Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 12

Chúa Giê-su chịu phép báp-têm

Chúa Giê-su chịu phép báp-têm

MA-THI-Ơ 3:13-17 MÁC 1:9-11 LU-CA 3:21, 22 GIĂNG 1:32-34

  • CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP BÁP-TÊM VÀ ĐƯỢC XỨC DẦU

  • ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TUYÊN BỐ CHÚA GIÊ-SU LÀ CON NGÀI

Sau khi Giăng Báp-tít rao giảng khoảng sáu tháng thì Chúa Giê-su, lúc đó tầm 30 tuổi, đến gặp ông ở sông Giô-đanh. Để làm gì? Có phải để thăm xã giao không? Hay để xem thử công việc của Giăng tiến triển đến đâu? Không, Chúa Giê-su đến để đề nghị Giăng làm phép báp-têm cho ngài.

Nhưng Giăng từ chối: “Tôi mới là người cần được ngài làm phép báp-têm, mà ngài lại đến với tôi sao?” (Ma-thi-ơ 3:14). Giăng biết Chúa Giê-su là Con đặc biệt của Đức Chúa Trời. Chúng ta còn nhớ Giăng đã nhảy lên vui mừng trong bụng mẹ khi Ma-ri, lúc ấy đang mang thai Chúa Giê-su, đến thăm mẹ ông là Ê-li-sa-bét. Chắc hẳn Ê-li-sa-bét đã kể lại chuyện đó cho ông. Hẳn ông cũng được nghe kể về chuyện thiên sứ thông báo sự ra đời của Chúa Giê-su và chuyện các thiên sứ hiện ra với những người chăn cừu vào đêm ngài sinh ra.

Giăng hiểu rằng phép báp-têm ông đang làm là dành cho những người ăn năn tội lỗi, còn Chúa Giê-su thì hoàn toàn vô tội. Nhưng cho dù Giăng từ chối, Chúa Giê-su vẫn nói: “Bây giờ cứ làm đi, vì đây là cách thích hợp để chúng ta thực hiện mọi điều công chính”.—Ma-thi-ơ 3:15.

Tại sao thật thích hợp khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm? Trong trường hợp của Chúa Giê-su, phép báp-têm không tượng trưng cho việc ăn năn tội lỗi, nhưng cho thấy ngài trình diện để làm theo ý muốn của Cha (Hê-bơ-rơ 10:5-7). Trước đó, Chúa Giê-su chỉ là thợ mộc, nhưng giờ là lúc ngài bắt đầu thánh chức mà Cha trên trời sai ngài xuống trái đất để thực hiện. Bạn có nghĩ Giăng mong đợi một hiện tượng lạ lùng xảy ra khi ông làm phép báp-têm cho Chúa Giê-su không?

Về sau, Giăng kể lại: “Chính đấng sai tôi làm phép báp-têm bằng nước có phán với tôi: ‘Con thấy thần khí giáng xuống và ngự trên ai thì đó là đấng sẽ làm phép báp-têm bằng thần khí thánh’” (Giăng 1:33). Vì vậy, Giăng mong chờ được thấy thần khí của Đức Chúa Trời ngự xuống một người nào đó mà ông làm phép báp-têm cho. Thế nên lúc Chúa Giê-su ra khỏi mặt nước, có lẽ Giăng không ngạc nhiên lắm khi thấy “thần khí Đức Chúa Trời xuống như chim bồ câu và ngự trên Chúa Giê-su”.—Ma-thi-ơ 3:16.

Nhưng không chỉ có vậy. Khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, “các tầng trời mở ra” cho ngài. Sự kiện này có nghĩa gì? Hẳn điều này có nghĩa là vào lúc Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, ký ức của ngài về đời sống trên trời được phục hồi. Thế nên, giờ đây Chúa Giê-su nhớ lại toàn bộ đời sống khi còn là con thần linh của Đức Giê-hô-va, bao gồm những sự thật mà Đức Chúa Trời dạy cho ngài trước khi xuống trái đất.

Ngoài ra, khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm còn có tiếng từ trời tuyên bố: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng” (Ma-thi-ơ 3:17). Đó là tiếng của ai? Không thể là tiếng của Chúa Giê-su vì ngài đang có mặt ở đó với Giăng. Đó chính là tiếng của Đức Chúa Trời. Rõ ràng, Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời chứ không phải là Đức Chúa Trời.

Đáng chú ý, Chúa Giê-su là người con xác thịt của Đức Chúa Trời, giống như người đàn ông đầu tiên là A-đam. Sau khi miêu tả phép báp-têm của Chúa Giê-su, môn đồ Lu-ca viết: “Khi Chúa Giê-su bắt đầu công việc dạy dỗ thì ngài khoảng 30 tuổi. Người ta cho rằng ngài là con Giô-sép, Giô-sép con Hê-li,... con Đa-vít,... con Áp-ra-ham,... con Nô-ê,... con A-đam, A-đam con Đức Chúa Trời”.—Lu-ca 3:23-38.

Như A-đam, Chúa Giê-su là người con xác thịt của Đức Chúa Trời. Khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su bước vào mối quan hệ mới với Đức Chúa Trời, đó là trở thành Con thiêng liêng của ngài. Vì vậy, Chúa Giê-su có đủ tư cách để dạy chân lý của Đức Chúa Trời và chỉ cho người khác con đường dẫn đến sự sống. Chúa Giê-su bắt đầu một lối sống mà cuối cùng dẫn đến việc ngài hy sinh mạng sống vì nhân loại tội lỗi.