Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 21

“Thành sẽ có tên là ‘Đức Giê-hô-va ở đó’”

“Thành sẽ có tên là ‘Đức Giê-hô-va ở đó’”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 48:35

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Ý nghĩa của thành và phần đóng góp

1, 2. (a) Phần đặc biệt nào của xứ được biệt riêng ra? (Xem hình nơi trang bìa). (b) Khải tượng đem lại sự đảm bảo nào cho những người bị lưu đày?

Trong khải tượng cuối cùng, Ê-xê-chi-ên biết được rằng một phần của xứ được biệt riêng ra cho một mục đích đặc biệt. Phần được biệt riêng ra không phải là phần thừa kế cho một chi phái của Y-sơ-ra-ên mà là một phần đóng góp cho Đức Giê-hô-va. Ê-xê-chi-ên cũng được biết về một thành đáng chú ý với tên gọi thu hút. Đoạn này của khải tượng đem lại một sự đảm bảo rất quan trọng dành cho những người bị lưu đày: Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng họ khi họ trở về quê hương yêu dấu.

2 Ê-xê-chi-ên miêu tả chi tiết về phần đóng góp đó. Chúng ta hãy xem xét lời tường thuật này, vì nó có nhiều ý nghĩa đối với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.

“Phần đóng góp thánh” và thành

3. Có năm khu đất nào thuộc phần đất mà Đức Giê-hô-va biệt riêng ra? Mục đích của những khu đất này là gì? (Xem khung “Phần đất mà các con phải đóng góp”).

3 Phần đất đặc biệt này có kích thước là 25.000 cu-bít (13km) từ bắc đến nam và 25.000 cu-bít từ đông sang tây. Khu đất hình vuông này được gọi là “toàn bộ phần đóng góp”. Khu đất này được chia thành ba phần đất nằm ngang. Phần đất phía trên là dành cho người Lê-vi, phần đất ở giữa được biệt riêng ra cho đền thờ và các thầy tế lễ. Hai phần đất này tạo thành “phần đóng góp thánh”. Phần đất nhỏ hơn ở phía dưới, hay “khu đất còn lại”, thì “không phải là khu đất thánh”. Nó dành cho thành.—Ê-xê 48:15, 20.

4. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật về phần đóng góp cho Đức Giê-hô-va?

4 Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật về phần đóng góp cho Đức Giê-hô-va? Qua việc biệt riêng phần đóng góp này trước tiên rồi sau đó mới chia phần đất cho các chi phái, Đức Giê-hô-va cho biết trung tâm thờ phượng của xứ là nơi quan trọng nhất (Ê-xê 45:1). Hẳn những người bị lưu đày rút ra được nhiều bài học từ thứ tự ưu tiên trong việc chia đất. Họ cần đặt việc thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống. Ngày nay, chúng ta cũng xem các hoạt động thiêng liêng là điều quan trọng nhất, trong đó có việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời, tham dự các buổi nhóm họp và rao giảng. Khi chúng ta noi theo gương của Đức Giê-hô-va trong việc đặt đúng thứ tự ưu tiên, đời sống của chúng ta sẽ tập trung vào việc thờ phượng ngài.

“Thành sẽ ở giữa đó”

5, 6. (a) Thành này thuộc về ai? (b) Thành này không phải là gì, và tại sao?

5 Đọc Ê-xê-chi-ên 48:15. Thành và vùng đất xung quanh có ý nghĩa gì? (Ê-xê 48:16-18). Trong khải tượng, Đức Giê-hô-va đã phán với Ê-xê-chi-ên: “Thành... sẽ thuộc về cả nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-xê 45:6, 7). Vì thế, thành và vùng đất xung quanh không thuộc về “phần đóng góp thánh” được “dành riêng cho Đức Giê-hô-va” (Ê-xê 48:9). Hãy ghi nhớ điều này và xem sự sắp đặt về thành ấy giúp chúng ta rút ra những bài học nào.

6 Để xác định những bài học chúng ta có thể rút ra từ thành này, trước hết chúng ta cần biết thành này là gì. Thành này không phải là thành Giê-ru-sa-lem được tái thiết, nơi mà đền thờ tọa lạc. Tại sao? Vì thành trong khải tượng mà Ê-xê-chi-ên thấy không có đền thờ. Thành này cũng không phải là bất cứ thành nào khác trong xứ Y-sơ-ra-ên được khôi phục. Tại sao? Vì những người được hồi hương hoặc con cháu của họ không xây bất cứ thành nào có đặc điểm giống với thành được miêu tả trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Thành này cũng không phải là thành ở trên trời. Tại sao? Vì nó được xây trên đất “không thánh”. Đây là điều khác biệt so với những công trình tọa lạc trên khu đất được biệt riêng ra cho sự thờ phượng thánh.—Ê-xê 42:20.

7. Thành mà Ê-xê-chi-ên thấy là gì, và dường như nó tượng trưng cho điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

7 Vậy thành mà Ê-xê-chi-ên thấy là gì? Hãy nhớ rằng ông thấy thành và xứ trong cùng một khải tượng (Ê-xê 40:2; 45:1, 6). Lời Đức Chúa Trời cho biết xứ này là một xứ thiêng liêng, vì thế thành này hẳn phải là một thành thiêng liêng. Nhìn chung từ “thành” gợi lên điều gì? Từ này gợi lên hình ảnh người ta sống cùng nhau thành một nhóm có trật tự và có tổ chức. Vì thế, thành có hình vuông và rất trật tự mà Ê-xê-chi-ên thấy dường như tượng trưng cho một trung tâm quản lý được tổ chức tốt.

8. Trung tâm quản lý có phạm vi ảnh hưởng nào, và tại sao có thể nói như vậy?

8 Trung tâm quản lý này có phạm vi ảnh hưởng nào? Khải tượng của Ê-xê-chi-ên cho biết thành này hoạt động trong xứ thiêng liêng. Vì thế, trung tâm quản lý này điều khiển các hoạt động của dân Đức Chúa Trời thời nay. Việc thành này tọa lạc tại một khu đất không thánh cho biết điều gì? Điều ấy nhắc chúng ta rằng thành này không phải là trung tâm quản lý ở trên trời mà là trung tâm quản lý ở trên đất. Trung tâm quản lý ấy đem lại lợi ích cho tất cả những ai sống trong địa đàng thiêng liêng.

9. (a) Ai hợp thành trung tâm quản lý ở trên đất ngày nay? (b) Chúa Giê-su sẽ làm gì trong Triều Đại Một Ngàn Năm?

9 Ai hợp thành trung tâm quản lý ở trên đất? Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, người dẫn đầu trong chính quyền của thành được gọi là “thủ lĩnh” (Ê-xê 45:7). Ông là một giám thị, nhưng không phải là thầy tế lễ hoặc người Lê-vi. Thủ lĩnh này khiến chúng ta liên tưởng tới các anh giám thị không được xức dầu trong hội thánh ngày nay. Những anh tận tụy chăn bầy này thuộc “chiên khác” và là những người ở trên đất khiêm nhường phục vụ chính phủ ở trên trời của Đấng Ki-tô (Giăng 10:16). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su sẽ lựa chọn và bổ nhiệm những anh trưởng lão hội đủ điều kiện để “làm quan trên khắp trái đất” (Thi 45:16). Dưới sự hướng dẫn của Nước Trời, họ sẽ chăm lo quyền lợi của dân Đức Chúa Trời trong Triều Đại Một Ngàn Năm.

“Đức Giê-hô-va ở đó”

10. Tên của thành này là gì, và tên đó đảm bảo điều gì?

10 Đọc Ê-xê-chi-ên 48:35. Tên của thành này là “Đức Giê-hô-va ở đó”. Tên ấy đảm bảo rằng đây là thành mà những ai ở đó đều cảm nhận được sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Qua việc chỉ cho Ê-xê-chi-ên thấy thành này tọa lạc ở trung tâm, Đức Giê-hô-va như thể nói với những người bị lưu đày: “Ta sẽ lại ở cùng các con”. Quả là một sự đảm bảo thật khích lệ!

11. Chúng ta có thể rút ra các bài học nào từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên về thành và ý nghĩa của tên thành?

11 Chúng ta có thể rút ra các bài học nào từ phần này trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên? Tên của trung tâm quản lý được ví như thành đảm bảo với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va ngự giữa các tôi tớ trung thành của ngài ở trên đất bây giờ và mãi mãi. Tên đầy ý nghĩa ấy cũng nhấn mạnh một sự thật trọng yếu: Thành này hiện hữu không phải để ban uy quyền cho con người, mà là thực hiện sự chỉ dẫn yêu thương và phải lẽ của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va không ban cho trung tâm quản lý này quyền được chia xứ theo cách con người thấy phù hợp. Thay vì thế, ngài đòi hỏi các nhà quản lý tôn trọng cách ngài phân chia đất, tức những đặc ân mà chính Đức Giê-hô-va ban cho các tôi tớ, kể cả “kẻ thấp hèn”.—Châm 19:17; Ê-xê 46:18; 48:29.

12. (a) Một đặc điểm đáng chú ý của thành này là gì, và đặc điểm đó cho thấy điều gì? (b) Đặc điểm này của thành đưa ra lời nhắc nhở quan trọng nào cho các giám thị đạo Đấng Ki-tô?

12 Nhưng một đặc điểm đáng chú ý khác của thành mang tên “Đức Giê-hô-va ở đó” là gì? Các thành vào thời xưa có tường bảo vệ và càng ít cổng càng tốt. Trong khi đó, thành này có tới 12 cổng (Ê-xê 48:30-34). Việc thành có hình vuông này có nhiều cổng (ba cổng ở mỗi phía) cho thấy rằng những nhà quản lý thành này là người dễ gần và dễ gặp đối với tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, việc thành này có 12 cổng nhấn mạnh rằng thành mở cửa chào đón mọi người, tức “cả nhà Y-sơ-ra-ên” (Ê-xê 45:6). Đặc điểm này của thành là một lời nhắc nhở quan trọng đối với các giám thị đạo Đấng Ki-tô. Đức Giê-hô-va muốn họ là người dễ gần và dễ gặp đối với mọi người sống trong địa đàng thiêng liêng.

Các giám thị của đạo Đấng Ki-tô là người dễ gần và dễ gặp (Xem đoạn 12)

Dân Đức Chúa Trời “vào thờ phượng” và hỗ trợ thành

13. Đức Giê-hô-va cho biết dân chúng sẽ tham gia vào những hình thức phụng sự nào?

13 Hãy trở lại thời kỳ của Ê-xê-chi-ên và khám phá thêm những chi tiết mà ông ghi lại trong khải tượng về việc chia đất. Đức Giê-hô-va nói đến việc dân chúng tham gia các hình thức phụng sự khác nhau. Các thầy tế lễ, tức “những người phục vụ trong nơi thánh”, sẽ dâng lễ vật và đến gần Đức Giê-hô-va để phụng sự ngài. Người Lê-vi, tức “những người phục vụ trong đền thờ”, sẽ “trông nom công việc và mọi điều cần phải làm tại đó” (Ê-xê 44:14-16; 45:4, 5). Ngoài ra, những người lao động sẽ làm việc ở gần thành. Họ là ai?

14. Những người lao động có vai trò hỗ trợ thành nhắc chúng ta nhớ đến điều gì?

14 Những người lao động có vai trò hỗ trợ thành này đến từ “mọi chi phái của Y-sơ-ra-ên”. Nhiệm vụ của họ là trồng các vụ mùa được “dùng làm lương thực cho những người hầu việc trong thành” (Ê-xê 48:18, 19). Sự sắp đặt này nhắc chúng ta nhớ đến cơ hội mà chúng ta có. Ngày nay, mọi cư dân trong địa đàng thiêng liêng có cơ hội hỗ trợ những người được xức dầu và những người thuộc “đám đông lớn” mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để dẫn đầu (Khải 7:9, 10). Một cách chủ yếu để hỗ trợ họ là sẵn sàng làm theo sự hướng dẫn của đầy tớ trung tín.

15, 16. (a) Khải tượng của Ê-xê-chi-ên chứa đựng chi tiết nào khác? (b) Chúng ta có cơ hội tham gia các hoạt động tương tự nào?

15 Khải tượng của Ê-xê-chi-ên chứa đựng một chi tiết khác mà từ đó chúng ta có thể rút ra bài học liên quan đến thánh chức. Đó là chi tiết nào? Đức Giê-hô-va cho biết các thành viên của 12 chi phái không thuộc dòng Lê-vi sẽ làm việc ở hai địa điểm: trong sân của đền thờ và trên bãi cỏ của thành. Họ làm gì ở mỗi địa điểm này? Trong sân của đền thờ, tất cả các chi phái “vào thờ phượng” bằng cách dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va (Ê-xê 46:9, 24). Trên bãi cỏ của thành, người thuộc tất cả các chi phái đến hỗ trợ thành bằng cách canh tác. Chúng ta có thể học được gì từ gương của những người lao động này?

16 Ngày nay, những người thuộc đám đông lớn có cơ hội tham gia các hoạt động tương tự với những hoạt động diễn ra trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Họ thờ phượng Đức Giê-hô-va “trong đền ngài” bằng cách dâng vật tế lễ là lời ngợi khen (Khải 7:9-15). Họ làm thế bằng cách rao giảng và thể hiện đức tin qua việc bình luận cũng như hát ngợi khen Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm họp. Họ xem các hoạt động thờ phượng này là trách nhiệm quan trọng nhất (1 Sử 16:29). Ngoài ra, nhiều người trong vòng dân Đức Chúa Trời hỗ trợ tổ chức của ngài qua nhiều cách thực tế. Chẳng hạn, họ giúp xây cất và bảo trì Phòng Nước Trời cũng như các cơ sở chi nhánh. Họ hỗ trợ các dự án khác của tổ chức Đức Giê-hô-va. Những người khác hỗ trợ các dự án này bằng cách đóng góp tài chính. Tất cả như thể đang làm công việc canh tác và làm thế “vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Cô 10:31). Họ làm những việc đó một cách sốt sắng và vui mừng vì biết rằng Đức Giê-hô-va “hài lòng với những vật tế lễ như thế” (Hê 13:16). Anh chị có đang tận dụng tối đa những cơ hội như thế không?

Chúng ta rút ra các bài học nào từ những hoạt động diễn ra xung quanh cổng thành trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên? (Xem đoạn 14-16)

“Sẽ có trời mới và đất mới mà chúng ta đang chờ đợi”

17. (a) Trong tương lai, khải tượng của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm trên phạm vi lớn hơn như thế nào? (b) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, ai nhận được lợi ích từ trung tâm quản lý được ví như thành?

17 Trong tương lai, khải tượng của Ê-xê-chi-ên về phần đóng góp có được ứng nghiệm trên phạm vi lớn hơn không? Có. Hãy xem xét điều này: Ê-xê-chi-ên thấy phần đất mang tên “phần đóng góp thánh” là trung tâm của xứ (Ê-xê 48:10). Tương tự, sau Ha-ma-ghê-đôn, dù chúng ta sống ở bất cứ nơi nào trên đất, Đức Giê-hô-va sẽ ngự giữa chúng ta (Khải 21:3). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, sẽ có trung tâm quản lý được ví như thành, tức những người trên đất được bổ nhiệm để chăm lo quyền lợi của dân Đức Chúa Trời. Trung tâm ấy sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu bằng cách cung cấp sự hướng dẫn yêu thương cho tất cả những người hợp thành “đất mới”, tức xã hội mới trên đất.—2 Phi 3:13.

18. (a) Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng trung tâm quản lý được ví như thành sẽ hòa hợp với sự cai trị của Đức Chúa Trời? (b) Tên của thành đem lại cho chúng ta sự đảm bảo chắc chắn nào?

18 Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng trung tâm quản lý được ví như thành sẽ luôn hòa hợp với sự cai trị của Đức Chúa Trời? Vì Lời ngài cho biết rõ thành trên đất với 12 cổng phản chiếu thành trên trời với 12 cổng, tức Giê-ru-sa-lem Mới bao gồm 144.000 người đồng cai trị với Đấng Ki-tô (Khải 21:2, 12, 21-27). Điều này cho thấy trung tâm quản lý ở trên đất sẽ phản chiếu tất cả các quyết định của Nước Trời và sẽ cẩn thận thi hành những quyết định ấy. Đúng vậy, tên của thành “Đức Giê-hô-va ở đó” đảm bảo với mỗi chúng ta rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ bền vững và phát triển mãi mãi trong địa đàng. Quả là một tương lai tuyệt vời đang chờ đón chúng ta!