Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 81

Là một với Cha, nhưng không phải là Đức Chúa Trời

Là một với Cha, nhưng không phải là Đức Chúa Trời

GIĂNG 10:22-42

  • “TÔI VỚI CHA LÀ MỘT”

  • CHÚA GIÊ-SU KHÔNG NHẬN NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

Chúa Giê-su vừa đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Dâng Hiến (hay Hanukkah). Lễ này kỷ niệm sự kiện dâng hiến lại đền thờ. Hơn một thế kỷ trước đó, vua Sy-ri là Antiochus IV Epiphanes đã dựng một bàn thờ bên trên bàn thờ lớn tại đền Đức Chúa Trời. Sau này, các con trai của một thầy tế lễ Do Thái đã chiếm lại được Giê-ru-sa-lem và dâng hiến đền thờ cho Đức Giê-hô-va một lần nữa. Kể từ đó, một lễ được tổ chức hằng năm vào ngày 25 tháng Kít-lêu, tương đương với cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Lúc ấy là mùa đông, thời tiết rất lạnh. Chúa Giê-su đang đi trong Hành Lang Sa-lô-môn của đền thờ. Người Do Thái vây quanh ngài và hỏi: “Ông để chúng tôi thắc mắc đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, hãy nói rõ cho chúng tôi biết” (Giăng 10:22-24). Chúa Giê-su trả lời thế nào? Ngài đáp: “Tôi đã nói nhưng các người không tin”. Chúa Giê-su không nói thẳng với họ ngài là Đấng Ki-tô, như đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước (Giăng 4:25, 26). Thay vì vậy, ngài tiết lộ mình là ai bằng cách nói: “Trước khi có Áp-ra-ham thì đã có tôi”.—Giăng 8:58.

Chúa Giê-su muốn dân chúng tự kết luận ngài là Đấng Ki-tô khi so sánh công việc ngài làm với những lời tiên tri về điều Đấng Ki-tô sẽ thực hiện. Vì thế, ngài nhiều lần dặn môn đồ không được nói cho ai biết ngài là Đấng Mê-si. Nhưng giờ đây, Chúa Giê-su nói thẳng với những người Do Thái chống đối: “Những việc mà tôi nhân danh Cha thực hiện đều làm chứng về tôi, nhưng các người không tin”.—Giăng 10:25, 26.

Tại sao họ không tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô? Ngài nói: “Các người không tin vì các người không phải là chiên của tôi. Chiên tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi cho chiên sự sống vĩnh cửu, chúng sẽ không bao giờ bị hủy diệt và không ai sẽ cướp chúng khỏi tay tôi. Chiên mà Cha giao cho tôi quý giá hơn mọi thứ khác”. Rồi Chúa Giê-su miêu tả mối quan hệ mật thiết giữa ngài và Cha như sau: “Tôi với Cha là một” (Giăng 10:26-30). Chúa Giê-su đang ở dưới đất còn Cha thì ở trên trời nên ngài không có ý nói ngài và Cha là một theo nghĩa đen. Thay vì vậy, cả hai là một vì có cùng mục đích và hợp nhất với nhau.

Những lời của Chúa Giê-su khiến người Do Thái giận dữ đến mức họ lại lượm đá ném ngài. Nhưng Chúa Giê-su không sợ hãi. Ngài nói: “Tôi đã cho các người thấy nhiều công việc tốt lành từ Cha. Vì công việc nào mà các người ném đá tôi?”. Họ trả lời: ‘Chúng tôi ném đá ông, không phải vì công việc tốt lành nào cả nhưng vì ông phạm thượng, bởi ông cho mình là thần’ (Giăng 10:31-33). Chúa Giê-su chưa bao giờ nhận mình là thần, vậy tại sao họ lại cáo buộc ngài?

Vì Chúa Giê-su nói ngài có những quyền phép mà họ nghĩ là chỉ Đức Chúa Trời mới có. Chẳng hạn, ngài nói như sau về chiên: “Tôi cho chiên sự sống vĩnh cửu”, là điều mà con người không thể cho (Giăng 10:28). Người Do Thái đã lờ đi sự thật là Chúa Giê-su từng công khai nói rằng ngài nhận quyền từ Cha.

Để bác bỏ lời cáo buộc sai lầm đó, Chúa Giê-su hỏi: “Chẳng phải trong Luật pháp của các người có viết [nơi Thi thiên 82:6]: ‘Ta đã phán: “Các ngươi là thần”’ hay sao? Nếu Đức Chúa Trời gọi những người bị lời ngài lên án là ‘thần’,... vậy tại sao khi tôi, là người được Cha làm nên thánh và sai đến thế gian, nói rằng: ‘Tôi là Con Đức Chúa Trời’ thì các người bảo: ‘Ông phạm thượng’?”.—Giăng 10:34-36.

Đúng vậy, Kinh Thánh thậm chí còn gọi những quan xét bất công loài người là “thần”. Vậy, làm sao người Do Thái có thể bắt lỗi Chúa Giê-su khi ngài nói: “Tôi là Con Đức Chúa Trời”? Chúa Giê-su nêu lên một điều chí lý: “Nếu tôi không làm những việc của Cha tôi, các người đừng tin tôi. Còn nếu tôi đang làm những việc đó thì dù các người không tin tôi nhưng hãy tin những việc đó, để các người nhận biết và luôn biết rằng Cha hợp nhất với tôi và tôi hợp nhất với Cha”.—Giăng 10:37, 38.

Nghe vậy, người Do Thái cố bắt Chúa Giê-su, nhưng ngài lại thoát được. Rồi ngài rời Giê-ru-sa-lem và băng qua sông Giô-đanh để đến nơi mà gần bốn năm trước Giăng đã bắt đầu công việc làm phép báp-têm. Dường như nơi ấy không xa bờ phía nam của biển Ga-li-lê.

Đoàn dân đến nói với Chúa Giê-su: “Giăng không làm dấu lạ nào nhưng mọi điều Giăng nói về người này đều đúng” (Giăng 10:41). Vì vậy, nhiều người Do Thái đặt đức tin nơi Chúa Giê-su.