thúc ở đó không? Không. Trong suốt thế kỷ qua, Đấng Ki-tô tiếp tục ủng hộ những tiêu chuẩn đạo đức thánh sạch của Đức Giê-hô-va. Do đó, môn đồ ngài vẫn cần được tinh luyện. Tại sao? Vì Đấng Ki-tô thu nhóm các môn đồ từ thế gian suy đồi về đạo đức và Sa-tan không bao giờ ngưng ra sức lôi kéo họ trở lại vũng lầy trái luân lý ấy. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:20-22). Chúng ta hãy xem xét ba lĩnh vực mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính được tinh luyện dần dần. Trước tiên, hãy xem xét một số sự tinh luyện về đạo đức, rồi đến một sự cung cấp trọng yếu nhằm giữ cho hội thánh được thanh sạch và cuối cùng là sự sắp đặt về gia đình.

Sự tinh luyện về đạo đức trong những năm qua

4, 5. Từ lâu Sa-tan đã dùng thủ đoạn nào, và hắn đã thành công ra sao?

4 Dân của Đức Giê-hô-va luôn quan tâm đến tư cách đạo đức. Vì thế, họ sẵn lòng làm theo các chỉ dẫn ngày càng rõ ràng về lĩnh vực này. Hãy xem vài ví dụ.

5 Tình dục vô luân. Mối quan hệ tình dục mà Đức Giê-hô-va ban cho hai vợ chồng là thanh sạch và tuyệt diệu. Nhưng Sa-tan hả hê khi thay đổi mục đích sử dụng của món quà quý giá ấy, biến nó thành thứ dơ bẩn, rồi dùng nó cám dỗ dân Đức Giê-hô-va để họ mất ân huệ của ngài. Vào thời của Ba-la-am, Sa-tan đã thực hiện trót lọt thủ đoạn ấy, và trong những ngày sau cùng, hắn càng ra sức dùng chiêu bài này hơn bao giờ hết.—Dân 25:1-3, 9; Khải 2:14.

6. Lời thề nào được đăng trong Tháp Canh? Nó được dùng với mục đích gì, và tại sao về sau nó không còn được dùng nữa? (Cũng xem chú thích).

6 Để đối phó với sự tấn công của Sa-tan, Tháp Canh ngày 15-6-1908 đăng một lời thề bao gồm lời cam kết sau: “Dù ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào, cách tôi cư xử với người khác phái tại chốn riêng tư cũng sẽ giống như khi ở nơi công cộng” b. Dẫu không bị buộc phải thề nhưng nhiều tín đồ đã làm thế và đệ trình tên của mình để đăng lên Tháp Canh. Tuy lời thề hữu ích cho nhiều người thời đó, nhưng những năm về sau, nó dần trở nên chiếu lệ và vì vậy không còn được dùng nữa. Thế nhưng, những nguyên tắc đạo đức cao nằm sau lời thề đó thì vẫn được giữ.

7. Năm 1935, Tháp Canh nói về vấn đề gì, và tiêu chuẩn nào được xác nhận lại?

7 Những cuộc tấn công của Sa-tan ngày càng dữ dội. Tháp Canh ngày 1-3-1935 thẳng thắn nói về một vấn đề đang phát sinh trong vòng dân Đức Chúa Trời. Một số tín đồ nghĩ rằng tham gia thánh chức thì không cần phải giữ các tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va trong đời sống riêng. Bài Tháp Canh nói rõ: “Một tín đồ nên nhớ rằng chỉ làm chứng thôi thì chưa đủ. Nhân Chứng Giê-hô-va là những người đại diện của ngài và có trách nhiệm đại diện cho ngài và Nước ngài một cách đúng đắn”. Rồi bài đưa ra lời khuyên rõ ràng về hôn nhân và đạo đức tính dục, nhờ thế dân Đức Chúa Trời có thể “tránh khỏi sự gian dâm”.—1 Cô 6:18.

8. Tại sao Tháp Canh nhiều lần nhấn mạnh nghĩa đầy đủ của từ Hy Lạp được dịch là “gian dâm”?

8 Trong những thập niên gần đây, Tháp Canh đã nhiều lần nhấn mạnh nghĩa đầy đủ của từ Hy Lạp được dịch là “gian dâm”—por·neiʹa. Từ này không chỉ nói đến quan hệ tình dục. Nó còn bao gồm nhiều hành vi vô luân, nhìn chung là tất cả những hành vi dâm dục diễn ra ở những ổ mại dâm. Nhờ thế, môn đồ Đấng Ki-tô được bảo vệ khỏi nạn dịch tình dục đồi bại rất phổ biến trong thế gian ngày nay.—Đọc Ê-phê-sô 4:17-19.

9, 10. (a) Năm 1935, Tháp Canh nêu lên vấn đề nào về đạo đức? (b) Sự dạy dỗ thăng bằng nào về rượu được Kinh Thánh nói đến?

9 Lạm dụng rượu. Tháp Canh ngày 1-3-1935 nêu lên một vấn đề khác về đạo đức: “Cũng thấy rằng một số tín đồ có hơi men khi tham gia thánh chức và thi hành các trách nhiệm khác trong tổ chức. Kinh Thánh cho phép dùng rượu trong hoàn cảnh nào? Có đúng không khi một tín đồ dùng rượu đến mức ảnh hưởng đến việc phụng sự trong tổ chức của Chúa?”.

10 Lời giải đáp trong Tháp Canh đó thảo luận quan điểm thăng bằng của Lời Đức Chúa Trời về việc dùng thức uống chứa cồn. Kinh Thánh không cấm dùng rượu và thức uống chứa cồn một cách đúng mực, nhưng thẳng thắn lên án sự say sưa (Thi 104:14, 15; 1 Cô 6:9, 10). Về việc có hơi men trong khi thi hành các chức vụ thánh, từ lâu tôi tớ của Đức Chúa Trời đã được nhắc nhở về trường hợp của các con trai A-rôn, những người bị xử tử vì dâng thứ lửa lạ trên bàn thờ Đức Chúa Trời. Không lâu sau đó, lời tường thuật tiết lộ điều rất có thể đã khiến những người ấy làm một việc trái phép, vì Đức Giê-hô-va ban một luật là cấm mọi thầy tế lễ dùng thức uống chứa cồn khi làm các công việc thánh (Lê 10:1, 2, 8-11). Áp dụng nguyên tắc cơ bản đó, môn đồ Đấng Ki-tô ngày nay tránh dùng rượu khi tham gia các hoạt động thiêng liêng.

11. Tại sao có thể nói dân Đức Chúa Trời được phước khi có thêm sự hiểu biết về thói nghiện rượu?

11 Trong những thập niên gần đây, môn đồ Đấng Ki-tô được ban thêm sự hiểu biết về thói nghiện rượu, một tình trạng liên quan đến việc lạm dụng rượu trong thời gian dài. Nhờ thức ăn thiêng liêng đúng giờ, nhiều người đã được giúp để biết cách đối phó với tình trạng ấy và có thể kiểm soát đời sống trở lại. Có thêm nhiều người được giúp để tránh vấn đề đó. Không ai nên để rượu làm mình mất phẩm giá, gia đình và trên hết là đặc ân được tham gia sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va.

“Chắc chắn, Chúa chúng ta không bao giờ có mùi nồng nặc của thuốc lá hoặc cho bất cứ thứ gì dơ bẩn vào miệng”.—Anh Russell

12. Ngay từ khi những ngày sau cùng chưa đến, tôi tớ của Đấng Ki-tô đã có quan điểm nào về thuốc lá?

12 Thuốc lá. Ngay từ khi những ngày sau cùng chưa đến, tôi tớ của Đấng Ki-tô đã bắt đầu hiểu là không nên dùng thuốc lá. Cách đây nhiều năm, một tín đồ lớn tuổi là anh Charles Capen nhớ lại lần đầu tiên gặp anh Russell vào cuối thế kỷ 19. Anh Capen, lúc đó 13 tuổi, cùng anh trai và hai em trai đang ngồi ở bậc thang của Nhà Kinh Thánh tại Allegheny, Pennsylvania. Khi đi ngang qua họ, anh Russell hỏi: “Các em hút thuốc hả? Anh ngửi thấy mùi thuốc lá”. Họ cam đoan với anh rằng họ không hút thuốc. Chắc chắn, họ đã hiểu rõ quan điểm của anh về vấn đề này. Nơi Tháp Canh ngày 1-8-1895, anh Russell bình luận về 2 Cô-rinh-tô 7:1: “Tôi không thấy việc một tín đồ hút thuốc bằng bất cứ hình thức nào có thể mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời hay lợi ích cho chính người ấy... Chắc chắn, Chúa chúng ta không bao giờ có mùi nồng nặc của thuốc lá hoặc cho bất cứ thứ gì dơ bẩn vào miệng”.

13. Năm 1973, có sự tinh luyện nào về đạo đức?

13 Năm 1935, Tháp Canh gọi thuốc lá là thứ dơ bẩn và nói rằng không một ai nhai hay hút thuốc lá có thể tiếp tục là thành viên của gia đình Bê-tên hoặc đại diện cho tổ chức của ngài trong công việc tiên phong hay lưu động. Năm 1973, có thêm sự tinh luyện về đạo đức. Tháp Canh ngày 1 tháng 6 giải thích rằng những Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn còn giữ thói quen dùng thuốc lá (là thói quen thiếu yêu thương, dơ bẩn và nguy hại đến tính mạng) thì không được thuộc về hội thánh nữa. Ai khăng khăng không bỏ thuốc lá sẽ bị khai trừ c. Như vậy, Đấng Ki-tô đã tiến hành một bước quan trọng nữa nhằm tinh luyện các môn đồ.

14. Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về máu là gì, và việc truyền máu trở nên thông thường ra sao?

14 Máu. Vào thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cho biết ăn huyết là sai. Ngài xác nhận lại quan điểm đó trong Luật pháp dành cho dân Y-sơ-ra-ên, và ngài cũng chỉ thị cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô là ‘phải kiêng huyết’ (Công 15:20, 29; Sáng 9:4; Lê 7:26). Chẳng lạ gì khi ngày nay Sa-tan tìm cách khiến nhiều người xem thường tiêu chuẩn ấy của Đức Chúa Trời. Vào thế kỷ 19, các bác sĩ đã thử nghiệm phương pháp truyền máu, nhưng sau khi khám phá ra các nhóm máu thì phương pháp này mới phổ biến. Năm 1937, máu bắt đầu được thu và trữ trong các ngân hàng máu, và việc truyền máu được đẩy mạnh khi Thế Chiến II bùng nổ. Không lâu sau, phương pháp truyền máu trở nên thông thường trên khắp thế giới.

15, 16. (a) Nhân Chứng Giê-hô-va có lập trường nào về việc truyền máu? (b) Môn đồ Đấng Ki-tô được cung cấp sự hỗ trợ nào liên quan đến việc điều trị không dùng máu, và kết quả là gì?

15 Ngay từ năm 1944, Tháp Canh cho biết truyền máu thật sự là hình thức khác của ăn huyết. Năm sau đó, quan điểm này của Kinh Thánh được củng cố và làm rõ. Đến năm 1951, một danh sách những thắc mắc và lời giải đáp được đăng nhằm giúp dân Đức Chúa Trời đối phó với các vấn đề y khoa. Trên khắp thế giới, những môn đồ trung thành của Đấng Ki-tô đã can đảm giữ vững lập trường, thường là khi đối mặt với sự coi khinh, thù địch, thậm chí ngược đãi công khai. Nhưng Đấng Ki-tô tiếp tục thúc đẩy tổ chức của ngài cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Những sách mỏng, bài viết chi tiết và được nghiên cứu kỹ lưỡng đã được xuất bản.

16 Năm 1979, một số trưởng lão bắt đầu đến các bệnh viện để giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về lập trường của chúng ta, các lý do dựa trên Kinh Thánh và những phương pháp điều trị thay thế việc truyền máu. Năm 1980, trưởng lão từ 39 thành phố ở Hoa Kỳ được huấn luyện đặc biệt về nhiệm vụ này. Với thời gian, Hội đồng Lãnh đạo chấp thuận thành lập các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện trên thế giới. Nỗ lực ấy có mang lại kết quả nào trong những năm qua không? Ngày nay, hàng chục ngàn chuyên viên y khoa—gồm bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê—đang hợp tác với bệnh nhân là Nhân Chứng, tôn trọng lựa chọn của chúng ta về việc điều trị không dùng máu. Ngày càng có nhiều bệnh viện sẵn sàng điều trị không dùng máu, và một số còn xem đây là tiêu chuẩn cao nhất trong việc chăm sóc sức khỏe. Chẳng phải chúng ta rất vui mừng khi nghĩ đến những cách Chúa Giê-su bảo vệ các môn đồ khỏi những sự tấn công của Sa-tan nhằm làm họ ô uế sao?—Đọc Ê-phê-sô 5:25-27.

Ngày càng có nhiều bệnh viện sẵn sàng điều trị không dùng máu, và một số còn xem đây là tiêu chuẩn cao nhất trong việc chăm sóc sức khỏe

17. Làm thế nào chúng ta thể hiện lòng quý trọng việc Chúa Giê-su tinh luyện các môn đồ?

17 Đấng Ki-tô đang tinh luyện chúng ta bằng cách huấn luyện chúng ta theo sát các tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va. Do đó, hãy tự hỏi: “Mình có quý trọng công việc ấy của ngài không?”. Nếu có, hãy nhớ rằng Sa-tan luôn tìm cách khiến chúng ta xa rời Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su khi làm chúng ta giảm dần sự tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Để kháng cự ảnh hưởng đó, tổ chức của Đức Giê-hô-va tiếp tục cung cấp những lời cảnh báo và nhắc nhở đầy yêu thương về lối sống suy đồi của thế gian. Vậy, chúng ta hãy luôn tỉnh táo, hưởng ứng và vâng theo những lời khuyên hữu ích ấy.—Châm 19:20.

Bảo vệ hội thánh khỏi sự ô uế về đạo đức

18. Về những người ngoan cố đi ngược lại tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, khải tượng của Ê-xê-chi-ên cho chúng ta lời nhắc nhở rõ ràng nào?

18 Lĩnh vực thứ hai của sự tinh luyện về đạo đức bao hàm những việc cần thiết nhằm giữ cho hội thánh được thanh sạch. Buồn thay, không phải mọi tín đồ chấp nhận những tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va và dâng mình cho ngài đều trung thành với quyết định của họ. Một số tín đồ rốt cuộc đã thay lòng đổi dạ và ngoan cố đi ngược lại những tiêu chuẩn ấy. Cần phải làm gì với những người như thế? Để biết lời giải đáp, chúng ta hãy nhớ đến một chi tiết về đền thờ thiêng liêng trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, đó là những cổng cao ngất. Mỗi lối vào đều có những phòng lính canh. Những người lính bảo vệ đền thờ để ngăn những người có ‘lòng không cắt bì’ vào (Ê-xê 44:9). Đó quả là lời nhắc nhở rõ ràng rằng sự thờ phượng thanh sạch là đặc ân chỉ dành cho những ai cố gắng sống theo các tiêu chuẩn đạo đức thánh khiết của Đức Giê-hô-va. Tương tự, ngày nay đặc ân kết hợp với anh em đồng đạo trong sự thờ phượng không mở ra cho mọi người.

19, 20. (a) Để các môn đồ cải thiện cách xử lý những trường hợp phạm tội trọng, Đấng Ki-tô dần giúp họ ra sao? (b) Ba lý do để khai trừ người phạm tội không ăn năn là gì?

19 Năm 1892, Tháp Canh nhận xét rằng “chúng ta có trách nhiệm khai trừ những tín đồ trực tiếp hay gián tiếp phủ nhận việc Đấng Ki-tô hy sinh làm giá chuộc cho mọi người”. (Đọc 2 Giăng 10). Năm 1904, sách Sự sáng tạo mới (The New Creation) công nhận rằng những người cứ giữ hạnh kiểm sai trái là mối đe dọa cho hội thánh về mặt đạo đức. Thời đó, tất cả các thành viên đều tham gia vào “những vụ xét xử của hội thánh” để xem xét các trường hợp phạm tội trọng. Tuy nhiên, điều ấy hiếm khi xảy ra. Năm 1944, Tháp Canh cho thấy chỉ những anh có trách nhiệm mới giải quyết những vụ việc như thế. Năm 1952, thủ tục dựa trên Kinh Thánh để xử lý các vấn đề tư pháp được đăng trong Tháp Canh, nêu ra lý do chính của việc khai trừ người không ăn năn là giữ cho hội thánh được thanh sạch.

20 Trong những thập kỷ sau đó, Đấng Ki-tô giúp các môn đồ xem xét và cải thiện cách xử lý những trường hợp phạm tội trọng. Các trưởng lão được huấn luyện kỹ lưỡng để giải quyết các vấn đề tư pháp theo cách của Đức Giê-hô-va, thăng bằng giữa công lý và lòng thương xót. Ngày nay, chúng ta hiểu rõ ít nhất ba lý do để khai trừ người phạm tội không ăn năn khỏi hội thánh là: (1) giữ cho danh Đức Giê-hô-va khỏi bị sỉ nhục, (2) bảo vệ hội thánh khỏi những ảnh hưởng tai hại của tội trọng và (3) thúc đẩy người phạm tội ăn năn, nếu có thể.

21. Tại sao sắp đặt về việc khai trừ là ân phước đối với dân Đức Chúa Trời?

21 Ngày nay, bạn có thấy sắp đặt về việc khai trừ là ân phước đối với môn đồ Đấng Ki-tô không? Trong dân Y-sơ-ra-ên xưa, những người phạm tội thường gây ảnh hưởng tai hại cho dân tộc, thậm chí đôi khi số người đó còn nhiều hơn những người yêu mến Đức Giê-hô-va và cố gắng làm điều đúng. Vì vậy, dân Y-sơ-ra-ên thường làm ô danh Đức Giê-hô-va và đánh mất ân huệ của ngài (Giê 7:23-28). Nhưng ngày nay Đức Giê-hô-va có một dân bao gồm những người nam và nữ từ nhiều nước đã chọn phụng sự ngài và làm theo sự hướng dẫn của ngài. Vì những người phạm tội không ăn năn bị loại khỏi chúng ta, nên họ không thể trở thành vũ khí trong tay Sa-tan để gây hại thêm cho hội thánh cũng như vị thế thanh sạch của hội thánh. Thay vì thế, ảnh hưởng của họ bị hạn chế đến mức thấp nhất. Do đó, với tư cách là một nhóm, chắc chắn chúng ta giữ được ân huệ của Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va từng hứa: “Phàm binh-khí chế ra nghịch cùng ngươi sẽ chẳng thạnh-lợi” (Ê-sai 54:17). Chúng ta có trung thành ủng hộ các trưởng lão, những người có trọng trách giải quyết các vấn đề tư pháp không?

Làm vinh hiển đấng sáng lập gia đình

22, 23. Tại sao chúng ta biết ơn những anh em đồng đạo sống vào đầu thế kỷ 20? Nhưng điều gì cho thấy các tín đồ cần thăng bằng hơn trong lĩnh vực gia đình?

22 Lĩnh vực thứ ba mà môn đồ Đấng Ki-tô được lợi ích từ sự tinh luyện không ngừng có liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình. Quan điểm của chúng ta về gia đình có được tinh luyện qua các năm không? Có. Chẳng hạn, khi đọc về tôi tớ của Đức Chúa Trời vào đầu thế kỷ 20, chắc chắn chúng ta ấn tượng, thậm chí thán phục tinh thần hy sinh của họ. Chúng ta vô cùng biết ơn họ vì đã đặt việc phụng sự lên trên bất cứ điều gì khác trong đời sống. Dù vậy, chúng ta cũng thấy cần có sự thăng bằng hơn. Như thế nào?

23 Một điều rất phổ biến thời đó là những anh có nhiệm vụ trong thánh chức hoặc làm công tác lưu động phải đi xa nhà nhiều tháng mỗi lần. Đôi lúc có những lời khuyên mạnh mẽ về việc không kết hôn, vượt quá tinh thần của Kinh Thánh, trong khi đó lại có rất ít lời khuyên giúp củng cố hôn nhân. Ngày nay, có tình trạng đó trong vòng môn đồ của Đấng Ki-tô không? Không.

Các tín đồ không được bỏ bê trách nhiệm gia đình để theo đuổi nhiệm vụ thần quyền

24. Làm thế nào Đấng Ki-tô giúp thần dân trung thành có quan điểm thăng bằng hơn về hôn nhân và gia đình?

24 Ngày nay, các tín đồ không được bỏ bê trách nhiệm gia đình để theo đuổi nhiệm vụ thần quyền. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:8). Hơn nữa, Đấng Ki-tô lo liệu sao cho các môn đồ trung thành trên đất thường xuyên nhận được những lời khuyên thăng bằng, hữu ích trong Kinh Thánh về đời sống hôn nhân và gia đình (Ê-phê 3:14, 15). Năm 1978, sách Xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc được xuất bản. Khoảng 18 năm sau, sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc ra mắt. Ngoài ra, nhiều bài trong Tháp Canh được biên soạn nhằm giúp các cặp vợ chồng áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống lứa đôi.

25-27. Qua các năm, nhu cầu của bạn trẻ trong nhiều độ tuổi được chú ý nhiều hơn như thế nào?

25 Còn những bạn trẻ thì sao? Qua các năm, nhu cầu của các em cũng ngày càng được chú ý nhiều hơn. Từ lâu, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã cung cấp những ấn phẩm hữu ích cho bạn trẻ trong nhiều độ tuổi, nhưng từ nhỏ giọt trở nên thường xuyên và tràn trề. Chẳng hạn, mục “Người trẻ học Kinh Thánh” xuất hiện trong Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age) từ năm 1919 đến 1921. Sau đó, có sách mỏng Thời Đại Hoàng Kim ABC (The Golden Age ABC) vào năm 1920 và sách Con trẻ (Children) năm 1941. Vào thập niên 1970, những sách Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn, Làm thế nào tận dụng tuổi thanh xuân của bạn? (Your Youth—Getting the Best out of It) và Sách kể chuyện Kinh Thánh được cung cấp. Năm 1982, Tỉnh Thức! bắt đầu có mục “Giới trẻ thắc mắc”, và điều này dẫn đến sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực được xuất bản năm 1989.

Sách mỏng Bé học Kinh Thánh được vui mừng đón nhận tại hội nghị ở Đức

26 Ngày nay, chúng ta có hai tập sách mới cập nhật của Giới trẻ thắc mắc (Anh ngữ), trong khi những loạt bài này vẫn được đăng trên trang web jw.org/vi. Chúng ta cũng có sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại. Trang web của chúng ta có nhiều mục dành cho bạn trẻ, bao gồm hình nhân vật Kinh Thánh, các hoạt động học Kinh Thánh dành cho trẻ nhỏ tuổi và lớn hơn, đố vui, video và truyện tranh Kinh Thánh, cũng như những bài học Kinh Thánh dành cho trẻ từ ba tuổi trở xuống. Rõ ràng, quan điểm của Đấng Ki-tô về con trẻ vẫn không thay đổi kể từ khi ngài ôm những đứa trẻ vào lòng hồi thế kỷ thứ nhất (Mác 10:13-16). Ngài muốn các bạn trẻ trong vòng chúng ta cảm thấy được quý mến và no đủ về thiêng liêng.

27 Chúa Giê-su cũng muốn con trẻ được bảo vệ khỏi những mối nguy hại. Khi thế gian suy đồi này ngày càng lún sâu vào sự đồi bại thì nạn xâm hại tình dục trẻ em càng phổ biến. Vì thế, những ấn phẩm có chỉ dẫn trực tiếp và rõ ràng được xuất bản nhằm giúp cha mẹ bảo vệ con cái khỏi hành vi đồi bại này d.

28. (a) Như được thấy trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ, chúng ta phải làm gì nếu muốn tham gia vào sự thờ phượng thanh sạch? (b) Bạn quyết tâm làm gì?

28 Khi suy ngẫm về cách Đấng Ki-tô tiếp tục tinh luyện các môn đồ, huấn luyện họ tôn trọng, sống theo và nhận lợi ích từ những tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Chúa Trời, chẳng phải lòng chúng ta vui mừng sao? Một lần nữa, hãy nghĩ đến đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy trong khải tượng. Hãy nhớ đến những cổng cao ngất. Quả thật, đó không phải là đền thờ theo nghĩa đen, mà là đền thờ thiêng liêng. Thế nhưng, chúng ta có thấy nó giống như thật không? Chúng ta bước vào đền thờ ấy, không chỉ bằng cách đến Phòng Nước Trời, mở Kinh Thánh hoặc tham gia thánh chức. Những hành động đó liên quan đến những điều hữu hình. Một kẻ đạo đức giả có thể làm những việc ấy mà không bao giờ bước vào đền thờ của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi làm những việc ấy đồng thời sống theo những tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va và tham gia sự thờ phượng thanh sạch với thái độ đúng, chúng ta đã vào bên trong và đang phụng sự ở nơi thánh khiết nhất—sắp đặt cho sự thờ phượng thanh sạch của Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Chúng ta hãy luôn trân trọng đặc ân quý giá ấy. Cũng hãy tiếp tục cố gắng hết sức để phản ánh sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va bằng cách ủng hộ các tiêu chuẩn công chính của ngài!

a Năm 1932, tập 2 của sách Sự biện minh (Vindication) lần đầu tiên cho thấy các lời Kinh Thánh tiên tri về sự hồi hương của dân Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trong thời hiện đại nơi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, chứ không phải nơi dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống. Những lời tiên tri ấy ám chỉ việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Tháp Canh ngày 1-3-1999 giải thích rằng khải tượng về đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy là một lời tiên tri về sự khôi phục, và vì thế nó có một sự ứng nghiệm quan trọng về thiêng liêng trong những ngày sau cùng.

b Dựa trên lời thề này, một người nam và một người nữ không được ở trong cùng một phòng trừ khi cửa mở rộng, họ là vợ chồng hoặc là những thành viên trong cùng gia đình. Trong vài năm, lời thề này được đọc mỗi ngày trong chương trình Thờ phượng Buổi sáng tại Bê-tên.

c Ở đây nói đến việc hút, nhai thuốc lá hoặc trồng cho những mục đích đó.

d Chẳng hạn, xin xem sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại, chương 32; cũng xem loạt bài “Hãy bảo vệ con bạn!” trong Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2007.