Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va lớn hơn lòng chúng ta

Đức Giê-hô-va lớn hơn lòng chúng ta

Đức Giê-hô-va lớn hơn lòng chúng ta

NGƯỜI viết Thi-thiên ghi: “[Đức Giê-hô-va] đẹp lòng người kính-sợ Ngài”. Thật vậy, Đấng Tạo Hóa vui mừng quan sát mỗi tôi tớ Ngài khi họ cố gắng giữ tiêu chuẩn công bình của Ngài. Đức Chúa Trời ban phước cho những người trung thành của Ngài, khuyến khích và an ủi khi họ tuyệt vọng. Ngài biết rằng những người thờ phượng Ngài là bất toàn, nên những gì Ngài mong đợi nơi họ rất thực tế.—Thi-thiên 147:11.

Tin rằng Đức Giê-hô-va rất yêu thương tôi tớ Ngài nói chung có thể không khó đối với chúng ta. Tuy nhiên, một số người dường như quá quan tâm đến khiếm khuyết của bản thân đến nỗi họ tin rằng Đức Giê-hô-va không thể nào yêu thương họ được. Họ có thể kết luận: “Tôi quá bất toàn, không đáng được Đức Giê-hô-va yêu thương”. Tất nhiên, tất cả chúng ta đôi khi cũng có những cảm nghĩ tiêu cực. Nhưng một số người dường như lúc nào cũng phải chiến đấu với cảm nghĩ mình vô dụng.

Cảm nghĩ buồn nản

Trong thời Kinh Thánh được viết ra, một số người trung thành đã rơi vào tình trạng hết sức buồn nản. Gióp ghét đời sống và cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đã bỏ rơi ông. An-ne, mẹ của Sa-mu-ên, đã có thời kỳ hết sức đau buồn về sự hiếm hoi của mình và đã khóc lóc thảm thiết. Đa-vít bị “khòm cúp xuống”, và Ép-ba-phô-đích khổ tâm về việc anh em đau lòng khi nghe tin ông bị bệnh.—Thi-thiên 38:6; 1 Sa-mu-ên 1:7, 10; Gióp 29:2, 4, 5; Phi-líp 2:25, 26.

Còn các tín đồ Đấng Christ ngày nay thì sao? Có lẽ bệnh tật, tuổi cao, hoặc những hoàn cảnh cá nhân khác khiến một số không thể làm nhiều trong thánh chức như họ mong muốn. Điều này có thể khiến họ kết luận rằng họ làm Đức Giê-hô-va và các anh em tín hữu thất vọng. Hoặc một số có thể cứ tự trách mình về những lỗi lầm quá khứ, không chắc là Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho họ. Có lẽ những người khác lớn lên trong môi trường gia đình không tốt và cho rằng mình không đáng được yêu thương. Làm thế nào điều này có thể xảy ra?

Một số người lớn lên trong những gia đình đầy dẫy tinh thần ích kỷ, mỉa mai châm biếm và sợ hãi chứ không yêu thương. Những người này có thể chưa bao giờ nếm được tình yêu thương đậm đà của người cha, một người cha tìm cơ hội để khen và khích lệ, bỏ qua những lầm lỗi và sẵn sàng tha thứ ngay cả những lỗi nặng hơn, và có tính nồng hậu làm cả gia đình cảm thấy an tâm. Vì chưa bao giờ có một người cha yêu thương trên đất, họ có thể thấy khó tưởng tượng được việc có một người Cha yêu thương trên trời ra sao.

Thí dụ, Fritz viết: “Trong thời thơ ấu và thời niên thiếu, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách cư xử thiếu yêu thương của cha. * Cha tôi không bao giờ khen tôi, còn tôi không bao giờ cảm thấy gần gũi cha. Thật ra, hầu như lúc nào tôi cũng sợ cha”. Vì thế, Fritz, nay đã hơn 50 tuổi, vẫn cảm thấy mình thiếu sót. Và Margarette giải thích: “Cha mẹ tôi lạnh nhạt và thiếu yêu thương. Khi bắt đầu học Kinh Thánh, tôi thấy khó hình dung một người cha yêu thương là thế nào”.

Những cảm xúc như thế, vì lý do nào đi nữa, có thể có nghĩa là đôi khi điều chính yếu thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời không phải là tình yêu thương mà phần lớn là cảm giác tội lỗi hoặc lo sợ. Dẫu cố gắng hết sức chúng ta vẫn chưa thấy đủ. Lòng mong muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va và anh em cùng đức tin có thể khiến chúng ta cảm thấy mình phải làm quá sức. Vì thế, chúng ta có thể không đạt được mục tiêu, tự trách mình, rồi đâm ra nản lòng.

Vậy chúng ta có thể làm gì? Có lẽ chúng ta cần tự nhắc nhở mình là Đức Giê-hô-va thật nhân từ rộng lượng biết bao. Một người đã hiểu khía cạnh yêu thương này về cá tính Đức Chúa Trời, đó là sứ đồ Giăng.

“Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình”

Vào cuối thế kỷ thứ nhất CN, Giăng viết cho các anh em tín hữu: “Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững-chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”. Tại sao Giăng lại viết những lời này?—1 Giăng 3:19, 20.

Giăng biết rõ rằng tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể cảm thấy lòng mình tự cáo trách. Có lẽ chính Giăng cũng đã có những cảm nghĩ như thế. Là một thanh niên có tính nóng nảy, Giăng có khi đã bị Chúa Giê-su Christ khiển trách vì cư xử quá nghiêm khắc với người khác. Quả thật, Chúa Giê-su đặt cho Giăng và anh của ông là Gia-cơ cái tên “Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm-sét”.—Mác 3:17; Lu-ca 9:49-56.

Trong 60 năm kế tiếp, Giăng đã chín chắn hơn và trở thành một tín đồ thăng bằng, yêu thương và khoan dung. Vào lúc ông, là sứ đồ cuối cùng còn sống, được soi dẫn viết lá thư thứ nhất, ông biết rằng Đức Giê-hô-va không bắt từng lỗi nhỏ của mỗi tôi tớ Ngài. Thay vì thế, Ngài là người Cha nồng hậu, nhân từ rộng lượng và đầy lòng trắc ẩn, hết lòng yêu thương tất cả những ai yêu thương Ngài và thờ phượng Ngài bằng lẽ thật. Giăng viết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”.—1 Giăng 4:8.

Đức Giê-hô-va vui mừng về việc chúng ta phụng sự Ngài

Đức Chúa Trời biết những nhược điểm và khiếm khuyết bẩm sinh của chúng ta và Ngài châm chước về những điều này. Đa-vít viết: “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. Đức Giê-hô-va hiểu rõ quá trình sinh trưởng ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành nhân cách chúng ta. Thật vậy, Ngài biết chúng ta còn rõ hơn chính chúng ta biết mình rất nhiều.—Thi-thiên 103:14.

Ngài biết nhiều người chúng ta không muốn là người như thế, nhưng chúng ta không thể khắc phục được sự bất toàn của mình. Tình trạng chúng ta có thể so sánh với tình trạng của sứ đồ Phao-lô, ông viết: “Tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn”. Tất cả chúng ta đều vật lộn với sự bất toàn. Trong một số trường hợp, điều này có thể khiến lòng chúng ta tự cáo trách mình.—Rô-ma 7:19.

Hãy luôn nhớ điều này: Cách Đức Giê-hô-va xem chúng ta quan trọng hơn là cách chúng ta xem mình. Bất cứ khi nào thấy chúng ta cố gắng làm hài lòng Ngài, thì Ngài không chỉ cảm thấy vừa lòng mà còn vui mừng nữa. (Châm-ngôn 27:11) Mặc dù chúng ta có thể nghĩ rằng những gì mình hoàn thành có vẻ như ít ỏi, nhưng sự sẵn lòng và động cơ tốt của chúng ta làm Ngài vui thích. Ngài không chỉ thấy những gì chúng ta hoàn thành, mà Ngài còn nhận thức những gì chúng ta muốn làm; Ngài biết những ao ước và mong muốn của chúng ta. Đức Giê-hô-va có thể biết được lòng chúng ta.—Giê-rê-mi 12:3; 17:10.

Thí dụ, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va vốn có tính nhút nhát và dè dặt, không thích người khác để ý đến mình nhiều. Đối với những người như thế, rao giảng tin mừng từ nhà này sang nhà kia có thể là một thách đố làm thoái chí. Thế nhưng vì muốn phụng sự Đức Chúa Trời và giúp đỡ người láng giềng, nên ngay cả những người nhút nhát cũng học cách tiếp cận với người láng giềng để nói về Kinh Thánh. Họ có thể cảm thấy mình không hoàn thành được gì nhiều, và vì vậy họ mất đi niềm vui. Họ có thể nghĩ là thánh chức rao giảng của họ không có giá trị gì. Nhưng Đức Giê-hô-va chắc chắn vui mừng khi thấy những người như thế hết lòng cố gắng thi hành thánh chức. Hơn nữa, họ không biết chắc được khi nào và nơi nào hạt giống lẽ thật sẽ nảy mầm, lớn lên và sinh quả.—Truyền-đạo 11:6; Mác 12:41-44; 2 Cô-rinh-tô 8:12.

Những Nhân Chứng khác bị bệnh lâu ngày hoặc lớn tuổi. Đối với họ, đều đặn dự các buổi họp tại Phòng Nước Trời có thể là việc khó nhọc và lo âu. Nghe một bài giảng về việc rao giảng có thể gợi họ nhớ lại những gì họ từng làm và những gì họ vẫn muốn làm, nhưng sự ốm yếu cản trở họ. Những người như thế có thể mặc cảm tội lỗi vì họ không thể làm theo lời khuyên nhiều như họ muốn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va chắc chắn quý trọng lòng trung thành và sự chịu đựng của họ. Miễn là họ tiếp tục trung tín, Ngài không bao giờ quên thành tích trung thành của họ.—Thi-thiên 18:25; 37:28.

“Giục lòng vững-chắc”

Khi về già, Giăng hẳn hiểu nhiều về lòng nhân từ rộng lượng của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng ông viết: “Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”. Ngoài ra, Giăng cũng khuyến khích chúng ta “giục lòng vững-chắc”. Giăng có ý nói gì qua những lời này?

Theo từ điển Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, động từ Hy Lạp dịch là “giục vững chắc” có nghĩa là “làm cho tin, thuyết phục hoặc dẫn dụ”. Nói cách khác, để giục lòng vững chắc, chúng ta cần dẫn dụ lòng mình, thuyết phục nó tin rằng Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta. Bằng cách nào?

Fritz, được nói đến ở trên, đã phục vụ với tư cách trưởng lão trong một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va hơn 25 năm và thấy rằng học hỏi cá nhân có thể làm vững lại lòng anh về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. “Tôi đều đặn học hỏi kỹ Kinh Thánh và các ấn phẩm của chúng ta. Việc này giúp tôi không day đi day lại chuyện quá khứ mà giữ một hình ảnh rõ về tương lai tuyệt diệu của chúng ta. Đôi khi, quá khứ lấn át tâm trí tôi, khiến tôi cảm thấy Đức Chúa Trời không thể nào yêu thương tôi. Nhưng, nói chung, tôi thấy rằng việc đều đặn học hỏi củng cố lòng tôi, làm tăng đức tin, và giúp tôi tiếp tục vui vẻ và thăng bằng”.

Đành rằng đọc Kinh Thánh và suy ngẫm có thể không thay đổi hoàn cảnh của chúng ta, nhưng nó có thể thay đổi cách chúng ta nhìn hoàn cảnh mình. Hấp thu những ý tưởng trong Lời Đức Chúa Trời vào lòng giúp chúng ta suy nghĩ như Ngài. Hơn nữa, học hỏi giúp chúng ta càng hiểu rõ hơn tính nhân từ rộng lượng của Đức Chúa Trời. Dần dần chúng ta có thể chấp nhận ý niệm Đức Giê-hô-va không trách chúng ta về hoàn cảnh thời niên thiếu, và Ngài không trách chúng ta về sự ốm yếu của mình. Ngài biết rằng những gánh nặng nhiều người trong chúng ta phải mang—dù về tình cảm hay thể chất—thường không do chính chúng ta gây ra, và Ngài yêu thương châm chước điều này.

Còn về Margarette, được đề cập ở trên, thì sao? Khi biết Đức Giê-hô-va, thì việc học hỏi Kinh Thánh cũng mang lại nhiều lợi ích cho chị. Giống như Fritz, chị cũng phải sửa lại ý niệm về người cha. Cầu nguyện giúp Margarette liên kết những điều chị thu nhận được qua việc học hỏi. Margarette nói: “Trước hết tôi xem Đức Giê-hô-va như một người bạn thân, vì tôi quen thuộc với việc có bạn bè yêu thương hơn là có một người cha yêu thương. Dần dần tôi tập thổ lộ cảm nghĩ, mối nghi ngờ, lo lắng và phiền muộn với Đức Giê-hô-va. Nhiều lần tôi nói chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện, đồng thời ráp lại tất cả những điều tôi mới biết về Ngài, giống như một bức khảm. Sau một thời gian, tình cảm của tôi đối với Đức Giê-hô-va phát triển đến một mức độ mà bây giờ tôi ít khi có khó khăn xem Ngài như người Cha yêu thương”.

Thoát khỏi mọi lo âu

Chừng nào hệ thống cũ gian ác này còn thì không ai hy vọng thoát khỏi lo âu. Đối với một số tín đồ Đấng Christ, điều này có nghĩa là cảm giác lo âu hoặc nghi ngờ bản thân có thể tái diễn và gây đau buồn. Nhưng chúng ta có thể vững lòng là Đức Giê-hô-va biết động cơ tốt và công khó của chúng ta trong việc phụng sự Ngài. Ngài sẽ không bao giờ quên lòng yêu thương mà chúng ta tỏ ra vì danh Ngài.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Trong đất mới sắp đến dưới Nước của Đấng Mê-si, tất cả những người trung thành đều có thể trông mong được thoát khỏi những gánh nặng của hệ thống Sa-tan. Thật là một điều làm nhẹ nhõm biết bao! Lúc bấy giờ chúng ta sẽ còn thấy thêm bằng chứng Đức Giê-hô-va nhân từ rộng lượng như thế nào. Từ nay cho đến lúc đó, tất cả chúng ta hãy vững lòng tin rằng “Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”.—1 Giăng 3:20.

[Chú thích]

^ đ. 8 Tên đã được thay thế.

[Câu nổi bật nơi trang 30]

Đức Giê-hô-va không phải là một bạo chúa nghiêm khắc mà là một người Cha nồng hậu, nhân từ rộng lượng và đầy lòng trắc ẩn

[Hình nơi trang 31]

Học hỏi Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta suy nghĩ như Ngài