Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tạ ơn Đức Giê-hô-va—Bằng thánh chức trọn thời gian!

Tạ ơn Đức Giê-hô-va—Bằng thánh chức trọn thời gian!

Tự truyện

Tạ ơn Đức Giê-hô-va—Bằng thánh chức trọn thời gian!

DO STANLEY E. REYNOLDS KỂ LẠI

Tôi sanh ra ở Luân Đôn, Anh Quốc, vào năm 1910. Sau Thế Chiến I, cha mẹ tôi dọn về một ngôi làng nhỏ ở Wiltshire có tên là Westbury Leigh. Khi còn là một cậu bé, tôi đã thường tự hỏi: ‘Đức Chúa Trời là ai?’ Chẳng ai có thể nói cho tôi biết. Và tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao một cộng đồng nhỏ như của chúng tôi lại cần đến hai nhà nguyện và một nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời.

NĂM 1935, bốn năm trước khi Thế Chiến II bùng nổ, em trai tôi là Dick và tôi cùng đạp xe đi cắm trại ở Weymouth, thuộc vùng duyên hải phía nam của Anh Quốc. Khi chúng tôi đang ngồi trong lều nghe mưa rơi rào rào và không biết làm gì, thì một người đàn ông lớn tuổi đến thăm và mời tôi nhận ba ấn phẩm giúp học Kinh Thánh—sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời, Sự sáng I Sự sáng II (đều bằng Anh ngữ). Tôi nhận lấy sách, mừng vì đã có thứ giải khuây. Tôi lập tức bị lôi cuốn bởi những điều mình đọc nhưng không hề biết rằng nó sẽ hoàn toàn thay đổi đời sống của tôi—và của cả em tôi nữa.

Khi về đến nhà, tôi được mẹ cho biết là bà Kate Parsons trong làng cũng phân phát những ấn phẩm Kinh Thánh tương tự. Bà được nhiều người biết đến vì mặc dù đã khá lớn tuổi, bà vẫn lái chiếc xe gắn máy nhỏ của mình đi thăm những người sống rải rác trong vùng chúng tôi. Tôi đến gặp bà, và bà sung sướng tặng tôi sách Sự sáng tạo, Sự giàu có (Anh ngữ) và một vài ấn phẩm khác của Hội Tháp Canh. Bà cũng cho tôi biết bà là Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sau khi đọc mấy cuốn sách và tra xem Kinh Thánh, tôi biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và tôi muốn thờ phượng Ngài. Vì vậy, tôi gửi thư xin rút tên khỏi nhà thờ và bắt đầu tham gia các buổi học hỏi Kinh Thánh tại nhà của John và Alice Moody. Họ sống ở Westbury, thị trấn gần chỗ chúng tôi nhất. Chỉ có bảy người tham dự những buổi nhóm họp đó. Trước và sau buổi nhóm họp, bà Kate Parsons chơi đàn đạp hơi, còn chúng tôi thì cất cao giọng hát những bài ca Nước Trời!

Thời ban đầu

Tôi có thể thấy rằng chúng tôi đang sống trong một thời kỳ trọng đại, và tôi ao ước được tham gia vào công việc rao giảng đã được tiên tri ở Ma-thi-ơ 24:14. Vì thế, tôi bỏ hút thuốc, mua một cái cặp và dâng mình cho Đức Chúa Trời Vĩ Đại, Đức Giê-hô-va.

Vào tháng 8 năm 1936, anh Joseph F. Rutherford, chủ tịch Hội Tháp Canh, viếng thăm Glasgow, Scotland, để nói bài diễn văn có chủ đề “Ha-ma-ghê-đôn”. Mặc dù Glasgow cách xa tới 600 kilômét, tôi vẫn cương quyết đến dự để được làm báp têm tại hội nghị đó. Vì thiếu tiền nên tôi đem xe đạp lên tàu lửa đến Carlisle, một thị trấn nằm ở biên giới Scotland, rồi từ đó đạp xe thêm 160 kilômét về hướng bắc. Tôi cũng đạp xe phần lớn đoạn đường về, đến nhà thân xác thì rã rời nhưng tinh thần thì mạnh mẽ.

Từ đó trở đi, tôi thường đạp xe mỗi khi đi chia sẻ niềm tin với những người ở các làng lân cận. Hồi đó, mỗi Nhân Chứng có một thẻ làm chứng trong đó có ghi một thông điệp Kinh Thánh để mời chủ nhà đọc. Chúng tôi cũng dùng máy hát đĩa để mở những bài giảng thâu sẵn dựa trên Kinh Thánh của chủ tịch Hội. Và dĩ nhiên, chúng tôi luôn mang theo túi tạp chí * đặc trưng của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Công việc tiên phong thời chiến

Em trai tôi làm báp têm năm 1940. Thế Chiến II đã bắt đầu vào năm 1939 và cả hai chúng tôi đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần có người truyền giáo trọn thời gian. Vì thế, chúng tôi nộp đơn xin làm tiên phong. Chúng tôi vui thích khi cùng được bổ nhiệm đến nhà tiên phong tại Bristol để cùng làm việc với Edith Pool, Bert Farmer, Tom và Dorothy Bridges, Bernard Hughton và một số anh chị tiên phong khác nữa mà từ lâu chúng tôi đã ngưỡng mộ đức tin của họ.

Chẳng bao lâu, một chiếc xe van nhỏ với hàng chữ “NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA” in đậm hai bên đến đón chúng tôi. Người lái xe là anh Stanley Jones, sau này là giáo sĩ ở Trung Quốc và bị biệt giam ở đó bảy năm vì hoạt động rao giảng.

Trong thời gian chiến tranh, chúng tôi ít khi có được một đêm trọn giấc. Bom rơi khắp vùng xung quanh nhà tiên phong, và chúng tôi phải luôn cảnh giác đề phòng các thiết bị gây cháy. Một buổi tối chúng tôi rời trung tâm Bristol sau một hội nghị tốt đẹp có 200 Nhân Chứng tham dự và về đến nhà khá an toàn dưới làn đạn pháo bắn máy bay.

Sáng hôm sau, Dick và tôi trở lại thành phố để lấy một vài thứ mà chúng tôi đã để lại đó. Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Bristol chỉ còn là một đống đổ nát. Toàn bộ khu trung tâm thành phố bị sụp đổ và cháy rụi. Phố Park, chỗ mới hôm qua còn có Phòng Nước Trời nằm đó, giờ là một đống gạch vụn đang bốc khói. Tuy nhiên, không có Nhân Chứng nào chết hoặc bị thương. May mắn thay, trước đó chúng tôi đã dời các ấn phẩm Kinh Thánh khỏi Phòng Nước Trời và phân tán tại nhà anh em trong hội thánh. Chúng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về cả hai điều đó.

Sự tự do bất ngờ

Hội thánh Bristol nơi tôi phục vụ với tư cách giám thị chủ tọa đã gia tăng lên được 64 người truyền giáo khi tôi nhận được giấy gọi đi quân dịch. Nhiều Nhân Chứng khác đã bị bỏ tù vì lập trường trung lập của họ, và tôi nghĩ mình cũng sẽ bị mất sự tự do rao giảng. Phiên tòa xử tôi được tổ chức tại Hội Đồng Xét Xử Bristol ở địa phương và anh Anthony Buck, một sĩ quan cai tù trước đây, làm người biện hộ cho tôi. Anh là một người can đảm, không sợ hãi, một người sốt sắng ủng hộ lẽ thật Kinh Thánh, và nhờ sự biện hộ khéo léo của anh, tôi đã bất ngờ được hoàn toàn miễn quân dịch với điều kiện phải tiếp tục thánh chức trọn thời gian!

Tôi vô cùng sung sướng khi được tự do và quyết tâm dùng sự tự do đó để rao giảng hết mình. Khi nhận được một cú điện thoại mời tôi trình diện tại trụ sở chi nhánh Luân Đôn để nói chuyện với anh Albert D. Schroeder, giám thị chi nhánh, tôi tự hỏi không biết điều gì đang chờ đợi mình. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi khi được mời đến Yorkshire để phục vụ với tư cách giám thị lưu động, mỗi tuần viếng thăm một hội thánh để khuyến khích anh em. Tôi cảm thấy mình không đủ khả năng để đảm nhận công việc đó nhưng tôi đã được miễn quân dịch và có điều kiện tự do để đi. Vì vậy, tôi chấp nhận chỉ thị của Đức Giê-hô-va và sẵn lòng đi.

Anh Albert Schroeder giới thiệu tôi với các anh chị tại một hội nghị ở Huddersfield, và vào tháng 4 năm 1941 tôi bắt đầu nhiệm vụ mới. Thật vui mừng biết bao khi được biết các anh chị yêu dấu đó! Lòng yêu thương và sự tử tế của họ khiến tôi càng hiểu rõ hơn rằng Đức Giê-hô-va có một dân hết lòng phụng sự Ngài và yêu thương nhau.—Giăng 13:35.

Thêm đặc ân phụng sự

Vào năm 1941, một hội nghị trong nước năm ngày khó quên được tổ chức tại tòa nhà De Montfort Hall ở Leicester. Mặc dù lúc đó người ta phải đi lãnh khẩu phần và phương tiện di chuyển còn hạn chế, số người tham dự đông nhất vào ngày Chủ Nhật vẫn lên đến 12.000 người; khi đó cả nước chỉ có hơn 11.000 Nhân Chứng. Cử tọa được nghe các bài diễn văn thâu sẵn của chủ tịch Hội và sách mới Trẻ em (Anh ngữ) được phát hành. Hội nghị đó chắc chắn là một cột mốc trong lịch sử thần quyền của dân Đức Giê-hô-va tại Anh Quốc vì nó được tổ chức giữa Thế Chiến II.

Chẳng bao lâu sau hội nghị này, tôi nhận được lời mời phụng sự với gia đình Bê-tên ở Luân Đôn. Ở đó, tôi làm việc trong ban đóng gói và gửi hàng, và sau đó trong văn phòng, giúp việc liên quan đến các hội thánh.

Gia đình Bê-tên phải đối phó với các cuộc không kích cả ngày lẫn đêm ở Luân Đôn, còn các anh có trách nhiệm thì thường xuyên bị chính quyền xét hỏi. Các anh Pryce Hughes, Ewart Chitty và Frank Platt bị cầm tù vì lập trường trung lập, và cuối cùng anh Albert Schroeder bị trục xuất về Mỹ. Bất kể tất cả những áp lực này, quyền lợi của Nước Trời và các hội thánh vẫn tiếp tục được chăm sóc một cách tốt đẹp.

Lên đường đến Ga-la-át!

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, tôi nộp đơn xin học tại trường đào tạo giáo sĩ Ga-la-át của Hội Tháp Canh và được nhận vào khóa thứ tám của trường vào năm 1946. Hội sắp xếp cho một số người trong chúng tôi, gồm Tony Attwood, Stanley Jones, Harold King, Don Rendell và Stanley Woodburn xuống tàu đi từ hải cảng đánh cá Fowey ở Cornwall. Một anh Nhân Chứng ở địa phương đã đặt vé cho chúng tôi trên một chiếc tàu nhỏ chở đất sét kaolin. Phòng của chúng tôi rất chật hẹp, còn boong tàu thì thường đầy nước. Thật nhẹ nhõm biết bao khi cuối cùng chúng tôi đến được bến của mình, cảng Philadelphia!

Trường Ga-la-át tọa lạc tại một vị trí xinh đẹp ở South Lansing, phía bắc New York, và sự huấn luyện tôi nhận được ở đó rất có ý nghĩa đối với tôi. Những học viên trong khóa chúng tôi đến từ 18 quốc gia—đó là lần đầu tiên Hội có thể tuyển nhiều người truyền giáo từ nước ngoài đến thế—và chúng tôi kết bạn thân thiết với nhau. Tôi rất thích chuyện trò với người bạn cùng phòng là anh Kalle Salavaara từ Phần Lan đến.

Thời gian trôi qua thật nhanh chóng và khi hết hạn năm tháng, chủ tịch Hội, anh Nathan H. Knorr, từ trụ sở trung ương ở Brooklyn, đã đến trao bằng tốt nghiệp và thông báo nhiệm sở của chúng tôi. Thời đó, học viên không hề biết nhiệm sở của mình cho đến khi được thông báo vào lễ tốt nghiệp. Tôi được giao nhiệm vụ trở lại nhà Bê-tên Luân Đôn để tiếp tục công việc ở đó.

Trở lại Luân Đôn

Những năm sau chiến tranh ở Anh rất khắc nghiệt. Thức ăn và nhiều nhu yếu phẩm khác, kể cả giấy, luôn bị hạn chế, và phải có sổ phân phối mới nhận được. Nhưng chúng tôi cũng vượt qua được và quyền lợi của Nước Đức Giê-hô-va gia tăng mạnh mẽ. Ngoài công việc ở nhà Bê-tên, tôi cũng phục vụ tại các hội nghị địa hạt và vòng quanh, đồng thời viếng thăm các hội thánh, kể cả một số hội thánh ở Ireland. Cũng là một đặc ân khi được gặp anh Erich Frost và nhiều anh chị khác đến từ Châu Âu và được biết về gương trung thành của các anh chị Nhân Chứng đã đương đầu với sự dã man trong các trại tập trung của Quốc Xã. Công tác tại nhà Bê-tên thật sự là một đặc ân mang lại nhiều ân phước.

Tôi đã quen biết Joan Webb được mười năm; chị là một tiên phong đặc biệt phục vụ tại thị trấn Watford, ở phía bắc Luân Đôn. Năm 1952, chúng tôi kết hôn. Cả hai chúng tôi đều muốn tiếp tục công việc phụng sự trọn thời gian, vậy chúng tôi rất đỗi sung sướng khi tôi, sau khi rời nhà Bê-tên, được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Vòng quanh đầu tiên của chúng tôi nằm dọc theo bờ biển phía nam nước Anh, ở Sussex và Hampshire. Vào thời đó, công việc vòng quanh không dễ dàng chút nào. Chúng tôi di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, xe đạp và đi bộ. Nhiều hội thánh phụ trách những khu vực thôn dã rộng lớn rất khó đến, nhưng số Nhân Chứng vẫn tiếp tục gia tăng đều đặn.

Thành phố New York 1958

Năm 1957, tôi nhận được một lời mời khác từ nhà Bê-tên: “Anh có muốn đến văn phòng và giúp sắp xếp việc di chuyển cho hội nghị quốc tế sắp tới sẽ được tổ chức tại Vận Động Trường Yankee và Polo Grounds, thành phố New York, vào năm 1958 không?” Chẳng mấy chốc, Joan và tôi lại bận rộn giải quyết đơn của các anh chị đăng ký chỗ trên tàu và máy bay do Hội thuê. Hội nghị này đã trở thành Hội Nghị Quốc Tế “Ý Muốn của Đức Chúa Trời” nổi tiếng, với sự tham dự của số cử tọa đông đảo gồm 253.922 người. Tại hội nghị này, 7.136 người đã biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng việc trầm mình trong nước—hơn gấp đôi số người đã làm báp têm vào dịp Lễ Ngũ Tuần lịch sử năm 33 CN, theo như Kinh Thánh tường thuật.—Công-vụ 2:41.

Joan và tôi sẽ không bao giờ quên sự tử tế của anh Knorr khi anh đích thân đứng ra mời chúng tôi tham dự hội nghị để giúp chăm sóc cho các đoàn đại biểu từ 123 xứ đến thành phố New York. Đó là một kinh nghiệm tràn đầy hạnh phúc và thỏa lòng cho cả hai chúng tôi.

Những ân phước của thánh chức trọn thời gian

Khi trở về nước, chúng tôi tiếp tục công việc lưu động cho đến khi gặp vấn đề sức khỏe. Joan phải vào bệnh viện, còn tôi thì bị cơn đột quỵ nhẹ. Chúng tôi chuyển sang làm tiên phong đặc biệt nhưng sau đó có đặc ân trở lại phục vụ tạm thời trong công việc vòng quanh. Cuối cùng, chúng tôi trở lại Bristol và nay vẫn làm thánh chức trọn thời gian ở đó. Em trai tôi, Dick, và gia đình sống gần bên, và chúng tôi thường ngồi nhắc lại chuyện cũ.

Năm 1971, thị giác của tôi bị hỏng nặng không chữa được do võng mạc bị tróc ra. Từ đó, việc đọc sách trở nên rất khó khăn đối với tôi, vì thế tôi thấy băng ghi âm các ấn phẩm Kinh Thánh là một sự cung cấp tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Joan và tôi vẫn hướng dẫn các học hỏi Kinh Thánh tại nhà và qua năm tháng chúng tôi đã có đặc ân giúp khoảng 40 người hiểu biết lẽ thật, trong đó có một gia đình bảy người.

Khi chúng tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va hơn 60 năm trước, ước muốn của chúng tôi là được bước vào thánh chức trọn thời gian và tiếp tục trong công việc đó. Chúng tôi vô cùng biết ơn vì còn sức phụng sự Đức Giê-hô-va Vĩ Đại—là cách duy nhất chúng tôi có thể tạ ơn Ngài vì sự tốt lành của Ngài đối cùng chúng tôi và vì những năm tháng chúng tôi được hạnh phúc bên nhau!

[Chú thích]

^ đ. 11 Một túi vải có thể đeo trên vai nhằm mang tạp chí Tháp Canh An Ủi (sau này được gọi là Tỉnh Thức!).

[Hình nơi trang 25]

Với em tôi là Dick (bìa trái; em đang đứng) và những người tiên phong khác đằng trước nhà tiên phong ở Bristol

[Hình nơi trang 25]

Nhà tiên phong ở Bristol vào năm 1940

[Các hình nơi trang 26]

Stanley và Joan Reynolds vào ngày cưới của họ, 12 tháng 1 năm 1952, và ngày nay