Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Hasmonaean và di sản của họ

Người Hasmonaean và di sản của họ

Người Hasmonaean và di sản của họ

VÀO thời Chúa Giê-su ở trên đất, đạo Do Thái chia thành nhiều bè phái, ganh đua nhau ảnh hưởng trên dân chúng. Đó là tình hình được trình bày trong Phúc Âm cũng như trong các tác phẩm của sử gia Josephus vào thế kỷ thứ nhất.

Người Pha-ri-si và Sa-đu-sê xuất hiện trong bối cảnh này như những thế lực quan trọng, có khả năng gây ảnh hưởng trên dư luận quần chúng, thậm chí đến độ họ bác bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. (Ma-thi-ơ 15:1, 2; 16:1; Giăng 11:47, 48; 12:42, 43) Tuy nhiên, không nơi nào trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đề cập đến hai nhóm đầy thế lực này.

Josephus đề cập đến người Sa-đu-sê và Pha-ri-si lần đầu tiên trong khung cảnh của thế kỷ thứ hai TCN. Trong thời kỳ này, nhiều người Do Thái không cưỡng lại được sức lôi cuốn của nền văn hóa và triết học Hy Lạp. Tình hình căng thẳng giữa nền văn hóa Hy Lạp và đạo Do Thái lên đến tột đỉnh khi nhà cầm quyền thuộc vương triều Seleucid đã làm ô uế đền thờ tại Giê-ru-sa-lem khi dâng đền thờ ấy cho thần Zeus. Một lãnh tụ Do Thái năng nổ, Judah Maccabee, thuộc gia đình Hasmonaean, cầm đầu đoàn quân nổi dậy giải phóng đền thờ khỏi tay người Hy Lạp. *

Những năm tiếp theo cuộc nổi dậy và chiến thắng của người Mác-ca-bê là thời kỳ đáng chú ý vì trào lưu hình thành những giáo phái dựa trên sự đua tranh ý thức hệ, giáo phái này cạnh tranh với giáo phái khác nhằm giành lấy ảnh hưởng rộng rãi hơn trong cộng đồng Do Thái. Nhưng tại sao trào lưu này lại phát triển? Tại sao đạo Do Thái bị phân rẽ đến thế? Để trả lời, chúng ta hãy xem xét lịch sử người Hasmonaean.

Có thêm độc lập và gia tăng mối bất hòa

Sau khi đạt được mục tiêu tôn giáo về việc lập lại sự thờ phượng nơi đền thờ của Đức Giê-hô-va, Judah Maccabee quay sang làm chính trị. Hậu quả là nhiều người Do Thái không theo ông nữa. Dầu vậy, ông tiếp tục cuộc chiến chống lại nhà cầm quyền thuộc vương triều Seleucid, lập hiệp ước với La Mã, và theo đuổi việc thiết lập một Quốc Gia Do Thái độc lập. Sau khi Judah tử trận, em trai của ông là Jonathan và anh ông là Simon tiếp tục tranh đấu. Thoạt tiên, các nhà cầm quyền thuộc vương triều Seleucid kịch liệt chống đối người Mác-ca-bê. Nhưng cuối cùng, các nhà cầm quyền đồng ý một thỏa hiệp chính trị, cho phép anh em nhà Hasmonaean được tự trị phần nào.

Dù thuộc dòng dõi thầy tế lễ, chưa hề có người Hasmonaean nào phụng sự với chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm cả. Nhiều người Do Thái cảm thấy chức vụ này nên dành cho những thầy tế lễ về dòng Xa-đốc, người mà Sa-lô-môn đã bổ nhiệm làm thầy tế lễ thượng phẩm. (1 Các Vua 2:35; Ê-xê-chi-ên 43:19) Jonathan dùng chiến sự và tài ngoại giao để thuyết phục vương triều Seleucid bổ nhiệm ông làm thầy tế lễ thượng phẩm. Nhưng sau khi Jonathan chết, anh ông, Simon đạt được nhiều hơn thế nữa. Vào tháng 9 năm 140 TCN, một chiếu chỉ quan trọng được ban hành ở Giê-ru-sa-lem, được lưu giữ bằng chữ Hy Lạp trên những bảng đồng: “Vua Đêmêtrius [nhà cầm quyền thuộc vương triều Hy Lạp Seleucid], đã y nhận chức thượng tế của ông [Simon], và đã liệt ông vào hàng thân hữu của mình cũng đã cho ông vinh thăng rất mực... Người Do Thái và các tư tế đã quyết nghị đề Simon làm thủ lĩnh và thượng tế mãi mãi cho đến khi nào một tiên tri trung thực chỗi dậy”.—1 Macabê 14:38-41 (một sách lịch sử nằm trong bộ sách Ngụy Thư, Nguyễn Thế Thuấn).

Chức vụ thủ lĩnh đồng thời là thượng tế của Simon—cho ông và con cháu—được nhà cầm quyền ngoại bang Seleucid và “Đại Hội Đồng” của dân sự ông chấp nhận. Việc này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Như sử gia Emil Schürer viết, một khi người Hasmonaean thiết lập triều đại chính trị, “mối quan tâm chủ yếu của họ không còn là sự ứng nghiệm của kinh Torah [Luật Pháp Do Thái] nữa mà là việc duy trì và mở rộng thế lực chính trị”. Tuy nhiên, thận trọng để tránh làm tổn thương tính nhạy cảm của người Do Thái, thay vì dùng danh hiệu “vua”, Simon đã dùng danh hiệu “tộc trưởng”, hay “thủ lĩnh của dân”.

Không phải mọi người đều hài lòng về việc tiếm quyền chỉ huy tôn giáo và chính trị của nhà Hasmonaean. Theo nhiều học giả, chính trong giai đoạn này hình thành cộng đồng Qumran. Một thầy tế lễ thuộc dòng Xa-đốc, người ta tin rằng ông là “Thầy Dạy Công Bình” như trong kinh Qumran ám chỉ, đã rời Giê-ru-sa-lem và dẫn đầu một nhóm đối lập vào miền hoang mạc xứ Giu-đê gần vùng Biển Chết. Một trong những Cuộn Kinh Thánh được tìm thấy tại vùng Biển Chết, dẫn giải sách Ha-ba-cúc, lên án “Thầy Tế Lễ Độc Ác ban đầu là một người chân thật, nhưng khi cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên lòng hắn trở nên kiêu căng“. Nhiều học giả tin rằng Jonathan lẫn Simon đều hợp với lời miêu tả nói về sự cai trị của “Thầy Tế Lễ Độc Ác”.

Simon tiếp tục chiến dịch quân sự để mở rộng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của mình. Tuy nhiên, quyền cai trị của ông kết thúc đột ngột khi con rể là Ptolemy ám sát ông cùng hai con trai trong lúc đang dự tiệc ở gần Giê-ri-cô. Mưu toan chiếm quyền kiểm soát của Ptolemy thất bại. John Hyrcanus, con trai còn lại của Simon đã được cảnh báo về cuộc âm mưu ám sát ông. Ông bắt giữ những người bị tình nghi là kẻ mưu sát và thay cha nắm quyền lãnh đạo kiêm chức thượng tế.

Mở rộng và đàn áp hơn nữa

Thoạt tiên, John Hyrcanus đối đầu với những đe dọa nghiêm trọng từ lực lượng Sy-ri, nhưng rồi vào năm 129 TCN, triều đại Seleucid thất trận trong cuộc chiến quyết định với người Parthian. Nói về ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với triều đại Seleucid, học giả Do Thái Menahem Stern viết: “Toàn thể cấu trúc của vương triều hầu như sụp đổ”. Do đó Hyrcanus đã “có thể giành lại trọn vẹn nền độc lập chính trị của xứ Giu-đê và bắt đầu mở rộng thế lực trong nhiều hướng khác nhau”. Và ông đã mở rộng thật.

Giờ đây không bị ngăn trở bởi mối đe dọa của người Sy-ri, Hyrcanus bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ thuộc ngoại vi xứ Giu-đê, buộc họ thần phục. Dân cư phải cải đạo Do Thái, nếu không thành phố của họ sẽ bị san bằng. Một chiến dịch như thế là nhằm chống lại người Idumaean (người Ê-đôm). Về việc này Stern nhận xét: “Sự cải đạo của người Idumaean, với tính chất toàn thể chủng tộc hơn là vài cá nhân, là trường hợp đầu tiên”. Trong số những vùng đất bị chinh phục có xứ Sa-ma-ri, Hyrcanus đã san bằng đền thờ của họ xây trên núi Ga-ri-xim. Nói về sự trớ trêu của chính sách ép buộc cải đạo của triều đại Hasmonaean, sử gia Solomon Grayzel viết: “Ở đây chính cháu nội của Mattathias [cha của Judah Maccabee] đã vi phạm đúng ngay nguyên tắc—tự do tín ngưỡng—mà thế hệ trước đã hào hiệp bảo vệ”.

Người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê xuất hiện

Khi viết về triều đại Hyrcanus, sử gia Josephus lần đầu tiên quan tâm đến vấn đề gia tăng ảnh hưởng của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê. (Josephus đã đề cập đến việc người Pha-ri-si sống vào thời Jonathan cai trị). Ông không thuật lại nguồn gốc của họ. Một số học giả cho rằng họ là một nhóm, xuất phát từ người Hasidim, một giáo phái sùng đạo đã ủng hộ Judah Maccabee trong mục tiêu tôn giáo nhưng lại lìa bỏ ông khi ông ta chuyển sang tham vọng chính trị.

Thông thường tên Pha-ri-si liên hệ với tiếng Hê-bơ-rơ gốc có nghĩa là “những người biệt riêng”, dù một số người cho rằng nó liên hệ đến từ “những người dẫn giải”. Người Pha-ri-si là những học giả trong đám dân thường, họ không thuộc dòng dõi đặc biệt. Bằng triết lý về lòng mộ đạo đặc biệt, họ tự biệt riêng khỏi những nghi thức ô uế, áp dụng những luật pháp thánh của đền thờ dành cho những thầy tế lễ vào những tình huống bình thường của đời sống thường ngày. Người Pha-ri-si phát triển một hình thức diễn giải Kinh Thánh mới và một khái niệm mà sau này được gọi là luật truyền khẩu. Trong thời Simon cai trị, họ gây được ảnh hưởng lớn hơn khi một số người được bổ nhiệm vào Gerousia (hội đồng trưởng lão), sau này trở thành Tòa Công Luận.

Josephus thuật lại rằng thoạt tiên John Hyrcanus là học trò và ông ủng hộ người Pha-ri-si. Tuy nhiên, đến thời điểm nào đó, những người Pha-ri-si đã khiển trách ông về việc ông không chịu từ bỏ chức thượng tế. Điều này dẫn đến sự đổ vỡ nghiêm trọng. Hyrcanus tuyên bố những luật lệ tôn giáo của người Pha-ri-si là bất hợp pháp. Như để trừng trị họ thêm, ông đứng về phe Sa-đu-sê, các đối thủ tôn giáo của người Pha-ri-si.

Rất có thể tên Sa-đu-sê liên hệ với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Xa-đốc, con cháu ông giữ chức thầy tế lễ kể từ thời Sa-lô-môn. Tuy nhiên, không phải tất cả những người Sa-đu-sê thuộc dòng dõi này. Theo Josephus, người Sa-đu-sê là những nhà quý tộc giàu có trong nước, và không được quần chúng ủng hộ. Giáo sư Schiffman bình luận: “Đa số trong họ... hình như là những thầy tế lễ hay là người kết hôn với những người trong gia đình thầy tế lễ thượng phẩm”. Vì vậy mà từ lâu họ liên kết mật thiết với những người quyền thế. Do đó, vai trò ngày càng tăng của người Pha-ri-si trong đời sống cộng đồng và khái niệm của họ về sự thánh sạch giống như thầy tế lễ được nới rộng cho tất cả dân sự—đã bị xem là mối đe dọa có thể làm suy yếu quyền lực đương nhiên của người Sa-đu-sê. Giờ đây, trong những năm cuối cùng của triều đại Hyrcanus, người Sa-đu-sê chiếm lại quyền kiểm soát.

Thêm nhiều xảo quyệt, giảm sút lòng mộ đạo

Aristobulus, con trai trưởng của Hyrcanus, trị vì chỉ được một năm rồi chết. Ông tiếp tục chính sách ép người Iturean cải đạo, và vùng Thượng Ga-li-lê bị đặt dưới quyền kiểm soát của nhà Hasmonean. Nhưng chính dưới triều em trai ông, Alexander Jannaeus cai trị từ năm 103 đến năm 76 TCN, quyền lực của triều đại Hasmonaean mới lên đến tột đỉnh.

Alexander Jannaeus bác bỏ chính sách trước kia và tùy tiện tôn mình làm vua kiêm thầy tế lễ thượng phẩm. Cuộc xung đột giữa nhà Hasmonaean và người Pha-ri-si thêm gay gắt, thậm chí dẫn đến cuộc nội chiến làm mất mạng 50.000 người Do Thái. Sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn, Jannaeus hành động giống như các vua ngoại giáo, đóng đinh 800 kẻ phiến loạn. Trước phút lâm chung, họ chứng kiến cảnh vợ con bị tàn sát trong khi Jannaeus công khai yến tiệc với các thê thiếp. *

Dù đối nghịch với người Pha-ri-si, Jannaeus là một nhà chính trị thực tiễn. Ông ta thấy người Pha-ri-si càng ngày càng được nhiều người ủng hộ. Trước khi chết, ông trăn trối cho vợ là Salome Alexandra chia sẻ quyền lực với họ. Jannaeus đã chọn bà làm người nối ngôi thay vì các con trai. Bà đã chứng tỏ là người trị vì có năng lực, mang đến một thời kỳ thái bình hơn cho dân tộc dưới triều đại nhà Hasmonaean (76-67 TCN). Người Pha-ri-si khôi phục lại địa vị quyền lực, và những sắc lệnh chống lại nghi lễ tôn giáo của họ đã được hủy bỏ.

Khi Salome chết, các con trai của bà, Hyrcanus II là thầy tế lễ thượng phẩm, và Aristobulus II tranh quyền nhau. Cả hai đều thiếu sự thông biết về chính trị và quân sự như ông cha, và dường như cũng không hiểu hết tầm quan trọng về sự hiện diện ngày càng gia tăng của người La Mã trong khu vực sau sự sụp đổ hoàn toàn của vương quốc Seleucid. Vào năm 63 TCN, cả hai anh em quay sang cầu viện quan Pompey của La Mã đang trấn thủ ở Damascus để xin ông làm trung gian hòa giải cho cuộc tranh chấp của họ. Cũng năm đó, Pompey và đội quân của ông tiến vào Giê-ru-sa-lem kiểm soát tình hình. Đó là khởi đầu sự suy tàn của vương quốc Hasmonaean. Năm 37 TCN, Hê-rốt Đại Đế người Idumaean được Thượng Viện La Mã phong là “Vua xứ Giu-đê”, “đồng minh và là bạn của dân tộc La Mã”, lên nắm quyền ở Giê-ru-sa-lem. Vương quốc Hasmonaean không còn nữa.

Di sản người Hasmonaean

Thời kỳ Hasmonaean, từ Judah Maccabee đến Aristobulus II, đã đặt nền tảng cho bối cảnh chia rẽ tôn giáo hiện hữu khi Chúa Giê-su sống trên đất. Khởi đầu người Hasmonaean sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng ấy giảm sút và biến thành tư lợi lạm quyền. Những thầy tế lễ của họ, có cơ hội hợp nhất dân sự theo Luật Pháp Đức Chúa Trời, đã đẩy dân tộc xuống vực sâu cấu xé chính trị. Trong môi trường này, quan điểm chia rẽ về tôn giáo phát triển. Người Hasmonaean không còn nữa, nhưng cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát tôn giáo giữa người Sa-đu-sê, Pha-ri-si và những người khác nữa là đặc điểm của quốc gia nay nằm trong tay Hê-rốt và La Mã.

[Chú thích]

^ đ. 4 Xem bài nhan đề “Người Mác-ca-bê là ai?”, trong Tháp Canh số ra ngày 15-11-1998.

^ đ. 22 Cuộn sách ở vùng Biển Chết “Dẫn giải sách Na-hum” đề cập đến “Sư tử của thạnh nộ” “treo sống những người đàn ông” có thể ám chỉ đến tường thuật kể trên.

[Biểu đồ nơi trang 30]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Triều đại Hasmonaean

Judah Maccabee

Jonathan Maccabee

Simon Maccabee

John Hyrcanus

↓ ↓

Salome Alexandra​— kết hôn với​— Alexander Jannaeus Aristobulus

↓ ↓

Hyrcanus II

Aristobulus II

[Hình nơi trang 27]

Judah Maccabee tìm kiếm nền độc lập cho Do Thái

[Nguồn tư liệu]

The Doré Bible Illustrations/Dover Publications, Inc.

[Hình nơi trang 29]

Người Hasmonaean đấu tranh để nới rộng quyền kiểm soát trên những thành không thuộc Do Thái

[Nguồn tư liệu]

The Doré Bible Illustrations/Dover Publications, Inc.