Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngài sẽ đến gần anh em”

“Ngài sẽ đến gần anh em”

“Ngài sẽ đến gần anh em”

“[Đức Chúa Trời] chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—CÔNG-VỤ 17:27.

1, 2. (a) Khi ngắm nhìn bầu trời đầy sao, chúng ta có thể tự hỏi gì về Đấng Tạo Hóa? (b) Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta thế nào rằng con người không vô nghĩa trước mắt Đức Giê-hô-va?

BẠN đã bao giờ ngắm nhìn bầu trời đầy sao vào một đêm trời trong, và cảm thấy lòng tràn ngập thán phục chưa? Chỉ riêng số các vì sao và sự bao la của vũ trụ cũng đủ khiến ta thán phục. Trong vũ trụ bao la đó, trái đất chỉ là một chấm nhỏ mà thôi. Phải chăng điều đó có nghĩa là Đấng Tạo Hóa, “Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”, ở địa vị quá cao nên không quan tâm đến con người, hoặc ở quá xa và quá huyền bí nên con người không thể biết được về Ngài?—Thi-thiên 83:18.

2 Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng con người không vô nghĩa trước mắt Đức Giê-hô-va. Thật vậy, Lời Ngài khuyến khích chúng ta tìm kiếm Ngài khi nói: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. (Công-vụ 17:27; 1 Sử-ký 28:9) Quả thế, nếu chúng ta cố gắng đến gần Ngài, Đức Chúa Trời sẽ đáp lại những nỗ lực của chúng ta. Qua cách nào? Những lời trong câu Kinh Thánh năm 2003 cho câu trả lời ấm lòng này: “Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Hãy cùng thảo luận một số ân phước tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời đổ xuống cho những ai đến gần Ngài.

Một món quà riêng của Đức Giê-hô-va

3. Đức Giê-hô-va ban món quà nào cho những người đến gần Ngài?

3 Thứ nhất, tôi tớ Đức Giê-hô-va có một món quà quý báu mà Ngài dành riêng cho dân Ngài. Tất cả quyền lực, sự giàu có và giáo dục mà hệ thống này mang lại không thể mua được món quà này. Đó là một món quà riêng mà Đức Giê-hô-va chỉ dành cho những ai đến gần Ngài. Đó là gì? Lời Đức Chúa Trời trả lời: “Nếu con... cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí, bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 2:3-6) Hãy thử tưởng tượng con người bất toàn có thể tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”! Món quà đó—sự hiểu biết từ Lời Đức Chúa Trời—được ví như “bửu-vật ẩn-bí”. Tại sao?

4, 5. Tại sao “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” có thể được ví như “bửu-vật ẩn-bí”? Hãy minh họa.

4 Trước hết là vì giá trị to lớn của sự hiểu biết của Đức Chúa Trời. Một trong những phần thưởng quý giá nhất mà nó mang lại là triển vọng sống đời đời. (Giăng 17:3) Nhưng sự hiểu biết đó cũng làm đời sống chúng ta thêm phong phú ngay từ bây giờ. Chẳng hạn, nhờ học hỏi cặn kẽ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta đã tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng như: Danh Đức Chúa Trời là gì? (Thi-thiên 83:18) Người chết thật sự ở trong tình trạng nào? (Truyền-đạo 9:5, 10) Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại là gì? (Ê-sai 45:18) Chúng ta cũng biết được rằng lối sống tốt nhất là sống theo lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh. (Ê-sai 30:20, 21; 48:17, 18) Nhờ đó, chúng ta có sự hướng dẫn đúng đắn giúp đương đầu với những lo lắng trong cuộc sống và tiếp tục giữ được lối sống mang lại hạnh phúc và thỏa lòng thật sự. Trên hết, việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta biết những đức tính tuyệt vời của Ngài và đến gần Ngài. Còn có điều gì quý giá hơn một mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va dựa trên “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”?

5 Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời còn có thể được ví như “bửu-vật ẩn-bí” vì một lý do khác nữa. Như nhiều bửu vật, sự hiểu biết này khá hiếm hoi trong thế gian. Trong sáu tỉ dân cư trên đất, chỉ khoảng sáu triệu người thờ phượng Đức Giê-hô-va, tức khoảng một phần ngàn người tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. Để minh họa việc hiểu lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời là một đặc ân quý giá thế nào, hãy xem chỉ một câu hỏi Kinh Thánh này: Điều gì xảy ra cho con người sau khi chết? Qua Kinh Thánh, chúng ta biết rằng linh hồn chết, và người chết hoàn toàn vô thức. (Ê-xê-chi-ên 18:4) Thế nhưng hầu như mọi tôn giáo trên thế giới đều tin vào tín lý sai lầm cho rằng phần nào đó bên trong con người vẫn tiếp tục sống sau khi người ta chết. Đó là một giáo lý căn bản của khối đạo xưng theo Đấng Christ. Nó cũng được truyền bá trong Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, đạo Jain, Lão Giáo, Phật Giáo, đạo Sikh và Thần Đạo. Hãy nghĩ xem—hàng tỉ người bị đánh lừa bởi giáo lý sai lầm đó!

6, 7. (a) Chỉ những ai mới tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”? (b) Thí dụ nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta có sự thông hiểu mà nhiều “kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ” không hiểu được?

6 Tại sao không có nhiều người hơn tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”? Bởi vì nếu không có sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, người ta không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa Lời Ngài. Hãy nhớ rằng sự hiểu biết này là một món quà. Đức Giê-hô-va chỉ ban nó cho những ai sẵn lòng tìm hiểu Lời Ngài với lòng thành tâm và khiêm nhường. Những người đó có thể không “khôn-ngoan theo xác-thịt”. (1 Cô-rinh-tô 1:26) Nhiều người trong số họ thậm chí còn có thể bị xem là “dốt-nát không học” theo tiêu chuẩn của thế gian. (Công-vụ 4:13) Nhưng điều đó không quan trọng. Đức Giê-hô-va ban “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” cho chúng ta vì những đức tính Ngài thấy trong lòng chúng ta.

7 Hãy xem một thí dụ. Nhiều học giả thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã viết rất nhiều bài bình luận về Kinh Thánh. Những tài liệu tham khảo đó có thể giải thích bối cảnh lịch sử, ý nghĩa của các từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, và nhiều điều khác nữa. Nhưng với tất cả kiến thức của họ, những học giả đó có thật sự tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” không? Họ có hiểu rõ chủ đề của Kinh Thánh là sự biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va qua Nước của Ngài ở trên trời không? Họ có biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời không phải là một phần trong Chúa Ba Ngôi không? Về phần chúng ta thì sự hiểu biết chính xác về những vấn đề đó. Tại sao? Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta được thông hiểu những lẽ thật thiêng liêng mà nhiều “kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ” không hiểu được. (Ma-thi-ơ 11:25) Đức Giê-hô-va thật ban phước lớn thay cho những người gần gũi Ngài!

“Đức Giê-hô-va bảo-hộ những kẻ yêu-mến Ngài”

8, 9. (a) Đa-vít đã mô tả một ân phước khác dành cho những người gần gũi Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Tại sao tín đồ thật của Đấng Christ cần sự che chở của Đức Chúa Trời?

8 Những người gần gũi Đức Giê-hô-va còn được hưởng một ân phước khác—sự che chở của Ngài. Đa-vít, một người viết Thi-thiên, không lạ gì với khó khăn trắc trở, đã viết: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài. Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính-sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu-cầu của họ, và giải-cứu cho. Đức Giê-hô-va bảo-hộ những kẻ yêu-mến Ngài”. (Thi-thiên 145:18-20) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va ở gần những ai yêu mến Ngài và vì thế có thể nhanh chóng đáp lại lời kêu cầu của họ.

9 Tại sao chúng ta cần sự che chở của Đức Chúa Trời? Ngoài việc bị ảnh hưởng của cuộc sống trong “những thời-kỳ khó-khăn” này, tín đồ thật của Đấng Christ còn là mục tiêu đặc biệt của Kẻ Thù chính của Đức Giê-hô-va, Sa-tan Ma-quỉ. (2 Ti-mô-thê 3:1) Kẻ thù quỷ quyệt này quyết tâm ‘nuốt chửng’ chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:8) Sa-tan bắt bớ, gây áp lực và cám dỗ chúng ta. Hắn cũng để ý tìm những người có thái độ mà hắn có thể lợi dụng. Hắn có một mục tiêu rõ ràng trong trí: làm suy yếu đức tin chúng ta và hủy hoại chúng ta về thiêng liêng. (Khải-huyền 12:12, 17) Vì có kẻ thù mạnh như thế, chẳng phải chúng ta an tâm khi biết rằng “Đức Giê-hô-va bảo-hộ những kẻ yêu-mến Ngài” sao?

10. (a) Đức Giê-hô-va bảo hộ dân Ngài bằng cách nào? (b) Sự bảo vệ quan trọng nhất là gì, và tại sao?

10 Nhưng làm thế nào Đức Giê-hô-va bảo hộ dân Ngài? Khi Ngài hứa che chở, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ thoát khỏi mọi khó khăn trở ngại trong hệ thống này, cũng không có nghĩa là Ngài bắt buộc phải làm phép lạ vì chúng ta. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có ban sự che chở về thể chất cho tập thể dân Ngài. Suy cho cùng, Ngài không bao giờ cho phép Ma-quỉ tận diệt những người thờ phượng thật khỏi trái đất! (2 Phi-e-rơ 2:9) Trên hết, Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta về phương diện thiêng liêng. Ngài cung cấp những gì chúng ta cần để có thể chịu đựng thử thách và giữ vững mối quan hệ với Ngài. Về lâu về dài, sự che chở về thiêng liêng là sự bảo vệ quan trọng nhất. Tại sao? Vì bao lâu chúng ta còn giữ được mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, thì bấy lâu không có gì—ngay cả sự chết—có thể làm hại chúng ta lâu dài.—Ma-thi-ơ 10:28.

11. Đức Giê-hô-va đã ban những sắp đặt nào để che chở dân Ngài về phương diện thiêng liêng?

11 Đức Giê-hô-va đã ban nhiều sự sắp đặt để che chở về phương diện thiêng liêng cho những người gần gũi Ngài. Qua Lời Ngài, Kinh Thánh, Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với thử thách trăm bề. (Gia-cơ 1:2-5) Áp dụng những lời khuyên thực tiễn trong Kinh Thánh, tự nó đã là một sự che chở. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn ban “Thánh-Linh cho người xin Ngài”. (Lu-ca 11:13) Thánh linh là lực mạnh nhất trong khắp vũ trụ, vì thế nó chắc chắn có thể giúp chúng ta đương đầu thành công với bất kỳ thử thách hay cám dỗ nào có thể xảy ra. Qua Đấng Christ, Đức Giê-hô-va cũng cung cấp “món quà dưới hình thức người”. (Ê-phê-sô 4:8, NW) Những người nam có thiêng liêng tính này cố gắng phản ánh lòng thương xót sâu xa của chính Đức Giê-hô-va khi giúp anh em đồng đạo.—Gia-cơ 5:14, 15.

12, 13. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta đồ ăn thiêng liêng đúng giờ bằng những phương tiện nào? (b) Bạn cảm thấy thế nào về những sắp đặt của Đức Giê-hô-va vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta?

12 Đức Giê-hô-va còn cung cấp một thứ khác để bảo vệ chúng ta: đồ ăn thiêng liêng đúng giờ. (Ma-thi-ơ 24:45) Qua các ấn phẩm, kể cả tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!, cũng như các buổi họp, hội nghị và đại hội, Đức Giê-hô-va ban những điều cần thiết vào đúng lúc chúng ta cần. Bạn nhớ đã lần nào cảm thấy xúc động, được thêm sức hay an ủi khi nghe một điều gì đó tại buổi họp, hội nghị hay đại hội không? Bạn đã bao giờ đọc được một bài trong một tạp chí nói trên, và cảm thấy nó được viết cho bạn chưa?

13 Một trong những vũ khí lợi hại nhất của Sa-tan là sự nản lòng, và chúng ta ai cũng có thể bị điều này ảnh hưởng. Hắn biết rõ rằng sự chán nản kéo dài có thể cướp đi sinh lực của chúng ta, khiến chúng ta dễ bị tấn công. (Châm-ngôn 24:10) Vì Sa-tan đang cố lợi dụng những cảm xúc tiêu cực, nên chúng ta cần được giúp đỡ. Thỉnh thoảng tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! có đăng những bài giúp chống lại sự nản lòng. Một chị tín đồ Đấng Christ đã viết về một trong các bài đó như sau: “Tôi đọc bài này hầu như mỗi ngày, và nước mắt vẫn dâng trào. Tôi để nó bên giường để có thể lấy xem mỗi khi thấy nản lòng. Nhờ những bài thế này, tôi cảm thấy được bao bọc trong cánh tay che chở của Đức Giê-hô-va”. * Chúng ta không biết ơn Đức Giê-hô-va về sự ban cho đồ ăn thiêng liêng đúng giờ sao? Hãy nhớ rằng những sắp đặt vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta là bằng chứng cho thấy Ngài gần gũi và chăm sóc bảo vệ chúng ta.

Đến gần “Đấng nghe lời cầu-nguyện”

14, 15. (a) Đức Giê-hô-va ban ân phước riêng nào cho những người gần gũi Ngài? (b) Tại sao được phép tự do đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện là một đặc ân quý giá?

14 Bạn có bao giờ để ý thấy rằng khi một người có quyền lực, những người dưới quyền thường khó đến gần họ không? Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thì sao? Ngài có quá xa cách đến độ không quan tâm đến những điều loài người hèn mọn bày tỏ cùng Ngài không? Trái lại! Đặc ân cầu nguyện là một ân phước khác mà Đức Giê-hô-va ban cho những ai gần gũi Ngài. Được phép tự do đến gần “Đấng nghe lời cầu-nguyện” là một đặc ân thật sự quý giá. (Thi-thiên 65:2) Tại sao?

15 Để minh họa: Tổng giám đốc một tập đoàn lớn có rất nhiều trách nhiệm. Ông sẽ quyết định vấn đề nào do đích thân ông giải quyết, và vấn đề nào sẽ giao cho người khác. Tương tự như thế, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ có quyền quyết định vấn đề nào Ngài sẽ đích thân giải quyết, và vấn đề nào Ngài sẽ giao phó cho người khác. Hãy xem tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã giao cho Con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su. Người Con này được ban “quyền thi-hành sự phán-xét”. (Giăng 5:27) Tất cả thiên sứ đều phải “phục Ngài”. (1 Phi-e-rơ 3:22) Chúa Giê-su được quyền tùy nghi sử dụng thánh linh mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va để dẫn dắt các môn đồ ngài trên đất. (Giăng 15:26; 16:7) Vì những lý do đó, Chúa Giê-su có thể nói: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”. (Ma-thi-ơ 28:18) Thế nhưng, Đức Giê-hô-va đã chọn đích thân lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta dâng lời cầu nguyện lên một mình Đức Giê-hô-va, nhân danh Chúa Giê-su.—Thi-thiên 69:13; Giăng 14:6, 13.

16. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thật sự lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta?

16 Đức Giê-hô-va có thật sự lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta không? Nếu hờ hững hoặc không quan tâm, Ngài hẳn sẽ không bao giờ khuyến khích chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện”, hay trao các gánh nặng và lo lắng cho Ngài. (Rô-ma 12:12; Thi-thiên 55:22; 1 Phi-e-rơ 5:7) Các tôi tớ trung thành vào thời Kinh Thánh hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện. (1 Giăng 5:14) Vì thế, người viết Thi-thiên Đa-vít nói: “[Đức Giê-hô-va] ắt sẽ nghe tiếng tôi”. (Thi-thiên 55:17) Chúng ta cũng có mọi lý do để tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ở gần, và sẵn sàng lắng nghe mọi sự quan tâm lo lắng của chúng ta.

Đức Giê-hô-va hay thưởng cho tôi tớ Ngài

17, 18. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự hầu việc trung thành của các tạo vật thông minh của Ngài? (b) Hãy giải thích Châm-ngôn 19:17 cho thấy Đức Giê-hô-va lưu tâm đến những hành động thương xót của chúng ta ra sao.

17 Địa vị của Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ không bị ảnh hưởng bởi những gì loài người hèn mọn có thể làm hay từ chối làm. Tuy nhiên, Ngài là một Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa. Ngài trân trọng—thật vậy, quý trọng—sự hầu việc trung thành của các tạo vật thông minh của Ngài. (Thi-thiên 147:11) Đây là một ân phước khác cho những ai gần gũi Đức Giê-hô-va: Ngài hay thưởng cho tôi tớ Ngài.—Hê-bơ-rơ 11:6.

18 Kinh Thánh cho thấy rõ Đức Giê-hô-va trân trọng những gì những người thờ phượng Ngài làm. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người”. (Châm-ngôn 19:17) Sự quan tâm thương xót của Đức Giê-hô-va đối với những người nghèo hèn được phản ánh qua Luật Pháp Môi-se. (Lê-vi Ký 14:21; 19:15) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta noi theo lòng thương xót của Ngài trong cách đối xử với người nghèo hèn? Khi chúng ta cho người nghèo mà không cần được báo đáp, Đức Giê-hô-va xem đó là cho Ngài vay. Ngài hứa sẽ trả món nợ đó với ân huệ và ân phước. (Châm-ngôn 10:22; Ma-thi-ơ 6:3, 4; Lu-ca 14:12-14) Đúng vậy, khi chúng ta tỏ lòng trắc ẩn với anh em thiếu thốn, điều đó khiến Đức Giê-hô-va xúc động. Chúng ta thật biết ơn xiết bao khi biết rằng Cha trên trời lưu tâm đến những hành động thương xót của chúng ta!—Ma-thi-ơ 5:7.

19. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quý trọng những gì chúng ta làm trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ? (b) Đức Giê-hô-va ban thưởng thế nào cho những hành động phục vụ Nước Trời?

19 Đức Giê-hô-va đặc biệt quý trọng những gì chúng ta làm vì Nước Ngài. Khi đến gần Đức Giê-hô-va, chúng ta tự nhiên muốn dành thời gian, năng lực và tài sản để tham gia tối đa vào việc rao truyền Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy mình chẳng làm được bao nhiêu. Lòng bất toàn thậm chí có thể khiến chúng ta tự hỏi Đức Giê-hô-va có hài lòng với những nỗ lực của mình không. (1 Giăng 3:19, 20) Nhưng Đức Giê-hô-va quý trọng mọi sự đóng góp xuất phát từ lòng yêu thương, dù nhỏ đến đâu. (Mác 12:41-44) Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Thật thế, Đức Giê-hô-va ghi nhớ và ban thưởng cả hành động phục vụ nhỏ nhất cho Nước Trời. Ngoài những ân phước thiêng liêng dồi dào ngày nay, chúng ta còn có thể trông đợi niềm vui được sống trong thế giới mới sắp đến, nơi Đức Giê-hô-va sẽ mở rộng tay làm thỏa nguyện những ước muốn công bình của tất cả những người gần gũi Ngài!—Thi-thiên 145:16; 2 Phi-e-rơ 3:13.

20. Trong suốt năm 2003, làm thế nào chúng ta ghi nhớ những lời của câu Kinh Thánh năm nay, và kết quả sẽ là gì?

20 Trong suốt năm 2003, chúng ta hãy luôn tự hỏi mình có đang liên tục nỗ lực đến gần Cha trên trời không. Nếu có, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ đáp lại như đã hứa. Suy cho cùng, “Đức Chúa Trời không thể nói dối”. (Tít 1:2) Nếu bạn đến gần Ngài, Ngài sẽ đến gần bạn. (Gia-cơ 4:8) Và kết quả là gì? Đó là ân phước dồi dào ngay từ bây giờ và triển vọng được đến gần Đức Giê-hô-va hơn cho đến mãi mãi!

[Chú thích]

^ đ. 13 Một cảm nghĩ về bài “Đức Giê-hô-va lớn hơn lòng chúng ta”, trong Tháp Canh, ngày 1-5-2000, trang 28-31.

Bạn còn nhớ không?

• Đức Giê-hô-va ban món quà nào cho những người đến gần Ngài?

• Đức Giê-hô-va ban những sắp đặt nào để che chở dân Ngài về mặt thiêng liêng?

• Tại sao được phép tự do đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện là một đặc ân quý giá?

• Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng sự hầu việc trung thành của các tạo vật thông minh của Ngài như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta đặc ân được thông hiểu những lẽ thật thiêng liêng

[Các hình nơi trang 16, 17]

Đức Giê-hô-va ban sự che chở thiêng liêng

[Hình nơi trang 18]

Đức Giê-hô-va ở gần và sẵn sàng lắng nghe lời cầu nguyện chúng ta