Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 138

Đấng Ki-tô ở bên hữu Đức Chúa Trời

Đấng Ki-tô ở bên hữu Đức Chúa Trời

CÔNG VỤ 7:56

  • CHÚA GIÊ-SU NGỒI BÊN HỮU ĐỨC CHÚA TRỜI

  • SAU-LƠ TRỞ THÀNH MÔN ĐỒ

  • CHÚNG TA CÓ LÝ DO ĐỂ VUI MỪNG

Mười ngày sau khi Chúa Giê-su lên trời, việc thần khí thánh được đổ xuống vào Lễ Ngũ Tuần là bằng chứng cho thấy ngài đang ở trên trời. Và sắp có thêm bằng chứng khác nữa. Ngay trước khi môn đồ Ê-tiên bị ném đá vì đã trung thành làm chứng, ông thốt lên: “Kìa! Tôi thấy các tầng trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Đức Chúa Trời”.—Công vụ 7:56.

Khi ở trên trời với Cha, Chúa Giê-su chờ đợi mệnh lệnh cụ thể đã được báo trước trong Lời Đức Chúa Trời. Đa-vít được soi dẫn để viết như sau: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi [Chúa Giê-su]: ‘Hãy ngồi bên tay hữu ta cho đến khi ta đặt quân thù con làm bệ chân con’”. Khi hết thời gian chờ đợi, ngài sẽ “đi chinh phục giữa quân thù” (Thi thiên 110:1, 2). Nhưng Chúa Giê-su làm gì trên trời trong khi chờ đợi đến thời điểm để hành động chống lại quân thù?

Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập. Kể từ lúc ấy, Chúa Giê-su bắt đầu cai trị trên các môn đồ được xức dầu (Cô-lô-se 1:13). Ngài hướng dẫn họ trong công việc rao giảng và trang bị cho họ để đảm đương trách nhiệm trong tương lai. Trách nhiệm nào? Những ai chứng tỏ lòng trung thành cho đến chết sẽ được sống lại và làm vua đồng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời.

Một gương nổi bật của người sẽ được làm vua trong tương lai là Sau-lơ, thường được biết đến với tên La Mã là Phao-lô. Ông là người Do Thái và trước giờ luôn sốt sắng với Luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng vì bị các nhà lãnh đạo Do Thái giáo làm cho lầm lạc nên ông thậm chí đã tán thành việc ném đá Ê-tiên. Vì muốn đe dọa và giết môn đồ của Chúa Giê-su nên Sau-lơ đi đến tận Đa-mách. Ông được thầy tế lễ thượng phẩm Cai-pha cho quyền bắt các môn đồ của Chúa Giê-su ở đó và giải về Giê-ru-sa-lem (Công vụ 7:58; 9:1). Nhưng trên đường đi, một ánh sáng chói lòa chiếu rọi khắp quanh Sau-lơ và ông ngã xuống đất.

Rồi ông nghe có tiếng nói với mình: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ ta?”. Sau-lơ hỏi: “Thưa Chúa, ngài là ai?”. Có tiếng phán: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ”.—Công vụ 9:4, 5.

Chúa Giê-su bảo Sau-lơ đi vào thành Đa-mách và chờ để được chỉ dẫn thêm. Nhưng ánh sáng lạ thường ấy khiến ông bị mù nên phải có người dẫn vào thành. Trong khải tượng khác, Chúa Giê-su hiện ra với A-na-nia, là một môn đồ sống ở Đa-mách. Ngài bảo A-na-nia đến một con đường để tìm Sau-lơ. A-na-nia hơi ngần ngại nhưng Chúa Giê-su trấn an ông: “Tôi đã chọn người này để mang danh tôi đến với dân ngoại, cùng các vua và con cháu Y-sơ-ra-ên”. Sau-lơ được sáng mắt trở lại, và tại đó ở Đa-mách, ông “bắt đầu rao giảng về Chúa Giê-su rằng đấng ấy là Con Đức Chúa Trời”.—Công vụ 9:15, 20.

Với sự hỗ trợ của Chúa Giê-su, Phao-lô và những người truyền giảng tin mừng khác tiếp tục thực thi công việc do Chúa Giê-su khởi xướng. Nhờ được Đức Chúa Trời ban phước, họ đạt những thành quả nổi bật. Khoảng 25 năm sau khi Chúa Giê-su hiện ra với Phao-lô trên đường ông đến Đa-mách, Phao-lô viết rằng tin mừng đã “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23.

Nhiều năm sau, Chúa Giê-su cho sứ đồ yêu dấu của ngài là Giăng thấy một loạt khải tượng được ghi lại trong sách Khải huyền. Qua những khải tượng này, Giăng như thể được sống để thấy Chúa Giê-su trở lại trong vương quyền Nước Trời (Giăng 21:22). “Nhờ được thần khí tác động, [Giăng] thấy mình đang ở trong ngày của Chúa” (Khải huyền 1:10). Khi nào ngày ấy sẽ bắt đầu?

Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta được biết “ngày của Chúa” bắt đầu trong thời hiện đại. Vào năm 1914, Thế Chiến I nổ ra. Trong những thập niên sau đó, chiến tranh, dịch bệnh, đói kém, động đất và những bằng chứng khác cho thấy “dấu hiệu” mà Chúa Giê-su báo trước với các sứ đồ về “sự hiện diện” của ngài và “sự kết thúc” đã ứng nghiệm trên bình diện rộng lớn (Ma-thi-ơ 24:3, 7, 8, 14). Công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời đang được thực hiện, không chỉ trong địa phận của đế quốc La Mã, nhưng trên toàn cầu.

Giăng được soi dẫn để miêu tả như sau về ý nghĩa của những điều đó: “Nay sự cứu rỗi, quyền năng và Nước Đức Chúa Trời chúng ta cùng uy quyền của Đấng Ki-tô của ngài đã đến” (Khải huyền 12:10). Đúng vậy, Nước Trời mà Chúa Giê-su rao truyền rộng rãi đã được thành lập!

Đây quả là một tin tuyệt vời cho mọi môn đồ trung thành của Chúa Giê-su! Họ có thể ghi nhớ những lời của Giăng: “Vì thế, hỡi các tầng trời cùng những ai ở đó, hãy vui mừng đi! Khốn cho đất và biển, vì Ác Quỷ đã xuống chỗ các người, hắn vô cùng giận dữ vì biết mình chỉ còn một thời gian ngắn”.—Khải huyền 12:12.

Vậy, Chúa Giê-su không còn ngồi chờ bên tay hữu của Cha nữa. Ngài đang cai trị với tư cách là Vua, và chẳng bao lâu nữa ngài sẽ ra tay hủy diệt mọi quân thù (Hê-bơ-rơ 10:12, 13). Những diễn biến hào hứng nào đang chờ đón chúng ta?