Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va—Một Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta tìm hiểu

Đức Giê-hô-va—Một Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta tìm hiểu

Đức Giê-hô-va—Một Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta tìm hiểu

CÓ PHẢI bạn không được hưởng một điều gì đó quan trọng trong đời sống không? Nếu bạn chỉ biết chút ít về Đức Chúa Trời, thì chắc là bạn không được hưởng điều quan trọng đó. Tại sao? Bởi vì như hàng triệu người đã khám phá, việc tìm hiểu Đức Chúa Trời của Kinh Thánh mang lại những lợi ích quan trọng trong đời sống. Những lợi ích này đến ngay từ bây giờ và mãi mãi trong tương lai.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Tác Giả Kinh Thánh, muốn chúng ta tìm hiểu Ngài. Người viết Thi-thiên đã viết rằng: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Ngài nhận biết rằng việc tìm hiểu Ngài là điều lợi ích nhất cho chính chúng ta. “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích”. Làm sao chúng ta được lợi ích từ việc tìm hiểu Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Chí Cao?—Thi-thiên 83:18; Ê-sai 48:17.

Một lợi ích thật sự đó là chúng ta có được sự hướng dẫn để đương đầu với những vấn đề hàng ngày, có một hy vọng vững chắc cho tương lai, và bình an trong tâm trí. Hơn nữa, việc biết rõ về Đức Giê-hô-va khiến chúng ta phát triển một thái độ khác về những vấn đề quan trọng nhất mà con người phải đương đầu trên khắp thế giới ngày nay. Những vấn đề đó là gì?

Cuộc sống của bạn có mục đích không?

Bất kể sự tiến bộ kỹ thuật đáng kinh ngạc của nhân loại, ngày nay người ta vẫn có những thắc mắc căn bản như xưa: ‘Tại sao tôi hiện hữu? Tôi sẽ đi về đâu? Mục đích đời sống là gì?’ Nếu không có những lời giải đáp thỏa đáng, đời sống của một người sẽ không có ý nghĩa thật sự. Có nhiều người cảm thấy sự thiếu sót này không? Một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Đức vào cuối thập niên 1990 tiết lộ rằng phân nửa số người tham gia cuộc nghiên cứu thường thường hoặc đôi khi cảm thấy đời sống hình như không có ý nghĩa. Có lẽ nơi bạn sống cũng có tình huống như vậy.

Không có mục đích trong đời sống, một người có một nền tảng bé nhỏ để dựa vào đó mà xây dựng mục tiêu cá nhân. Nhiều người cố gắng bù đắp sự khiếm khuyết này bằng cách cố gắng thành công trong sự nghiệp hoặc tích lũy của cải. Tuy nhiên, một người có thể bị ám ảnh bởi cảm giác trống trải. Không có mục đích trong đời sống thậm chí làm một số người bị rối loạn đến độ họ không còn muốn sống nữa. Đó là trường hợp của một phụ nữ trẻ đẹp, người mà theo tờ báo International Herald Tribune, đã sinh trưởng “trong sự cực kỳ giàu có và đặc quyền vô hạn”. Dù sống trong cảnh xa hoa, cô vẫn cảm thấy cô đơn và cuộc sống của mình không có mục đích. Cô đã dùng thuốc ngủ để tự tử. Có thể bạn biết về những người cô đơn khác đã chết cách bi thảm.

Tuy nhiên, bạn có nghe người ta cho rằng khoa học có thể cho chúng ta biết mọi điều về đời sống không? Tờ tuần san của Đức, Die Woche, vạch rõ: “Dù khoa học có đúng đi nữa, nó lại yếu kém về thiêng liêng. Thuyết tiến hóa có vẻ thô thiển, và ngay cả vật lý lượng tử, với tất cả những thay đổi không đoán trước được của ngành này, cũng không đem lại sự an ủi hay an ninh nào cả”. Những khám phá của khoa học đã cống hiến rất nhiều trong việc mô tả sự sống dưới những dạng khác nhau và trong việc giải thích những chu trình và các tiến trình tự nhiên duy trì sự sống. Tuy nhiên, khoa học không thể cho chúng ta biết tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu. Nếu chỉ dựa vào khoa học mà thôi, thì những thắc mắc của chúng ta về mục đích của đời sống sẽ không được giải đáp. Kết quả là, như báo Süddeutsche Zeitung tường thuật, “nhu cầu về sự hướng dẫn lan rộng khắp nơi”.

Ai có khả năng ban sự hướng dẫn tốt hơn Đấng Tạo Hóa không? Vì chính Ngài đã đặt loài người trên đất, hẳn là Ngài biết tại sao họ ở đây. Kinh Thánh giải thích rằng Đức Giê-hô-va tạo nên loài người để họ có thể sinh sản và chăm sóc trái đất, làm người cai quản nó. Trong mọi hoạt động của họ, loài người phải phản ánh những đức tính của Ngài như công bằng, khôn ngoan và yêu thương. Một khi hiểu được lý do tại sao Đức Giê-hô-va tạo nên chúng ta, chúng ta hiểu được tại sao chúng ta hiện hữu.—Sáng-thế Ký 1:26-28.

Bạn có thể làm gì?

Nói sao nếu trong quá khứ bạn không tìm được giải đáp thỏa đáng nào cho những thắc mắc như: ‘Tại sao tôi hiện hữu? Tôi sẽ đi về đâu? Mục đích đời sống là gì?’ Kinh Thánh khuyên rằng bạn hãy tìm hiểu Đức Giê-hô-va cách kỹ lưỡng. Thật vậy, Chúa Giê-su phán: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. Bạn cũng được khuyến khích phát triển những đức tính của Đức Chúa Trời, đặc biệt là lòng yêu thương, và đặt mục tiêu cá nhân để sống trong Nước của Đức Chúa Trời do Đấng Mê-si cai trị đang gần đến. Lúc đó bạn sẽ có mục đích trong đời sống cùng với hy vọng chắc chắn, tuyệt vời cho tương lai. Những thắc mắc căn bản làm bạn bối rối cho đến nay hẳn sẽ được giải đáp.—Giăng 17:3; Truyền-đạo 12:13.

Những lời giải đáp này có thể có tác động đến mức nào? Hans là người biết rõ điều ấy. * Cách đây nhiều năm, anh chỉ tin tưởng mơ hồ về Đức Chúa Trời, đức tin đó không có tác động gì trên đời sống của anh cả. Hans thích ma túy, những phụ nữ luông tuồng, phạm tội vặt, và xe mô-tô. Anh giải thích: “Nhưng đời sống thật trống rỗng, không thỏa mãn thực sự”. Khi khoảng 25 tuổi, Hans quyết định tìm hiểu Đức Chúa Trời rõ hơn bằng cách đọc Kinh Thánh cẩn thận. Một khi đã tìm hiểu Đức Giê-hô-va cách mật thiết và hiểu được mục đích đời sống là gì, Hans thay đổi lối sống và làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh tham gia thánh chức rao giảng trọn thời gian trong mười năm qua. Anh thành thật nói: “Phụng sự Đức Giê-hô-va là lối sống tốt nhất. Không gì có thể so sánh được. Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va mang lại mục đích trong đời sống tôi”.

Dĩ nhiên, mục đích của đời sống không chỉ là vấn đề duy nhất làm nhiều người quan tâm. Khi tình hình thế giới trở nên xấu hơn, ngày càng có nhiều người hoang mang vì một vấn đề trọng yếu khác nữa.

Tại sao điều đó xảy ra?

Khi tai họa bất thần xảy đến, nạn nhân thường chú tâm đến một câu hỏi: Tại sao điều đó xảy ra? Về mặt cảm xúc, khả năng đối phó với tai họa liên hệ rất nhiều đến việc có được lời giải đáp thích hợp cho câu hỏi đó. Nếu không có được lời giải đáp thỏa đáng, sự đau khổ kéo dài và nạn nhân có thể lại càng cay đắng hơn. Chẳng hạn, hãy xem kinh nghiệm của Bruni.

Nay là một người mẹ ở tuổi trung niên, Bruni giải thích: “Vài năm trước đây, con gái nhỏ của tôi chết, vì tin nơi Đức Chúa Trời cho nên tôi đến gặp một linh mục tại địa phương để được an ủi. Ông bảo tôi rằng Đức Chúa Trời đã đem Susanne lên thiên đàng, bây giờ cháu đã thành thiên thần. Cái chết của con tôi không những làm cho thế giới xung quanh tôi sụp đổ mà còn khiến tôi căm ghét Đức Chúa Trời vì đã đem cháu đi”. Nỗi đau khổ của Bruni kéo dài trong một thời gian. “Sau đó một Nhân Chứng Giê-hô-va dùng Kinh Thánh cho tôi biết rằng tôi không có lý do gì để căm ghét Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va không đem Susanne lên thiên đàng, và cháu không trở thành thiên thần. Bệnh tật của cháu là do sự bất toàn của con người. Susanne đang ngủ trong sự chết, chờ đợi Đức Giê-hô-va làm cháu sống lại. Tôi cũng được biết rằng Ngài đã tạo nên loài người để sống mãi mãi trong địa đàng, và không lâu nữa điều đó sẽ thành hiện thực. Một khi bắt đầu hiểu được Đức Giê-hô-va thật sự là Đấng như thế nào, tôi càng đến gần Ngài hơn, và sự đau khổ của tôi giảm đi”.—Thi-thiên 37:29; Công-vụ 24:15; Rô-ma 5:12.

Hàng triệu người chịu ảnh hưởng của những tai họa theo cách này hay cách khác: thảm kịch cá nhân, chiến tranh, đói kém, hoặc thiên tai. Bruni cảm nghiệm sự khuây khỏa một khi thấy được từ Kinh Thánh rằng không phải Đức Giê-hô-va đã đem tai họa đến, Ngài không bao giờ có ý định cho loài người phải đau khổ, và không lâu nữa Ngài sẽ chấm dứt sự gian ác. Chính sự kiện điều ác ngày càng tăng là điềm cho thấy rằng chúng ta hiện đang sống trong những “ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự này. Sự thay đổi toàn diện để có tình trạng tốt hơn mà tất cả chúng ta đang mong đợi đang đến gần.—2 Ti-mô-thê 3:1-5; Ma-thi-ơ 24:7, 8.

Tìm hiểu Đức Chúa Trời

Hans và Bruni trước đây đã có khái niệm chung chung về Đức Chúa Trời. Họ tin Ngài mà chẳng biết về Ngài bao nhiêu. Khi dùng thời gian để tìm hiểu Đức Giê-hô-va một cách chính xác, những nỗ lực của họ thật đáng công. Họ có được những giải đáp thích hợp cho các câu hỏi tối quan trọng của thời kỳ chúng ta. Điều này cho họ bình an trong tâm trí và một hy vọng chắc chắn về tương lai. Hàng triệu tôi tớ Đức Giê-hô-va đều có cùng cảm nghiệm như vậy.

Việc tìm hiểu Đức Giê-hô-va bắt đầu bằng cách cẩn thận xem xét Kinh Thánh, một cuốn sách cho chúng ta biết về Ngài và những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Đó là điều mà một số người đã làm trong thế kỷ thứ nhất. Lu-ca, một sử gia và cũng là y sĩ, tường thuật rằng các thành viên trong hội thánh người Do Thái ở thành Bê-rê, Hy Lạp, “đều sẵn lòng chịu lấy đạo [từ Phao-lô và Si-la], ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”.—Công-vụ 17:10, 11.

Các tín đồ Đấng Christ sống vào thế kỷ thứ nhất cũng nhóm lại trong các hội thánh. (Công-vụ 2:41, 42, 46; 1 Cô-rinh-tô 1:1, 2; Ga-la-ti 1:1, 2; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1) Ngày nay cũng thế. Trong các hội thánh, Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại tại những buổi họp được tổ chức nhằm mục đích giúp người ta đến gần với Đức Giê-hô-va hơn và vui mừng phụng sự Ngài. Việc kết hợp với Nhân Chứng ở địa phương có một lợi ích khác nữa. Vì loài người dần dần trở nên giống Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng, Nhân Chứng Giê-hô-va thể hiện những đức tính—dù theo nghĩa giới hạn—như chính Đức Giê-hô-va đã thể hiện. Vì thế việc nhóm lại với các Nhân Chứng càng giúp chúng ta tìm hiểu Đức Giê-hô-va rõ hơn.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Điều đó có vẻ như cần phải có nhiều nỗ lực chỉ để tìm hiểu một Đấng hay không? Chắc chắn cần phải có nỗ lực. Nhưng chẳng phải bạn cũng phải nỗ lực để đạt được nhiều điều mình muốn trong đời sống hay sao? Hãy nghĩ đến nỗ lực mà một vận động viên vô địch đã bỏ ra để luyện tập. Chẳng hạn, người đoạt huy chương vàng môn trượt tuyết tại Olympic ở Pháp, Jean-Claude Killy, nói về những gì cần phải làm để trở thành một đấu thủ thể thao quốc tế thành công: “Bạn phải khởi sự trước đó 10 năm rồi dự tính cho việc dự thi trong nhiều năm và phải nghĩ đến việc thi đấu hàng ngày... Đó là việc làm suốt 365 ngày trong năm, cả tinh thần lẫn thể lực”. Tất cả thời gian và nỗ lực đó chỉ để thi đấu trong một cuộc đua có lẽ kéo dài mười phút! Những lợi ích có thể đạt được từ việc tìm hiểu Đức Giê-hô-va lại còn nhiều hơn và kéo dài lâu hơn thế nữa.

Một mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn

Có ai không muốn được hưởng một điều gì đó quan trọng trong đời sống không? Chẳng có ai. Vì thế, nếu bạn ý thức rằng đời sống mình không có mục đích thật hoặc nếu bạn mong mỏi được giải thích tại sao tai họa lại xảy đến, thì hãy quyết tâm tìm hiểu Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Việc học biết về Ngài có thể khiến đời sống bạn được cải thiện, và tiếp tục tồn tại.

Chúng ta sẽ có bao giờ ngưng học biết về Đức Giê-hô-va không? Những người đã và đang phụng sự Ngài suốt hàng thập niên vẫn còn kinh ngạc trước những gì họ học biết về Ngài cũng như trước những điều mới mà họ tiếp tục học về Ngài. Việc học được những điều như thế làm chúng ta được hạnh phúc và càng đưa chúng ta đến gần Ngài hơn. Mong sao chúng ta có cùng ý tưởng với sứ đồ Phao-lô, là người đã viết: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý-tưởng Chúa, ai là kẻ bàn-luận của Ngài?”—Rô-ma 11:33, 34.

[Chú thích]

^ đ. 12 Các tên đã được đổi.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Người ta vẫn có những thắc mắc căn bản như xưa: ‘Tại sao tôi hiện hữu? Tôi sẽ đi về đâu? Mục đích đời sống là gì?’

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Một khi bắt đầu hiểu được Đức Giê-hô-va thật sự là Đấng như thế nào, tôi càng đến gần Ngài hơn”

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Phụng sự Đức Giê-hô-va là lối sống tốt nhất. Không gì có thể so sánh được. Sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va mang lại mục đích trong đời sống tôi”