Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người ủng hộ sự thờ phượng thật—Xưa và nay

Những người ủng hộ sự thờ phượng thật—Xưa và nay

Những người ủng hộ sự thờ phượng thật—Xưa và nay

BẠN có nhớ tên một người đã khóc cho thành Giê-ru-sa-lem xưa không? Bạn có thể nói: ‘Chúa Giê-su’—và quả đúng vậy, ngài đã khóc. (Lu-ca 19:28, 41) Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giê-su sống trên đất, một tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời cũng đã khóc về Giê-ru-sa-lem. Tên ông là Nê-hê-mi.—Nê-hê-mi 1:3, 4.

Điều gì đã khiến Nê-hê-mi buồn bã đến độ khóc về Giê-ru-sa-lem? Ông đã làm gì có ích cho thành này và dân cư trong đó? Và chúng ta có thể học được gì từ gương mẫu của ông? Để trả lời, chúng ta hãy xem lại những biến cố thời ông.

Một con người hành động và nhạy cảm

Nê-hê-mi được bổ nhiệm làm quan tổng trấn Giê-ru-sa-lem, nhưng trước đó, ông là một quan chức cao cấp của triều đình Phe-rơ-sơ ở thành Su-san. Thế nhưng, cuộc sống tiện nghi không làm suy giảm lòng quan tâm của ông đối với hạnh phúc của những người anh em Do Thái ở tận Giê-ru-sa-lem xa xôi. Trên thực tế, điều đầu tiên ông làm khi nghe tin có một phái đoàn người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem đến thăm Su-san là “hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu-tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem”. (Nê-hê-mi 1:2) Khi những người khách trả lời rằng dân thành Giê-ru-sa-lem “bị tai-nạn và sỉ-nhục lắm”, và tường thành “hư-nát”, Nê-hê-mi “bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày”. Sau đó ông bày tỏ nỗi ưu sầu của ông trong một lời cầu nguyện khẩn thiết lên Đức Giê-hô-va. (Nê-hê-mi 1:3-11) Tại sao Nê-hê-mi lại buồn bã như vậy? Vì Giê-ru-sa-lem là trung tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va trên đất thời ấy, đã bị hoang phế. (1 Các Vua 11:36) Hơn nữa, tình trạng hư nát của thành phản ánh tình trạng thiêng liêng kém sút của dân cư trong thành.—Nê-hê-mi 1:6, 7.

Mối quan tâm đối với Giê-ru-sa-lem, lòng trắc ẩn đối với những người Do Thái sống ở đó đã thôi thúc Nê-hê-mi hy sinh. Khi vua Phe-rơ-sơ cho phép ông được vắng mặt, Nê-hê-mi bắt đầu hoạch định cuộc hành trình dài về Giê-ru-sa-lem. (Nê-hê-mi 2:5, 6) Ông muốn hiến dâng sức lực, thời gian và kỹ năng của ông để ủng hộ công việc trùng tu cần thiết. Ít ngày sau khi đến nơi, ông đã lập kế hoạch sẵn sàng sửa chữa toàn bộ tường thành.—Nê-hê-mi 2:11-18.

Sửa sang tường thành là nhiệm vụ to lớn, Nê-hê-mi phân công cho nhiều gia đình, tất cả đều chung vai sát cánh thi công. * Hơn 40 nhóm khác nhau được chỉ định sửa sang, mỗi nhóm “một phần”. Kết quả là gì? Nhờ có nhiều người thi công đóng góp thời giờ và công sức—kể cả những người có con cái theo giúp, họ đã thực hiện được một nhiệm vụ tưởng chừng vượt quá sức mình. (Nê-hê-mi 3:11, 12, 19, 20) Trong hai tháng làm việc ráo riết, toàn bộ tường thành được sửa xong! Nê-hê-mi viết là ngay cả những kẻ chống đối công việc sửa sang buộc phải thừa nhận rằng “công-việc nầy thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi”.—Nê-hê-mi 6:15, 16.

Một gương đáng ghi nhớ

Ngoài việc đóng góp thời giờ và khả năng tổ chức, Nê-hê-mi còn sử dụng tài sản để ủng hộ sự thờ phượng thật. Ông dùng tiền riêng để chuộc lại anh em Do Thái khỏi vòng nô lệ. Ông cho mượn tiền không lấy lãi. Ông không bao giờ “hà hiếp” người Do Thái bằng cách đòi hỏi tiền lương tổng trấn, một điều mà ông có quyền hưởng. Trái lại, ông mở rộng nhà đón tiếp “một trăm năm mươi người Do-thái,... không kể những người từ các nước chung quanh đến”. Mỗi ngày ông cung cấp “một con bò, sáu con cừu ngon nhất, rồi gà vịt” để đãi khách. Ngoài ra, cứ mỗi mười ngày ông thết đãi ‘rượu ê hề’—tất cả đều do ông đài thọ chi phí.—Nê-hê-mi 5:8, 10, 14-18, Tòa Tổng Giám Mục.

Lòng rộng lượng của Nê-hê-mi quả là một gương xuất sắc biết bao cho tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời xưa và nay! Tôi tớ này của Đức Chúa Trời can đảm, sẵn lòng và rộng rãi dùng tài sản của mình ủng hộ những người thi công, nhằm đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Ông đã có thể cầu nguyện Đức Giê-hô-va một cách thích hợp: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi ôi! nguyện Chúa nhớ lại tôi về các điều tôi đã làm cho dân-sự nầy, và làm ơn cho tôi”. (Nê-hê-mi 5:19) Chắc chắn Đức Giê-hô-va nhậm lời ông.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Ngày nay có người noi gương Nê-hê-mi

Thật là ấm lòng khi thấy dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay biểu lộ tương tự tình cảm trìu mến, sự sẵn lòng hành động và thái độ hy sinh vì sự thờ phượng thật. Khi nghe nói anh em đồng đạo gặp khó khăn, chúng ta quan tâm sâu đậm đến sự an toàn của họ. (Rô-ma 12:15) Giống như Nê-hê-mi, chúng ta quay về Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện để ủng hộ anh em cùng đức tin đang lâm nạn, xin Ngài: “Xin Chúa hãy lắng tai nghe lời cầu-nguyện của kẻ tôi-tớ Ngài và lời cầu-nguyện của các tôi-tớ Ngài vẫn vui lòng kính-sợ danh Ngài”.—Nê-hê-mi 1:11; Cô-lô-se 4:2.

Tuy nhiên, việc quan tâm đến sự an khang thiêng liêng và thể chất của anh em tín đồ cũng như đến việc đẩy mạnh sự thờ phượng thật không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Nó thôi thúc chúng ta hành động. Những ai có hoàn cảnh thuận lợi được tình yêu thương thúc đẩy rời khỏi nhà cửa tương đối tiện nghi và dọn đến nơi khác, giống như Nê-hê-mi đã làm, để giúp đỡ những người có nhu cầu. Những người tình nguyện như thế không chùn bước vì hoàn cảnh sinh sống ít tiện nghi hơn ở một số vùng trên thế giới, họ ủng hộ việc đẩy mạnh sự thờ phượng thật ở đấy, phục vụ chung vai sát cánh với anh em tín đồ Đấng Christ địa phương. Tinh thần hy sinh mà họ biểu lộ thật đáng khen.

Tham gia ở gần nhà

Điều dễ hiểu là phần đông chúng ta không thể dọn đi nơi khác. Chúng ta ủng hộ sự thờ phượng thật ở gần nhà. Điều đó cũng thấy rõ trong sách Nê-hê-mi. Hãy lưu ý chi tiết mà Nê-hê-mi viết thêm về một số gia đình trung thành tham gia làm công việc sửa sang. Ông viết: “Giê-đa-gia, con trai Ha-ru-máp, tu-bổ nơi đối ngang với nhà người... Bên-gia-min và Ha-súp tu-bổ phần đối ngang nhà mình. Kế chúng, A-xa-ria, con trai của Ma-a-xê-gia, cháu A-na-nia, tu-bổ phía bên nhà mình”. (Nê-hê-mi 3:10, 23, 28-30, chúng tôi viết nghiêng). Những người ấy cùng gia đình họ đã đóng góp nhiều công sức để đẩy mạnh sự thờ phượng thật bằng cách góp phần sửa sang ở gần nhà họ.

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta ủng hộ sự thờ phượng thật bằng nhiều cách khác nhau trong cộng đồng mình. Chúng ta tham gia vào dự án xây cất Phòng Nước Trời, vào các nỗ lực cứu trợ nạn nhân thiên tai và, điều quan trọng nhất, vào công việc rao giảng Nước Trời. Ngoài ra, dù chúng ta có thể đích thân tham gia vào công việc xây cất hoặc cứu trợ hay không, tất cả chúng ta đều hết lòng ước muốn ủng hộ sự thờ phượng thật bằng tài sản của chúng ta, giống như Nê-hê-mi đã làm một cách rộng rãi vào thời ông.—Xem khung “Đặc điểm của việc đóng góp tự nguyện”.

Đôi khi tìm được ngân quỹ cần thiết để tài trợ những hoạt động in ấn ngày càng gia tăng của chúng ta, những nỗ lực hỗ trợ và nhiều dịch vụ khác đang được thực hiện trên khắp trái đất tưởng chừng như vượt quá sức. Tuy nhiên, xin nhớ là công việc sửa sang tường thành đồ sộ ở Giê-ru-sa-lem cũng tưởng chừng vượt quá sức người. (Nê-hê-mi 4:10) Nhưng vì nhiệm vụ được phân chia cho nhiều gia đình sốt sắng, nên công việc được hoàn tất. Ngày nay cũng thế, vẫn có thể tìm ra ngân sách lớn để tiến hành các hoạt động trên khắp thế giới nếu mỗi người chúng ta tiếp tục chu toàn một phần công việc.

Khung “Những cách mà một số người chọn để đóng góp” cho thấy những cách chúng ta có thể ủng hộ công việc Nước Trời về mặt tài chính. Trong năm vừa qua, nhiều người trong dân sự của Đức Chúa Trời đã ủng hộ như thế. Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm đối với tất cả những người được lòng mình thôi thúc tham gia vào việc đóng góp tự nguyện này. Trên hết, chúng ta cảm ơn Đức Giê-hô-va về ân phước dồi dào Ngài ban cho, khi dân sự Ngài hết lòng cố gắng ủng hộ sự thờ phượng thật trên khắp thế giới. Đúng vậy, khi ngẫm nghĩ về việc Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào trong những năm qua, chúng ta cảm động lặp lại những lời mà Nê-hê-mi đã dùng để diễn đạt lòng biết ơn: “Tay nhân-từ của Đức Chúa Trời tôi đã giúp-đỡ tôi”.—Nê-hê-mi 2:18.

[Chú thích]

^ đ. 7 Nê-hê-mi 3:5 ghi rằng một số người Do Thái có thanh thế, “các người tước-vị”, từ chối tham gia vào công việc, nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Những người thuộc tầng lớp khác nhau—thầy tế lễ, thợ rèn, người pha chế dầu, quan trưởng, lái buôn—hết thảy đều ủng hộ dự án này.—Câu 1, 8, 9, 32.

[Khung/​Các hình nơi trang 28, 29]

Những cách mà một số người chọn để đóng góp

ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

Nhiều người để riêng, hoặc dành ra một số tiền để bỏ vào hộp có ghi “Đóng góp cho công việc rao giảng trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”.

Mỗi tháng, các hội thánh gửi những món tiền này đến trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York, hoặc đến văn phòng chi nhánh địa phương. Những món tiền tặng tự nguyện có thể gửi thẳng đến Treasurer’s Office, Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, hay đến chi nhánh phục vụ xứ của bạn. Cũng có thể gửi tặng nữ trang hay những vật quý giá khác. Nên kèm theo một lá thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm không hoàn lại.

TẶNG CÓ ĐIỀU KIỆN

Có thể tặng tiền với sự thỏa thuận đặc biệt là nếu người tặng cần đến, tiền sẽ được hoàn lại. Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng viết thư cho Treasurer’s Office tại địa chỉ trên.

KẾ HOẠCH TỪ THIỆN

Ngoài việc biếu luôn và tặng có điều kiện, có những cách tặng khác để hỗ trợ công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Những cách này bao gồm:

Bảo hiểm: Có thể chỉ định Watch Tower Society được thừa hưởng tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc tiền trong quỹ hưu trí.

Tài khoản ngân hàng: Tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận ký thác, hoặc tài khoản hưu trí cá nhân có thể được ủy thác cho Watch Tower Society, hoặc trả cho Watch Tower Society, khi người tặng qua đời, theo đúng luật lệ về ngân hàng ở địa phương.

Chứng khoán và trái phiếu: Chứng khoán và trái phiếu cũng có thể biếu hẳn cho Watch Tower Society.

Bất động sản: Bất động sản bán được có thể biếu Watch Tower Society bằng cách tặng luôn, hoặc biếu với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy khi còn sống. Nên liên lạc với văn phòng chi nhánh trong nước bạn ở, trước khi chuyển nhượng bất động sản nào.

Khoản trợ cấp hàng năm: Khoản trợ cấp hàng năm là sự sắp đặt mà một người chuyển nhượng tiền hoặc chứng khoán cho Watch Tower Society. Đổi lại, hàng năm người tặng, hoặc những người do người tặng chỉ định, nhận được một khoản tiền trợ cấp có quy định rõ cho đến khi qua đời. Người tặng được trừ thuế kể từ năm khoản trợ cấp được thiết lập.

Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay ngân khoản có thể để lại cho Watch Tower Society bằng cách lập tờ di chúc hợp pháp, hoặc có thể chỉ định Watch Tower Society làm cơ quan thừa hưởng trong hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm trợ giúp một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế.

Như hàm ý trong nhóm từ “kế hoạch từ thiện”, những sự đóng góp này nói chung đòi hỏi người tặng phải dự tính phần nào. Để giúp những ai muốn đóng góp cho công việc trên khắp thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va qua một kế hoạch từ thiện nào đó, một sách mỏng bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đã được soạn thảo, mang tựa đề Charitable Planning to Benefit Kingdom Service Worldwide. Sách mỏng này viết ra để giải đáp nhiều thắc mắc đã nhận được liên quan đến tặng vật, di chúc, và chứng thư ủy thác. Sách này cũng có thêm những thông tin có ích liên quan đến kế hoạch về bất động sản, tài chính, thuế vụ. Sách này cung cấp thông tin về những hình thức biếu tặng khác nhau có thể thực hiện ngay hoặc chuyển nhượng tài sản sau khi qua đời. Nếu muốn nhận sách này, có thể trực tiếp yêu cầu Charitable Planning Office.

Sau khi đọc sách mỏng này và tham khảo ý kiến của Charitable Planning Office, nhiều người đã có thể trợ giúp Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới; đồng thời nhờ đó được lợi tối đa về thuế vụ. Nên báo và gửi cho Charitable Planning Office một bản sao của bất cứ văn kiện nào liên quan đến bất kỳ sắp đặt nào trên đây. Nếu muốn biết về bất cứ sự sắp đặt nào trong các kế hoạch từ thiện này, bạn nên viết thư hoặc gọi điện thoại cho Charitable Planning Office, ở địa chỉ dưới đây hay địa chỉ văn phòng của Nhân Chứng Giê-hô-va tại xứ bạn.

Charitable Planning Office

Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania

100 Watchtower Drive

Patterson, New York 12563-9204

Telephone: (845) 306-0707

[Khung nơi trang 30]

Đặc điểm của việc đóng góp tự nguyện

Trong lá thư gửi người Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô đề cập đến ba đặc điểm quan trọng của việc đóng góp tự nguyện. (1) Khi viết về việc thu tiền đóng góp, Phao-lô căn dặn: “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi người anh chị em hãy để dành ra một món tùy sức mình và để sẵn tại nhà mình”. (1 Cô-rinh-tô 16:2, Trịnh Văn Căn) Vậy việc tặng biếu cần phải được hoạch định trước, và cần phải làm một cách có quy củ. (2) Phao-lô cũng viết rằng mỗi người nên đóng góp “tùy sức mình”. Nói cách khác, một người muốn đóng góp tự nguyện có thể làm thế tương ứng với khả năng tài chính. Dù một tín đồ Đấng Christ kiếm chỉ được ít tiền, tiền đóng góp khiêm tốn của người ấy được Đức Giê-hô-va đánh giá cao. (Lu-ca 21:1-4) (3) Phao-lô viết thêm: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Tín đồ thành thật của Đấng Christ cho hết lòng—một cách vui lòng.

[Các hình nơi trang 26]

Nê-hê-mi là một con người hành động và nhạy cảm

[Các hình nơi trang 30]

Tiền đóng góp tự nguyện ủng hộ việc in ấn, các nỗ lực cứu trợ, xây cất Phòng Nước Trời, và những dịch vụ lợi ích khác trên toàn cầu