Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 13

“Hãy miêu tả đền thờ”

“Hãy miêu tả đền thờ”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 43:10

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Ý nghĩa của khải tượng về đền thờ nguy nga mà Ê-xê-chi-ên thấy

1-3. (a) Tại sao Ê-xê-chi-ên tìm được sự an ủi qua khải tượng về một khu đền thờ nguy nga? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương này?

Hãy hình dung Ê-xê-chi-ên đã 50 tuổi. Lúc này, ông có thể nhìn lại quãng thời gian 25 năm bị lưu đày. Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy từ lâu. Nếu Ê-xê-chi-ên từng ấp ủ hy vọng được phụng sự với tư cách là thầy tế lễ ở đó thì hy vọng ấy cũng bị tiêu tan. Thời kỳ lưu đày còn kéo dài khoảng 56 năm nữa. Vì thế, Ê-xê-chi-ên hiểu rằng có lẽ ông không sống đến lúc được chứng kiến dân của Đức Giê-hô-va hồi hương, chứ chưa nói gì đến việc thấy đền thờ được tái thiết (Giê 25:11). Những suy nghĩ này có khiến Ê-xê-chi-ên buồn rầu không?

2 Đức Giê-hô-va thật nhân từ khi chọn thời điểm này để ban cho Ê-xê-chi-ên một khải tượng rất chi tiết, một khải tượng chắc hẳn sẽ mang lại cho người trung thành này nhiều sự an ủi và hy vọng! Qua khải tượng ấy, nhà tiên tri được đem về quê hương và được đặt trên một ngọn núi rất cao. Tại đó, ông gặp “một người trông sáng loáng như đồng”. Thiên sứ này đưa ông đi tham quan tỉ mỉ một khu đền thờ nguy nga. (Đọc Ê-xê-chi-ên 40:1-4). Tất cả giống y như thật! Đối với Ê-xê-chi-ên, trải nghiệm này hẳn khiến ông được củng cố đức tin, choáng ngợp và có lẽ hơi bối rối. Dù đền thờ mà ông thấy có nhiều đặc điểm quen thuộc, nhưng đền thờ này rất khác biệt với đền thờ mà ông từng thấy ở Giê-ru-sa-lem.

3 Khải tượng đáng chú ý này được ghi lại trong chín chương cuối của sách Ê-xê-chi-ên. Giờ đây, hãy thảo luận về thái độ mà chúng ta nên có khi tìm hiểu khải tượng này. Sau đó, chúng ta sẽ xem đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên có phải là đền thờ thiêng liêng vĩ đại mà sứ đồ Phao-lô nói đến nhiều thế kỷ sau hay không. Cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu khải tượng này có ý nghĩa gì với Ê-xê-chi-ên và với những người cùng bị lưu đày.

Cần một cách giải thích khác

4. Liên quan đến khải tượng về đền thờ, chúng ta từng giải thích thế nào, nhưng hiện nay chúng ta cần làm gì?

4 Trước đây, ấn phẩm của chúng ta nói rằng Ê-xê-chi-ên đã thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va, là đền thờ mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để nói đến trong thư gửi người Hê-bơ-rơ. * Theo sự giải thích đó, dường như hợp lý để gán ý nghĩa tượng trưng cho một số đặc điểm của đền thờ trong khải tượng mà Ê-xê-chi-ên thấy. Chúng ta đã làm thế dựa vào sự giải thích của sứ đồ Phao-lô về lều thánh. Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện, nghiên cứu và suy ngẫm thêm, chúng ta thấy cần giải thích khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ một cách đơn giản hơn.

5, 6. (a) Khi thảo luận về lều thánh, sứ đồ Phao-lô cho thấy sự khiêm nhường như thế nào? (b) Phao-lô nói gì liên quan đến một số chi tiết về lều thánh? Về nguyên tắc, chúng ta có thể áp dụng ý tưởng của ông như thế nào để hiểu khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ?

5 Dường như điều khôn ngoan là chúng ta không tìm một ý nghĩa tiên tri hoặc ý nghĩa tượng trưng cho mỗi đặc điểm của đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Tại sao? Hãy xem một ví dụ đáng chú ý. Khi thảo luận về lều thánh và đền thờ thiêng liêng, Phao-lô nhắc đến các chi tiết của lều thánh, chẳng hạn như lư hương bằng vàng, nắp Hòm Giao Ước và bình bằng vàng đựng ma-na. Ông có gán ý nghĩa tiên tri cho những chi tiết này không? Rõ ràng thần khí thánh không thúc đẩy ông làm thế. Thay vì vậy, Phao-lô viết: “Bây giờ không phải là lúc để nói chi tiết về những điều ấy” (Hê 9:4, 5). Ông sẵn lòng để thần khí thánh hướng dẫn và khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va.—Hê 9:8.

6 Về nguyên tắc, chúng ta cũng có thể xem khải tượng của Ê-xê-chi-ên theo cách tương tự. Khải tượng này cũng bao gồm rất nhiều chi tiết. Dường như điều tốt nhất là khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va, ngài sẽ làm rõ vấn đề nếu cần thiết. (Đọc Mi-chê 7:7). Dù vậy, chúng ta có nên kết luận rằng thần khí của Đức Giê-hô-va không làm sáng tỏ thêm về khải tượng này không? Hoàn toàn không!

Ê-xê-chi-ên có thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại không?

7, 8. (a) Có sự điều chỉnh nào về sự hiểu biết của chúng ta? (b) Đền thờ trong khải tượng khác biệt thế nào với đền thờ thiêng liêng mà Phao-lô miêu tả?

7 Như được đề cập ở trên, nhiều năm qua ấn phẩm của chúng ta giải thích rằng Ê-xê-chi-ên đã thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va, là đền thờ mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để nói đến trong thư gửi người Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kỹ hơn giúp chúng ta kết luận rằng Ê-xê-chi-ên đã không thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại. Tại sao?

8 Thứ nhất, đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy không phù hợp với sự giải thích được soi dẫn của Phao-lô. Hãy xem xét điều này: Sứ đồ Phao-lô cho biết rõ lều thánh vào thời Môi-se là hình ảnh mô phỏng và là bóng của một điều vĩ đại hơn. Giống như đền thờ của Sa-lô-môn và Xô-rô-ba-bên, là những đền thờ được thiết kế theo cùng một khuôn mẫu cơ bản, lều thánh cũng bao gồm “Gian Chí Thánh”. Phao-lô gọi gian này là “nơi thánh do tay con người dựng nên” và cho biết đó là “bản sao của nơi thánh thật”, chứ không phải là nơi thánh thật. Vậy nơi thánh thật là gì? Phao-lô cho biết đó là “trời”, tức nơi ngự của Đức Giê-hô-va (Hê 9:3, 24). Ê-xê-chi-ên có nhìn thấy nơi này không? Không. Không chi tiết nào trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên cho biết ông đã thấy những điều thuộc về “trời”.—So sánh Đa-ni-ên 7:9, 10, 13, 14.

9, 10. Liên quan đến vật tế lễ, đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên khác với đền thờ thiêng liêng vĩ đại mà Phao-lô miêu tả như thế nào?

9 Một điểm khác biệt đáng chú ý hơn nữa giữa khải tượng của Ê-xê-chi-ên và sự miêu tả của Phao-lô là vật tế lễ. Ê-xê-chi-ên đã nghe những chỉ dẫn chi tiết được ban cho dân chúng, các thủ lĩnh và thầy tế lễ về việc dâng vật tế lễ. Họ phải dâng vật tế lễ vì tội lỗi của chính mình. Họ cũng phải dâng vật tế lễ hòa thuận và có thể dùng một phần của vật tế lễ này tại các phòng ăn của đền thờ (Ê-xê 43:18, 19; 44:11, 15, 27; 45:15-20, 22-25). Những vật tế lễ giống như thế được dâng nhiều lần. Điều này có xảy ra trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại không?

Đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên không phải là đền thờ thiêng liêng vĩ đại

10 Câu trả lời rất rõ ràng và đơn giản. Phao-lô giải thích: “Khi Đấng Ki-tô đến với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm để mang lại những điều tốt lành mà nay đã diễn ra, ngài đã đi qua cái lều lớn và hoàn hảo hơn, không phải do tay con người làm nên, tức không thuộc về đất. Ngài vào nơi thánh, không phải với huyết dê và bò đực tơ mà với huyết chính mình, một lần đủ cả, và giải cứu chúng ta vĩnh viễn” (Hê 9:11, 12). Vì thế, trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại, chỉ có một vật tế lễ được dâng một lần đủ cả. Đó là sự hy sinh làm giá chuộc được chính Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn là Chúa Giê-su Ki-tô dâng. Rõ ràng, đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên với nhiều vật tế lễ gồm dê và bò đực được dâng ở đó không phải là đền thờ thiêng liêng vĩ đại.

11. Tại sao thời của Ê-xê-chi-ên không phải là thời điểm Đức Chúa Trời tiết lộ những sự thật về đền thờ thiêng liêng vĩ đại?

11 Điều này dẫn đến lý do thứ hai cho biết tại sao Ê-xê-chi-ên đã không thấy đền thờ thiêng liêng vĩ đại: Đó không phải là thời điểm Đức Chúa Trời tiết lộ những sự thật ấy. Hãy nhớ là khải tượng của Ê-xê-chi-ên trước tiên được dành cho những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Họ sống dưới Luật pháp Môi-se. Khi thời kỳ lưu đày kết thúc, họ phải quay trở về Giê-ru-sa-lem và làm theo Luật pháp liên quan đến sự thờ phượng thanh sạch bằng cách tái thiết đền thờ và bàn thờ. Họ sẽ tiếp tục dâng vật tế lễ ở đó trong gần sáu thế kỷ. Hãy hình dung người Do Thái sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu khải tượng của Ê-xê-chi-ên cho họ biết về đền thờ thiêng liêng. Trong đền thờ này, thầy tế lễ thượng phẩm dâng vật tế lễ là chính mạng sống của ông và sau đó, tất cả các vật tế lễ khác bị hủy bỏ. Làm sao họ có thể hiểu được một khải tượng như thế? Lòng quyết tâm của họ trong việc vâng theo Luật pháp Môi-se có thể bị suy yếu không? Như thường lệ, Đức Giê-hô-va chỉ tiết lộ những sự thật vào đúng thời điểm và vào lúc dân ngài đã sẵn sàng để tiếp thu.

12-14. Đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy và sự giải thích của sứ đồ Phao-lô về đền thờ thiêng liêng có mối liên hệ nào? (Xem khung “Đền thờ khác nhau, bài học khác nhau”).

12 Vậy khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ và sự giải thích của Phao-lô về đền thờ thiêng liêng có mối liên hệ gì với nhau? Hãy nhớ là sự giải thích của Phao-lô dựa vào lều thánh trong thời Môi-se, chứ không dựa vào khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ. Đúng là Phao-lô đã đề cập đến một số đặc điểm xuất hiện trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ và cũng xuất hiện trong đền thờ của Sa-lô-môn và Xô-rô-ba-bên. Nhưng nhìn chung thì Ê-xê-chi-ên và Phao-lô tập trung vào điều khác nhau. * Thay vì miêu tả cùng một thứ, khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ và sự giải thích của Phao-lô bổ sung cho nhau. Như thế nào?

13 Chúng ta có thể nghĩ đến mối liên hệ giữa hai đoạn Kinh Thánh này như sau: Chúng ta học được từ Phao-lô về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng, nhưng chúng ta học được từ Ê-xê-chi-ên về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng. Để dạy chúng ta bài học về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch, Phao-lô tiết lộ ý nghĩa của những đặc điểm trong đền thờ thiêng liêng, chẳng hạn như thầy tế lễ thượng phẩm, vật tế lễ, bàn thờ và Gian Chí Thánh. Nhưng để nhấn mạnh các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch, khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ cung cấp một bức tranh chi tiết, qua đó giúp chúng ta khắc ghi vào lòng và trí nhiều bài học về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.

14 Vậy sự hiểu biết được điều chỉnh này ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? Sự hiểu biết đó hẳn không có nghĩa là khải tượng của Ê-xê-chi-ên có ít ý nghĩa hơn đối với chúng ta ngày nay. Để biết khải tượng này mang lại lợi ích nào cho chúng ta, hãy xem người Do Thái trung thành vào thời Ê-xê-chi-ên và thời sau đó đã nhận được lợi ích nào từ khải tượng này.

Khải tượng có ý nghĩa gì với người Do Thái bị lưu đày?

15. (a) Khải tượng của Ê-xê-chi-ên có thông điệp tổng quát nào? (b) Có sự tương phản nào giữa Ê-xê-chi-ên chương 8chương 40 đến 48?

15 Để tìm lời giải đáp của Kinh Thánh cho câu hỏi này, hãy xem một loạt câu hỏi liên quan. Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta thấy một bức tranh trọn vẹn. Thứ nhất, thông điệp tổng quát của khải tượng là gì? Nói đơn giản, thông điệp tổng quát là sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục. Đây là điều rất rõ ràng với Ê-xê-chi-ên. Lúc đó, ông đã viết xong nội dung trong chương 8 của sách mang tên mình. Trong chương này, Đức Giê-hô-va cho ông thấy những cảnh tượng sống động về tình trạng tồi tệ của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Hẳn Ê-xê-chi-ên cảm thấy hào hứng khi miêu tả chi tiết một cảnh tượng hoàn toàn tương phản như được thấy trong chương 40 đến 48. Trong các chương này, chúng ta không thấy sự thờ phượng thanh sạch bị bại hoại, nhưng thấy khuôn mẫu hoàn hảo của việc thờ phượng Đức Giê-hô-va theo Luật pháp Môi-se.

16. Làm thế nào khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ khẳng định điều mà Ê-sai tiên tri trước đó một thế kỷ?

16 Để khôi phục sự thờ phượng dành cho Đức Giê-hô-va vào đúng vị trí của nó, sự thờ phượng đó cần được nâng lên cao. Hơn một thế kỷ trước, nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn để viết: “Trong những ngày sau cùng, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững cao hơn đỉnh các núi, được nâng cao hơn hẳn các đồi” (Ê-sai 2:2). Ê-sai báo trước rõ ràng là sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục và nâng lên cao, như thể được đặt trên đỉnh núi cao nhất. Trong khải tượng này, Ê-xê-chi-ên được đặt ở đâu? Ông được đặt “trên một ngọn núi rất cao” và đang nhìn nhà của Đức Giê-hô-va (Ê-xê 40:2). Vậy khải tượng của Ê-xê-chi-ên khẳng định rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục.

Đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy ở một nơi rất cao (Xem đoạn 16)

17. Hãy cho biết sơ lược về sách Ê-xê-chi-ên chương 40 đến 48.

17 Hãy xem sơ lược điều mà Ê-xê-chi-ên thấy và nghe, như được ghi nơi Ê-xê-chi-ên chương 40 đến 48. Ông chứng kiến thiên sứ đo cổng, tường, sân và nơi thánh của đền thờ (Ê-xê 40-42). Tiếp đó là một sự kiện hào hứng: Đức Giê-hô-va đến đền thờ trong sự vinh quang. Đức Giê-hô-va đã khuyên nhủ dân ương ngạnh của ngài, các thầy tế lễ và thủ lĩnh (Ê-xê 43:1-12; 44:10-31; 45:9-12). Ê-xê-chi-ên thấy một dòng sông ra từ nơi thánh, mang lại sự sống và ân phước trên suốt dòng chảy dẫn đến Biển Chết (Ê-xê 47:1-12). Ông cũng thấy xứ được chia thành các mảnh đất có kích thước chính xác và sự thờ phượng thanh sạch diễn ra gần trung tâm của xứ (Ê-xê 45:1-8; 47:13–48:35). Thông điệp tổng quát là gì? Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đảm bảo với dân ngài rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ được khôi phục và nâng lên cao. Ngài sẽ hiện diện trong nhà thờ phượng của ngài và sẽ khiến ân phước “chảy ra” từ đền thờ ấy, qua đó mang lại sự chữa lành, sự sống và trật tự cho xứ được khôi phục.

Đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên là hình ảnh huy hoàng cho thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ khôi phục sự thờ phượng thanh sạch (Xem đoạn 17)

18. Khải tượng về đền thờ có thể được hiểu theo nghĩa đen không? Hãy giải thích.

18 Thứ hai, khải tượng này có thể được hiểu theo nghĩa đen không? Không. Ê-xê-chi-ên và những người nghe ông kể lại khải tượng hẳn đã nhận ra ngay rằng khải tượng này không thể hiểu theo nghĩa đen. Tại sao? Hãy nhớ là Ê-xê-chi-ên thấy đền thờ này trên “một ngọn núi rất cao”. Dù sự miêu tả này phù hợp với lời tiên tri của Ê-sai nhưng không phù hợp với địa điểm thực tế của đền thờ mà Sa-lô-môn xây. Đền thờ này tọa lạc trên núi Mô-ri-a ở Giê-ru-sa-lem. Đó là nơi mà sau này đền thờ được tái thiết. Nhưng đó có phải là “một ngọn núi rất cao” không? Không. Thực tế, núi Mô-ri-a được bao quanh bởi các đỉnh núi khác có độ cao ngang bằng hoặc lớn hơn. Ngoài ra, khu đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy thật rộng lớn. Với chu vi lớn và được bao bọc bởi một bức tường, khu đền thờ không thể nằm trọn trên đỉnh núi Mô-ri-a. Thậm chí thành Giê-ru-sa-lem vào thời Sa-lô-môn cũng không đủ diện tích để chứa khu đền thờ. Hơn nữa, những người bị lưu đày hẳn không nghĩ rằng một dòng sông theo nghĩa đen sẽ ra từ nơi thánh đền thờ và chảy vào Biển Chết, là nơi mà dòng sông sẽ đem lại sự sống cho biển vốn không có sự sống này. Cuối cùng, vì địa hình của Đất Hứa là đồi núi nên biên giới giữa các chi phái không thể song song và thẳng tắp như được miêu tả trong khải tượng. Vì thế, khải tượng này không thể hiểu theo nghĩa đen.

19-21. Đức Giê-hô-va muốn khải tượng của Ê-xê-chi-ên có tác động nào đến dân chúng? Tại sao khải tượng ấy có thể tác động đến họ theo cách đó?

19 Thứ ba, Đức Giê-hô-va muốn khải tượng này có tác động nào đến những người đồng hương của Ê-xê-chi-ên? Khi suy ngẫm về các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch, dân chúng lẽ ra phải xấu hổ. Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên “miêu tả đền thờ cho nhà Y-sơ-ra-ên”. Ê-xê-chi-ên phải miêu tả đền thờ này chi tiết đến mức người Y-sơ-ra-ên có thể hình dung “kiểu mẫu của đền”. Tại sao dân chúng cần suy ngẫm về đền thờ ấy? Như chúng ta đã thấy, lý do không phải là để xây đền thờ. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va cho biết lý do là “để chúng xấu hổ về lỗi lầm mình”.—Đọc Ê-xê-chi-ên 43:10-12.

20 Tại sao khải tượng này có thể động đến lòng của những người có lòng thành và khiến họ xấu hổ? Hãy lưu ý đến điều Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Hỡi con người, hãy để tâm, nhìn thật kỹ và nghe thật rõ mọi điều ta nói với con về điều lệ và luật của đền thờ Đức Giê-hô-va” (Ê-xê 44:5). Hết lần này đến lần khác, Ê-xê-chi-ên đã nghe về các luật và điều lệ (Ê-xê 43:11, 12; 44:24; 46:14). Ê-xê-chi-ên cũng thường được nhắc nhở về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, ngay cả tiêu chuẩn về độ dài của một cu-bít và đơn vị đo trọng lượng (Ê-xê 40:5; 45:10-12; so sánh Châm ngôn 16:11). Trong khải tượng này, Ê-xê-chi-ên ghi lại từ “đo” và từ “kích thước” hơn 50 lần trong nguyên ngữ.

21 Khi đề cập đến việc đo và cân, luật và điều lệ, Đức Giê-hô-va muốn nói gì với dân ngài? Bằng lời lẽ mạnh mẽ, dường như ngài đang nhắc nhở họ một sự thật chính yếu: Chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền đặt ra các tiêu chuẩn cho sự thờ phượng thanh sạch. Những người từ bỏ các tiêu chuẩn này cần cảm thấy xấu hổ. Nhưng làm thế nào khải tượng này dạy những người Do Thái bài học như thế? Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét một vài ví dụ cụ thể. Qua đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn khải tượng đáng chú ý này có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay.

Tại sao khải tượng về đền thờ khiến những người có lòng thành cảm thấy xấu hổ? (Xem đoạn 19-21)

^ đ. 4 Đền thờ thiêng liêng là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta hiểu rằng đền thờ thiêng liêng bắt đầu hiện hữu vào năm 29 CN.

^ đ. 12 Chẳng hạn, Phao-lô tập trung vào thầy tế lễ thượng phẩm và vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm trong ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm (Hê 2:17; 3:1; 4:14-16; 5:1-10; 7:1-17, 26-28; 8:1-6; 9:6-28). Nhưng khải tượng của Ê-xê-chi-ên không đề cập đến cả thầy tế lễ thượng phẩm lẫn ngày Lễ Chuộc Tội.