Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 128

Cả Phi-lát lẫn Hê-rốt đều thấy ngài vô tội

Cả Phi-lát lẫn Hê-rốt đều thấy ngài vô tội

MA-THI-Ơ 27:12-14, 18, 19 MÁC 15:2-5 LU-CA 23:4-16 GIĂNG 18:36-38

  • PHI-LÁT VÀ HÊ-RỐT THẨM VẤN CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su không cố giấu Phi-lát rằng ngài là vua. Tuy nhiên, Nước của ngài không phải là mối đe dọa cho La Mã. Chúa Giê-su nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước của tôi thuộc về thế gian này thì người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước của tôi không ra từ thế gian này” (Giăng 18:36). Đúng vậy, Chúa Giê-su có một Nước, nhưng Nước ấy không thuộc về thế gian này.

Phi-lát chưa dừng lại ở đó, ông hỏi thêm: “Thế ngươi là vua sao?”. Chúa Giê-su cho Phi-lát biết ông đã kết luận đúng, ngài trả lời: “Chính ông nói rằng tôi là vua. Sở dĩ tôi được sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho chân lý. Ai đứng về phía chân lý thì nghe tôi”.—Giăng 18:37.

Trước đó Chúa Giê-su đã nói với Thô-ma: “Tôi là đường đi, chân lý và sự sống”. Giờ đây, ngài cũng cho Phi-lát biết mục đích ngài được phái xuống đất là để làm chứng cho “chân lý”, đặc biệt là về Nước Trời. Chúa Giê-su quyết tâm trung thành với chân lý đó, ngay cả phải đánh đổi mạng sống. Phi-lát hỏi ngài: “Chân lý là gì?”, nhưng ông không chờ ngài giải thích gì thêm. Ông nghĩ mình đã nghe đủ để có thể đưa ra phán quyết.—Giăng 14:6; 18:38.

Phi-lát bèn quay ra nói chuyện với đám đông đang đợi bên ngoài dinh. Hẳn Chúa Giê-su đang đứng bên cạnh ông khi ông nói với các trưởng tế và dân chúng rằng: “Ta thấy người này chẳng phạm tội gì”. Đám đông giận dữ khi nghe phán quyết đó và phản đối: “Hắn kích động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giu-đê, từ Ga-li-lê cho đến tận đây”.—Lu-ca 23:4, 5.

Phản ứng thái quá và phi lý của người Do Thái hẳn khiến Phi-lát ngạc nhiên. Thấy các trưởng tế và trưởng lão tiếp tục la hét, Phi-lát hỏi Chúa Giê-su: “Ngươi không nghe họ tố cáo ngươi đủ điều sao?” (Ma-thi-ơ 27:13). Nhưng Chúa Giê-su chẳng đáp một lời. Sự bình thản của ngài trước những lời buộc tội gay gắt khiến Phi-lát rất lấy làm lạ.

Người Do Thái nói rằng Chúa Giê-su đã bắt đầu giảng dạy “từ Ga-li-lê”. Dựa vào điều đó, Phi-lát biết được Chúa Giê-su là người Ga-li-lê. Thế nên ông nghĩ cách để tránh trách nhiệm phải xét xử Chúa Giê-su. Hê-rốt An-ti-ba (con trai của Hê-rốt Đại đế) là người cai trị Ga-li-lê, và ông đang ở Giê-ru-sa-lem vào mùa Lễ Vượt Qua này. Vậy Phi-lát sai giải Chúa Giê-su đến Hê-rốt. Hê-rốt An-ti-ba chính là người đã cho chém đầu Giăng Báp-tít. Sau này, khi nghe Chúa Giê-su làm những phép lạ kỳ diệu, Hê-rốt lo rằng ngài là Giăng được sống lại.—Lu-ca 9:7-9.

Hê-rốt rất mừng khi biết là sẽ gặp Chúa Giê-su. Không phải ông muốn giúp đỡ Chúa Giê-su hoặc có ý định điều tra xem những lời buộc tội ngài có cơ sở hay không. Hê-rốt chỉ tò mò và “mong được thấy ngài làm dấu lạ” (Lu-ca 23:8). Nhưng Chúa Giê-su không thỏa mãn sự tò mò của Hê-rốt. Khi Hê-rốt tra hỏi ngài, Chúa Giê-su không đáp một lời. Vô cùng thất vọng, Hê-rốt và quân lính của ông “tỏ thái độ khinh bỉ ngài” (Lu-ca 23:11). Họ khoác lên ngài một chiếc áo lộng lẫy và chế nhạo ngài. Sau đó Hê-rốt sai giải ngài trả lại cho Phi-lát. Hê-rốt và Phi-lát vốn nghịch thù nhau, nhưng trong chính ngày đó họ lại trở thành bạn tốt của nhau.

Khi Chúa Giê-su được giải trở lại, Phi-lát triệu tập các trưởng tế, giới lãnh đạo Do Thái và dân chúng rồi nói: “Ta đã thẩm vấn người trước mặt các ông nhưng không thấy người phạm bất cứ tội nào mà các ông tố cáo. Thật thế, Hê-rốt cũng không thấy người này có tội gì nên đã giao lại cho chúng ta. Này, người chẳng phạm tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ phạt người rồi thả ra”.—Lu-ca 23:14-16.

Phi-lát rất muốn thả Chúa Giê-su vì ông nhận thấy các trưởng tế nộp ngài chỉ vì lòng ganh ghét. Trong khi tìm cách thả ngài, một điều xảy ra càng thôi thúc ông làm thế. Lúc ông đang ngồi trên bục xét xử, vợ ông sai người đến nhắn rằng: “Xin đừng động đến người công chính ấy, hôm nay thiếp đã phải khổ sở bởi cơn ác mộng [hẳn là đến từ Đức Chúa Trời] về người”.—Ma-thi-ơ 27:19.

Nhưng làm thế nào Phi-lát có thể thả người đàn ông vô tội này?