Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao bạn có thể quyết định khôn ngoan?

Làm sao bạn có thể quyết định khôn ngoan?

Làm sao bạn có thể quyết định khôn ngoan?

“KẺ KHÔN sẽ nghe và thêm lên sự học-vấn”, Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên xưa đã nói thế. Đa số chúng ta thỉnh thoảng có những quyết định kém khôn ngoan chỉ vì chúng ta lơ là không lắng nghe lời khuyên của người khác.—Châm-ngôn 1:5.

Những lời đó của Sa-lô-môn sau này được ghi lại trong Kinh Thánh, cùng với những lời khác trong “ba ngàn câu châm-ngôn” mà ông đã soạn. (1 Các Vua 4:32) Chúng ta có thể được lợi ích khi biết và nghe theo những lời khôn ngoan của ông không? Chắc chắn có. Những lời đó giúp chúng ta “hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy, cùng phân-biệt các lời thông-sáng; để nhận-lãnh điều dạy-dỗ theo sự khôn-ngoan, sự công-bình, lý-đoán, và sự chánh-trực”. (Châm-ngôn 1:2, 3) Chúng ta hãy thảo luận năm lời hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh có thể giúp chúng ta để có những quyết định khôn ngoan.

Nghĩ đến những ảnh hưởng lâu dài

Một số quyết định sẽ có những ảnh hưởng đáng kể. Do đó, hãy cố gắng đoán trước những ảnh hưởng này là gì. Hãy coi chừng đừng để những lợi ích hấp dẫn nhất thời khiến bạn không nhìn thấy những hậu quả lâu dài có thể xảy ra. Châm-ngôn 22:3 khuyến cáo: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.

Liệt kê ra những kết quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài có thể giúp ích. Khi chọn một công ăn việc làm nào đó, kết quả ngắn hạn có thể là lương cao và việc làm thú vị. Nhưng có thể hậu quả lâu dài bao gồm việc có một nghề mà thật sự không có tương lai chăng? Cuối cùng nó có thể đòi hỏi bạn phải dọn đi nơi khác, có lẽ xa bạn bè và gia đình chăng? Có lẽ nó đặt bạn vào môi trường không lành mạnh hay công việc nhàm chán đến nỗi bạn hết sức nản chí chăng? Hãy cân nhắc lợi hại, và rồi quyết định điều gì là ưu tiên.

Dành đủ thời gian

Quyết định vội vàng thường tỏ ra là kém khôn ngoan. Châm-ngôn 21:5 cảnh giác: “Các ý-tưởng của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật; còn những kẻ khờ-dại [“vội vàng hấp tấp”, Tòa Tổng Giám Mục] chỉ chạy đến điều thiếu-thốn”. Chẳng hạn, những thanh thiếu niên si tình nên dành thời gian suy nghĩ kỹ trước khi quyết định kết hôn. Nếu không, họ có thể cảm nghiệm tính xác thực của những lời này của William Congreve, nhà soạn kịch người Anh đầu thế kỷ 18: “Lập gia đình hấp tấp ắt hối hận dài dài”.

Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn việc dành đủ thời gian với việc chần chừ lưỡng lự. Vì một số quyết định hết sức quan trọng, nên điều khôn ngoan là quyết định càng sớm càng tốt. Trì hoãn một cách không cần thiết có thể tỏ ra là tai hại đối với chúng ta hay người khác. Hoãn lại một quyết định có thể tự nó là một quyết định—và có lẽ đó là một quyết định kém khôn ngoan.

Sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên

Vì không có hai trường hợp nào hoàn toàn giống nhau, nên hai người có thể không luôn luôn đi đến quyết định y như nhau khi đối diện với những vấn đề tương tự. Dù vậy, điều hữu ích là lắng nghe người khác đã có những quyết định nào trong những vấn đề giống như của chúng ta. Hỏi xem giờ đây họ đánh giá quyết định họ như thế nào. Thí dụ, trong việc chọn một nghề, hãy hỏi những người đã hành nghề đó cho bạn biết mặt phải và mặt trái của nghề ấy. Họ đã thấy những lợi ích nào trong sự lựa chọn của họ, và có những trở ngại hay ngay cả nguy hiểm nào?

Chúng ta được khuyên rằng: “Thiếu bàn bạc, chương trình đổ vỡ, nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công”. (Châm-ngôn 15:22, TTGM) Dĩ nhiên, khi tìm kiếm lời khuyên và học từ kinh nghiệm của người khác, chúng ta phải hoàn toàn ý thức rằng cuối cùng chính chúng ta là người phải đi đến quyết định và cũng gánh lấy trách nhiệm về quyết định đó.—Ga-la-ti 6:4, 5.

Nghe theo lương tâm được rèn luyện kỹ

Lương tâm có thể giúp chúng ta có những quyết định phù hợp với những nguyên tắc căn bản mà chúng ta đã chọn sống theo. Đối với tín đồ Đấng Christ, điều này có nghĩa là rèn luyện lương tâm để phản ánh ý tưởng của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 2:14, 15) Lời Đức Chúa Trời nói với chúng ta: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:6) Dĩ nhiên, trong một số lĩnh vực, hai người—với lương tâm được rèn luyện kỹ—có thể đi đến kết luận khác nhau và vì vậy có những quyết định không giống nhau.

Tuy nhiên, khi liên quan đến những hành động trực tiếp bị lên án trong Lời Đức Chúa Trời, lương tâm được rèn luyện kỹ sẽ không cho phép tự do làm thế. Thí dụ, một lương tâm không được rèn luyện theo nguyên tắc Kinh Thánh có thể cho phép người đàn ông và đàn bà cứ sống chung trước hôn nhân để thử xem họ có hòa hợp hay không. Họ có thể nghĩ rằng đó là quyết định khôn ngoan, lý luận rằng làm thế sẽ giúp họ tránh lao vào một cuộc hôn nhân thiếu khôn ngoan. Lương tâm họ có thể không lên án họ. Tuy nhiên, những ai có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về tính dục và hôn nhân sẽ quyết định không theo sự sắp đặt tạm thời và trái đạo đức ấy.—1 Cô-rinh-tô 6:18; 7:1, 2; Hê-bơ-rơ 13:4.

Quyết định của bạn ảnh hưởng người khác thế nào

Thường thì quyết định của bạn có thể ảnh hưởng đến người khác. Vậy đừng bao giờ cố ý đi đến một quyết định thiếu khôn ngoan—thậm chí ngu dại—có thể hủy hoại mối quan hệ quý báu với bạn bè và người thân hoặc, trên hết, với Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 10:1 ghi nhận: “Con trai khôn-ngoan làm vui cha mình; nhưng đứa ngu-muội gây buồn cho mẹ nó”.

Mặt khác, ý thức rằng đôi khi chúng ta cần phải chọn muốn làm đẹp lòng ai. Để minh họa, bạn có thể quyết định từ bỏ những quan điểm tôn giáo trước đây mà nay bạn biết là đi ngược với Kinh Thánh. Hay bạn có thể quyết định có nhiều thay đổi trong nhân cách vì bạn ước muốn sống theo những hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà giờ đây bạn chấp nhận. Quyết định của bạn có thể không làm vui lòng một số bạn bè hay người thân, nhưng bất cứ quyết định nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời đều là quyết định khôn ngoan.

Khôn ngoan đi đến quyết định quan trọng nhất

Nói chung người ta không biết là mỗi người ngày nay đối diện với một quyết định giữa sự sống và sự chết. Vào năm 1473 TCN, dân Y-sơ-ra-ên xưa đóng trại ở biên giới Đất Hứa cũng gặp một tình huống tương tự. Với tư cách là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, Môi-se bảo họ: “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, đặng ngươi ở trên đất mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho các tổ-phụ ngươi, là Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20.

Lời tiên tri và niên đại học Kinh Thánh cho thấy chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn” và “tình trạng thế gian này đang thay đổi”. (2 Ti-mô-thê 3:1; 1 Cô-rinh-tô 7:31, NW) Sự thay đổi được báo trước đó sẽ lên đến tột đỉnh khi hệ thống loài người thối nát bị hủy diệt và được thay thế bằng thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời.

Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của thế giới mới đó. Bạn sẽ bước vào để hưởng sự sống đời đời trên đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời không? Hay bạn sẽ bị loại trừ khỏi đất khi hệ thống của Sa-tan bị hủy diệt? (Thi-thiên 37:9-11; Châm-ngôn 2:21, 22) Giờ đây chính bạn phải quyết định là nên theo con đường nào, đây quả là một quyết định liên quan đến vấn đề sinh tử. Bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ để đi đến quyết định đúng, quyết định khôn ngoan không?

Chọn sự sống bao hàm trước nhất là học biết về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Các nhà thờ phần lớn đã không truyền đạt những đòi hỏi này một cách chính xác. Những nhà lãnh đạo của họ thường làm cho người ta lầm đường lạc lối để tin vào những điều sai lầm và thực hành những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Họ đã sao lãng trong việc giúp cho người ta biết nhu cầu phải tự quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời bằng “tâm-thần và lẽ thật”. (Giăng 4:24) Vì vậy đa số người ta không làm thế. Nhưng hãy lưu ý những gì Chúa Giê-su nói: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu-hiệp với ta, thì tan ra”.—Ma-thi-ơ 12:30.

Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp người ta có sự hiểu biết nhiều hơn về Lời Đức Chúa Trời. Họ hướng dẫn đều đặn những cuộc thảo luận Kinh Thánh với từng cá nhân hoặc từng nhóm vào giờ giấc và địa điểm thuận tiện cho người ta. Những ai muốn tận dụng sự sắp đặt này nên liên hệ với các Nhân Chứng ở địa phương hay gửi thư về tòa soạn Tháp Canh.

Dĩ nhiên, một số người có thể đã có sự hiểu biết căn bản về những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi. Thậm chí họ tin chắc tính xác thực và đáng tin cậy của Kinh Thánh. Dù vậy, một số người trong họ đã trì hoãn việc quyết định dâng mình cho Đức Chúa Trời. Tại sao? Có thể có nhiều lý do.

Có thể họ không nhận thấy tầm quan trọng của việc đó chăng? Chúa Giê-su nói rõ: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi”. (Ma-thi-ơ 7:21) Có sự hiểu biết về Kinh Thánh thôi thì không đủ, nhưng đòi hỏi phải hành động. Hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu đã nêu gương mẫu. Chúng ta đọc về một số người trong thế kỷ thứ nhất: “Khi chúng đã tin Phi-líp, là người rao-giảng Tin-lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jêsus-Christ cho mình, thì cả đàn-ông đàn-bà đều chịu phép báp-têm”. (Công-vụ 2:41; 8:12) Vậy nếu một người hết lòng chấp nhận Lời Đức Chúa Trời, tin những gì Lời ấy nói, và sống phù hợp với tiêu chuẩn của Ngài, có gì ngăn trở người đó làm báp têm để biểu trưng sự dâng mình chăng? (Công-vụ 8:34-38) Dĩ nhiên, muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, người đó phải sẵn sàng và vui lòng thực hiện bước này.—2 Cô-rinh-tô 9:7.

Một số người có thể cảm thấy rằng họ không có đủ sự hiểu biết để dâng đời sống cho Đức Chúa Trời. Nhưng mỗi người bắt đầu một đường lối mới trong đời đều có sự hiểu biết giới hạn. Có tay nghề nào dám cho rằng mình đã có sự hiểu biết trong buổi đầu sự nghiệp như mình có hôm nay? Chọn phụng sự Đức Chúa Trời chỉ đòi hỏi có sự hiểu biết về những dạy dỗ và nguyên tắc căn bản của Kinh Thánh, cộng với lòng ước muốn chân thành sống phù hợp theo đó.

Có phải một số người lần lữa không quyết định vì sợ rằng không sống đúng với quyết định đó chăng? Trong nhiều mối cam kết, người ta thường quan tâm ở mức độ nào đó về sự thất bại. Người đàn ông quyết định lập gia đình có thể cảm thấy hơi thiếu sót, nhưng sự cam kết đó là động cơ thúc đẩy ông làm hết sức mình. Tương tự, một người trẻ mới có bằng lái xe có thể cảm thấy hơi sợ bị tai nạn giao thông—đặc biệt là nếu người ấy biết về thống kê cho thấy theo tỷ lệ người trẻ lái xe dễ gặp tai nạn hơn người lớn. Tuy nhiên, sự hiểu biết này có thể có lợi, thúc đẩy người trẻ đó lái xe cẩn thận hơn. Tránh không lấy bằng lái chắc hẳn không phải là giải pháp!

Hãy chọn sự sống!

Kinh Thánh cho thấy hệ thống chính trị, kinh tế, và tôn giáo toàn cầu thời nay cùng những ai ủng hộ nó chẳng bao lâu sẽ không còn trên đất. Song, những ai khôn ngoan chọn sự sống và hành động phù hợp theo đó sẽ còn lại trên đất. Là nền tảng của xã hội thế giới mới, họ sẽ góp phần biến trái đất thành địa đàng, như Đức Chúa Trời có ý định lúc ban đầu. Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, bạn có thích tham gia vào công việc vui mừng này không?

Nếu vậy, hãy quyết định học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Hãy quyết định học biết về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời để làm vui lòng Ngài. Hãy quyết tâm sống đúng theo đó. Trên hết mọi sự, hãy nhất quyết thực hiện quyết định của bạn cho đến cùng. Nói tóm lại, hãy chọn sự sống!

[Các hình nơi trang 4]

Dành đủ thời gian cho những quyết định hệ trọng

[Hình nơi trang 5]

Hãy sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên trong việc chọn nghề

[Các hình nơi trang 7]

Những ai quyết định phụng sự Đức Chúa Trời bây giờ sẽ góp phần biến trái đất thành địa đàng