Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU HỎI 6

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Khi bênh vực cho chính mình, bạn sẽ kiểm soát được đời sống thay vì để người khác làm thế.

BẠN SẼ LÀM GÌ?

Hãy hình dung tình huống sau: Khi thấy hai đứa bạn tiến về phía mình, Brian rất lo sợ. Đã hai lần trong tuần này, tụi nó cố ép bạn ấy hút thuốc. Và đây là lần thứ ba.

Đứa thứ nhất nói:

“Lại lẻ loi nữa sao? Để mình giới thiệu với cậu người bạn này”.

Nó nhấn giọng từ “người bạn” bằng một cái nháy mắt và rút ra thứ gì đó trong túi đưa cho Brian.

Brian nhìn thấy điếu thuốc kẹp trong tay đứa bạn thì càng lo hơn.

Brian nói: “Xin lỗi, mình đã nói là mình không...”.

Đứa thứ hai ngắt lời: “Sao nhát như thỏ đế vậy!”.

“Mình không có nhát!”, Brian thu hết can đảm để nói.

Nó choàng tay lên vai Brian và nhẹ nhàng nói: “Hút đi mà”.

Đứa thứ nhất đưa điếu thuốc trước mặt Brian và nói khẽ: “Tụi này không nói với ai đâu. Bí mật!”.

Nếu là Brian, bạn sẽ phản ứng thế nào?

NGỪNG LẠI VÀ SUY NGHĨ!

Mấy đứa bạn của Brian có thật sự nghĩ về điều đang làm không? Họ có tự đưa ra quyết định không? Không hẳn. Nhìn chung, họ đã chiều theo áp lực của người khác. Vì muốn được chấp nhận nên họ để người khác tác động đến những điều mình làm.

Nếu gặp tình huống tương tự, làm thế nào bạn có thể chọn cách khác và kháng cự áp lực bạn bè?

  1. LƯỜNG TRƯỚC

    Kinh Thánh nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.—Châm-ngôn 22:3.

    Thường bạn có thể đoán trước vấn đề. Ví dụ, bạn thấy một nhóm bạn ở đằng trước đang hút thuốc. Bằng cách lường trước vấn đề, bạn sẽ sẵn sàng để đối phó.

  2. SUY NGHĨ

    Kinh Thánh nói: “Hãy gìn giữ một lương tâm tốt”.—1 Phi-e-rơ 3:16.

    Hãy tự hỏi: “Về lâu về dài mình sẽ cảm thấy thế nào nếu đi theo đám bạn này?”. Đúng là tạm thời bạn có thể được họ chấp nhận. Nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy ra sao? Bạn có muốn hy sinh phẩm giá của mình chỉ để làm hài lòng bạn cùng lớp không?—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2.

  3. QUYẾT ĐỊNH

    Kinh Thánh nói: “Người khôn ngoan sợ [“biết thận trọng”, NW]”.Châm-ngôn 14:16.

    Không sớm thì muộn, chúng ta phải lựa chọn và chấp nhận kết quả. Kinh Thánh kể về Giô-sép, Gióp và Chúa Giê-su, tất cả những người ấy đã có lựa chọn đúng đắn. Còn Ca-in, Ê-sau và Giu-đa thì đã chọn làm điều sai trái. Bạn sẽ làm gì?

Kinh Thánh nói: ‘Hãy sống trung tín’ (Thi-thiên 37:3, NW). Nếu bạn đã suy nghĩ về hậu quả và quyết định rồi thì không khó để nói lên lập trường của mình, và điều đó có thể mang lại kết quả tốt đẹp.

Đừng lo lắng, bạn không cần phải thuyết giảng cho bạn bè. Chỉ cần nói: “KHÔNG” một cách dứt khoát là đủ. Hoặc để chứng tỏ lập trường không lay chuyển của mình, bạn có thể nói:

  • “Chừa mình ra!”.

  • “Mình không làm mấy chuyện đó!”.

  • “Thôi đi, bạn thừa biết mình rồi mà!”.

Bí quyết là trả lời ngay lập tức một cách tự tin. Nếu làm thế, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đám bạn rút lui nhanh chóng!

ĐỐI PHÓ VỚI SỰ CHẾ GIỄU

Nếu chiều theo áp lực của bạn bè, bạn sẽ trở thành một con rô-bốt bị đám bạn điều khiển

Nói sao nếu bạn bị chế nhạo, chẳng hạn như: “Sao vậy? Đúng là đồ chết nhát!”. Những lời như thế chỉ là cách bạn bè gây áp lực cho bạn. Bạn có thể trả lời ra sao? Có ít nhất hai lựa chọn:

  • Thừa nhận lời chế giễu (ví dụ: “Bạn nói đúng, mình sợ lắm!”. Sau đó nói ra lý do của bạn cách ngắn gọn).

  • Lật ngược tình thế. Hãy nói lên lý do bạn từ chối và sau đó gợi suy nghĩ của các bạn (ví dụ: “Mình tưởng bạn biết tác hại của việc hút thuốc chứ!”).

Nếu đám bạn tiếp tục chế giễu, hãy rời khỏi đó! Hãy nhớ rằng bạn càng nán lại, áp lực sẽ càng mạnh hơn. Bỏ đi là cách cho thấy bạn không để người khác thay đổi mình.

Thật ra, bạn không thể tránh khỏi áp lực bạn bè. Nhưng bạn có thể quyết định điều mình muốn làm, nói ra lập trường và kiểm soát tình thế. Suy cho cùng, sự lựa chọn là của chính bạn!—Giô-suê 24:15.