Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi đã để thánh linh làm “người giúp đỡ” cho cá nhân tôi chưa?

Tôi đã để thánh linh làm “người giúp đỡ” cho cá nhân tôi chưa?

Tôi đã để thánh linh làm “người giúp đỡ” cho cá nhân tôi chưa?

CÁC nhà thần học, chứ chưa kể đến người ta nói chung, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thánh linh của Đức Chúa Trời là ai hay là gì. Thế nhưng không cần phải mơ hồ về vấn đề này. Kinh Thánh giải thích rất rõ thánh linh là gì. Thánh linh không phải là một người, như nhiều người vẫn tin, nhưng là sinh hoạt lực mạnh mẽ mà Đức Chúa Trời dùng để thực hiện ý Ngài.—Thi-thiên 104:30; Công-vụ 2:33; 4:31; 2 Phi-e-rơ 1:21.

Vì thánh linh có liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời, nên chúng ta muốn sao cho đời sống mình được hòa hợp với thánh linh. Chúng ta nên mong thánh linh làm “người giúp đỡ” riêng cho mình.

Tại sao lại cần “người giúp đỡ”?

Biết trước mình sẽ về trời, Chúa Giê-su đã trấn an các môn đồ ngài bằng những lời này: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một người giúp đỡ khác để ở với các ngươi đời đời”. Rồi ngài còn nói: “Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, người giúp đỡ sẽ không đến cùng các ngươi; nhưng nếu ta đi, thì ta sẽ gửi người giúp đỡ đó đến cùng các ngươi”.—Giăng 14:16, 17, NW; 16:7, NW.

Chúa Giê-su giao cho các môn đồ ngài một nhiệm vụ quan trọng khi ra lệnh cho họ: “Vậy, các con hãy đi dìu dắt tất cả các dân tộc làm môn đệ ta, làm báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Linh, và dạy họ vâng giữ mọi mệnh lệnh ta”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20, Bản Diễn Ý) Nhiệm vụ này không phải là dễ vì nó phải được hoàn thành dù bị chống đối.—Ma-thi-ơ 10:22, 23.

Sự chống đối từ bên ngoài có kèm theo sự va chạm nào đó từ bên trong hội thánh. Khoảng năm 56 CN Phao-lô có viết khuyên các tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma như thế này: “Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè-đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy-dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi”. (Rô-ma 16:17, 18) Tình trạng này càng tệ hơn khi các sứ đồ qua đời. Phao-lô có báo trước: “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”.—Công-vụ 20:29, 30.

Chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để chống lại những trở ngại này. Ngài làm điều đó qua Chúa Giê-su. Sau khi Chúa Giê-su sống lại, vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ của ngài “tất cả đều đầy dẫy Thánh Linh”.—Công-vụ 1:15; 2:4BDÝ.

Các môn đồ nhận biết rằng thánh linh đổ xuống trong dịp này chính là sự giúp đỡ mà Chúa Giê-su đã hứa ban cho. Giờ họ hoàn toàn hiểu rõ hơn cách nhận diện thánh linh mà Chúa Giê-su đã dạy họ: “Người giúp đỡ, tức thánh linh mà Cha sẽ nhân danh ta gửi đến, sẽ dạy các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi”. (Giăng 14:26, NW) Ngài cũng gọi thánh linh là ‘người giúp đỡ, thần lẽ thật’.—Giăng 15:26NW.

Thánh linh là “người giúp đỡ” theo cách nào?

Thánh linh làm “người giúp đỡ” trong nhiều cách. Trước nhất, Chúa Giê-su đã hứa là thánh linh sẽ gợi cho các môn đồ nhớ lại những điều ngài đã dạy họ. Ngài muốn nói là thánh linh không chỉ giúp họ nhớ lại những lời ngài đã nói, mà là giúp họ hiểu được ý nghĩa sâu xa và tầm quan trọng của những điều ngài đã dạy họ. (Giăng 16:12-14) Tóm lại, thánh linh giúp các môn đồ ngài hiểu rõ lẽ thật hơn. Sứ đồ Phao-lô sau đó có viết: “Thiên Chúa đã dùng Thánh Linh mặc khải cho ta; Thánh Linh Chúa dò xét mọi sự, cả những sự về Thiên Chúa nữa”. (1 Cô-rinh-tô 2:10, Trần Đức Huân) Để có thể truyền đạt sự hiểu biết chính xác cho những người khác, chính các môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su cũng phải có sự thông hiểu đặt trên cơ sở vững chắc.

Thứ hai, Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ ngài cách cầu nguyện và phải cầu nguyện thường xuyên. Nếu đôi lúc họ không biết chắc phải cầu điều gì, thánh linh có thể xin thay cho họ hoặc giúp họ. “Cũng do niềm hy vọng đó, Thánh Linh bổ khuyết các nhược điểm của chúng ta. Chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào, nhưng chính Thánh Linh cầu thay cho chúng ta với những lời than thở không diễn tả được bằng tiếng nói loài người”.—Rô-ma 8:26, BDÝ.

Thứ ba, thánh linh giúp các môn đồ Chúa Giê-su công khai binh vực cho lẽ thật. Ngài báo trước: “Họ sẽ nộp các ngươi trước tòa-án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội; lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra”.—Ma-thi-ơ 10:17-20.

Thánh linh cũng giúp nhận diện hội thánh tín đồ Đấng Christ và thúc đẩy các thành viên có những quyết định cá nhân khôn ngoan. Chúng ta hãy bàn chi tiết hơn về hai khía cạnh này của vấn đề và hãy xem nó có tầm quan trọng nào đối với chúng ta ngày nay.

Dùng làm dấu để nhận diện

Trong nhiều thế kỷ, dân Do Thái đã phụng sự dưới Luật Pháp Môi-se với tư cách dân được Đức Chúa Trời chọn lựa. Vì họ đã không chịu chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, nên ngài báo trước là chẳng bao lâu nữa chính họ cũng sẽ không được chấp nhận: “Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh-thánh: Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà; ấy là việc Chúa làm, và là một sự lạ trước mắt chúng ta, hay sao? Bởi vậy, ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. (Ma-thi-ơ 21:42, 43) Một khi hội thánh Đấng Christ được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ Chúa Giê-su trở thành ‘dân có kết-quả của nước đó’. Từ đó trở đi, hội thánh này là cơ quan liên lạc của Đức Chúa Trời. Để giúp người ta nhận biết việc Đức Chúa Trời đã chuyển ân huệ Ngài sang một dân khác, Đức Chúa Trời đã ban cho một dấu không thể nhầm lẫn được để nhận diện.

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, thánh linh đã giúp các môn đồ nói các ngôn ngữ mà họ chưa hề học bao giờ. Điều này khiến những người chứng kiến phải kinh ngạc mà hỏi rằng: “Sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh-đẻ?” (Công-vụ 2:7, 8) Khả năng nói được các ngôn ngữ chưa học bao giờ, và “nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ-đồ”, đã khiến khoảng ba ngàn người nhận biết rằng thánh linh của Đức Chúa Trời đang thật sự hoạt động.—Công-vụ 2:41, 43.

Cũng bằng cách sinh “trái của Thánh-Linh”—lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền-lành, trung tín, mềm mại, tiết độ—các môn đồ Đấng Christ đã được nhận diện rõ là tôi tớ Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23) Đúng vậy, tình yêu thương đã giúp nhận rõ hội thánh thật của Đấng Christ. Chúa Giê-su đã báo trước: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—Giăng 13:34, 35.

Các thành viên trong hội thánh Đấng Christ thời ban đầu đã chấp nhận sự dẫn dắt của thánh linh Đức Chúa Trời và đã tận dụng sự giúp đỡ do thánh linh ban cho. Ngày nay, dù các tín đồ Đấng Christ hiểu rằng Đức Chúa Trời không còn làm người chết sống lại hay làm những phép lạ như hồi thế kỷ thứ nhất, nhưng họ để cho trái của thánh linh Đức Chúa Trời giúp người ta nhận diện họ là những môn đồ thật của Chúa Giê-su Christ.—1 Cô-rinh-tô 13:8.

Một “người giúp đỡ” trong những quyết định cá nhân

Kinh Thánh là sản phẩm của thánh linh. Do đó, khi để mình được Kinh Thánh thuyết phục, đó cũng như thể là thánh linh đang dạy dỗ chúng ta vậy. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Thánh linh có thể giúp chúng ta làm những quyết định khôn ngoan. Nhưng chúng ta có để thánh linh giúp không?

Chúng ta chọn công ăn việc làm như thế nào? Thánh linh sẽ giúp chúng ta xem xét công việc làm tương lai theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Công việc làm của chúng ta phải phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh, và tốt nhất là nó phải giúp chúng ta theo đuổi các mục tiêu thần quyền. Lương bổng hoặc danh vọng hay thanh thế do công việc nào đó mang lại thật ra không quan trọng mấy. Điều quan trọng hơn là công việc đó có đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đời sống và cho phép chúng ta có đủ thì giờ và cơ hội để làm tròn các bổn phận tín đồ Đấng Christ của chúng ta hay không.

Mong muốn được vui sống là điều bình thường và tự nhiên. (Truyền-đạo 2:24; 11:9) Do đó một tín đồ Đấng Christ thăng bằng có thể giải trí để khuây khỏa và vui vẻ. Nhưng người ấy phải chọn những môn giải trí nào phản ánh bông trái của thánh linh, chứ không mang đặc trưng của “các việc làm của xác-thịt”. Phao-lô giải thích: “Vả, các việc làm của xác-thịt là rõ-ràng lắm: Ấy là gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng, thờ hình-tượng, phù-phép, thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng, ganh-gổ, say-sưa, mê ăn-uống, cùng các sự khác giống như vậy”. Cũng nên tránh “tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau và ghen-ghét nhau”.—Ga-la-ti 5:16-26.

Việc chọn bạn cũng tương tự như vậy. Khôn ngoan là nên chọn bạn theo tính thiêng liêng, chứ không theo bề ngoài hay của cải. Đa-vít rõ ràng là bạn của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời mô tả ông là “người vừa lòng [Ngài]”. (Công-vụ 13:22) Đức Chúa Trời không xem bề ngoài nên đã chọn Đa-vít làm vua dân Y-sơ-ra-ên, theo nguyên tắc này: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”.—1 Sa-mu-ên 16:7.

Hàng ngàn tình bạn đã vỡ đổ vì chỉ dựa trên dáng vẻ bên ngoài hoặc trên của cải. Tình bạn dựa trên những của cải không chắc chắn có thể chấm dứt đột ngột. (Châm-ngôn 14:20) Lời được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn khuyên chúng ta nên chọn làm bạn với những người nào có thể giúp ta phụng sự Đức Giê-hô-va. Lời Ngài cũng dạy chúng ta nên ban cho hơn là nhận lãnh vì ban cho đem lại niềm vui lớn hơn. (Công-vụ 20:35) Thì giờ và tình cảm thuộc trong số những điều quí nhất mà chúng ta có thể ban cho các bạn mình.

Đối với một tín đồ Đấng Christ đang tìm bạn đời, Kinh Thánh cũng cho lời khuyên do thánh linh soi dẫn. Dường như Kinh Thánh muốn nói: ‘Hãy nhìn xa hơn khuôn mặt hay dáng người. Hãy nhìn bàn chân’. Bàn chân ư? Vâng, theo nghĩa này đây: Bàn chân người ấy có được dùng để làm công việc rao giảng tin mừng của Đức Giê-hô-va giao cho hay không, nói thế có nghĩa là nó có đẹp theo mắt Đức Giê-hô-va hay không? Bàn chân ấy có lấy thông điệp lẽ thật và tin mừng bình an làm giày dép không? Kinh Thánh nói: “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình-an, đem tin tốt về phước-lành, rao sự cứu-chuộc, bảo Si-ôn rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị-vì, chân của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!”—Ê-sai 52:7; Ê-phê-sô 6:15.

Sống trong “thời-kỳ khó-khăn” như hiện nay, chúng ta cần sự giúp đỡ để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (2 Ti-mô-thê 3:1) “Người giúp đỡ” tức thánh linh của Đức Chúa Trời hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc của tín đồ Đấng Christ hồi thế kỷ thứ nhất, và cũng làm “người giúp đỡ” cho cá nhân họ. Chăm học Lời Đức Chúa Trời, sản phẩm của thánh linh, là cách chính chúng ta cũng có thể để thánh linh làm “người giúp đỡ” cá nhân chúng ta. Chúng ta đã làm điều này chưa?

[Trang hình ảnh nơi trang 23]