Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ân phước của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có

Ân phước của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có

Ân phước của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có

“Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—CHÂM-NGÔN 10:22.

1, 2. Tại sao hạnh phúc không gắn liền với sự giàu có về vật chất?

VIỆC theo đuổi vật chất chi phối đời sống của hàng triệu người ngày nay. Nhưng vật chất có giúp họ hạnh phúc không? Tờ The Australian Women’s Weekly (Tuần báo phụ nữ Úc) nói: “Tôi nghĩ người ta chưa bao giờ lại bi quan về đời sống đến thế”. Tờ báo nói thêm: “Đó là một nghịch lý. Ai ai cũng nói rằng tình hình kinh tế Úc đang phát triển rất tốt, rằng đời sống chưa bao giờ tốt đến thế... Vậy mà sự bi quan vẫn lan tràn khắp trong nước. Đàn ông cũng như đàn bà đều cảm thấy đời sống thiếu thốn điều gì đó, mà họ không thể xác định được”. Kinh Thánh thật đúng biết bao khi nói hạnh phúc và sự sống không cốt ở chỗ có của cải!—Truyền-đạo 5:10; Lu-ca 12:15.

2 Kinh Thánh dạy rằng hạnh phúc lớn nhất đến từ sự ban phước của Đức Chúa Trời. Về điểm này, Châm-ngôn 10:22 nói: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. Ham làm giàu thường dẫn tới đau thương mất mát. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô có lý khi răn bảo: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

3. Tại sao tôi tớ Đức Chúa Trời gặp khó khăn thử thách?

3 Trái lại, những ai “[“tiếp tục”, NW] nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va” được giáng phước mà không hề phải đau đớn. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:2) Tuy nhiên, một số người có lẽ sẽ hỏi: ‘Nếu phước lành của Đức Giê-hô-va không pha lẫn sự đau đớn, vậy tại sao nhiều tôi tớ Ngài lại gặp khó khăn?’ Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời cho phép khó khăn thử thách xảy ra, nhưng nguyên nhân là do Sa-tan, do hệ thống gian ác của hắn, và do chính bản chất bất toàn của chúng ta. (Sáng-thế Ký 6:5; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5; Giăng 15:19; Gia-cơ 1:14, 15) Đức Giê-hô-va là nguồn của “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. (Gia-cơ 1:17) Vì thế, những phước lành của Ngài không hề gây đau đớn. Chúng ta hãy cùng xem xét một số sự ban cho trọn vẹn của Đức Chúa Trời.

Lời Đức Chúa Trời—Sự ban cho vô giá

4. Dân Đức Giê-hô-va vui hưởng ân phước và món quà vô giá nào trong “kỳ cuối-cùng” này?

4 Về “kỳ cuối-cùng”, Đa-ni-ên tiên tri: “Sự hiểu biết thật sẽ dư dật”. Tuy nhiên, điều này được bổ sung bằng những lời sau: “Trong những kẻ dữ chẳng ai sẽ hiểu; song kẻ khôn-sáng sẽ hiểu”. (Đa-ni-ên 12:4, NW; 10) Hãy hình dung điều đó! Lời Đức Chúa Trời—đặc biệt là các lời tiên tri—được viết một cách khôn ngoan siêu phàm đến độ kẻ ác không tài nào hiểu được ý nghĩa, nhưng dân Đức Chúa Trời lại hiểu. Con Đức Chúa Trời đã cầu nguyện: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay!” (Lu-ca 10:21) Ân phước thay khi được nhận món quà vô giá là Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, và được kể trong số những người được Đức Giê-hô-va ban cho sự thông hiểu về thiêng liêng!—1 Cô-rinh-tô 1:21, 27, 28; 2:14, 15.

5. Sự khôn ngoan là gì, và làm sao có được?

5 Nếu không có “sự khôn-ngoan từ trên”, chúng ta sẽ không thể thông hiểu về thiêng liêng. (Gia-cơ 3:17) Sự khôn ngoan là khả năng biết dùng sự hiểu biết và nhận thức để giải quyết vấn đề, tránh nguy hiểm, đạt đến mục tiêu, hay đưa ra những lời khuyên đúng đắn. Làm thế nào để có được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? Châm-ngôn 2:6 nói: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan nếu chúng ta kiên trì nài xin, như Ngài đã ban cho Vua Sa-lô-môn “tấm lòng khôn-ngoan thông-sáng”. (1 Các Vua 3:11, 12; Gia-cơ 1:5-8) Để có sự khôn ngoan, chúng ta cũng phải tiếp tục lắng nghe Đức Giê-hô-va bằng cách đều đặn học hỏi và áp dụng Lời Ngài.

6. Tại sao việc áp dụng luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời vào đời sống là khôn ngoan?

6 Những dạy dỗ khôn ngoan nhất của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong các luật pháp và nguyên tắc của Kinh Thánh. Những điều đó có ích cho chúng ta về mọi phương diện—thể chất, tinh thần, tình cảm và thiêng liêng. Lời hát của người viết Thi-thiên thật đúng thay: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại; sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan. Giềng-mối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng, làm cho lòng vui-mừng; điều-răn của Đức Giê-hô-va trong-sạch, làm cho mắt sáng-sủa. Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là trong-sạch, hằng còn đến đời đời; các mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va là chân-thật, thảy đều công-bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng”.—Thi-thiên 19:7-10; 119:72.

7. Việc xem thường các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời mang lại hậu quả nào?

7 Ngược lại, những ai xem thường các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời không tìm được hạnh phúc và tự do như mong muốn. Sớm muộn gì, họ cũng phải nhận ra rằng người ta không thể xem thường Đức Chúa Trời vì ai gieo giống chi lại gặt giống đó. (Ga-la-ti 6:7) Hàng triệu người xem thường các nguyên tắc Kinh Thánh đang phải gặt lấy những hậu quả đau thương như có thai ngoài ý muốn, mắc những căn bệnh khủng khiếp, hay rơi vào thói nghiện ngập tai hại. Nếu không ăn năn thay đổi, lối sống đó cuối cùng sẽ dẫn họ đến chỗ chết, và ngay cả có thể bị Đức Chúa Trời hủy diệt.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.

8. Tại sao những người yêu mến Lời Đức Chúa Trời được hạnh phúc?

8 Tuy nhiên, những người yêu mến và áp dụng Lời Đức Chúa Trời được hưởng ân phước dồi dào ngay bây giờ và trong tương lai. Họ có lý do để cảm thấy được luật pháp Đức Chúa Trời giải thoát. Họ thật sự hạnh phúc, và háo hức chờ đợi ngày được giải thoát khỏi tội lỗi cùng hậu quả của nó, tức sự chết. (Rô-ma 8:20, 21; Gia-cơ 1:25) Niềm hy vọng này là chắc chắn vì dựa trên căn bản sự ban cho yêu thương nhất của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, sự hy sinh làm giá chuộc của Con một Ngài, Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16; Rô-ma 6:23) Món quà cao quý đó khẳng định tình yêu thương sâu xa của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và bảo đảm ân phước vô tận cho những ai tiếp tục lắng nghe Ngài.—Rô-ma 8:32.

Biết ơn về sự ban cho thánh linh

9, 10. Chúng ta được lợi ích thế nào từ sự ban cho thánh linh của Đức Giê-hô-va? Hãy cho ví dụ.

9 Chúng ta nên biết ơn về một sự ban cho đầy yêu thương khác của Đức Chúa Trời, thánh linh. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ đã thúc giục đông đảo dân chúng có mặt tại thành Giê-ru-sa-lem: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho Đức Thánh-Linh”. (Công-vụ 2:38) Ngày nay, Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những tôi tớ đã dâng mình thành tâm nài xin và muốn làm theo ý Ngài. (Lu-ca 11:9-13) Thời xưa, sức mạnh vô song này trong vũ trụ—thánh linh hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời—đã khiến cho những người có đức tin, kể cả các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, trở nên mạnh mẽ. (Xa-cha-ri 4:6; Công-vụ 4:31) Thánh linh cũng có thể giúp chúng ta như thế, bất kể mọi trở ngại hoặc thử thách đáng sợ nào mà dân Đức Giê-hô-va phải đương đầu.—Giô-ên 2:28, 29.

10 Hãy xem kinh nghiệm của chị Laurel, bị bại liệt và phải sống bằng lồng phổi nhân tạo 37 năm. * Mặc dù sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chị vẫn sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời đến hơi thở cuối cùng. Trong suốt nhiều năm, Đức Giê-hô-va đã ban phước lành dồi dào cho chị. Chẳng hạn, dù phải ở trong cỗ máy của mình 24 tiếng mỗi ngày, chị đã giúp tới 17 người có được sự hiểu biết chính xác về lẽ thật Kinh Thánh! Hoàn cảnh của chị khiến chúng ta nhớ đến lời của sứ đồ Phao-lô: “Khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ”. (2 Cô-rinh-tô 12:10) Thật vậy, mọi sự thành công trong công việc rao truyền tin mừng đều không phải do năng lực riêng của chúng ta, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thánh linh mà Đức Chúa Trời ban cho những ai tiếp tục nghe theo tiếng phán Ngài.—Ê-sai 40:29-31.

11. Thánh linh Đức Chúa Trời giúp những người mặc lấy “người mới” trau dồi những đức tính nào?

11 Nếu vâng theo Đức Chúa Trời, thánh linh Ngài sẽ giúp chúng ta trau dồi những đức tính như yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ. (Ga-la-ti 5:22, 23) Những ‘trái thánh linh’ này là một phần “người mới” mà tín đồ Đấng Christ phải mặc lấy, thế chỗ những tính nết tham lam, vô nhân tính trước đây. (Ê-phê-sô 4:20-24; Ê-sai 11:6-9) Bông trái quan trọng nhất là tình yêu thương, “dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:14.

Tình yêu thương giữa tín hữu​—Sự ban cho đáng quý

12. Ta-bi-tha và những tín đồ khác vào thế kỷ thứ nhất bày tỏ tình yêu thương như thế nào?

12 Tình yêu thương giữa anh em tín đồ Đấng Christ là một ân phước khác đến từ Đức Giê-hô-va—một sự ban cho đáng quý. Mặc dù đó là tình yêu thương theo nguyên tắc giữa các anh em đồng đức tin, nhưng chứa đựng nhiều tình cảm đến mức còn gần gũi hơn cả anh em ruột thịt. (Giăng 15:12, 13; 1 Phi-e-rơ 1:22) Thí dụ như Ta-bi-tha, một nữ tín đồ tốt bụng sống vào thế kỷ thứ nhất. “Người làm nhiều việc lành và hay bố-thí”, đặc biệt là cho những người góa bụa trong hội thánh. (Công-vụ 9:36) Những người góa bụa này có thể có người thân, nhưng Ta-bi-tha muốn giúp đỡ và khuyến khích họ trong khả năng của mình. (1 Giăng 3:18) Bà nêu một gương mẫu xuất sắc! Tình yêu thương anh em đã thúc đẩy Bê-rít-sin và A-qui-la “liều chết” vì Phao-lô. Tình yêu thương cũng thúc đẩy Ê-pháp-ra, Lu-ca, Ô-nê-si-phô-rơ và những người khác giúp đỡ sứ đồ Phao-lô khi ông bị giam ở Rô-ma. (Rô-ma 16:3, 4; 2 Ti-mô-thê 1:16; 4:11; Phi-lê-môn 23, 24) Thật vậy, ngày nay các tín đồ Đấng Christ cũng “yêu nhau”, và tình yêu này là sự ban cho của Đức Chúa Trời, giúp nhận diện họ là môn đồ thật của Chúa Giê-su.—Giăng 13:34, 35.

13. Làm thế nào chứng tỏ chúng ta quý trọng và biết ơn sâu xa về tình anh em tín đồ Đấng Christ?

13 Bạn có quý trọng tình yêu thương trong hội thánh không? Bạn có biết ơn về tình anh em thiêng liêng gắn bó khắp toàn cầu không? Đó cũng là sự ban cho và phước lành từ trên cao khiến chúng ta giàu có. Làm thế nào chứng tỏ lòng quý trọng đối với những điều này? Bằng cách phụng sự Đức Chúa Trời, tham gia vào các buổi nhóm họp, và thể hiện tình yêu thương cùng những bông trái khác của thánh linh Đức Chúa Trời.—Phi-líp 1:9; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

“Món quà dưới hình thức người”

14. Nếu muốn phục vụ với tư cách trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức, một tín đồ phải hội đủ những điều kiện nào?

14 Những nam tín đồ Đấng Christ mong muốn phục vụ anh em với tư cách trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức có mục tiêu tốt. (1 Ti-mô-thê 3:1, 8) Để có đủ tư cách đảm trách những đặc ân này, một anh phải có thiêng liêng tính, hiểu rõ Kinh Thánh và sốt sắng trong thánh chức. (Công-vụ 18:24; 1 Ti-mô-thê 4:15; 2 Ti-mô-thê 4:5) Anh phải bày tỏ tính khiêm nhường, khiêm tốn và kiên nhẫn vì phước lành của Đức Chúa Trời không đến với những người thích cạnh tranh, tự kiêu, hay tham vọng. (Châm-ngôn 11:2; Hê-bơ-rơ 6:15; 3 Giăng 9, 10) Nếu đã có gia đình, anh phải là một gia trưởng biết yêu thương và khéo cai trị nhà mình. (1 Ti-mô-thê 3:4, 5, 12) Vì quý trọng sự giàu có về thiêng liêng, anh sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước.—Ma-thi-ơ 6:19-21.

15, 16. Ai là những “món quà dưới hình thức người”? Hãy cho ví dụ.

15 Khi các trưởng lão cố gắng thực hiện nhiệm vụ truyền giáo, chăn bầy, dạy dỗ, chúng ta có lý do để quý trọng họ như những “món quà dưới hình thức người”. (Ê-phê-sô 4:8, 11, NW) Những người được lợi ích từ sự phục vụ đầy yêu thương của họ có thể không luôn bày tỏ lòng biết ơn, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy mọi điều các trưởng lão trung tín thực hiện. Ngài sẽ không bao giờ quên tình yêu thương mà họ tỏ ra vì danh Ngài qua việc phục vụ dân sự Ngài.—1 Ti-mô-thê 5:17; Hê-bơ-rơ 6:10.

16 Hãy xem trường hợp một trưởng lão làm việc cần cù. Anh đến viếng thăm một bé gái tín đồ Đấng Christ sắp phải phẫu thuật não. Một người bạn của gia đình kể: “Anh ta thật tử tế, tận tình giúp đỡ và quan tâm. Anh xin phép được cùng chúng tôi cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Khi anh cầu nguyện, cha em [không phải là Nhân Chứng] đã khóc nức nở, và mọi người trong phòng đều rơi lệ. Lời cầu nguyện của anh trưởng lão đó dịu dàng làm sao, và Đức Giê-hô-va thật yêu thương khi gửi anh đến đúng lúc!” Một bệnh nhân Nhân Chứng khác đã nói về các trưởng lão đến thăm chị: “Khi họ tiến đến giường tôi trong khu chăm sóc đặc biệt, tôi biết từ giờ phút đó tôi có thể chịu đựng mọi chuyện xảy ra. Tôi trở nên mạnh mẽ và bình an”. Có thể mua được sự quan tâm đầy yêu thương như thế không? Không bao giờ! Đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời qua hội thánh.—Ê-sai 32:1, 2.

Sự ban cho thánh chức

17, 18. (a) Đức Giê-hô-va ban cho cả dân sự Ngài đặc ân phụng sự nào? (b) Đức Chúa Trời cung cấp những điều gì hầu giúp chúng ta hoàn thành thánh chức?

17 Không có vinh dự nào lớn hơn cho loài người là được phụng sự Đức Giê-hô-va, Đấng Chí Cao. (Ê-sai 43:10; 2 Cô-rinh-tô 4:7; 1 Phi-e-rơ 2:9) Thế mà đặc ân tham gia thánh chức được dành cho tất cả những ai thành thật muốn phụng sự Đức Chúa Trời, cả già lẫn trẻ, nam lẫn nữ. Bạn có tận dụng sự ban cho quý báu này không? Một số người có thể ngần ngại vì nghĩ mình không đủ khả năng, nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những người phụng sự Ngài, và thánh linh có thể bù đắp mọi thiếu sót của chúng ta.—Giê-rê-mi 1:6-8; 20:11.

18 Đức Giê-hô-va đã giao phó công việc rao giảng về Nước Trời cho những tôi tớ khiêm nhường, chứ không phải cho những người kiêu ngạo, tự tin nơi năng lực của chính mình. (1 Cô-rinh-tô 1:20, 26-29) Người khiêm tốn nhận biết những hạn chế của mình và nương cậy nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời khi tham gia thánh chức. Họ cũng quý trọng sự trợ giúp về thiêng liêng mà Ngài cung cấp qua lớp người “quản-gia ngay-thật”.—Lu-ca 12:42-44; Châm-ngôn 22:4.

Gia đình hạnh phúc—Sự ban cho tuyệt vời

19. Những yếu tố nào dẫn đến thành công trong việc nuôi dạy con cái?

19 Hôn nhân và gia đình hạnh phúc là sự ban cho của Đức Chúa Trời. (Ru-tơ 1:9; Ê-phê-sô 3:14, 15, NW) Con cái cũng là “cơ-nghiệp” quý báu “bởi Đức Giê-hô-va mà ra”, là nguồn vui cho các bậc cha mẹ đã vun trồng được những đức tính tin kính nơi chúng. (Thi-thiên 127:3) Nếu là bậc cha mẹ, bạn hãy tiếp tục nghe theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va bằng cách dạy dỗ con trẻ theo Lời Ngài. Những ai làm thế chắc chắn sẽ được Đức Giê-hô-va trợ giúp và ban phước dồi dào.—Châm-ngôn 3:5, 6; 22:6; Ê-phê-sô 6:1-4.

20. Điều gì có thể giúp ích cho các bậc cha mẹ có con cái từ bỏ sự thờ phượng thật?

20 Dù các bậc cha mẹ tin kính đã hết sức cố gắng, nhưng khi lớn lên có thể một vài người con vẫn từ bỏ sự thờ phượng thật. (Sáng-thế Ký 26:34, 35) Điều này có thể khiến cha mẹ vô cùng đau đớn. (Châm-ngôn 17:21, 25) Tuy nhiên, thay vì mất hết hy vọng, việc nhớ đến minh họa của Chúa Giê-su về đứa con hoang đàng có thể giúp ích cho họ. Mặc dù đã bỏ nhà đi và chạy theo lối sống đồi bại, nhưng sau đó đứa con trở về nhà và đã được cha mình vui sướng, yêu thương đón nhận. (Lu-ca 15:11-32) Bất kể điều gì có thể xảy ra, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ trung thành luôn có thể tin tưởng nơi sự thông cảm, ân cần quan tâm, và trợ giúp chắc chắn của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 145:14.

21. Chúng ta nên lắng nghe ai, và tại sao?

21 Vậy, mỗi người trong chúng ta hãy xác định điều gì thật sự quan trọng trong đời sống mình. Chúng ta có đang tất bật theo đuổi sự giàu có vật chất, điều có thể khiến chúng ta cùng gia đình phải chịu nhiều đau đớn mất mát không? Hay chúng ta đang tìm kiếm “ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” đến từ “Cha sáng-láng”? (Gia-cơ 1:17) Sa-tan, “cha sự nói dối”, muốn chúng ta ra công tìm kiếm sự giàu có vật chất để rồi mất đi hạnh phúc và sự sống. (Giăng 8:44; Lu-ca 12:15) Nhưng Đức Giê-hô-va thành thật quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng ta. (Ê-sai 48:17, 18) Vậy, chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe Cha yêu thương trên trời và luôn luôn “khoái-lạc” nơi Ngài. (Thi-thiên 37:4) Nếu kiên trì theo đường lối đó, phước lành dư dật và những sự ban cho vô giá của Đức Giê-hô-va sẽ làm chúng ta giàu có, mà không hề phải đau đớn.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-1-93, trang 18-21.

Bạn còn nhớ không?

• Niềm hạnh phúc lớn nhất được tìm thấy ở đâu?

• Đức Giê-hô-va ban cho dân sự Ngài những ân phước nào?

• Tại sao thánh chức rao giảng là một sự ban cho?

• Khi nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ nên làm gì để hưởng được phước lành của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Bạn có bày tỏ lòng biết ơn đối với Lời Đức Chúa Trời không?

[Hình nơi trang 17]

Dù ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Laurel Nisbet vẫn sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 18]

Giống như Ta-bi-tha, tín đồ Đấng Christ ngày nay được biết đến vì những hành động yêu thương

[Hình nơi trang 19]

Các trưởng lão ân cần quan tâm đến anh em đồng đức tin