Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 21

Nước Đức Chúa Trời xóa sạch kẻ thù

Nước Đức Chúa Trời xóa sạch kẻ thù

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Những biến cố dẫn đến cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn

1, 2. (a) Điều gì chứng tỏ Vua chúng ta đã cai trị từ năm 1914? (b) Chương này sẽ xem xét điều gì?

 Sau khi xem lại những điều Nước Trời đã thực hiện giữa các kẻ thù, đức tin chúng ta được củng cố (Thi 110:2). Vua chúng ta dấy lên một đội quân gồm những người tình nguyện rao giảng. Ngài làm sạch và tinh luyện các môn đồ về thiêng liêng và đạo đức. Dù kẻ thù của Nước Trời ra sức gây chia rẽ nhưng ngày nay chúng ta vẫn có sự hợp nhất trên toàn cầu. Khi xem xét những điều ấy và nhiều thành quả khác mà Nước Trời đạt được, chúng ta thấy rõ từ năm 1914, Vua chúng ta đã cai trị giữa các kẻ thù.

2 Nước Trời sẽ thực hiện những điều thậm chí còn kinh ngạc hơn thế trong tương lai gần đây. Nước ấy sẽ “đến” để “đánh tan và hủy-diệt” các kẻ thù (Mat 6:10; Đa 2:44). Nhưng trước đó sẽ có những biến cố quan trọng khác xảy ra. Đó là những biến cố nào? Nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh cho chúng ta lời giải đáp. Hãy xem xét một số lời tiên tri về những biến cố sắp xảy ra.

Điều xảy ra ngay trước ‘sự hủy diệt thình lình’

3. Chúng ta đang chờ đợi biến cố đầu tiên nào?

3 Lời thông báo hòa bình. Trong thư gửi cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca, sứ đồ Phao-lô miêu tả biến cố đầu tiên mà chúng ta đang chờ đợi. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3). Trong lá thư này, Phao-lô nói đến “ngày của Đức Giê-hô-va”, là ngày sẽ khởi đầu bằng cuộc tấn công nhắm vào “Ba-by-lôn Lớn” (Khải 17:5). Tuy nhiên, ngay trước khi ngày của Đức Giê-hô-va đến, các nước sẽ nói: “Hòa bình và an ninh!”. Câu này có thể ám chỉ một lời thông báo hoặc hàng loạt lời đáng chú ý. Giới lãnh đạo tôn giáo sẽ tham gia không? Vì thuộc về thế gian nên có thể họ sẽ cùng các nước khẳng định là có bình an (Giê 6:14; 23:16, 17; Khải 17:1, 2). Lời thông báo “Hòa bình và an ninh!” sẽ là dấu hiệu cho thấy ngày của Đức Giê-hô-va sắp bắt đầu. Các kẻ thù của Nước Trời “sẽ không thể nào tránh khỏi”.

4. Chúng ta được lợi ích thế nào khi hiểu ý nghĩa lời tiên tri của Phao-lô về lời thông báo hòa bình và an ninh?

4 Chúng ta được lợi ích thế nào khi hiểu ý nghĩa của lời tiên tri trên? Phao-lô nói: “Anh em không ở trong bóng tối, nên ngày ấy không đến với anh em một cách bất ngờ như ánh sáng ban ngày bất ngờ đến với kẻ trộm” (1 Tê 5:3, 4). Khác với đa số người ta, chúng ta hiểu những biến cố hiện thời dẫn đến đâu. Lời tiên tri về hòa bình và an ninh sẽ được ứng nghiệm chính xác như thế nào? Để biết câu trả lời, chúng ta phải chờ xem hiện trạng thế gian này sẽ ra sao. Vậy, “hãy tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo”.—1 Tê 5:6; Sô 3:8.

Hoạn nạn lớn bắt đầu

5. Biến cố nào sẽ là khởi đầu của “hoạn nạn lớn”?

5 Cuộc tấn công nhắm vào tôn giáo. Hãy nhớ rằng Phao-lô viết: “Khi nào người ta nói ‘Hòa bình và an ninh!’ thì lúc ấy sự hủy diệt sẽ thình lình ập đến trên họ”. Như tiếng sấm nổi lên ngay sau tia chớp, ‘sự hủy diệt thình lình’ cũng sẽ diễn ra ngay sau khoảng thời gian người ta thông báo “Hòa bình và an ninh!”. Cái gì sẽ bị hủy diệt? Trước tiên là “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm thế giới, cũng được gọi là “ả kỹ nữ” (Khải 17:5, 6, 15). Sự hủy diệt khối Ki-tô giáo và tất cả tổ chức tôn giáo sai lầm khác là khởi đầu của “hoạn nạn lớn” (Mat 24:21; 2 Tê 2:8). Biến cố này sẽ làm nhiều người bất ngờ. Tại sao? Vì đến lúc đó, ả kỹ nữ vẫn tự cho mình là “nữ vương”, “không bao giờ phải than khóc”. Nhưng ả sẽ bất ngờ nhận ra mình đã lầm tưởng. Ả sẽ bị loại bỏ nhanh chóng, như thể ‘trong một ngày’.—Khải 18:7, 8.

6. Ai sẽ tấn công “Ba-by-lôn Lớn”?

6 Ai sẽ tấn công “Ba-by-lôn Lớn”? Đó là “con thú dữ” có “mười sừng”. Qua sách Khải huyền, chúng ta biết con thú dữ này ám chỉ Liên Hiệp Quốc. Mười cái sừng tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị đang ủng hộ “con thú dữ sắc đỏ” ấy (Khải 17:3, 5, 11, 12). Cuộc tấn công sẽ khủng khiếp đến mức nào? Các nước thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ đoạt lấy tài sản của ả kỹ nữ, ăn thịt ả, rồi “thiêu hủy trong lửa”.—Đọc Khải huyền 17:16. a

7. Lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:21, 22 được ứng nghiệm thế nào vào thế kỷ thứ nhất CN, và sẽ được ứng nghiệm ra sao trong tương lai?

7 Các ngày ấy giảm bớt. Vua chúng ta đã tiết lộ điều sẽ xảy ra vào giai đoạn này của hoạn nạn lớn. Chúa Giê-su nói: “Vì cớ những người được chọn nên các ngày ấy sẽ giảm bớt”. (Đọc Ma-thi-ơ 24:21, 22). Những lời của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm trong phạm vi hẹp vào năm 66 CN, khi Đức Giê-hô-va “giảm bớt” cuộc tấn công của quân La Mã nhắm vào Giê-ru-sa-lem (Mác 13:20). Điều này tạo cơ hội cho các tín đồ tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đa được cứu. Vậy, lần ứng nghiệm trong hoạn nạn lớn trên phạm vi toàn cầu sẽ diễn ra như thế nào? Qua Vua của chúng ta, Đức Giê-hô-va sẽ “giảm bớt” cuộc tấn công của Liên Hiệp Quốc nhắm vào tôn giáo để tôn giáo thật không bị hủy diệt chung với tôn giáo sai lầm. Vì thế, dù các tổ chức tôn giáo sai lầm bị tiêu diệt, tôn giáo thật vẫn sẽ tồn tại (Thi 96:5). Giờ đây, chúng ta hãy xem xét những biến cố sẽ xảy ra sau khi giai đoạn này kết thúc.

Những biến cố dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn

8, 9. Có lẽ Chúa Giê-su đã nói đến những hiện tượng lạ nào? Người ta sẽ phản ứng ra sao trước những điều họ thấy?

8 Lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng cho thấy một số biến cố quan trọng sẽ xảy ra trong khoảng thời gian trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét hai biến cố được đề cập trong các sách Phúc âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca.—Đọc Ma-thi-ơ 24:29-31; Mác 13:23-27; Lu 21:25-28.

9 Những hiện tượng lạ. Chúa Giê-su báo trước: “Mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao trên trời sẽ rơi xuống”. Chắc chắn người ta sẽ không còn xem giới lãnh đạo tôn giáo là nguồn soi sáng nên không tìm đến họ để được hướng dẫn nữa. Phải chăng Chúa Giê-su cũng nói đến những hiện tượng siêu nhiên ở trên trời? Có lẽ vậy (Ê-sai 13:9-11; Giô-ên 2:1, 30, 31). Người ta phản ứng thế nào khi thấy những hiện tượng ấy? Họ sẽ “sầu khổ lo âu” vì “hoang mang” (Lu 21:25; Sô 1:17). Thật vậy, các kẻ thù của Nước Đức Chúa Trời, từ ‘vua cho đến nô lệ’, sẽ “thất kinh và thấp thỏm chờ đợi những gì sẽ xảy đến”, rồi chạy đi tìm nơi trú ẩn. Thế nhưng, không nơi nào có thể che chở họ khỏi cơn thịnh nộ của Vua chúng ta.—Lu 21:26; 23:30; Khải 6:15-17.

10. Chúa Giê-su sẽ tuyên bố phán quyết nào? Những người ủng hộ Nước Trời và kẻ chống đối Nước ấy sẽ phản ứng ra sao?

10 Tuyên bố phán quyết. Sau đó, mọi kẻ thù của Nước Trời sẽ buộc phải chứng kiến một biến cố khiến họ càng kinh khiếp. Chúa Giê-su nói: “Họ sẽ thấy Con Người đến trong đám mây, với đầy quyền lực và vinh hiển” (Mác 13:26). Hiện tượng lạ thường này sẽ báo hiệu việc Chúa Giê-su đến để tuyên bố phán quyết. Trong phần khác của lời tiên tri về những ngày sau cùng, Chúa Giê-su cho biết thêm thông tin về phán quyết sẽ được tuyên bố vào lúc ấy. Thông tin này được thấy trong minh họa về chiên và dê. (Đọc Ma-thi-ơ 25:31-33, 46). Những ai trung thành ủng hộ Nước Trời sẽ được xem là “chiên” và “ngước đầu lên” vì biết mình “sắp được giải cứu” (Lu 21:28). Tuy nhiên, những kẻ chống lại Nước Trời sẽ bị xét là “dê” và “đấm ngực than khóc” vì nhận ra “sự chết vĩnh viễn” đang chờ đợi mình.—Mat 24:30; Khải 1:7.

11. Chúng ta nên nhớ điều gì khi xem xét một số biến cố sắp xảy ra?

11 Sau khi Chúa Giê-su tuyên bố phán quyết trên “muôn dân”, vẫn còn một số biến cố quan trọng xảy ra trước khi cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ (Mat 25:32). Chúng ta sẽ xem xét hai trong những biến cố đó: Cuộc tấn công của Gót và việc thu nhóm những người được xức dầu. Khi xem xét, chúng ta cần nhớ rằng Lời Đức Chúa Trời không tiết lộ rõ thời điểm của hai biến cố ấy. Dường như hai biến cố ấy xảy ra vào hai khoảng thời gian có phần trùng lặp nhau.

12. Sa-tan dốc toàn lực chống lại Nước Trời như thế nào?

12 Kẻ thù dốc toàn lực tấn công. Gót ở đất Ma-gót sẽ tấn công những người được xức dầu còn lại và các bạn đồng hành của họ là chiên khác. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:2, 11). Cuộc tấn công chống lại sự cai trị của Nước Trời sẽ là trận cuối trong cuộc chiến mà Sa-tan nhắm vào những tín đồ được xức dầu còn lại kể từ khi hắn bị đuổi khỏi trời (Khải 12:7-9, 17). Đặc biệt là từ khi những tín đồ được xức dầu bắt đầu được thu nhóm vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô đã khôi phục, Sa-tan đã cố triệt phá sự thịnh vượng về thiêng liêng của họ, nhưng vô ích (Mat 13:30). Tuy nhiên, khi tất cả tôn giáo sai lầm biến mất và dân Đức Chúa Trời dường như sống trong cảnh “không có tường, không then và không cửa”, Sa-tan sẽ nhận thấy đây cơ hội ngàn vàng. Hắn sẽ kích động bè lũ tay sai dốc toàn lực tấn công những người ủng hộ Nước Trời.

13. Đức Giê-hô-va sẽ can thiệp vì lợi ích của dân ngài qua điều gì?

13 Ê-xê-chi-ên miêu tả điều sẽ xảy ra. Về Gót, lời tiên tri cho biết: “Bấy giờ ngươi sẽ đến từ nơi ngươi, từ phương cực-bắc, ngươi và nhiều dân ở với ngươi, hết thảy đều cỡi ngựa, người đông nhiều hiệp nên một đạo-binh mạnh. Hỡi Gót! Ngươi sẽ đến đánh dân Y-sơ-ra-ên ta, như một đám mây che-phủ đất” (Ê-xê 38:15, 16). Đức Giê-hô-va sẽ phản ứng ra sao trước cuộc tấn công dường như không thể ngăn cản ấy? Ngài tuyên bố: “Cơn giận của ta sẽ nổi trên lỗ-mũi ta... Ta sẽ gọi gươm đến” (Ê-xê 38:18, 21; đọc Xa-cha-ri 2:8). Đức Giê-hô-va sẽ can thiệp vì lợi ích của tôi tớ trên đất qua trận chiến Ha-ma-ghê-đôn.

14, 15. Biến cố nào sẽ xảy ra vào một thời điểm sau khi Sa-tan bắt đầu dốc toàn lực chống lại Nước Trời?

14 Trước khi xem xét cách Đức Giê-hô-va che chở dân ngài trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta hãy dành ít phút để xem biến cố quan trọng khác. Biến cố này sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó giữa lúc Sa-tan bắt đầu dốc toàn lực tấn công và lúc Đức Giê-hô-va bắt đầu can thiệp tại Ha-ma-ghê-đôn. Như đã xem trong đoạn 11, biến cố thứ hai này là thu nhóm những người được xức dầu còn lại trên đất.

15 Thu nhóm những người được xức dầu. Cả Ma-thi-ơ và Mác đều ghi lại lời của Chúa Giê-su nói về “những người được chọn” (tín đồ được xức dầu bằng thần khí) chung với hàng loạt biến cố sẽ xảy ra trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. (Xem đoạn 7). Nói về chính mình với tư cách là Vua, Chúa Giê-su tiên tri: “Rồi ngài sẽ sai thiên sứ đi và sẽ thu nhóm những người được chọn của ngài từ khắp bốn phương, từ đầu cùng đất đến tận cùng trời” (Mác 13:27; Mat 24:31). Chúa Giê-su nói đến sự thu nhóm nào? Ngài không nói đến sự đóng ấn lần cuối của những tín đồ được xức dầu còn lại, là điều sẽ xảy ra ngay trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu (Khải 7:1-3). Thay vì thế, ngài nói đến một biến cố sẽ xảy ra trong hoạn nạn lớn. Vì thế, dường như vào một thời điểm nào đó sau khi Sa-tan bắt đầu dốc toàn lực tấn công dân Đức Chúa Trời, những người được xức dầu còn lại trên đất sẽ được thu nhóm lên trời.

16. Những người được xức dầu đã lên trời sẽ làm gì trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn?

16 Việc thu nhóm những người được xức dầu còn lại liên quan thế nào đến biến cố tiếp theo là Ha-ma-ghê-đôn? Thời điểm thu nhóm cho thấy tất cả tín đồ được xức dầu sẽ được cất lên trời trước khi cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn bắt đầu. Trên trời, 144.000 người đồng cai trị với Đấng Ki-tô sẽ được quyền cùng ngài dùng “cây gậy sắt” hủy diệt để đánh bại mọi kẻ thù của Nước Trời (Khải 2:26, 27). Sau đó, cùng với các thiên sứ mạnh mẽ, những người được xức dầu đã lên trời sẽ theo sau Đấng Ki-tô, Vua kiêm Chiến Sĩ, khi ngài xuất trận chiến đấu với “đạo-binh” kẻ thù đang tiến gần đến dân Đức Giê-hô-va (Ê-xê 38:15). Khi cuộc đối đầu nảy lửa ấy diễn ra thì Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ!—Khải 16:16.

Phần kết huy hoàng của hoạn nạn lớn!

Cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ!

17. Tại Ha-ma-ghê-đôn, chuyện gì xảy ra với những kẻ bị xét là dê?

17 Thi hành phán quyết. Trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ là phần kết của hoạn nạn lớn. Lúc đó, Chúa Giê-su sẽ thi hành một nhiệm vụ nữa. Không những là Đấng Phán Xét trên “muôn dân”, ngài cũng sẽ trở thành Đấng Hành Quyết trên các dân, tức là tất cả những kẻ đã bị ngài xét là “dê” (Mat 25:32, 33). Với “một thanh gươm sắc và dài”, Vua chúng ta sẽ “đánh các dân”. Thật vậy, những kẻ bị xét là dê—từ “vua” cho đến “nô lệ”—“sẽ chịu hình phạt là sự chết vĩnh viễn”.—Khải 19:15, 18; Mat 25:46.

18. (a) Tình thế đảo ngược nào xảy ra với “chiên”? (b) Chúa Giê-su sẽ được toàn thắng ra sao?

18 Tình thế hoàn toàn đảo ngược đối với những ai được Chúa Giê-su xem là “chiên”! Thay vì bị giày đạp dưới chân đạo binh “dê” của Sa-tan, “đám đông” chiên dường như yếu thế sẽ thoát khỏi cuộc tấn công của kẻ thù và “vượt qua hoạn nạn lớn” (Khải 7:9, 14). Rồi sau khi Chúa Giê-su chinh phục và xóa bỏ mọi kẻ thù trên đất của Nước Trời, ngài sẽ quăng Sa-tan và các ác thần xuống vực sâu. Tại đó, chúng sẽ ở trong tình trạng không hoạt động, giống như chết trong một ngàn năm.—Đọc Khải huyền 6:2; 20:1-3.

Chuẩn bị sẵn sàng

19, 20. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng bài học rút ra từ Ê-sai 26:2030:21?

19 Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những biến cố chấn động sắp đến? Một Tháp Canh trước đây nói: “Sự sống sót sẽ tùy thuộc vào việc vâng lời”. Tại sao? Câu trả lời được tìm thấy trong những lời Đức Giê-hô-va cảnh báo người Do Thái phu tù sống ở nước Ba-by-lôn xưa. Ngài báo trước rằng Ba-by-lôn sẽ bị chinh phục, nhưng dân Đức Chúa Trời phải chuẩn bị thế nào cho biến cố đó? Đức Giê-hô-va phán: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua” (Ê-sai 26:20). Hãy lưu ý rằng trong câu này, những cụm từ “đến vào”, “đóng cửa” và “ẩn mình” được dùng ở dạng mệnh lệnh. Những người Do Thái tuân theo các mệnh lệnh ấy sẽ ở trong nhà, tránh xa quân lính đang càn quét ngoài đường. Vì thế, sự sống sót của họ tùy thuộc vào việc họ vâng theo các chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va b.

20 Bài học là gì? Như trong trường hợp các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời, sự sống sót của chúng ta trong các biến cố sắp đến sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta vâng theo các chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 30:21). Chúng ta sẽ nhận được các chỉ dẫn ấy qua hội thánh. Vì thế, chúng ta cần tập thành tâm vâng theo sự hướng dẫn nhận được (1 Giăng 5:3). Nếu làm vậy ngay từ bây giờ thì trong tương lai chúng ta sẽ càng sẵn sàng vâng lời hơn, nhờ thế được Cha Giê-hô-va và Vua Giê-su che chở (Sô 2:3). Qua sự che chở đó, chúng ta sẽ được chứng kiến cách Nước Đức Chúa Trời tiêu diệt tận gốc kẻ thù. Đó sẽ là một biến cố không thể nào quên!

a Dường như điều hợp lý là sự hủy diệt của “Ba-by-lôn lớn” chủ yếu nói đến sự hủy diệt của các tổ chức tôn giáo, chứ không phải mọi tín đồ thuộc những tôn giáo ấy. Vì thế, đa số những người từng thuộc về Ba-by-lôn sẽ sống sót qua sự hủy diệt ấy và ngay sau đó, rất có thể họ cố chứng tỏ là mình không dính líu đến tôn giáo, như được nói đến nơi Xa-cha-ri 13:4-6.