Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 16

‘Hãy đánh dấu trên trán’

‘Hãy đánh dấu trên trán’

Ê-XÊ-CHI-ÊN 9:4

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Cách những người trung thành vào thời Ê-xê-chi-ên được đánh dấu để sống sót và ý nghĩa của việc đánh dấu đối với chúng ta thời nay

1-3. (a) Tại sao Ê-xê-chi-ên vô cùng sững sờ, và ông được biết điều gì về sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Ê-xê-chi-ên vô cùng sững sờ! Ông vừa thấy một khải tượng về những điều ghê tởm mà dân Do Thái bội đạo đã làm trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. * Những kẻ phản nghịch này đã làm ô uế đền thờ, là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch ở Y-sơ-ra-ên. Nhưng sự ô uế không dừng lại ở đó. Cả xứ Giu-đa bị ô uế bởi tình trạng bạo lực và trở nên vô phương cứu chữa. Vì bị xúc phạm nặng nề bởi việc làm xấu xa của dân mà ngài đã chọn, Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ giận dữ mà ra tay”.—Ê-xê 8:17, 18.

2 Ê-xê-chi-ên rất đau lòng khi biết Giê-ru-sa-lem và đền thờ từng được xem là thánh sẽ phải gánh chịu cơn giận dữ của Đức Giê-hô-va và bị hủy diệt. Hẳn Ê-xê-chi-ên tự hỏi: “Vậy còn những người trung thành ở trong thành thì sao? Họ sẽ được cứu không? Nếu được cứu thì bằng cách nào?”. Ê-xê-chi-ên không phải đợi lâu để biết câu trả lời. Ngay sau khi nghe sự phán xét nghiêm khắc dành cho Giê-ru-sa-lem, ông nghe một tiếng lớn triệu tập những người thi hành án phạt của Đức Chúa Trời (Ê-xê 9:1). Sau đó, nhà tiên tri cảm thấy nhẹ nhõm khi được biết rằng sự hủy diệt ấy mang tính chọn lọc, chứ không phải là ngẫu nhiên. Đúng vậy, những người xứng đáng sẽ được sống sót.

3 Vì sự kết thúc của thế gian gian ác này gần kề, chúng ta cũng có thể thắc mắc về việc ai sẽ được sống sót khi sự hủy diệt khủng khiếp xảy ra. Vậy hãy xem xét: (1) Ê-xê-chi-ên thấy điều gì tiếp theo trong khải tượng? (2) Khải tượng được ứng nghiệm vào thời ông như thế nào? (3) Khải tượng mang tính tiên tri này có ý nghĩa gì vào thời chúng ta?

“Hãy triệu tập những người sẽ trừng phạt”

4. Hãy miêu tả điều tiếp theo mà Ê-xê-chi-ên thấy và nghe trong khải tượng.

4 Ê-xê-chi-ên thấy và nghe điều gì tiếp theo trong khải tượng? (Đọc Ê-xê-chi-ên 9:1-11). Bảy người nam đến “từ hướng cổng trên, là cổng nhìn về hướng bắc”, có lẽ ở gần vị trí của hình tượng ghen tuông hoặc gần nơi các phụ nữ than khóc thần Tham-mu (Ê-xê 8:3, 14). Bảy người nam vào sân trong của đền thờ và đứng gần bàn thờ bằng đồng. Nhưng họ không đến đó để dâng vật tế lễ. Đức Giê-hô-va không còn chấp nhận vật tế lễ được dâng tại đền thờ đó nữa. Sáu người nam đều “cầm trên tay vũ khí để đập tan”. Người thứ bảy rất khác biệt. Ông mặc áo vải lanh và không mang vũ khí, nhưng đeo “hộp mực của thư ký”.

5, 6. Chúng ta có thể kết luận điều gì về những người được đánh dấu? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Người đeo hộp mực có nhiệm vụ gì? Ông nhận trọng trách từ chính Đức Giê-hô-va: “Hãy đi khắp thành, khắp Giê-ru-sa-lem, đánh dấu trên trán những người than thở và rên xiết vì mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong thành”. Có lẽ ngay lập tức Ê-xê-chi-ên nghĩ đến những bậc cha mẹ trung thành của Y-sơ-ra-ên, họ đã lấy máu để đánh dấu lên thanh ngang và thanh dọc cửa nhà làm dấu hiệu hầu các con đầu lòng của họ được cứu khi tai vạ xảy ra (Xuất 12:7, 22, 23). Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, phải chăng dấu được người đeo hộp mực đánh trên trán của một người cũng có mục đích tương tự? Có phải đó là dấu hiệu cho thấy người ấy sẽ sống sót khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt không?

6 Câu trả lời rất rõ ràng khi chúng ta xem xét cơ sở của việc được đánh dấu. Dấu được đánh trên trán của những người “than thở và rên xiết vì mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong thành”. Vậy chúng ta kết luận thế nào về những người được đánh dấu? Họ rất đau lòng không chỉ về việc thờ thần tượng diễn ra tại đền thờ mà còn về sự hung bạo, vô luân và bại hoại lan tràn khắp Giê-ru-sa-lem (Ê-xê 22:9-12). Ngoài ra, hẳn họ đã không che giấu cảm xúc của mình. Chắc hẳn lời nói và hành động của những người có lòng thành cho thấy họ ghê tởm những điều đang diễn ra trong xứ, và cũng cho thấy lòng sùng kính của họ dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Vì lòng thương xót, Đức Giê-hô-va sẽ bảo toàn mạng sống của những người xứng đáng này.

7, 8. Những người cầm vũ khí để đập tan thi hành sứ mạng của họ ra sao, và kết cuộc là gì?

7 Vậy sáu người nam cầm vũ khí để đập tan cần thi hành nhiệm vụ như thế nào? Ê-xê-chi-ên nghe thấy Đức Giê-hô-va cho họ lời chỉ dẫn là phải theo sau người đeo hộp mực và giết tất cả mọi người ngoại trừ những ai được đánh dấu trên trán. Đức Giê-hô-va phán: “Hãy bắt đầu từ nơi thánh ta” (Ê-xê 9:6). Những người hành quyết phải bắt đầu công việc đó ở đền thờ, là nơi quan trọng nhất của Giê-ru-sa-lem nhưng không còn thánh trước mắt Đức Giê-hô-va. Những người bị hành quyết đầu tiên là “các trưởng lão đang ở trước nhà ngài”, tức 70 trưởng lão của nhà Y-sơ-ra-ên đang dâng hương cho các thần giả ở trong đền thờ.—Ê-xê 8:11, 12; 9:6.

8 Kết cuộc là gì? Khi Ê-xê-chi-ên tiếp tục chứng kiến khải tượng, ông thấy người đeo hộp mực báo với Đức Giê-hô-va: “Con đã làm y như lệnh ngài truyền” (Ê-xê 9:11). Có lẽ chúng ta thắc mắc: “Rốt cuộc cư dân Giê-ru-sa-lem ra sao rồi? Có người trung thành nào sống sót qua sự hủy diệt không?”.

Khải tượng được ứng nghiệm vào thời Ê-xê-chi-ên như thế nào?

9, 10. Một số người trung thành nào được sống sót qua sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem, và chúng ta có thể kết luận thế nào về họ?

9 Đọc 2 Sử ký 36:17-20. Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm vào năm 607 TCN khi quân Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Như ‘chén trong tay Đức Giê-hô-va’, người Ba-by-lôn là công cụ mà Đức Giê-hô-va dùng để trút sự trừng phạt trên Giê-ru-sa-lem bất trung (Giê 51:7). Nhưng có phải là mọi người đều bị hành quyết không? Không. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên báo trước rằng một số cư dân sẽ không bị người Ba-by-lôn giết.—Sáng 18:22-33; 2 Phi 2:9.

10 Nhiều người trung thành đã sống sót, trong đó có dòng họ Rê-cáp, Ê-bết-mê-lết người Ê-thi-ô-bi, nhà tiên tri Giê-rê-mi và thư ký của ông là Ba-rúc (Giê 35:1-19; 39:15-18; 45:1-5). Qua khải tượng của Ê-xê-chi-ên, chúng ta có thể kết luận rằng những người như thế đã “than thở và rên xiết vì mọi điều ghê tởm” xảy ra ở Giê-ru-sa-lem (Ê-xê 9:4). Trước khi thành này bị hủy diệt, hẳn họ đã cho thấy mình cương quyết bác bỏ điều ác và thể hiện lòng sùng kính đối với sự thờ phượng thanh sạch. Nhờ thế, họ có triển vọng được bảo toàn mạng sống.

11. Sáu người cầm vũ khí để đập tan và người đeo hộp mực của thư ký tượng trưng cho ai?

11 Những người trung thành này có được đánh dấu theo nghĩa đen không? Kinh Thánh không ghi lại rằng có bất cứ người nào, kể cả Ê-xê-chi-ên hay các nhà tiên tri khác, đã đi khắp Giê-ru-sa-lem và đánh dấu trên trán của những người trung thành. Vậy rõ ràng, khải tượng mang tính tiên tri của Ê-xê-chi-ên tiết lộ điều mà các tạo vật thần linh làm. Vì vậy, con người không thể thấy điều ấy. Người đeo hộp mực và sáu người cầm vũ khí để đập tan tượng trưng cho các tạo vật thần linh trung thành của Đức Giê-hô-va, là những tạo vật luôn sẵn sàng thực thi ý muốn của ngài (Thi 103:20, 21). Hẳn Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để hướng dẫn việc thi hành sự phán xét trên Giê-ru-sa-lem bất trung. Các thiên sứ đảm bảo rằng sự phán xét mang tính chọn lọc, không phải là sự hủy diệt bừa bãi. Khi làm thế, họ như thể đang đánh dấu trên trán của những người sẽ được cứu.

Khải tượng của Ê-xê-chi-ên có ý nghĩa gì trong thời nay?

12, 13. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va trút cơn thịnh nộ của ngài trên Giê-ru-sa-lem? Tại sao chúng ta biết ngài cũng sẽ làm vậy vào thời nay? (b) Giê-ru-sa-lem bất trung có tượng trưng cho khối Ki-tô giáo không? Hãy giải thích. (Xem khung “Giê-ru-sa-lem xưa có tượng trưng cho khối Ki-tô giáo không?”).

12 Chúng ta sắp đối mặt với việc thi hành sự phán xét chưa từng có đến từ Đức Giê-hô-va. Đó là “hoạn nạn lớn chưa từng có kể từ khi có loài người cho tới nay, và sau này cũng không xảy ra nữa” (Mat 24:21). Trong khi chúng ta chờ đợi biến cố đó, một số câu hỏi quan trọng được nêu lên: Có phải sự hủy diệt sắp đến mang tính chọn lọc, chứ không phải là ngẫu nhiên? Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có được đánh dấu bằng một cách nào đó để sống sót không? Nói cách khác, khải tượng của Ê-xê-chi-ên về người đeo hộp mực có được ứng nghiệm vào thời nay không? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi này là có. Tại sao chúng ta có thể kết luận như thế? Để biết câu trả lời, hãy cùng quay trở lại khải tượng của Ê-xê-chi-ên.

13 Anh chị có nhớ lý do Đức Giê-hô-va trút cơn thịnh nộ của ngài trên Giê-ru-sa-lem xưa không? Hãy xem lại Ê-xê-chi-ên 9:8, 9. (Đọc). Ê-xê-chi-ên lo sợ rằng sự hủy diệt sắp đến có thể đồng nghĩa với việc hủy diệt “hết những người còn sót lại của Y-sơ-ra-ên”. Lúc đó, Đức Giê-hô-va nêu ra bốn lý do để phán quyết. Thứ nhất, “lỗi lầm” của dân “thật quá lớn”. * Thứ hai, cả xứ Giu-đa “đầy dẫy sự đổ máu”. Thứ ba, Giê-ru-sa-lem, thủ đô của vương quốc Giu-đa, “đầy dẫy sự bại hoại”. Thứ tư, dân chúng bào chữa cho đường lối gian ác của mình bằng cách tự thuyết phục rằng Đức Giê-hô-va “chẳng thấy” hành vi gian ác của họ. Chẳng phải những lời này của Đức Giê-hô-va giống như một bản cáo trạng đối với thế gian vô luân, bạo lực, bại hoại và bất trung ngày nay hay sao? Vì Đức Giê-hô-va “không thay đổi hoặc xê dịch” nên chắc chắn điều khiến ngài nổi giận một cách chính đáng vào thời Ê-xê-chi-ên cũng sẽ làm ngài nổi giận vào thời chúng ta (Gia 1:17; Mal 3:6). Vì thế, điều hợp lý là sáu người cầm vũ khí để đập tan và người đeo hộp mực cũng sẽ có nhiệm vụ cần làm vào thời hiện đại.

Sáu người nam cầm vũ khí để đập tan sẽ sớm thi hành công việc (Xem đoạn 12, 13)

14, 15. Những trường hợp nào cho thấy Đức Giê-hô-va cảnh báo người ta trước thời kỳ hủy diệt?

14 Nhưng khải tượng của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm vào thời chúng ta như thế nào? Nếu xem lại sự ứng nghiệm của khải tượng này trong quá khứ, chúng ta biết mình có thể mong đợi điều gì bây giờ và trong tương lai. Hãy xem xét một số diễn biến mà chúng ta đã và sẽ thấy làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên.

15 Đức Giê-hô-va cảnh báo người ta trước thời kỳ hủy diệt. Như được đề cập trong Chương 11, Đức Giê-hô-va lập Ê-xê-chi-ên “làm người canh cho nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-xê 3:17-19). Bắt đầu từ năm 613 TCN, Ê-xê-chi-ên cảnh báo rõ ràng với dân Y-sơ-ra-ên về sự hủy diệt sắp đến. Các nhà tiên tri khác, kể cả Ê-sai và Giê-rê-mi, cũng phát đi lời cảnh báo về thảm họa sẽ giáng xuống Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 39:6, 7; Giê 25:8, 9, 11). Vào thời chúng ta, qua Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va dùng một nhóm nhỏ gồm các tín đồ được xức dầu không chỉ để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho những người thờ phượng thanh sạch, tức các gia nhân, mà còn để cảnh báo người khác về hoạn nạn lớn sắp đến.—Mat 24:45.

16. Dân của Đức Giê-hô-va có đánh dấu những ai sẽ được sống sót không? Hãy giải thích.

16 Dân của Đức Giê-hô-va không đánh dấu những người sẽ được sống sót. Hãy nhớ rằng Ê-xê-chi-ên không được phái đi khắp Giê-ru-sa-lem để đánh dấu người khác. Tương tự, dân của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng không được phái đi để đánh dấu người xứng đáng sống sót. Thay vì thế, là các gia nhân trong nhà thiêng liêng của Đấng Ki-tô, chúng ta được giao sứ mạng là rao giảng. Chúng ta cho thấy mình xem trọng sứ mạng này bằng cách sốt sắng chia sẻ tin mừng về Nước Trời và phát đi lời cảnh báo rằng thế gian gian ác này đang mau đến hồi kết thúc (Mat 24:14; 28:18-20). Qua đó, chúng ta góp phần vào việc giúp những người có lòng thành đi theo sự thờ phượng thanh sạch.—1 Ti 4:16.

17. Người ta cần làm gì ngay từ bây giờ để có thể được đánh dấu trong tương lai?

17 Để sống sót qua sự hủy diệt sắp đến, mỗi người cần chứng tỏ mình có đức tin ngay từ bây giờ. Như đã đề cập ở trên, những người sống sót qua sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN đã cho thấy trước đó rằng họ cương quyết bác bỏ điều ác và thể hiện lòng sùng kính với sự thờ phượng thanh sạch. Ngày nay cũng vậy. Trước khi sự hủy diệt xảy ra, người ta cần “than thở và rên xiết”, tức rất buồn lòng về sự gian ác của thế gian này. Thay vì che giấu cảm xúc, họ phải thể hiện lòng sùng kính với sự thờ phượng thanh sạch qua lời nói và hành động. Họ có thể làm vậy như thế nào? Họ cần hưởng ứng thông điệp đang được rao giảng, mặc lấy nhân cách giống với nhân cách của Đấng Ki-tô, báp-têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trung thành ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô (Ê-xê 9:4; Mat 25:34-40; Ê-phê 4:22-24; 1 Phi 3:21). Chỉ những ai có một đời sống như thế ngay bây giờ và vẫn dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch lúc hoạn nạn lớn xảy ra mới được đánh dấu để sống sót.

18. (a) Chúa Giê-su Ki-tô đánh dấu những người xứng đáng khi nào và như thế nào? (b) Những người trung thành được xức dầu có cần được đánh dấu không? Hãy giải thích.

18 Chúa Giê-su sẽ đánh dấu những người xứng đáng. Vào thời Ê-xê-chi-ên, các thiên sứ được dùng trong việc đánh dấu những người trung thành để họ được sống sót. Trong sự ứng nghiệm thời hiện đại, người nam đeo hộp mực của thư ký tượng trưng cho Chúa Giê-su Ki-tô khi ngài “đến trong sự vinh quang” với tư cách là Đấng Phán Xét mọi nước (Mat 25:31-33). Việc Chúa Giê-su đến sẽ xảy ra trong hoạn nạn lớn, sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt. * Vào thời điểm quan trọng đó, ngay trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ, Chúa Giê-su sẽ phán quyết ai là chiên hoặc dê. Những người thuộc “đám đông lớn” sẽ được xét, hay đánh dấu, là chiên. Điều đó cho thấy họ được ‘đi vào sự sống vĩnh cửu’ (Khải 7:9-14; Mat 25:34-40, 46). Vậy còn những người trung thành được xức dầu thì sao? Họ không cần được đánh dấu để sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Thay vì thế, họ sẽ được đóng dấu lần cuối trước khi qua đời hoặc trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ. Vào một thời điểm trước khi Ha-ma-ghê-đôn bắt đầu, họ sẽ được lên trời.—Khải 7:1-3.

19. Ai sẽ cùng Chúa Giê-su thi hành sự phán xét trên thế gian này? (Xem khung “Than thở và rên xiết, đánh dấu, đập tan—Khi nào và như thế nào?”).

19 Vua Giê-su Ki-tô và đạo quân trên trời của ngài sẽ thi hành sự phán xét trên thế gian này. Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, sáu người cầm vũ khí để đập tan không bắt đầu hủy diệt cho đến khi người mặc áo vải lanh hoàn tất việc đánh dấu (Ê-xê 9:4-7). Tương tự, sự hủy diệt sắp đến sẽ bắt đầu sau khi Chúa Giê-su phán xét người thuộc mọi nước và đánh dấu chiên để họ được sống sót. Sau đó, trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ dẫn đầu lực lượng hành quyết trên trời, gồm các thiên sứ thánh và 144.000 người đồng cai trị, để chiến đấu với thế gian gian ác này, hoàn toàn hủy diệt nó và đưa những người thờ phượng thanh sạch vào thế giới mới công chính.—Khải 16:14-16; 19:11-21.

20. Chúng ta rút ra những bài học khích lệ nào từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên về người đeo hộp mực của thư ký?

20 Thật biết ơn vì chúng ta có được những bài học khích lệ từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên về người đeo hộp mực của thư ký! Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ không hủy diệt những người công chính chung với kẻ gian ác (Thi 97:10). Chúng ta biết mình cần làm gì bây giờ để được đánh dấu trong tương lai hầu được sống sót. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm nỗ lực hết sức trong việc rao truyền tin mừng và phát đi lời cảnh báo cho những người đang than thở và rên xiết về sự gian ác của thế gian do Sa-tan kiểm soát. Qua đó, chúng ta có đặc ân giúp “những ai có lòng ngay thẳng” kết hợp với chúng ta để dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch. Nhờ vậy, họ có triển vọng được đánh dấu để sống sót và bước vào thế giới mới công chính của Đức Chúa Trời.—Công 13:48.

^ đ. 1 Khải tượng của Ê-xê-chi-ên về những điều ghê tởm diễn ra trong đền thờ đã được thảo luận trong Chương 5.

^ đ. 13 Theo một sách tham khảo, danh từ tiếng Hê-bơ-rơ được dịch là “lỗi lầm” có thể có nghĩa là “sự bại hoại”. Một sách tham khảo khác cho biết danh từ này “là từ dành cho tôn giáo và hầu như luôn được dùng để chỉ tội vô luân hoặc tội nặng trước mắt Đức Chúa Trời”.

^ đ. 18 Dường như sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn không có nghĩa là mọi thành viên thuộc tôn giáo sai lầm đều bị hủy diệt. Vào thời điểm đó, thậm chí một số người thuộc hàng giáo phẩm có thể từ bỏ tôn giáo sai lầm và cho rằng mình chưa bao giờ thuộc về nó.—Xa 13:3-6.