Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 103

Đền thờ được dọn sạch một lần nữa

Đền thờ được dọn sạch một lần nữa

MA-THI-Ơ 21:12, 13, 18, 19 MÁC 11:12-18 LU-CA 19:45-48 GIĂNG 12:20-27

  • CHÚA GIÊ-SU RỦA MỘT CÂY VẢ VÀ DỌN SẠCH ĐỀN THỜ

  • QUA CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊ-SU, NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC BAN SỰ SỐNG

Chúa Giê-su và các môn đồ đã ở Bê-tha-ni ba đêm kể từ khi họ rời Giê-ri-cô. Vào sáng sớm thứ hai, ngày 10 Ni-san, họ đi đến thành Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su cảm thấy đói. Vì thế, khi nhìn thấy cây vả, ngài đến xem có trái vả nào không.

Bấy giờ là cuối tháng 3, và tận tháng 6 mới tới mùa vả. Nhưng cây vả ra lá sớm nên Chúa Giê-su nghĩ nó đã có trái. Tuy nhiên, ngài không tìm được trái nào. Lá đã tạo cho cây vẻ bề ngoài dễ đánh lừa người ta. Chúa Giê-su phán: “Sẽ chẳng bao giờ có ai ăn trái của ngươi nữa” (Mác 11:14). Lập tức, cây vả bắt đầu héo, và sáng hôm sau ý nghĩa của lời Chúa Giê-su nói được sáng tỏ.

Sau đó, Chúa Giê-su và các môn đồ vào thành. Ngài đi đến đền thờ mà ngài đã thanh tra vào chiều hôm trước. Hôm nay, ngài làm nhiều hơn thế. Ngài hành động như từng làm cách đó ba năm, tức vào Lễ Vượt Qua năm 30 CN (Giăng 2:14-16). Lần này, Chúa Giê-su đuổi hết ‘người mua kẻ bán trong đền thờ’. Ngài cũng lật đổ “bàn của kẻ đổi tiền và ghế của người bán bồ câu” (Mác 11:15). Thậm chí, ngài không cho bất cứ ai mang đồ đi tắt qua sân đền thờ để đến một nơi khác trong thành.

Tại sao Chúa Giê-su hành động cương quyết với những kẻ đổi tiền và bán súc vật trong đền thờ? Ngài nói: “Chẳng phải có lời viết: ‘Nhà ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân’ sao? Nhưng các người đã biến nó thành hang trộm cướp” (Mác 11:17). Ngài gọi những người này là trộm cướp vì họ bán những con vật cần cho việc tế lễ với giá cắt cổ. Chúa Giê-su xem việc buôn bán như thế giống như cướp tiền của người khác.

Khi các trưởng tế, thầy kinh luật và những người có chức quyền trong dân chúng nghe về điều Chúa Giê-su làm, họ lại tìm cách giết ngài. Tuy nhiên, họ không biết làm thế nào giết được Chúa Giê-su, vì dân chúng cứ đi theo để nghe ngài.

Ngoài người gốc Do Thái, còn có những người cải đạo Do Thái đến dự Lễ Vượt Qua. Trong số những người đến để thờ phượng có cả người Hy Lạp. Họ đến hỏi Phi-líp để xin gặp Chúa Giê-su, có lẽ vì Phi-líp có tên tiếng Hy Lạp. Có thể vì không chắc là có thích hợp để cho họ gặp Chúa Giê-su hay không nên Phi-líp đi hỏi Anh-rê. Rồi cả hai đến nói điều này với Chúa Giê-su, rất có thể lúc đó ngài vẫn ở trong đền thờ.

Chúa Giê-su biết mình chỉ còn sống vài ngày nữa, vì thế đây không phải là lúc để thỏa mãn tính tò mò của người ta hoặc tìm kiếm sự nổi trội. Ngài dùng một minh họa để trả lời hai sứ đồ. Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được vinh hiển. Quả thật, quả thật, tôi nói với anh em, nếu một hạt lúa mì không rơi xuống đất và chết, nó chỉ là một hạt; nhưng nếu chết đi, nó sẽ kết nhiều hạt”.—Giăng 12:23, 24.

Một hạt lúa mì dường như không có mấy giá trị. Nhưng nếu được gieo xuống đất và “chết đi” thì nó sẽ nảy mầm và dần mọc lên thành cây lúa có nhiều hạt. Tương tự, Chúa Giê-su là một người hoàn hảo. Qua việc trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết, ngài sẽ trở thành phương tiện để ban sự sống vĩnh cửu cho những người có cùng tinh thần hy sinh như thế. Vì vậy, Chúa Giê-su nói: “Ai yêu mạng sống mình là hủy diệt nó, còn ai ghét mạng sống mình trong thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 12:25.

Chúa Giê-su không chỉ nghĩ đến riêng mình, vì ngài nói: “Nếu ai muốn phục vụ tôi, hãy theo tôi; tôi ở đâu, người phục vụ tôi cũng ở đó. Nếu ai muốn phục vụ tôi, Cha sẽ quý trọng người ấy” (Giăng 12:26). Quả là một phần thưởng lớn lao! Những người được Cha quý trọng sẽ đồng cai trị với Đấng Ki-tô trong Nước Trời.

Nghĩ tới nỗi đau đớn cùng cực và cái chết đang chờ đợi, Chúa Giê-su nói: “Bây giờ tôi cảm thấy rất bồn chồn, tôi phải nói gì đây? Cha ơi, xin cứu con khỏi giờ này”. Dù vậy, Chúa Giê-su không muốn trốn tránh việc hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời. Ngài nói thêm: “Nhưng giờ này phải đến với con, chính vì điều đó mà con đến” (Giăng 12:27). Chúa Giê-su ủng hộ mọi sắp đặt liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời, kể cả cái chết của ngài để làm vật tế lễ.