Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 15

Đấu tranh cho quyền tự do thờ phượng

Đấu tranh cho quyền tự do thờ phượng

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Cách Đấng Ki-tô giúp môn đồ đấu tranh cho sự công nhận về mặt pháp lý và quyền vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời

1, 2. (a) Điều gì chứng tỏ bạn là công dân Nước Trời? (b) Tại sao đôi khi Nhân Chứng Giê-hô-va phải tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo?

 Bạn có phải là công dân Nước Trời không? Dĩ nhiên là phải, vì bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va! Điều gì chứng tỏ tư cách công dân của bạn? Không phải là chứng minh thư hay giấy tờ khác của chính phủ, mà là cách bạn thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng thật không chỉ liên quan đến niềm tin mà còn bao gồm những gì bạn làm, tức vâng theo luật pháp Nước Trời. Sự thờ phượng của chúng ta tác động đến mọi khía cạnh của đời sống, kể cả cách chăm sóc gia đình, thậm chí cách phản ứng trước vấn đề sức khỏe.

2 Dù vậy, không phải lúc nào thế gian cũng tôn trọng tư cách công dân cao quý nhất của chúng ta và những gì điều đó đòi hỏi. Một số chính phủ đã cố hạn chế, thậm chí xóa bỏ sự thờ phượng của chúng ta. Đôi khi môn đồ Đấng Ki-tô buộc phải tranh đấu để được tự do sống theo luật pháp của Vua Mê-si. Đó có phải là điều mới lạ không? Không. Dân Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh đã thường phải tranh đấu cho quyền tự do thờ phượng ngài.

3. Dân Đức Chúa Trời đã đối mặt với cuộc chiến nào vào thời hoàng hậu Ê-xơ-tê?

3 Chẳng hạn, vào thời hoàng hậu Ê-xơ-tê, dân Đức Chúa Trời đã phải tranh đấu cho sự sinh tồn của mình. Tại sao? Vì tể tướng Ha-man gian ác đã xin vua A-suê-ru ra lệnh giết mọi người Do Thái sống trong vương quốc Phe-rơ-sơ vì ‘luật pháp của họ khác hơn luật pháp của các dân khác’ (Ê-xơ-tê 3:8, 9, 13). Đức Giê-hô-va có bỏ rơi dân ngài không? Không. Ngài ban phước cho nỗ lực của Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê khi họ nài xin vua Phe-rơ-sơ bảo vệ dân Đức Chúa Trời.—Ê-xơ-tê 9:20-22.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương này?

4 Còn thời hiện đại thì sao? Như đã xem trong chương trước, đôi lúc các chính phủ thế gian chống đối Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận một số cách mà các chính phủ ấy đã dùng để cố hạn chế sự thờ phượng của chúng ta. Hãy tập trung vào ba lĩnh vực: (1) quyền được tồn tại với tư cách là một tổ chức và được chọn cách thức thờ phượng, (2) quyền được chọn phương pháp điều trị y khoa phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh, và (3) quyền được nuôi dạy con theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Trong mỗi lĩnh vực, chúng ta sẽ xem các công dân trung thành của Nước Đấng Mê-si đã can đảm đấu tranh thế nào để bảo vệ tư cách công dân cao quý, và những nỗ lực của họ đã được ban phước ra sao.

Đấu tranh cho sự công nhận về mặt pháp lý và những quyền tự do cơ bản

5. Sự công nhận về mặt pháp lý mang lại lợi ích nào cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

5 Chúng ta có cần được các chính phủ loài người công nhận về mặt pháp lý để thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Không, nhưng sự công nhận đó giúp chúng ta dễ dàng thờ phượng ngài hơn. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự do nhóm họp tại Phòng Nước Trời và Phòng hội nghị của mình, được in và nhập ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, được công khai chia sẻ tin mừng với những người xung quanh mà không bị cản trở. Tại nhiều nước, Nhân Chứng Giê-hô-va được cấp giấy phép và tự do thờ phượng như những tôn giáo được pháp luật công nhận. Nhưng nói sao nếu các chính phủ không công nhận chúng ta hoặc cố hạn chế những quyền tự do cơ bản của chúng ta?

6. Vào đầu thập niên 1940, Nhân Chứng Giê-hô-va tại Úc đã đương đầu với thử thách nào?

6 Úc. Đầu thập niên 1940, nhà toàn quyền của Úc cho rằng niềm tin của chúng ta “gây hại” cho nỗ lực ủng hộ chiến tranh của họ. Vì thế, một lệnh cấm được ban hành. Các Nhân Chứng không được nhóm họp hoặc rao giảng công khai, nhà Bê-tên bị đóng cửa và các Phòng Nước Trời bị tịch thu. Thậm chí không ai được sở hữu ấn phẩm của chúng ta. Sau vài năm hoạt động bí mật, cuối cùng các Nhân Chứng tại Úc đã được tự do. Ngày 14-6-1943, Tòa Cấp Cao của Úc đã bãi bỏ lệnh cấm.

7, 8. Hãy kể lại cuộc chiến mà anh em tại Nga đã tranh đấu nhiều năm cho quyền tự do thờ phượng.

7 Nga. Nhân Chứng Giê-hô-va đã trải qua hàng chục năm bị cấm đoán dưới chế độ vô thần, nhưng cuối cùng được cấp giấy phép vào năm 1991. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, chúng ta được công nhận về mặt pháp lý tại Liên Bang Nga vào năm 1992. Nhưng không lâu sau, một số kẻ chống đối, nhất là những kẻ có liên hệ với Chính Thống Giáo Nga, đã bực tức trước sự phát triển nhanh chóng của chúng ta. Từ năm 1995 đến 1998, họ đưa ra năm cáo buộc chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng không lần nào ủy viên công tố tìm ra bằng chứng cho thấy chúng ta phạm pháp. Vào năm 1998, những kẻ chống đối đâm đơn khiếu nại về dân sự. Ban đầu các Nhân Chứng thắng thế, nhưng những kẻ chống đối không chấp nhận phán quyết, và chúng ta đã thất bại tại đợt kháng án của bọn họ vào tháng 5 năm 2001. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 10 năm đó dẫn đến phán quyết năm 2004 là tịch thu những gì thuộc về thực thể pháp lý mà Nhân Chứng dùng tại Mát-xcơ-va (Moscow) và cấm mọi hoạt động của thực thể ấy.

8 Sau đó, một làn sóng bắt bớ nổi lên. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:12). Nhân Chứng liên tục bị phá rối và tấn công. Các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh bị tịch thu, việc xây hoặc thuê nhà để thờ phượng bị nghiêm cấm. Hãy tưởng tượng các anh chị cảm thấy thế nào trước những khó khăn đó! Anh em chúng ta đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào năm 2001, và bổ sung thông tin vào năm 2004. Năm 2010, tòa ra phán quyết. Tòa thấy rõ đằng sau lệnh cấm của nước Nga đối với Nhân Chứng là sự phân biệt tôn giáo. Tòa cũng tuyên rằng không có lý do để tán thành quyết định của tòa cấp dưới, vì không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nhân Chứng đã làm sai. Ngoài ra, tòa cho rằng lệnh cấm đó được dàn xếp nhằm tước đoạt các quyền pháp lý của Nhân Chứng. Phán quyết của tòa bênh vực quyền tự do tôn giáo của Nhân Chứng. Dù nhiều nhà cầm quyền Nga không thi hành phán quyết của tòa, nhưng nhờ những chiến thắng như thế mà dân Đức Chúa Trời càng thêm can đảm.

Anh Titos Manoussakis (Xem đoạn 9)

9-11. Tại Hy Lạp, dân Đức Giê-hô-va đã đấu tranh thế nào cho quyền tự do nhóm lại để thờ phượng, và kết quả là gì?

9 Hy Lạp. Năm 1983, anh Titos Manoussakis thuê một phòng ở Heraklion thuộc Crete để một nhóm nhỏ Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại thờ phượng (Hê 10:24, 25). Nhưng không lâu sau, một linh mục thuộc Chính Thống Giáo đã khiếu nại với chính quyền, phản đối việc Nhân Chứng Giê-hô-va dùng phòng để thờ phượng. Tại sao? Chỉ vì niềm tin của Nhân Chứng khác với Chính Thống Giáo! Phòng công tố buộc tội anh Titos Manoussakis và ba anh Nhân Chứng địa phương. Họ bị phạt và kết án hai tháng tù. Là những công dân trung thành của Nước Trời, họ thấy phán quyết của tòa vi phạm quyền tự do thờ phượng nên đã kiện lên các tòa án trong nước và cuối cùng là Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

10 Cuối cùng, năm 1996, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đưa ra phán quyết làm những kẻ chống đối sự thờ phượng thanh sạch phải sửng sốt. Tòa phán rằng “theo định nghĩa của luật pháp Hy Lạp về ‘tôn giáo được công nhận’ thì Nhân Chứng Giê-hô-va là một trong số đó” và các phán quyết của tòa cấp dưới đã “ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do tín ngưỡng của bên nguyên đơn”. Tòa cũng nhận thấy chính phủ Hy Lạp không có quyền “quyết định niềm tin hay cách thể hiện niềm tin của một tôn giáo là hợp lệ hay không”. Những bản án chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va bị bãi bỏ và quyền tự do thờ phượng của họ được bênh vực!

11 Chiến thắng ấy có giải quyết vấn đề tại Hy Lạp không? Đáng buồn là không. Năm 2012, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 12 năm, một trường hợp tương tự mới được giải quyết tại Kassandreia, Hy Lạp. Trường hợp này do một linh mục Chính Thống Giáo kiện. Hội đồng Quốc gia, là tòa án hành chính cao nhất của Hy Lạp, đã xử có lợi cho dân Đức Chúa Trời. Phán quyết trích lời bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng trong hiến pháp Hy Lạp và bác bỏ nhiều lời cáo buộc rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không phải là tôn giáo được công nhận. Tòa nói: “‘Nhân Chứng Giê-hô-va’ không che giấu các giáo lý của họ và vì thế họ là một tôn giáo được chính phủ công nhận”. Các thành viên trong hội thánh nhỏ ở Kassandreia rất vui mừng vì từ nay họ có thể tổ chức các buổi nhóm họp để thờ phượng tại Phòng Nước Trời của mình.

12, 13. Tại Pháp, những kẻ chống đối đã cố “nhờ luật-pháp toan sự thiệt-hại” như thế nào, và kết quả là gì?

12 Pháp. Một số kẻ chống đối dân Đức Chúa Trời đã dùng chiêu bài “nhờ luật-pháp toan sự thiệt-hại”. (Đọc Thi-thiên 94:20). Chẳng hạn, giữa thập niên 1990, các viên chức ngành thuế tại nước này bắt đầu kiểm toán ngân sách của hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va (Association Les Témoins de Jéhovah), là một trong những thực thể pháp lý mà chúng ta dùng để hoạt động ở Pháp. Bộ trưởng tài chính tiết lộ mục đích thật của việc này: “Việc kiểm toán có thể khiến một hiệp hội bị tịch thu tài sản hoặc bị đưa ra tòa án hình sự..., điều này có thể sẽ cản trở hoạt động của hiệp hội đó hoặc buộc hiệp hội đó chấm dứt các hoạt động trong khu vực của chúng ta”. Dù không thấy có gì bất thường khi kiểm toán nhưng nhà chức trách vẫn đánh thuế nặng đối với hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va. Nếu họ thành công, anh em chúng ta sẽ rơi vào tình thế không có lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa văn phòng chi nhánh và bán các tòa nhà để trả khoản thuế khổng lồ. Dù đây là thử thách lớn đối với dân Đức Chúa Trời nhưng họ không bỏ cuộc. Các Nhân Chứng đã ra sức khiếu nại về sự đối xử bất công này, và cuối cùng trình lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào năm 2005.

13 Tòa đưa ra phán quyết ngày 30-6-2011. Tòa lý luận rằng vì quyền tự do tín ngưỡng, chính phủ không được quyết định niềm tin hoặc cách thể hiện niềm tin của một tôn giáo là hợp lệ hay không, ngoại trừ những trường hợp cực đoan. Hơn nữa, tòa nói: “Việc đóng thuế... làm cạn kiệt nguồn tài chính chủ chốt của hiệp hội này, khiến sự tự do thờ phượng của các tín đồ trong những khía cạnh thực tế không được đảm bảo”. Tòa nhất trí xử có lợi cho Nhân Chứng Giê-hô-va! Dân Đức Chúa Trời rất vui mừng vì cuối cùng chính phủ Pháp phải hoàn lại tiền thuế họ đã thu của hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va cùng tiền lời, và theo lệnh của tòa họ phải trả lại đất mà chi nhánh đã thế chấp.

Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên cho các anh chị đang bị đối xử bất công về mặt pháp lý

14. Bạn có thể góp phần ra sao trong cuộc chiến giành quyền tự do thờ phượng?

14 Như Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, dân Đức Giê-hô-va ngày nay cũng đấu tranh để được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách ngài muốn (Ê-xơ-tê 4:13-16). Bạn có thể góp phần không? Có. Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên cho các anh chị đang bị đối xử bất công về mặt pháp lý. Những lời cầu nguyện như thế có thể là sự trợ giúp đắc lực cho các anh chị đang gặp khó khăn và bắt bớ. (Đọc Gia-cơ 5:16). Đức Giê-hô-va có đáp lại những lời cầu nguyện ấy không? Những chiến thắng của chúng ta tại tòa án cho thấy ngài luôn làm thế!—Hê 13:18, 19.

Tự do lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với niềm tin

15. Dân Đức Chúa Trời nên ghi nhớ điều gì liên quan đến việc truyền máu?

15 Như đã xem trong chương 11, Kinh Thánh hướng dẫn công dân Nước Trời tránh lạm dụng máu, là điều rất phổ biến hiện nay (Sáng 9:5, 6; Lê 17:11; đọc Công vụ 15:28, 29). Dù không truyền máu nhưng chúng ta muốn chọn những phương pháp điều trị tốt nhất cho mình và người thân, miễn là không đi ngược với luật pháp Đức Chúa Trời. Các tòa tối cao của nhiều nước đã công nhận rằng một người có quyền chấp nhận hay từ chối phương pháp điều trị, dựa trên lương tâm và niềm tin tôn giáo. Dù vậy, tại một số nước, dân Đức Chúa Trời phải đương đầu với những thử thách cam go về vấn đề này. Hãy xem vài ví dụ.

16, 17. Cách điều trị nào tại Nhật Bản đã khiến một chị bị sốc? Những lời cầu nguyện của chị ấy được nhậm ra sao?

16 Nhật Bản. Chị Misae Takeda, một người nội trợ ở Nhật Bản, phải trải qua một cuộc đại phẫu khi ở tuổi 63. Là công dân trung thành của Nước Trời, chị giải thích rõ với bác sĩ rằng chị muốn được điều trị bằng phương pháp không dùng máu. Tuy nhiên, vài tháng sau, chị sốc khi biết mình đã bị truyền máu trong ca phẫu thuật. Cảm thấy bị xúc phạm và lừa gạt, tháng 6 năm 1993, chị Takeda đã kiện các bác sĩ và bệnh viện. Người phụ nữ hiền dịu và nói năng nhỏ nhẹ ấy có một đức tin không lay chuyển. Chị can đảm làm chứng trước đông người tại trụ sở tòa án, ở trên bục làm chứng hơn một tiếng đồng hồ dù sức khỏe yếu. Lần cuối chị có mặt ở tòa là một tháng trước khi qua đời. Chẳng phải chúng ta ngưỡng mộ đức tin và lòng can đảm của chị sao? Chị Takeda nói rằng chị luôn cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho chị trong cuộc chiến này. Chị tin rằng những lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm. Ước nguyện đó có thành hiện thực không?

17 Ba năm sau khi chị Takeda qua đời, Tòa Tối Cao Nhật Bản xử có lợi cho chị và đồng ý rằng việc truyền máu chống lại nguyện vọng của chị là sai. Ngày 29-2-2000, phán quyết có ghi “quyền quyết định” trong những trường hợp như thế “phải được tôn trọng như quyền cá nhân”. Chị Takeda đã quyết tâm tranh đấu cho quyền tự do lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Nhờ đó, ngày nay các Nhân Chứng ở Nhật Bản có thể được điều trị mà không sợ bị ép truyền máu.

Anh Pablo Albarracini (Xem đoạn 18 đến 20)

18-20. (a) Làm thế nào một tòa phúc thẩm của Argentina đã bảo vệ quyền từ chối truyền máu được ghi trong Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa? (b) Liên quan đến vấn đề lạm dụng máu, chúng ta có thể cho thấy mình phục tùng quyền cai trị của Đấng Ki-tô ra sao?

18 Argentina. Công dân Nước Trời chuẩn bị thế nào cho trường hợp bị bất tỉnh nhân sự? Họ có thể mang theo bên mình giấy tờ pháp lý để nói thay cho mình như anh Pablo Albarracini đã làm. Tháng 5 năm 2012, anh Pablo bị bắn nhiều phát súng trong một vụ cướp. Anh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh nên không thể giải thích lập trường liên quan đến việc truyền máu. Tuy nhiên, anh mang theo bên mình Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa mà anh đã ký hơn bốn năm trước. Dù anh lâm vào tình trạng nguy kịch và một số bác sĩ thấy phải truyền máu thì anh mới giữ được tính mạng nhưng đội ngũ y bác sĩ sẵn lòng tôn trọng ý nguyện của anh. Tuy vậy, cha của anh Pablo, không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va, đã xin lệnh của tòa để làm ngược lại tâm nguyện của con trai.

19 Ngay lập tức, luật sư đại diện cho vợ của anh Pablo đã kháng án. Trong vài giờ, tòa phúc thẩm xử ngược lại với lệnh của tòa cấp dưới và phán quyết rằng mong muốn của bệnh nhân, được ghi trong Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa, phải được tôn trọng. Cha của anh Pablo đã khiếu nại lên Tòa Tối Cao Argentina. Thế nhưng, Tòa Tối Cao thấy “rõ ràng [quyết định từ chối truyền máu của anh Pablo ghi trong Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa] dựa trên óc suy xét, ý nguyện và sự tự do ý chí”. Tòa phán: “Mỗi người trưởng thành đủ năng lực nhận thức đều có quyền quyết định trước về vấn đề sức khỏe [của mình], và có thể chấp nhận hay từ chối một phương pháp điều trị... Bác sĩ điều trị phải chấp nhận quyết định đó”.

Bạn đã điền vào Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa chưa?

20 Hiện nay, anh Pablo đã hồi phục hoàn toàn. Vợ chồng anh rất vui mừng vì anh đã điền vào Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa. Đó là bước đơn giản nhưng rất quan trọng. Nhờ làm thế, anh cho thấy mình phục tùng quyền cai trị của Vua Nước Trời là Đấng Ki-tô. Bạn và gia đình đã thực hiện bước đó chưa?

Chị April Cadoreth (Xem đoạn 21 đến 24)

21-24. (a) Tòa Tối Cao Canada đưa ra phán quyết đáng chú ý nào liên quan đến các em thiếu niên và việc sử dụng máu? (b) Trường hợp này khích lệ những tôi tớ trẻ của Đức Giê-hô-va ra sao?

21 Canada. Nhìn chung, các tòa án đều công nhận cha mẹ có quyền chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho con. Liên quan đến vấn đề y khoa, đôi khi tòa còn phán quyết rằng người khác cần tôn trọng quyết định của một thiếu niên đủ nhận thức. Đó là trường hợp của chị April Cadoreth. Khi 14 tuổi, April được đưa đến bệnh viện với tình trạng chảy máu trong nghiêm trọng. Vài tháng trước, chị đã điền vào Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa cho thấy chị không chấp nhận truyền máu, ngay cả trong tình trạng nguy kịch. Nhưng bác sĩ điều trị đã lờ đi ước nguyện rõ ràng của chị và xin tòa lệnh truyền máu. Chị bị ép truyền máu, và sau đó chị kể lại là mình cảm thấy như bị cưỡng hiếp.

22 Chị April và cha mẹ đã kiện lên tòa để đòi lại công bằng. Hai năm sau, vụ việc này được đưa lên Tòa Tối Cao Canada. Dù chị April thua kiện theo nghĩa là tòa thấy đạo luật đã áp dụng trong trường hợp của chị không vi phạm hiến pháp nhưng chị được hoàn lại án phí. Ngoài ra, tòa cũng phán quyết có lợi cho chị và những thiếu niên đủ nhận thức khác muốn dùng quyền tự quyết khi chọn phương pháp điều trị y khoa. Tòa tuyên bố: “Về mặt y khoa, những người dưới 16 tuổi nên được phép bày tỏ quan điểm về phương pháp điều trị mà mình chọn, qua đó cho thấy mức độ nhận thức và tự lập trong suy nghĩ của họ”.

23 Trường hợp này đáng chú ý vì Tòa Tối Cao nêu lên những quyền mà các em thiếu niên đủ nhận thức được hưởng theo hiến pháp. Trước phán quyết ấy, các tòa án ở Canada có quyền ban lệnh tiến hành một phương pháp điều trị cho các em dưới 16 tuổi nếu cảm thấy phương pháp đó mang lại lợi ích tốt nhất cho họ. Nhưng sau phán quyết ấy, các tòa án không có quyền đi ngược lại ý nguyện của các em dưới 16 tuổi mà không cho các em cơ hội chứng tỏ mình có đủ nhận thức để tự quyết định.

“Khi biết mình góp phần nhỏ nhoi vào việc tôn vinh danh Đức Chúa Trời và chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối, tôi vô cùng hạnh phúc”

24 Nỗ lực trong ba năm tranh đấu có đáng công không? Theo chị April thì “chắc chắn có!”. Hiện nay chị là một tiên phong đều đều và có sức khỏe tốt. Chị nói: “Khi biết mình góp phần nhỏ nhoi vào việc tôn vinh danh Đức Chúa Trời và chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối, tôi vô cùng hạnh phúc”. Kinh nghiệm của chị April cho thấy những người trẻ trong vòng chúng ta có thể can đảm giữ lập trường, chứng tỏ mình thật sự là công dân của Nước Trời.—Mat 21:16.

Quyền nuôi dạy con theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va

25, 26. Đôi khi vấn đề gì nảy sinh sau khi một cặp ly dị?

25 Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ trách nhiệm nuôi dạy con cái theo tiêu chuẩn của ngài (Phục 6:6-8; Ê-phê 6:4). Nhiệm vụ này là một thách đố và càng khó hơn trong trường hợp cha mẹ ly dị. Quan điểm của cha mẹ về cách nuôi dạy con có thể rất khác nhau. Chẳng hạn, một Nhân Chứng thấy mình phải dạy con theo tiêu chuẩn đạo Đấng Ki-tô, nhưng cha hoặc mẹ không phải là Nhân Chứng có thể không đồng ý. Dĩ nhiên, cha mẹ là Nhân Chứng nên hiểu rằng dù ly dị cắt đứt mối quan hệ hôn nhân nhưng vì trách nhiệm với con nên giữa họ vẫn có mối dây liên hệ.

26 Có lẽ cha mẹ không phải là Nhân Chứng sẽ khiếu nại lên tòa giành quyền giám hộ để kiểm soát con về niềm tin tôn giáo. Một số người cho rằng nếu để Nhân Chứng Giê-hô-va nuôi dạy thì con cái sẽ bị tổn hại. Có thể họ lý luận rằng con sẽ không được tổ chức sinh nhật, tham gia những ngày lễ và khi gặp vấn đề khẩn cấp về sức khỏe thì không được truyền máu để “cứu mạng sống”. Nhưng đáng mừng là đa số tòa án xem điều gì là tốt nhất cho con trẻ thay vì xét tôn giáo của cha mẹ có gây hại hay không. Chúng ta hãy xem một số trường hợp.

27, 28. Tòa Tối Cao của bang Ohio phản ứng thế nào trước lời cáo buộc rằng con cái sẽ bị tổn hại nếu được Nhân Chứng nuôi dạy?

27 Hoa Kỳ. Năm 1992, Tòa Tối Cao của bang Ohio xem xét một trường hợp mà người cha không phải là Nhân Chứng cho rằng con trai ông sẽ bị tổn hại nếu được mẹ là Nhân Chứng nuôi dạy. Tòa cấp dưới đồng ý và giao quyền giám hộ con cho ông. Người mẹ là chị Jennifer Pater được phép thăm con, nhưng không được “dạy hoặc cho con biết về niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va dưới bất cứ hình thức nào”. Lệnh này của tòa cấp dưới rộng đến mức có thể hiểu là chị Pater không được nói chuyện với con trai là Bobby về Kinh Thánh hay tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh! Bạn có thể tưởng tượng chị Pater cảm thấy thế nào không? Chị đã rất đau lòng. Nhưng chị nói rằng mình tập kiên nhẫn và chờ đợi Đức Giê-hô-va hành động. Chị kể lại: “Đức Giê-hô-va luôn ở bên tôi”. Luật sư của chị, được tổ chức Đức Giê-hô-va hỗ trợ, đã đệ trình vấn đề lên Tòa Tối Cao của bang Ohio.

28 Tòa không đồng ý với phán quyết của tòa cấp dưới và cho rằng “cha mẹ có quyền cơ bản là giáo dục con cái, bao gồm quyền truyền đạt cho con các giá trị đạo đức và tôn giáo của mình”. Tòa phán rằng nếu không thể chứng minh những giá trị về tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va gây hại cho trẻ về thể chất và tinh thần thì tòa không được giới hạn quyền giám hộ con của một người vì lý do tôn giáo. Tòa không tìm ra bằng chứng cho thấy niềm tin của Nhân Chứng gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Nhiều tòa án đã quyết định giao quyền giám hộ con cho cha mẹ đạo Đấng Ki-tô

29-31. Tại sao một chị ở Đan Mạch mất quyền giám hộ con? Tòa Tối Cao của nước này đã phán quyết thế nào?

29 Đan Mạch. Chị Anita Hansen đã rơi vào hoàn cảnh tương tự khi chồng cũ của chị khiếu nại lên tòa để giành quyền giám hộ bé Amanda bảy tuổi. Dù tòa án địa phương giao quyền giám hộ cho chị Hansen vào năm 2000 nhưng cha của Amanda đã kháng nghị lên tòa cấp cao. Tòa này đã xử ngược lại với tòa án địa phương và giao quyền giám hộ cho ông. Tòa cấp cao lý luận rằng do cha mẹ mâu thuẫn về quan điểm sống liên quan đến niềm tin tôn giáo nên người cha được quyết định con gái sẽ theo tôn giáo nào. Vậy là chị Hansen đã mất quyền giám hộ con vì là Nhân Chứng Giê-hô-va!

30 Trong giai đoạn khó khăn ấy, có khi chị Hansen đau khổ đến mức không biết phải cầu nguyện về điều gì. Nhưng chị kể: “Ý tưởng của câu Rô-ma 8:26, 27 đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi luôn cảm thấy Đức Giê-hô-va hiểu tâm tư của mình. Ngài để ý đến và luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi”.—Đọc Thi-thiên 32:8; Ê-sai 41:10.

31 Chị Hansen kháng cáo lên Tòa Tối Cao Đan Mạch. Tòa phán: “Quyền giám hộ sẽ được quyết định dựa trên sự đánh giá cụ thể điều gì là tốt nhất cho con”. Ngoài ra, tòa cho rằng quyết định về quyền giám hộ phải dựa trên cách cha mẹ giải quyết mâu thuẫn, chứ không dựa vào “các giáo lý và lập trường” của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị Hansen thở phào nhẹ nhõm vì tòa công nhận chị là người mẹ tốt và trả lại quyền giám hộ Amanda cho chị.

32. Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã bảo vệ cha mẹ là Nhân Chứng khỏi sự phân biệt đối xử như thế nào?

32 Nhiều nước ở châu Âu. Trong một số trường hợp, sự tranh cãi pháp lý về quyền giám hộ con đã vượt ra ngoài Tòa Tối Cao của quốc gia. Tòa án Nhân quyền Châu Âu cũng xem xét vấn đề này. Có hai trường hợp tòa công nhận rằng tòa án cấp quốc gia đã đối xử với cha mẹ là Nhân Chứng khác với cha mẹ không phải là Nhân Chứng chỉ vì tôn giáo của họ. Tòa gọi đó là phân biệt đối xử và đưa ra phán quyết: “Chỉ dựa trên sự khác biệt tôn giáo mà phân biệt đối xử thì không thể chấp nhận”. Một người mẹ là Nhân Chứng nhận được lợi ích từ phán quyết ấy đã cảm thấy nhẹ nhõm và nói: “Tôi đã bị tổn thương nhiều vì bị cáo buộc gây hại cho chính con mình, trong khi tôi đang cố hết sức để mang lại cho con điều mà tôi tin là tốt nhất, đó là được lớn lên trong đạo Đấng Ki-tô”.

33. Làm thế nào cha mẹ là Nhân Chứng có thể áp dụng nguyên tắc nơi Phi-líp 4:5?

33 Dĩ nhiên, khi đối mặt với thử thách về pháp lý để có quyền khắc ghi vào lòng con các tiêu chuẩn Kinh Thánh, những bậc cha mẹ là Nhân Chứng cố gắng thể hiện tính phải lẽ. (Đọc Phi-líp 4:5). Họ quý trọng quyền được dạy con theo đường lối của Đức Giê-hô-va và cũng công nhận rằng cha mẹ không phải là Nhân Chứng có thể san sẻ trách nhiệm nuôi dạy con nếu muốn. Cha mẹ là Nhân Chứng xem trách nhiệm nuôi dạy con quan trọng đến mức nào?

34. Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô ngày nay nhận được lợi ích nào từ gương của những người Do Thái vào thời Nê-hê-mi?

34 Một trường hợp trong thời Nê-hê-mi nêu gương cho chúng ta. Người Do Thái làm việc khó nhọc để sửa chữa và xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Họ biết làm vậy sẽ bảo vệ mình và gia đình khỏi những nước thù nghịch xung quanh. Vì thế, Nê-hê-mi khuyến giục họ: “Hãy chiến-đấu cho anh em mình, cho con trai con gái mình, cho vợ và nhà của mình” (Nê 4:14). Đối với những người Do Thái ấy, đấu tranh là điều rất đáng công. Ngày nay cũng vậy, cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va bỏ công khó nhọc để nuôi dạy con theo đường lối sự thật. Họ biết rằng con cái luôn phải đối mặt với những ảnh hưởng không lành mạnh tại trường học và trong khu xóm. Những ảnh hưởng đó thậm chí có thể len lỏi vào gia đình qua các phương tiện truyền thông. Hỡi các bậc cha mẹ, đừng bao giờ quên rằng tranh đấu cho con là điều đáng công, nhờ thế mang lại cho chúng môi trường bình yên để phát triển về thiêng liêng.

Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ sự thờ phượng thật

35, 36. Việc đấu tranh giành quyền pháp lý đã mang lại những lợi ích nào cho Nhân Chứng Giê-hô-va? Bạn quyết tâm làm gì?

35 Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã ban phước cho tổ chức thời hiện đại của ngài trong cuộc chiến giành quyền tự do thờ phượng. Trong những cuộc chiến pháp lý ấy, dân Đức Chúa Trời thường có cơ hội làm chứng mạnh mẽ tại tòa và trước nhiều người (Rô 1:8). Một lợi ích khác của các cuộc chiến pháp lý là củng cố quyền công dân của nhiều người không phải là Nhân Chứng. Tuy nhiên, dân Đức Chúa Trời không phải là những nhà cải cách xã hội hoặc thích khẳng định mình. Nhân Chứng Giê-hô-va đấu tranh cho quyền pháp lý tại tòa với mục đích thiết lập và đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch.—Đọc Phi-líp 1:7.

36 Mong sao chúng ta không bao giờ xem nhẹ những bài học về đức tin mà mình rút ra được từ những người đã đấu tranh cho quyền tự do thờ phượng Đức Giê-hô-va! Chúng ta cũng hãy giữ lòng trung thành, tin chắc Đức Giê-hô-va đang ủng hộ công việc của chúng ta và tiếp tục ban sức mạnh để chúng ta làm theo ý muốn ngài.—Ê-sai 54:17.