Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 2

“Đức Chúa Trời chấp nhận” những lễ vật của họ

“Đức Chúa Trời chấp nhận” những lễ vật của họ

HÊ-BƠ-RƠ 11:4

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Lịch sử về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch

1-3. (a) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận bốn yếu tố then chốt nào của sự thờ phượng thanh sạch? (Xem hình nơi đầu bài).

A-bên cẩn thận kiểm tra bầy gia súc của mình. Ông chăm sóc các con vật này từ khi chúng sinh ra. Giờ đây, ông chọn một số con và giết đi để dâng làm lễ vật cho Đức Chúa Trời. Hành động thờ phượng này của một người bất toàn có được Đức Giê-hô-va chấp nhận không?

2 Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết về A-bên: “Đức Chúa Trời chấp nhận những lễ vật của ông”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va từ chối lễ vật của Ca-in. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:4). Điều này dẫn đến những câu hỏi quan trọng. Tại sao ngài chấp nhận sự thờ phượng của A-bên nhưng lại không chấp nhận sự thờ phượng của Ca-in? Chúng ta có thể học được gì từ Ca-in, A-bên và những người khác được đề cập trong sách Hê-bơ-rơ chương 11? Câu trả lời sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thờ phượng thanh sạch bao hàm điều gì.

3 Khi xem xét khái quát các sự việc diễn ra từ thời A-bên đến thời Ê-xê-chi-ên, hãy lưu ý đến bốn yếu tố then chốt không thể thiếu để sự thờ phượng của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận: người nhận phải là Đức Giê-hô-va, chất lượng phải tốt nhất, cách thức phải được ngài chấp nhận và động cơ của người thờ phượng phải trong sạch.

Tại sao sự thờ phượng của Ca-in bị từ chối?

4, 5. Điều gì khiến Ca-in nhận ra rằng ông nên dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va?

4 Đọc Sáng thế 4:2-5. Ca-in biết rằng người nhận lễ vật là Đức Giê-hô-va. Ca-in có nhiều thời gian và cơ hội để tìm hiểu về ngài. Vào lúc ông và em trai là A-bên dâng lễ vật, có lẽ họ gần 100 tuổi. * Từ nhỏ, cả hai đã biết về vườn Ê-đen, thậm chí có thể thấy khu vườn màu mỡ ấy từ xa. Chắc hẳn họ thấy các chê-rúp canh giữ lối vào vườn (Sáng 3:24). Hẳn cha mẹ đã cho họ biết rằng Đức Giê-hô-va tạo ra mọi vật và ý định ban đầu của ngài dành cho nhân loại khác với điều mà giờ đây họ trải nghiệm. Họ đang tiến dần đến cái chết (Sáng 1:24-28). Có lẽ việc biết những điều này khiến Ca-in nhận ra rằng ông nên dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời.

5 Còn điều gì khác có thể thúc đẩy Ca-in dâng vật tế lễ? Đức Giê-hô-va báo trước rằng một “dòng dõi” sẽ xuất hiện để giày đạp đầu “con rắn”, là kẻ dụ dỗ Ê-va đưa ra quyết định sai lầm (Sáng 3:4-6, 14, 15). Là con đầu lòng, có lẽ Ca-in nghĩ rằng ông là “dòng dõi” được hứa (Sáng 4:1). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va không cắt đứt mọi liên lạc với con người tội lỗi. Thậm chí sau khi A-đam phạm tội, ngài đã nói chuyện với ông, hẳn là qua một thiên sứ (Sáng 3:8-10). Đức Giê-hô-va cũng nói chuyện với Ca-in sau khi ông dâng vật tế lễ (Sáng 4:6). Chắc hẳn Ca-in biết rằng Đức Giê-hô-va là đấng xứng đáng được thờ phượng.

6, 7. Có phải chất lượng hoặc cách thức dâng vật tế lễ của Ca-in có vấn đề không? Hãy giải thích.

6 Vậy tại sao Đức Giê-hô-va không hài lòng với lễ vật của Ca-in? Phải chăng chất lượng của lễ vật có vấn đề? Kinh Thánh không cho biết nhưng chỉ nói rằng Ca-in dâng “sản vật từ đất”. Theo Luật pháp ban qua Môi-se, Đức Giê-hô-va cho biết loại vật tế lễ này được ngài chấp nhận (Dân 15:8, 9). Cũng hãy xem xét hoàn cảnh. Thời đó, con người chỉ ăn cây cỏ (Sáng 1:29). Vì đất bên ngoài vườn Ê-đen đã bị Đức Chúa Trời rủa sả nên Ca-in phải vất vả trồng trọt mới có lễ vật (Sáng 3:17-19). Ông đã dâng sản vật mà mình nỗ lực làm ra, là thực phẩm duy trì sự sống. Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn không chấp nhận lễ vật của Ca-in.

7 Vậy có gì sai trong cách thức dâng lễ vật không? Có phải Ca-in dâng lễ vật không đúng cách? Có lẽ không phải vậy. Vì khi từ chối lễ vật của Ca-in, Đức Giê-hô-va không lên án cách mà ông dâng. Thật ra, Kinh Thánh không đề cập đến cách mà Ca-in và A-bên dâng lễ vật. Vậy vấn đề là gì?

Động cơ của Ca-in không trong sạch (Xem đoạn 8, 9)

8, 9. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va không hài lòng với Ca-in hay lễ vật của ông? (b) Anh chị thấy điểm nào đáng chú ý về những điều Kinh Thánh ghi lại về Ca-in và A-bên?

8 Lời được soi dẫn mà Phao-lô viết cho anh em người Hê-bơ-rơ cho thấy động cơ của Ca-in khi dâng lễ vật là không trong sạch. Ca-in thiếu đức tin (Hê 11:4; 1 Giăng 3:11, 12). Đó là lý do Đức Giê-hô-va không hài lòng với chính Ca-in, chứ không phải chỉ với lễ vật của ông (Sáng 4:5-8). Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va nhân từ sửa dạy con ngài. Nhưng Ca-in đã bác bỏ sự sửa dạy đó. Lòng của Ca-in ngày càng bị tiêm nhiễm bởi những việc làm của xác thịt bất toàn như “thái độ thù địch, xung đột, ghen tị” (Ga 5:19, 20). Vì Ca-in có lòng xấu xa nên bất kỳ khía cạnh tích cực nào của sự thờ phượng mà ông dâng đều vô ích. Gương của ông dạy chúng ta rằng sự thờ phượng thanh sạch đòi hỏi nhiều hơn là chỉ thể hiện sự sùng kính với Đức Giê-hô-va ở vẻ bên ngoài.

9 Kinh Thánh ghi lại nhiều điều về Ca-in. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết những lời Đức Giê-hô-va phán với Ca-in, câu trả lời của ông, và ngay cả tên các con cháu của ông cũng như một số điều họ làm (Sáng 4:17-24). Còn về A-bên, Kinh Thánh không cho biết ông có con hay không và cũng không ghi lại những gì ông nói. Dù vậy, A-bên vẫn nói với chúng ta qua hành động của ông. Bằng cách nào?

A-bên lập khuôn mẫu cho sự thờ phượng thanh sạch

10. A-bên lập khuôn mẫu cho sự thờ phượng thanh sạch như thế nào?

10 A-bên dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va vì biết rằng chỉ mình ngài mới xứng đáng là người nhận. Chất lượng của lễ vật cũng tốt nhất vì ông chọn “một số con cừu đầu lòng trong bầy mình”. Dù Kinh Thánh không cho biết liệu ông có dâng vật tế lễ trên bàn thờ hay không, nhưng cách thức dâng lễ vật của ông rõ ràng là được chấp nhận. Thật ra, điều khiến lễ vật của A-bên nổi bật và điều khiến ông vẫn “nói” với chúng ta sau sáu ngàn năm chính là động cơ của ông. A-bên được thúc đẩy bởi đức tin nơi Đức Giê-hô-va và lòng yêu mến các tiêu chuẩn công chính của ngài. Làm sao chúng ta biết?

A-bên nêu gương về việc đáp ứng bốn yếu tố then chốt của sự thờ phượng thanh sạch (Xem đoạn 10)

11. Tại sao Chúa Giê-su miêu tả A-bên là người công chính?

11 Trước tiên, hãy xem xét điều Chúa Giê-su nói về A-bên, người mà ngài biết rất rõ. Vào thời A-bên, Chúa Giê-su sống ở trên trời. Ngài rất quan tâm đến người con này của A-đam (Châm 8:22, 30, 31; Giăng 8:58; Cô 1:15, 16). Vì thế khi nói A-bên là người công chính, Chúa Giê-su đang nói về điều ngài tận mắt chứng kiến (Mat 23:35). Người công chính là người nhận biết Đức Giê-hô-va có quyền lập tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai. Nhưng người ấy phải làm nhiều hơn thế. Qua lời nói và hành động, người ấy cho thấy mình đồng ý với các tiêu chuẩn đó. (So sánh Lu-ca 1:5, 6). Cần thời gian để tạo danh tiếng là người công chính. Thế nên ngay cả trước khi dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va, hẳn A-bên đã tạo danh tiếng là người sống theo các tiêu chuẩn của ngài. Điều này không phải là dễ. Chắc hẳn anh trai của ông không tác động tích cực đến ông, vì lòng Ca-in trở nên gian ác (1 Giăng 3:12). Mẹ của A-bên cãi lại mệnh lệnh rõ ràng của Đức Giê-hô-va, và cha ông phản nghịch ngài vì muốn tự quyết định điều đúng và điều sai (Sáng 2:16, 17; 3:6). A-bên thật can đảm khi chọn lối sống khác hẳn với gia đình mình!

12. Sự khác biệt chính yếu giữa Ca-in và A-bên là gì?

12 Kế tiếp, hãy lưu ý cách sứ đồ Phao-lô liên kết đức tin với sự công chính. Ông viết: “Bởi đức tin, A-bên dâng cho Đức Chúa Trời một vật tế lễ có giá trị hơn của Ca-in; nhờ đức tin ấy, ông được chứng nhận là người công chính” (Hê 11:4). Lời của Phao-lô cho thấy rằng không như Ca-in, A-bên được thúc đẩy bởi đức tin vững chắc và chân thật nơi Đức Giê-hô-va cũng như đường lối của ngài.

13. Gương của A-bên dạy chúng ta điều gì?

13 Gương của A-bên dạy chúng ta rằng sự thờ phượng thanh sạch chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng có động cơ trong sạch, tràn đầy đức tin nơi Đức Giê-hô-va và hoàn toàn đồng ý với tiêu chuẩn công chính của ngài. Hơn nữa, chúng ta biết rằng sự thờ phượng thanh sạch đòi hỏi nhiều hơn là chỉ một hành động sùng kính. Sự thờ phượng thanh sạch liên quan đến toàn bộ lối sống của chúng ta.

Các tộc trưởng làm theo khuôn mẫu

14. Tại sao Đức Giê-hô-va chấp nhận lễ vật của Nô-ê, Áp-ra-ham và Gia-cốp?

14 A-bên là người bất toàn đầu tiên dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch, nhưng ông không phải là người cuối cùng. Sứ đồ Phao-lô đề cập đến những người khác thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách ngài chấp nhận, chẳng hạn như Nô-ê, Áp-ra-ham và Gia-cốp. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:7, 8, 17-21). Vào thời điểm nào đó trong cuộc đời, mỗi tộc trưởng này đều dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va và ngài chấp nhận lễ vật của họ. Tại sao? Vì họ không chỉ có việc làm thể hiện lòng sùng kính mà còn đáp ứng được tất cả đòi hỏi chính yếu của sự thờ phượng thanh sạch. Hãy xem xét gương của họ.

Vật tế lễ của Nô-ê cho thấy một thông điệp rõ ràng (Xem đoạn 15, 16)

15, 16. Làm thế nào Nô-ê đáp ứng bốn đòi hỏi chính yếu của sự thờ phượng thanh sạch?

15 Sau khi A-đam qua đời 126 năm thì Nô-ê được sinh ra. Đến thời điểm đó, thế gian đã trở nên đồi bại vì sự thờ phượng sai lầm * (Sáng 6:11). Trong số các gia đình sống trên đất ngay trước trận Đại Hồng Thủy, chỉ có Nô-ê và gia đình ông phụng sự theo cách Đức Giê-hô-va chấp nhận (2 Phi 2:5). Sau khi sống sót qua trận Đại Hồng Thủy, Nô-ê đã được thúc đẩy để dựng một bàn thờ hầu dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va. Đây là bàn thờ đầu tiên được đề cập cụ thể trong Kinh Thánh. Qua hành động chân thành này, Nô-ê đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho gia đình ông và toàn thể nhân loại được sinh ra từ ông, đó là chỉ có Đức Giê-hô-va mới xứng đáng là người nhận sự thờ phượng. Trong số những con thú mà Nô-ê có thể dâng làm vật tế lễ, ông chọn “một số con trong các loài thú tinh sạch và các loài vật tinh sạch biết bay” (Sáng 8:20). Đó là những lễ vật có chất lượng tốt nhất vì chính Đức Giê-hô-va cho biết chúng là loài thú tinh sạch.—Sáng 7:2.

16 Nô-ê dâng các vật tế lễ thiêu đó trên bàn thờ mà ông đã dựng. Cách thức thờ phượng này có được chấp nhận không? Có. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va hài lòng với mùi thơm dễ chịu từ lễ vật và ngài đã ban phước cho Nô-ê cũng như các con trai của ông (Sáng 8:21; 9:1). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va chấp nhận lễ vật chủ yếu là vì động cơ của Nô-ê. Những vật tế lễ này là một bằng chứng nữa cho thấy đức tin mạnh mẽ của Nô-ê nơi Đức Giê-hô-va và đường lối của ngài. Vì Nô-ê luôn vâng lời Đức Giê-hô-va và làm theo các tiêu chuẩn của ngài nên Kinh Thánh nói rằng ông “đồng đi với Đức Chúa Trời thật”. Nhờ đó, Nô-ê có được danh tiếng lâu bền là người công chính.—Sáng 6:9; Ê-xê 14:14; Hê 11:7.

17, 18. Làm thế nào Áp-ra-ham đáp ứng bốn đòi hỏi chính yếu của sự thờ phượng thanh sạch?

17 Áp-ra-ham sống trong môi trường đầy dẫy sự thờ phượng sai lầm. Thành U-rơ, quê nhà của Áp-ra-ham, bị ảnh hưởng lớn bởi đền thờ tôn vinh thần mặt trăng Nanna. * Ngay cả cha của Áp-ra-ham cũng từng thờ các thần giả (Giô-suê 24:2). Nhưng Áp-ra-ham chọn thờ phượng Đức Giê-hô-va. Rất có thể ông đã được biết về Đức Chúa Trời thật từ tổ phụ của mình là Sem, một trong các con trai của Nô-ê. Áp-ra-ham và Sem sống cùng thời với nhau trong vòng 150 năm.

18 Trong suốt cuộc đời, Áp-ra-ham đã dâng nhiều vật tế lễ. Nhưng những hành động thờ phượng này luôn hướng đến người nhận duy nhất là Đức Giê-hô-va (Sáng 12:8; 13:18; 15:8-10). Áp-ra-ham có sẵn lòng dâng cho Đức Giê-hô-va lễ vật có chất lượng tốt nhất không? Câu trả lời rất rõ ràng khi Áp-ra-ham sẵn lòng hy sinh chính con trai yêu dấu của mình là Y-sác. Lúc đó, Đức Giê-hô-va đã cho Áp-ra-ham biết cụ thể về cách thức dâng vật tế lễ (Sáng 22:1, 2). Ông sẵn lòng làm theo sự hướng dẫn đó một cách tỉ mỉ. Nhưng chính Đức Giê-hô-va đã ngăn cản ông giết con trai của mình (Sáng 22:9-12). Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của Áp-ra-ham vì động cơ của ông là trong sạch. Phao-lô viết: “Áp-ra-ham đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va, và việc đó được kể là công chính cho người”.—Rô 4:3.

Gia-cốp đã nêu gương cho gia đình ông (Xem đoạn 19, 20)

19, 20. Làm thế nào Gia-cốp đáp ứng bốn đòi hỏi chính yếu của sự thờ phượng thanh sạch?

19 Gia-cốp sống ở Ca-na-an trong một thời gian dài. Đó là xứ mà Đức Giê-hô-va đã hứa ban cho Áp-ra-ham và con cháu ông (Sáng 17:1, 8). Cư dân ở Ca-na-an chìm đắm trong sự thờ phượng đồi bại đến mức Đức Giê-hô-va nói rằng xứ sẽ “mửa dân nó ra” (Lê 18:24, 25). Lúc 77 tuổi, Gia-cốp rời xứ Ca-na-an, cưới vợ và sau này trở về cùng một gia đình lớn (Sáng 28:1, 2; 33:18). Một số thành viên trong gia đình ông đã bị sự thờ phượng sai lầm ảnh hưởng. Dù vậy, khi Đức Giê-hô-va bảo Gia-cốp đến Bê-tên và dựng bàn thờ, ông đã hành động dứt khoát. Trước hết, ông nói với gia đình: “Hãy trừ bỏ các tượng thần ngoại mà mình đang giữ, tẩy uế mình”. Sau đó, ông trung thành làm theo những chỉ dẫn mà mình nhận được.—Sáng 35:1-7.

20 Gia-cốp đã dựng nhiều bàn thờ trong Đất Hứa, nhưng người nhận sự thờ phượng của ông luôn là Đức Giê-hô-va (Sáng 35:14; 46:1). Chất lượng của vật tế lễ, cách thức mà ông thờ phượng Đức Chúa Trời và động cơ của ông đều được chấp nhận, nên Kinh Thánh gọi Gia-cốp là người “hiền lành”. Trong nguyên ngữ từ này có nghĩa là “trọn vẹn”, một cụm từ được dùng để miêu tả những người mà Đức Chúa Trời hài lòng (Sáng 25:27). Qua toàn bộ đời sống của mình, Gia-cốp đã nêu gương xuất sắc cho dân Y-sơ-ra-ên được sinh ra từ ông.—Sáng 35:9-12.

21. Chúng ta có thể rút ra bài học nào về sự thờ phượng thanh sạch từ gương của các tộc trưởng?

21 Chúng ta có thể học được gì về sự thờ phượng thanh sạch từ gương của các tộc trưởng? Giống như họ, chúng ta đang sống giữa những người có thể khiến mình bị phân tâm trong việc dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc. Có thể ngay cả những thành viên trong gia đình cũng làm thế với chúng ta. Để kháng cự áp lực đó, chúng ta phải vun trồng đức tin mạnh nơi Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng tiêu chuẩn công chính của ngài là tốt nhất. Chúng ta thể hiện đức tin đó bằng cách vâng lời Đức Giê-hô-va và dành thời gian, sức lực cũng như tiền của để phụng sự ngài (Mat 22:37-40; 1 Cô 10:31). Khi chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va với hết khả năng của mình, theo cách mà ngài đòi hỏi và với động lực trong sạch, ngài xem chúng ta là công chính. Chẳng phải điều này thật khích lệ sao?—Đọc Gia-cơ 2:18-24.

Một dân được biệt riêng cho sự thờ phượng thanh sạch

22-24. Làm thế nào Luật pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của người nhận, chất lượng và cách thức dâng vật tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên?

22 Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho con cháu của Gia-cốp, giúp họ hiểu rõ những điều mà ngài đòi hỏi. Nếu vâng lời Đức Giê-hô-va, họ sẽ trở thành “sản nghiệp quý báu” và “dân tộc thánh” của ngài (Xuất 19:5, 6). Hãy xem Luật pháp nhấn mạnh bốn yếu tố then chốt của sự thờ phượng thanh sạch như thế nào.

23 Đức Giê-hô-va cho biết rõ ai mới là người nhận sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên. Ngài phán: “Ngoài ta ra, ngươi không được có thần nào khác” (Xuất 20:3-5). Những vật tế lễ mà họ dâng cho ngài phải có chất lượng tốt nhất. Chẳng hạn, những con thú được dùng làm vật tế lễ phải khỏe mạnh và không có khiếm khuyết (Lê 1:3; Phục 15:21; so sánh Ma-la-chi 1:6-8). Người Lê-vi được hưởng một phần trong số những lễ vật được dâng cho Đức Giê-hô-va, nhưng họ cũng phải dâng lễ vật của riêng mình. Thứ mà họ dâng phải được chọn từ “những lễ vật tốt nhất được trao cho [họ]” (Dân 18:29). Còn về cách thức thờ phượng, dân Y-sơ-ra-ên cũng được ban chỉ dẫn cụ thể về việc phải dâng cho Đức Giê-hô-va thứ gì, ở đâu và như thế nào. Họ được ban cho hơn 600 điều luật hướng dẫn về đời sống. Dân Y-sơ-ra-ên cũng được lệnh: “Hãy cẩn thận làm đúng như lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã phán dặn. Anh em không được quay sang phải hay trái”.—Phục 5:32.

24 Địa điểm mà dân Y-sơ-ra-ên dâng vật tế lễ có phải là điều quan trọng không? Có. Đức Giê-hô-va chỉ dẫn cho dân Y-sơ-ra-ên dựng lều thánh, và lều này đã trở thành trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch (Xuất 40:1-3, 29, 34). Vào thời đó, nếu muốn lễ vật của mình được Đức Chúa Trời chấp nhận thì dân Y-sơ-ra-ên phải mang chúng đến lều thánh. *Phục 12:17, 18.

25. Điều gì là quan trọng nhất khi dâng vật tế lễ? Hãy giải thích.

25 Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là động cơ dâng lễ vật của một người Y-sơ-ra-ên. Người đó phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương chân thành dành cho Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn của ngài. (Đọc Phục truyền luật lệ 6:4-6). Khi dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chiếu lệ, ngài từ chối vật tế lễ của họ (Ê-sai 1:10-13). Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho biết ngài không bị vẻ sùng kính lừa gạt. Ngài nói: “Dân này... tôn kính ta bằng môi, nhưng lòng chúng lại cách xa ta”.—Ê-sai 29:13.

Sự thờ phượng tại đền thờ

26. Ban đầu, đền thờ của Sa-lô-môn đóng vai trò nào trong sự thờ phượng thanh sạch?

26 Nhiều thế kỷ sau khi dân Y-sơ-ra-ên định cư ở Đất Hứa, vua Sa-lô-môn xây một trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch, là nơi vĩ đại hơn nhiều so với lều thánh (1 Vua 7:51; 2 Sử 3:1, 6, 7). Lúc đầu, chỉ có Đức Giê-hô-va là người nhận vật tế lễ được dâng tại đền thờ này. Sa-lô-môn và dân chúng dâng rất nhiều vật tế lễ có chất lượng theo cách thức được quy định trong Luật pháp (1 Vua 8:63). Tuy nhiên, chi phí xây đền thờ và số lượng vật tế lễ không phải là điều làm cho sự thờ phượng tại đây được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Điều quan trọng là động cơ của những người dâng vật tế lễ. Sa-lô-môn nhấn mạnh điều này vào thời điểm khánh thành đền thờ. Ông nói: “Lòng anh em hãy trọn vẹn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta bằng cách bước đi trong các điều lệ và vâng giữ các điều răn của ngài như anh em đã làm hôm nay”.—1 Vua 8:57-61.

27. Các vua Y-sơ-ra-ên cùng dân chúng đã làm gì, và Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao?

27 Đáng tiếc là dân Y-sơ-ra-ên không tiếp tục làm theo lời khuyên khôn ngoan của vua. Họ không đáp ứng được một hoặc một số yếu tố then chốt của sự thờ phượng thanh sạch. Các vua của Y-sơ-ra-ên và dân chúng đã để lòng bị tha hóa. Họ đánh mất đức tin nơi Đức Giê-hô-va và từ bỏ các tiêu chuẩn công chính của ngài. Hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va yêu thương phái các nhà tiên tri đến để sửa dạy và cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên về hậu quả của những việc họ làm (Giê 7:13-15, 23-26). Nổi bật trong số đó là nhà tiên tri trung thành Ê-xê-chi-ên. Ông sống vào thời điểm quan trọng trong lịch sử của sự thờ phượng thanh sạch.

Ê-xê-chi-ên chứng kiến sự thờ phượng thanh sạch bị tha hóa

28, 29. Chúng ta biết được gì về Ê-xê-chi-ên? (Xem khung “Ê-xê-chi-ên—Cuộc đời và thời đại”).

28 Ê-xê-chi-ên rất quen thuộc với sự thờ phượng tại đền thờ do Sa-lô-môn xây. Cha ông là một thầy tế lễ và phụng sự tại đền thờ khi đến lượt (Ê-xê 1:3). Rất có thể Ê-xê-chi-ên có tuổi thơ hạnh phúc. Hẳn cha của ông đã dạy cho ông về Đức Giê-hô-va và Luật pháp. Thực tế, vào khoảng thời điểm Ê-xê-chi-ên ra đời, “sách Luật pháp” được tìm thấy trong đền thờ. * Lúc đó, vua tốt là Giô-si-a đang cai trị. Vua xúc động trước những điều nghe được trong sách ấy đến mức ông đã tăng cường nỗ lực để đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch.—2 Vua 22:8-13.

Hẳn cha của Ê-xê-chi-ên đã dạy ông về Đức Giê-hô-va và Luật pháp (Xem đoạn 28)

29 Giống như những người trung thành trước thời mình, Ê-xê-chi-ên đã đáp ứng được bốn đòi hỏi của sự thờ phượng thanh sạch. Khi xem xét sách Ê-xê-chi-ên, chúng ta sẽ thấy ông chỉ phụng sự một mình Đức Giê-hô-va và luôn dâng cho ngài điều tốt nhất. Ê-xê-chi-ên cũng làm những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi theo cách ngài chấp nhận. Ông làm tất cả những việc này vì được đức tin chân thật thúc đẩy. Phần lớn những người sống cùng thời với ông thì không làm vậy. Ngay từ nhỏ, Ê-xê-chi-ên đã nghe những lời tiên tri của Giê-rê-mi, là người bắt đầu công việc tiên tri vào năm 647 TCN và sốt sắng cảnh báo sự phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va.

30. (a) Các lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho biết điều gì? (b) Lời tiên tri là gì, và chúng ta nên hiểu thế nào về các lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên? (Xem khung “Thông tin giúp hiểu lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên”).

30 Những lời được soi dẫn của Ê-xê-chi-ên cho biết dân Đức Chúa Trời bị trôi dạt khỏi đường lối của ngài nhiều đến mức nào. (Đọc Ê-xê-chi-ên 8:6). Khi Đức Giê-hô-va bắt đầu sửa dạy dân Giu-đa, Ê-xê-chi-ên cũng ở trong số những người bị bắt sang Ba-by-lôn (2 Vua 24:11-17). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ê-xê-chi-ên đang bị trừng phạt. Đức Giê-hô-va đã giao cho ông công việc trong vòng dân chúng bị lưu đày của ngài. Các lời tiên tri và khải tượng đáng kinh ngạc do Ê-xê-chi-ên ghi lại cho biết sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục như thế nào ở Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, các lời tiên tri và khải tượng ấy còn giúp chúng ta hiểu sự thờ phượng thanh sạch sẽ hoàn toàn được khôi phục ra sao đối với tất cả những ai yêu mến Đức Giê-hô-va.

31. Ấn phẩm này sẽ giúp chúng ta làm gì?

31 Trong những phần sau của ấn phẩm này, chúng ta sẽ được xem lướt qua nơi mà Đức Giê-hô-va ngự. Chúng ta cũng sẽ biết được sự thờ phượng thanh sạch bị làm ô uế đến mức nào, tìm hiểu cách Đức Giê-hô-va khôi phục và bảo vệ dân ngài, đồng thời nhìn đến tương lai khi mọi vật sống đều thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trong chương tới, chúng ta sẽ xem xét khải tượng đầu tiên do Ê-xê-chi-ên ghi lại. Khải tượng này giúp chúng ta hình dung về Đức Giê-hô-va và phần trên trời của tổ chức ngài, nhờ đó chúng ta hiểu rõ hơn tại sao chỉ mình ngài mới xứng đáng nhận được sự thờ phượng thanh sạch và chuyên độc.

^ đ. 4 Rất có thể A-bên được sinh ra ít lâu sau khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn Ê-đen (Sáng 4:1, 2). Sáng thế 4:25 cho biết Đức Chúa Trời sắp đặt để Sết thay thế cho A-bên. Sau khi A-bên bị giết, A-đam sinh Sết lúc 130 tuổi (Sáng 5:3). Vì vậy, có lẽ A-bên khoảng 100 tuổi khi bị Ca-in giết.

^ đ. 15 Sáng thế 4:26 nói rằng vào thời Ê-nót, cháu nội của A-đam, “người ta đã bắt đầu kêu danh Đức Giê-hô-va”. Nhưng rõ ràng họ kêu cầu một cách bất kính, có thể là gán danh Đức Giê-hô-va cho các thần tượng.

^ đ. 17 Thần Nanna cũng được gọi với tên là Sin. Dù cư dân thành U-rơ thờ nhiều thần, nhưng các đền thờ và bàn thờ trong thành chủ yếu được dành cho thần ấy.

^ đ. 24 Sau khi Hòm Giao Ước bị lấy đi khỏi lều thánh, dường như Đức Giê-hô-va chấp nhận vật tế lễ được dâng ở những nơi khác, chứ không chỉ ở lều thánh.—1 Sa 4:3, 11; 7:7-9; 10:8; 11:14, 15; 16:4, 5; 1 Sử 21:26-30.

^ đ. 28 Dường như Ê-xê-chi-ên được 30 tuổi khi bắt đầu nói tiên tri vào năm 613 TCN. Vì thế, có lẽ ông ra đời vào khoảng năm 643 TCN (Ê-xê 1:1). Giô-si-a bắt đầu cai trị vào năm 659 TCN và sách Luật pháp, rất có thể là bản gốc, được tìm thấy vào thời điểm nào đó gần năm thứ 18 triều đại của ông, hay khoảng năm 642-641 TCN.