Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm việc trong “ruộng” trước mùa gặt

Làm việc trong “ruộng” trước mùa gặt

Làm việc trong “ruộng” trước mùa gặt

MÔN ĐỒ của Thầy Dạy Lớn thấy bối rối. Chúa Giê-su vừa kể lại một câu chuyện ngắn về lúa mì và cỏ lùng. Đó chỉ là một trong những dụ ngôn do ngài phán ra ngày hôm ấy. Khi ngài nói xong, phần đông cử tọa bỏ đi. Nhưng môn đồ ngài biết chắc hẳn các dụ ngôn của ngài phải có một ý nghĩa đặc biệt—nhất là dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng. Họ biết Chúa Giê-su không chỉ là một người khéo kể chuyện.

Ma-thi-ơ ghi lại câu hỏi của họ: “Xin thầy giải lời ví-dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi”. Để trả lời, Chúa Giê-su giải thích dụ ngôn, nói trước về một sự bội đạo ghê gớm sẽ dấy lên giữa những người tự xưng là môn đồ của ngài. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-38, 43) Quả thật, sự bội đạo đó đã xảy ra và phổ biến nhanh chóng sau khi sứ đồ Giăng chết. (Công-vụ 20:29, 30; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:6-12) Ảnh hưởng của sự bội đạo ấy sâu rộng đến nỗi câu hỏi mà Chúa Giê-su đã nêu ra, như có ghi nơi Lu-ca 18:8, dường như rất thích hợp: “Khi Con người đến, há sẽ thấy đức-tin trên mặt đất chăng?”

Việc Chúa Giê-su đến sẽ đánh dấu sự khởi đầu của “mùa gặt” để thu hoạch những tín đồ Đấng Christ giống như lúa mì. Điều đó sẽ đánh dấu “thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự” bắt đầu vào năm 1914. Vậy chúng ta chớ nên ngạc nhiên khi có một số người bắt đầu chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh trong thời kỳ dẫn đến sự khởi đầu mùa gặt.—Ma-thi-ơ 13:39NW.

Xem xét lịch sử khiến chúng ta thấy rõ rằng đặc biệt kể từ thế kỷ 15 trở đi, người ta náo nức muốn tìm hiểu, ngay cả giữa khối người tự xưng theo Đấng Christ, giống như “cỏ lùng”, tức tín đồ giả hiệu của Đấng Christ. Khi Kinh Thánh lưu truyền một cách thoải mái giữa dân chúng và đã có các sách đối chiếu các câu Kinh Thánh, những người có lòng thành thật bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh một cách kỹ lưỡng.

Ánh sáng chiếu ngời

Trong số những người như thế vào đầu thế kỷ 19 có ông Henry Grew (1781-1862), người quê ở Birmingham, Anh Quốc. Khi lên 13, ông cùng gia đình vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ, đến nơi vào ngày 8 tháng 7 năm 1795. Họ định cư ở thành phố Providence, bang Rhode Island. Cha mẹ ông ghi khắc lòng yêu mến Kinh Thánh vào tâm khảm ông. Vào năm 1807, ở tuổi 25, ông Grew được mời giữ chức mục sư Giáo Hội Báp-tít ở Hartford, bang Connecticut.

Ông xem trọng trách nhiệm giảng dạy của mình và tìm cách giúp đỡ những ai được giao cho ông chăm sóc sống phù hợp với Kinh Thánh. Tuy nhiên, ông tin cần phải giữ cho hội thánh tinh khiết, không bị bất cứ kẻ nào cố ý thực hành tội lỗi làm ô uế. Thỉnh thoảng, ông, cùng với những người khác có trách nhiệm trong nhà thờ, đã phải đuổi (khai trừ) những kẻ phạm tội tà dâm hoặc đắm mình vào những thực hành ô uế khác.

Có những vấn đề khác trong nhà thờ khiến ông băn khoăn. Có những người không phải là thành viên của nhà thờ nhưng lại xử lý công việc của nhà thờ và hướng dẫn người ta hát vào các thánh lễ. Họ cũng có thể biểu quyết về một số vấn đề liên quan đến hội thánh và như vậy kiểm soát phần nào nội bộ hội thánh. Dựa trên nguyên tắc tách rời khỏi thế gian, ông Grew tin chắc rằng chỉ có những người tin đạo mới xứng đáng giữ những chức đó mà thôi. (2 Cô-rinh-tô 6:14-18; Gia-cơ 1:27) Theo ông, để cho những kẻ không tin đạo hát ngợi khen Đức Chúa Trời là một sự phạm thượng. Vì lập trường này mà vào năm 1811 ông Henry Grew bị nhà thờ từ bỏ. Những người khác có cùng quan điểm đã ly khai nhà thờ cùng lúc.

Tách rời khỏi các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ

Nhóm người này, gồm có ông Henry Grew, bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với mục đích sống và hoạt động phù hợp với lời khuyên của Kinh Thánh. Các cuộc nghiên cứu của họ nhanh chóng đưa họ đến chỗ hiểu biết lẽ thật Kinh Thánh nhiều hơn và khiến họ vạch trần những sai lầm của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Thí dụ, vào năm 1824, ông Grew viết một bài lập luận vững chãi chứng minh thuyết Chúa Ba Ngôi là sai. Xin lưu ý tính hợp lý của đoạn văn này trong bài viết của ông: “ ‘Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên-sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ CHA mà thôi’. [Mác 13:32] Hãy để ý đến thứ bậc trong thế giới hữu sinh ở đây: Ai [người], Thiên sứ, Con, Cha... Chúa chúng ta dạy rằng chỉ có Cha mới biết ngày ấy. Nhưng điều này quả là không đúng nếu như theo một số người giả định, Cha, Ngôi Lời và Thánh Linh là ba ngôi trong một Đức Chúa Trời; vì theo [sự dạy dỗ này, thuyết Chúa Ba Ngôi]... Con cũng biết ngày đó giống như Cha”.

Ông Grew phơi bày sự giả hình của hàng giáo phẩm và các tướng lãnh quân sự làm ra vẻ phụng sự Đấng Christ. Vào năm 1828 ông tuyên bố: “Chúng ta có thể nào nghĩ ra một điều gì phi lý hơn là việc một tín đồ Đấng Christ vào phòng riêng cầu nguyện cho kẻ thù của mình và rồi chỉ huy binh lính đi chĩa vũ khí giết người vào ngực của chính những kẻ thù ấy một cách giận dữ tàn bạo không? Khi cầu nguyện cho kẻ thù, người ấy giống như Chúa mình đang hấp hối, nhưng khi ra trận giết kẻ thù, người đó giống ai? Chúa Giê-su cầu nguyện cho những kẻ giết hại ngài. Tín đồ Đấng Christ giết hại những kẻ mà họ cầu nguyện cho”.

Ông Grew còn viết một cách hùng hồn hơn: “Khi nào chúng ta mới tin Đấng Toàn Năng là Đấng quả quyết với chúng ta rằng Ngài không chịu ‘khinh-dể đâu’? Khi nào chúng ta mới hiểu bản chất, đặc tính của tôn giáo thánh kia đòi hỏi chúng ta tránh ngay cả ‘điều chi tựa như điều ác’?... Há chẳng phải là phỉ báng Con Đức Chúa Trời, khi nghĩ rằng đạo ngài lúc thì đòi hỏi một người phải hành động giống như một thiên sứ, lúc khác lại cho phép người ấy hành động giống như quỉ sứ hay sao?”

Sự sống đời đời không cố hữu

Trước thời có máy truyền thanh và truyền hình, một cách phổ thông để phát biểu quan điểm của mình là viết và phân phát sách mỏng. Vào khoảng năm 1835, ông Grew viết một sách mỏng quan trọng vạch trần rằng sự dạy dỗ linh hồn bất tử và lửa địa ngục là đi ngược lại Kinh Thánh. Ông cảm thấy các giáo lý đó xúc phạm đến Đức Chúa Trời.

Sách mỏng này có tác dụng sâu rộng. Vào năm 1837, ông George Storrs, 40 tuổi, nhặt được một bản trên một xe lửa. Ông Storrs là người gốc gác ở thị trấn Lebanon, bang New Hampshire, lúc bấy giờ sinh sống ở Utica, bang New York.

Ông là một mục sư rất được trọng vọng trong Giáo Hội Giám Lý-Tân Giáo (methodist-episcopal). Sau khi đọc xong sách mỏng, ông khâm phục khi thấy một lập luận vững chãi như thế có thể dùng để chống lại những dạy dỗ cơ bản của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ mà ông chưa từng nghi ngờ. Ông không biết ai là tác giả của sách mỏng, và mãi đến khoảng năm 1844, ông mới gặp ông Henry Grew khi cả hai cùng sống ở Philadelphia, bang Pennsylvania. Tuy nhiên, ông Storrs tự nghiên cứu vấn đề trong ba năm, chỉ nói chuyện với những mục sư khác về điều này mà thôi.

Cuối cùng, vì không ai có thể chứng minh những điều ông đang học hỏi là sai, cho nên ông George Storrs quyết định rằng ông không thể trung thành với Đức Chúa Trời nếu cứ ở mãi trong Giáo Hội Giám Lý. Ông rút tên ra khỏi giáo hội vào năm 1840 và dọn đến Albany, bang New York.

Đầu mùa xuân năm 1842, ông Storrs nói một loạt diễn văn gồm sáu bài trong suốt sáu tuần lễ liền về đề tài “Một cuộc điều tra—Có phải kẻ ác đều bất tử chăng?” Đề tài này gây nhiều sự chú ý đến nỗi ông sửa lại để in ra giấy, và trong hơn 40 năm kế tiếp, ấn phẩm đó đã đạt 200.000 bản lưu hành tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Hai ông Storrs và Grew hợp tác với nhau để tranh luận chống lại giáo lý linh hồn bất tử. Ông Grew tiếp tục sốt sắng rao giảng cho đến khi ông chết vào ngày 8 tháng 8 năm 1862 tại Philadelphia.

Ít lâu sau khi trình bày sáu bài diễn văn vừa kể, ông Storrs chú ý đến việc rao giảng của ông William Miller, lúc bấy giờ mong đợi Đấng Christ trở lại một cách hữu hình vào năm 1843. Trong vòng khoảng hai năm, ông Storrs tích cực rao giảng thông điệp này khắp miền đông bắc Hoa Kỳ. Sau năm 1844, ông không còn nói đến ngày tháng Đấng Christ trở lại nữa, và cũng không phản đối nếu người khác muốn nghiên cứu niên đại học. Ông Storrs tin rằng Đấng Christ sắp trở lại và điều quan trọng là tín đồ Đấng Christ tiếp tục tỉnh thức và cảnh giác về thiêng liêng, sẵn sàng cho ngày thanh tra. Nhưng ông tách rời khỏi nhóm của Miller vì họ chấp nhận những sự dạy dỗ đi ngược lại Kinh Thánh, chẳng hạn như linh hồn bất tử, thế gian bị thiêu cháy và không có hy vọng sống đời đời cho những ai chết trước khi biết Chúa.

Tình yêu thương Đức Chúa Trời dẫn đến đâu?

Ông Storrs thấy khó chịu trước quan điểm của giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm cho rằng Đức Chúa Trời sẽ làm kẻ ác sống lại nhằm mục đích duy nhất là hủy diệt họ lần nữa. Ông không tìm thấy bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời lại hành động vô cớ và đầy thù hận như vậy. Ông Storrs và đồng sự của ông đã đi đến thái cực khác và kết luận là kẻ ác sẽ không bao giờ được sống lại. Dù họ thấy khó giải thích một số câu Kinh Thánh nói đến sự sống lại của người không công bình, nhưng đối với họ thì kết luận của họ dường như phù hợp hơn với sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu người ta tiến thêm một bước nữa trong việc hiểu biết về ý định Đức Chúa Trời.

Vào năm 1870, ông Storrs bị bệnh rất nặng không thể làm việc suốt mấy tháng liền. Trong thời gian này, ông xem xét lại tất cả những gì ông đã học được trong quãng đời 74 năm đã qua. Ông kết luận rằng mình đã bỏ sót một phần chính yếu của ý định Đức Chúa Trời đối với nhân loại như được cho thấy trong giao ước Áp-ra-ham—đó là ‘bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo lời dặn của Đức Chúa Trời, nên các dân thế-gian đều sẽ được phước’.—Sáng-thế Ký 22:18; Công-vụ 3:25.

Điều này làm nảy sinh một tư tưởng mới. Nếu như “các dân thế-gian” được ban phước, há chẳng phải mọi người đều phải nghe nói đến tin mừng hay sao? Làm sao họ nghe tin mừng được? Chẳng phải là hàng triệu người đã chết rồi hay sao? Khi xem xét thêm Kinh Thánh, ông đi đến kết luận rằng có hai lớp người “ác” đã chết rồi: những người đã khăng khăng chối bỏ sự yêu thương của Đức Chúa Trời và những người đã chết trước khi biết Chúa.

Theo kết luận của ông Storrs thì lớp người thứ hai sẽ được sống lại để có một cơ hội nhận lãnh lợi ích qua giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Christ. Những người chấp nhận giá chuộc sẽ sống đời đời trên đất. Những kẻ chối bỏ giá chuộc sẽ bị hủy diệt. Đúng vậy, ông Storrs tin rằng không ai sẽ được Đức Chúa Trời cho sống lại mà không có hy vọng gì trước mắt. Cuối cùng, ngoài ông A-đam ra, không ai chết vì tội lỗi của A-đam cả! Nhưng về phần những người sống trong thời Đấng Christ trở lại thì sao? Cuối cùng ông Storrs hiểu ra rằng cần phải có một đợt rao giảng toàn cầu để cho những người đó biết. Ông không mảy may có ý tưởng nào về cách thực hiện một điều như thế, nhưng với đức tin ông viết: “Nhưng quá nhiều người vì không thấy được cách thực hiện điều đó, nên bác bỏ làm như là Đức Chúa Trời không thể thực hiện chỉ vì họ không hình dung nổi cách tiến hành công việc ấy”.

Ông George Storrs chết vào tháng 12 năm 1879, tại nhà riêng ở Brooklyn, New York, và chỉ ít dãy phố gần đó là một nơi sau này sẽ là tiêu điểm của đợt rao giảng toàn cầu mà ông hằng mơ ước nhìn thấy.

Cần có thêm ánh sáng

Phải chăng những người như hai ông Henry Grew và George Storrs đã từng hiểu lẽ thật rõ ràng như ngày nay chúng ta hiểu? Không. Họ ý thức họ đang mù mờ, như ông Storrs nói vào năm 1847: “Chúng ta nên nhớ rằng mình chỉ vừa mới bước ra khỏi thời đại tối tăm của nhà thờ; và không lạ gì nếu chúng ta thấy mình vẫn còn xem một số ‘tín điều của Ba-by-lôn’ là chân lý”. Chẳng hạn, ông Grew quí trọng giá chuộc do Chúa Giê-su cung cấp, nhưng ông lại không hiểu đó là một “giá chuộc tương xứng”, tức là sự sống hoàn toàn của Chúa Giê-su làm người được hiến dâng để đổi lấy sự sống hoàn toàn mà A-đam đã đánh mất. (1 Ti-mô-thê 2:6, NW) Ông Henry Grew cũng lầm tưởng rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại và cai trị một cách hữu hình trên đất. Tuy nhiên, ông Grew quả có quan tâm đến việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va, một đề tài mà rất ít người chú ý đến kể từ thế kỷ thứ hai CN.

Cũng thế, ông George Storrs đã không hiểu đúng một số điểm quan trọng. Ông đã có thể thấy được sự dạy dỗ sai lầm do hàng giáo phẩm cổ xúy, nhưng đôi khi ông đi đến thái cực kia. Thí dụ, dường như đã phản ứng quá khích trước quan điểm truyền thống của hàng giáo phẩm về Sa-tan, ông Storrs phủ nhận ý tưởng Ma-quỉ là một nhân vật có thật. Ông chối bỏ thuyết Chúa Ba Ngôi, nhưng mãi cho đến ít lâu trước khi chết ông vẫn còn phân vân không biết thánh linh có phải là một nhân vật hay không. Trong khi ông George Storrs chờ đợi Đấng Christ ban đầu sẽ trở lại một cách vô hình, nhưng ông nghĩ là cuối cùng thì sẽ có một sự xuất hiện hữu hình. Dù sao, dường như cả hai ông này đều là những người có lòng thành thật, và họ có sự hiểu biết lẽ thật hơn hầu hết mọi người.

“Ruộng” mà Chúa Giê-su miêu tả trong dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng lúc bấy giờ quả chưa sẵn sàng cho mùa gặt. (Ma-thi-ơ 13:38) Các ông Grew, Storrs và những người khác nữa đã chuẩn bị “ruộng” cho mùa gặt.

Ông Charles Taze Russell, người đã bắt đầu xuất bản tạp chí này vào năm 1879, viết về thời ban đầu: “Chúa đã ban cho chúng ta nhiều sự giúp đỡ để học hỏi Lời Ngài, trong số đó có người anh lớn tuổi yêu dấu của chúng ta, George Storrs, là người nổi bật nhất; anh đã từng giúp ích cho chúng ta qua lời nói và ngòi bút. Nhưng chúng ta không bao giờ tìm cách đi theo con người dù tốt và khôn ngoan đến đâu, nhưng ‘đi theo Đức Chúa Trời với tư cách con cái yêu dấu của Ngài’ ”. Đúng vậy, các học viên Kinh Thánh thành thật có thể hưởng được lợi ích nhờ sự nỗ lực của những người giống như hai ông Grew và Storrs, nhưng điều cần yếu vẫn là phải xem xét Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, là nguồn thật sự của lẽ thật.—Giăng 17:17.

[Khung/​Hình nơi trang 26]

Ông Henry Grew tin gì

Danh Đức Giê-hô-va đã bị sỉ nhục, cần phải được làm nên thánh.

Thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và hỏa ngục là những giáo lý lừa đảo.

Hội thánh Đấng Christ phải tách rời khỏi thế gian.

Tín đồ Đấng Christ không được tham gia vào chiến tranh của các nước.

Tín đồ Đấng Christ không ở dưới luật về ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật.

Tín đồ Đấng Christ không nên làm hội viên của các hội bí mật, chẳng hạn như Hội Tam Điểm.

Không nên phân biệt giai cấp giáo phẩm và giáo dân giữa tín đồ Đấng Christ.

Các tước hiệu tôn giáo đến từ kẻ địch lại Đấng Christ.

Mọi hội thánh đều phải có một hội đồng trưởng lão.

Các trưởng lão phải thánh sạch trong toàn bộ hạnh kiểm của họ, không chỗ trách được.

Tất cả tín đồ Đấng Christ đều phải rao giảng tin mừng.

Sẽ có những người sống đời đời trong Địa Đàng trên đất.

Các bài hát của tín đồ Đấng Christ phải ca ngợi Đức Giê-hô-va và Đấng Christ.

[Nguồn tư liệu]

Hình: Collection of The New-York Historical Society/69288

[Khung/​Hình nơi trang 28]

Ông George Storrs tin gì

Chúa Giê-su đã trả giá chuộc cho nhân loại bằng mạng sống của ngài.

Công việc rao giảng tin mừng chưa được thực hiện (vào năm 1871).

Vì lẽ đó, sự cuối cùng không thể gần đến vào lúc đó (năm 1871). Sẽ có một thời kỳ trong tương lai công việc rao giảng được thực hiện.

Sẽ có những người thừa hưởng sự sống đời đời trên đất.

Sẽ có sự sống lại của tất cả những người chết trước khi biết Chúa. Những người chấp nhận giá chuộc của Đấng Christ sẽ nhận lãnh sự sống đời đời trên đất. Những ai từ chối giá chuộc sẽ bị hủy diệt.

Thuyết linh hồn bất tử và hỏa ngục là những giáo lý sai lầm bôi nhọ Đức Chúa Trời.

Bữa Tiệc Thánh của Chúa là một lễ được cử hành hàng năm vào ngày 14 Ni-san.

[Nguồn tư liệu]

Hình: SIX SERMONS, by George Storrs (1855)

[Các hình nơi trang 29]

Vào năm 1909, C. T. Russell, biên tập tờ “Tháp Canh Si-ôn”, dời về Brooklyn, bang New York, Hoa Kỳ