Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”

“Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”

“Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”

“Một môn-đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”.—LU-CA 11:1.

1. Tại sao một trong các môn đồ của Chúa Giê-su xin ngài dạy họ cầu nguyện?

VÀO một dịp nọ trong năm 32 CN, một môn đồ quan sát Chúa Giê-su cầu nguyện. Môn đồ ấy không nghe Chúa Giê-su nói gì với Cha ngài, có lẽ vì ngài cầu nguyện thầm. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su cầu nguyện xong, môn đồ ấy nói: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”. (Lu-ca 11:1) Điều gì khiến ông đưa ra lời yêu cầu ấy? Cầu nguyện là một phần trong đời sống và sự thờ phượng của người Do Thái. Sách Thi-thiên và các sách khác trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ chứa đựng nhiều lời cầu nguyện. Vì vậy môn đồ ấy không yêu cầu Chúa Giê-su dạy một điều mà ông không biết tí gì hoặc chưa từng làm bao giờ. Chắc chắn, ông quen thuộc với những lời cầu nguyện có tính cách hình thức của giới lãnh đạo Do Thái Giáo. Nhưng giờ đây ông đã quan sát Chúa Giê-su cầu nguyện. Rất có thể ông đã nhận biết sự khác biệt quan trọng giữa lời cầu nguyện ra vẻ đạo đức của các ra-bi và cách Chúa Giê-su cầu nguyện.—Ma-thi-ơ 6:5-8.

2. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su không có ý định là chúng ta lặp lại từng chữ trong lời cầu nguyện mẫu? (b) Tại sao chúng ta muốn biết cách cầu nguyện?

2 Khoảng 18 tháng trước đó, trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su đã cung cấp cho các môn đồ lời cầu nguyện mẫu để họ phỏng theo. (Ma-thi-ơ 6:9-13) Có thể là môn đồ nói trên không có mặt vào lúc đó, vì vậy Chúa Giê-su đã tử tế nhắc lại những điểm chính yếu trong lời cầu nguyện mẫu. Điều đáng lưu ý là ngài không lặp lại nguyên văn; điều này cho thấy ngài không đưa ra lời cầu nguyện có tính cách nghi lễ, cần đọc thuộc lòng một cách máy móc. (Lu-ca 11:1-4) Như môn đồ khuyết danh ấy, chúng ta cũng muốn biết cách cầu nguyện sao cho lời cầu nguyện giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét lời cầu nguyện mẫu, do sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại. Lời cầu nguyện ấy gồm bảy yêu cầu; ba điều yêu cầu trong số đó liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời, bốn điều kia liên quan đến nhu cầu thiêng liêng và vật chất. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét ba điều cầu xin đầu tiên.

Người Cha yêu thương

3, 4. Việc chúng ta gọi Đức Giê-hô-va là “Cha chúng tôi” hàm ý gì?

3 Ngay từ đầu, Chúa Giê-su cho thấy lời cầu nguyện của chúng ta phải phản ánh mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va nhưng phải kính trọng. Chủ yếu vì lợi ích của những môn đồ tụ tập gần ngài bên sườn núi, Chúa Giê-su bảo họ gọi Đức Giê-hô-va là “Cha chúng tôi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 6:9) Theo một học giả, dù Chúa Giê-su nói bằng tiếng A-ram hay bằng thứ tiếng Hê-bơ-rơ phổ thông thời đó, từ ngữ ngài sử dụng cho từ “Cha” tương tự cách diễn đạt thân mật của trẻ thơ, ‘từ của một đứa trẻ’. Gọi Đức Giê-hô-va là “Cha chúng tôi” cho thấy mối quan hệ nồng ấm, tin tưởng.

4 Bằng cách nói “Cha chúng tôi”, chúng ta cũng thừa nhận chúng ta thuộc đại gia đình gồm những người nam và nữ công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Ban Sự Sống. (Ê-sai 64:8; Công-vụ 17:24, 28) Những tín đồ Đấng Christ sinh ra bởi thánh linh được nhận làm “con của Đức Chúa Trời”, và họ có thể “kêu rằng: A-ba! Cha!” (Rô-ma 8:14, 15, chúng tôi viết nghiêng). Hàng triệu người đã trở nên đồng bạn trung thành của họ. Những người này đã dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình bằng báp têm trong nước. Tất cả những “chiên khác” này cũng có thể nhân danh Chúa Giê-su mà đến với Đức Giê-hô-va và gọi Ngài là “Cha chúng tôi”. (Giăng 10:16; 14:6) Chúng ta có thể đều đặn đến với Cha trên trời qua lời cầu nguyện để khen ngợi, cảm tạ Ngài về mọi điều tốt lành Ngài ban cho chúng ta; đồng thời thổ lộ những ưu tư với Ngài, vững tin rằng Ngài chăm lo cho chúng ta.—Phi-líp 4:6, 7; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

Yêu mến danh Đức Giê-hô-va

5. Lời cầu xin mở đầu lời cầu nguyện mẫu nói gì, và tại sao điều này thích hợp?

5 Lời cầu xin mở đầu đề cập ngay những điều ưu tiên. Lời ấy nói: “Danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Đúng vậy, danh Đức Giê-hô-va được thánh phải là mối quan tâm chính của chúng ta bởi lẽ chúng ta yêu thương Ngài và căm ghét khi thấy danh Ngài bị sỉ nhục. Sa-tan phản loạn, dụ dỗ cặp vợ chồng đầu tiên cãi lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời; hành động ấy đã bôi nhọ danh Ngài vì gây ra nghi vấn về cách Đức Chúa Trời hành sử quyền tối thượng trong vũ trụ. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Ngoài ra, qua nhiều thế kỷ, danh Đức Giê-hô-va đã bị sỉ nhục vì những hành động và dạy dỗ đáng xấu hổ của những người xưng là đại diện Ngài.

6. Chúng ta sẽ không làm gì nếu cầu xin cho danh Đức Giê-hô-va được thánh?

6 Lời cầu xin danh Đức Giê-hô-va được thánh cho thấy lập trường của chúng ta về vấn đề quyền tối thượng trong vũ trụ—triệt để ủng hộ quyền cai trị vũ trụ của Đức Giê-hô-va. Ngài muốn vũ trụ đầy những tạo vật thông minh sẵn lòng và vui mừng tuân phục quyền tối thượng công bình của Ngài bởi vì họ yêu thương Ngài và yêu mến tất cả các giá trị mà danh Ngài tượng trưng. (1 Sử-ký 29:10-13; Thi-thiên 8:1; 148:13) Lòng yêu mến danh Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta không làm bất cứ điều gì gây sỉ nhục cho danh thánh ấy. (Ê-xê-chi-ên 36:20, 21; Rô-ma 2:21-24) Bởi lẽ hòa bình của vũ trụ và những tạo vật trong đó tùy thuộc vào việc danh Đức Giê-hô-va được thánh cũng như vào việc yêu thương phục tùng quyền tối thượng của Ngài, cho nên lời cầu xin “danh Cha được thánh” nói lên lòng tin chắc của chúng ta: ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện, mang lại sự ca ngợi cho Ngài.—Ê-xê-chi-ên 38:23.

Nước Trời mà chúng ta cầu xin

7, 8. (a) Nước Trời mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin là gì? (b) Chúng ta học được gì về Nước Trời này trong các sách Đa-ni-ên và Khải-huyền?

7 Điều cầu xin thứ hai trong lời cầu nguyện mẫu là: “Nước Cha được đến”. (Ma-thi-ơ 6:10) Lời xin này liên quan chặt chẽ đến lời trước. Công cụ Đức Giê-hô-va dùng để làm thánh danh Ngài là Nước của Đấng Mê-si, tức chính phủ trên trời. Vua của nước ấy là Chúa Giê-su Christ, Con Ngài, đã được bổ nhiệm xứng đáng. (Thi-thiên 2:1-9) Lời tiên tri của Đa-ni-ên miêu tả Nước của Đấng Mê-si là “một hòn đá” đục ra từ một ngọn “núi”. (Đa-ni-ên 2:34, 35, 44, 45) Ngọn núi tượng trưng cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va; vậy tảng đá tượng trưng cho Nước Trời, là một biểu hiện mới của quyền cai trị vũ trụ của Đức Giê-hô-va. Trong lời tiên tri, tảng đá “hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất”, cho thấy rằng Nước của Đấng Mê-si sẽ tượng trưng quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong việc cai trị trái đất.

8 Cùng với Đấng Christ tham gia chính phủ Nước Trời là 144.000 người khác, “được chuộc từ trong loài người” để cùng ngài cai trị trên cương vị vua và thầy tế lễ. (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1-4; 20:6) Đa-ni-ên gọi những người này là “các thánh của Đấng Rất Cao”, sẽ cùng với Đấng Christ là Đầu của họ, nhận lấy ‘nước, quyền-thế, và sự tôn-đại của muôn nước ở dưới cả trời. Nước họ là nước đời đời, và hết thảy các quyền-thế đều hầu-việc và vâng lời họ’. (Đa-ni-ên 7:13, 14, 18, 27) Lời miêu tả như thế nói về chính phủ trên trời mà Đấng Christ dạy môn đồ cầu xin.

Tại sao vẫn còn cầu xin cho Nước Trời đến?

9. Tại sao việc cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến là thích đáng?

9 Trong lời cầu nguyện mẫu, Đấng Christ dạy chúng ta cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến. Sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy Nước của Đấng Mê-si đã được thành lập trên trời vào năm 1914. * Vậy thì, có còn thích đáng không nếu chúng ta cầu xin cho Nước Trời “đến”? Chắc chắn là có. Bởi lẽ trong lời tiên tri của Đa-ni-ên, tảng đá tượng trưng Nước của Đấng Mê-si đang ở thế đối đầu trực tiếp với các chính phủ loài người do pho tượng lớn tượng trưng. Tảng đá ấy cuối cùng sẽ đập vào pho tượng, nghiền nát nó thành bụi. Lời tiên tri của Đa-ni-ên nói: “Quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”.—Đa-ni-ên 2:44.

10. Tại sao chúng ao ước cho Nước Đức Chúa Trời đến?

10 Chúng ta ao ước thấy Nước Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan vì điều này có nghĩa là danh của Đức Giê-hô-va được thánh và mọi kẻ chống lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bị tiêu diệt. Chúng ta khẩn thiết cầu xin “nước Cha được đến”, và cùng sứ đồ Giăng, chúng ta nói: “A-men,... Chúa Jêsus, xin hãy đến!” (Khải-huyền 22:20) Vâng, mong rằng Chúa Giê-su đến để làm thánh danh Đức Giê-hô-va, biện minh cho quyền tối thượng của Ngài, để lời của người viết Thi-thiên ứng nghiệm: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”.—Thi-thiên 83:18.

“Ý Cha được nên”

11, 12. (a) Khi cầu xin cho ý muốn Đức Chúa Trời “được nên, ở đất như trời”, chúng ta cầu xin điều gì? (b) Lời cầu xin cho ý muốn Đức Giê-hô-va được thực hiện còn có ý nghĩa nào khác?

11 Kế đến Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu xin “ý Cha được nên, ở đất như trời”. (Ma-thi-ơ 6:10) Sở dĩ có vũ trụ là vì ý định của Đức Giê-hô-va. Các tạo vật quyền năng trên trời reo lên: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. (Khải-huyền 4:11) Đức Giê-hô-va có một ý định đối với “vật ở trên trời và vật ở dưới đất”. (Ê-phê-sô 1:8-10) Khi cầu xin cho ý muốn Đức Chúa Trời thành hiện thực, quả thật chúng ta xin Đức Giê-hô-va thực hiện ý định Ngài. Hơn nữa, qua cách đó chúng ta chứng tỏ mình ao ước thấy ý muốn Đức Chúa Trời thành tựu trong khắp vũ trụ.

12 Qua lời cầu xin này, chúng ta cũng biểu lộ lòng sẵn sàng sống theo ý muốn Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. (Giăng 4:34) Như Chúa Giê-su, chúng ta vui thích làm theo ý muốn Đức Chúa Trời với tư cách là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và đối với Con Ngài thôi thúc chúng ta tránh sống “theo những sự người ta ưa-thích” nhưng “theo ý-muốn Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 4:1, 2; 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Chúng ta phấn đấu, tránh làm những điều chúng ta biết là trái với ý muốn Đức Giê-hô-va. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5) Bằng cách tận dụng thì giờ để đọc và học Kinh Thánh, chúng ta “hiểu rõ ý-muốn của Chúa là thế nào”; ý muốn ấy bao gồm việc tích cực tham gia rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”.—Ê-phê-sô 5:15-17; Ma-thi-ơ 24:14.

Ý định Đức Giê-hô-va ở trên trời

13. Từ lâu trước khi Sa-tan phản loạn, ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện như thế nào?

13 Ý muốn của Đức Giê-hô-va thành tựu trên trời đã lâu trước khi một trong các con trai thần linh của Ngài phản loạn và trở thành Sa-tan. Sách Châm-ngôn miêu tả Con đầu lòng của Đức Chúa Trời là sự khôn ngoan được nhân cách hóa. Sách ấy cho thấy rằng qua không biết bao nhiêu tỉ năm, Con độc nhất của Đức Chúa Trời luôn “vui-vẻ trước mặt Ngài”, vui mừng làm theo ý muốn Cha. Cuối cùng, Con ấy trở thành “thợ cái” của Đức Giê-hô-va trong việc tạo ra mọi vật “trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được”. (Châm-ngôn 8:22-31; Cô-lô-se 1:15-17) Đức Giê-hô-va dùng Chúa Giê-su làm “Ngôi-Lời”, tức Phát Ngôn Viên.—Giăng 1:1-3.

14. Chúng ta có thể học được gì từ bài Thi-thiên 103 về việc các thiên sứ thực hiện ý định Đức Giê-hô-va ở trên trời?

14 Người viết Thi-thiên cho thấy rằng Đức Giê-hô-va có quyền tối thượng trên mọi tạo vật và vô số thiên sứ tuân theo chỉ thị và mệnh lệnh của Ngài. Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai-trị trên muôn vật. Hỡi các thiên-sứ của Đức Giê-hô-va, là các đấng có sức-lực làm theo mạng-lịnh Ngài, hãy vâng theo tiếng Ngài, khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Hỡi cả cơ-binh của Đức Giê-hô-va, là tôi-tớ Ngài làm theo ý-chỉ Ngài, hãy ca-tụng Đức Giê-hô-va! Hỡi các công-việc của Đức Giê-hô-va, trong mọi nơi nước Ngài [hoặc thuộc quyền tối thượng của Ngài], khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va!”—Thi-thiên 103:19-22.

15. Chúa Giê-su tiếp nhận quyền cai trị Nước Trời đã ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va ở trên trời?

15 Sách Gióp cho thấy sau khi làm phản, Sa-tan vẫn còn được ra vào trên trời. (Gióp 1:6-12; 2:1-7) Tuy nhiên, sách Khải-huyền tiên tri rằng sẽ có ngày Sa-tan và các quỉ sứ bị đánh đuổi ra khỏi trời. Xem chừng thời điểm ấy đã đến chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su Christ tiếp nhận quyền cai trị Nước Trời vào năm 1914. Kể từ đó, trên trời không còn chỗ nào cho những kẻ phản loạn. Phạm vi hoạt động của chúng bị giới hạn trong vùng phụ cận trái đất. (Khải-huyền 12:7-12) Không còn nghe tiếng chống đối ở trên trời nữa, chỉ có những tiếng đồng thanh hoan hô “Chiên Con”, Chúa Giê-su Christ, và tiếng ca ngợi phục tùng Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 12:6-12) Ý muốn Đức Giê-hô-va quả thật thành tựu trên trời.

Ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất

16. Lời cầu nguyện mẫu mâu thuẫn với sự dạy dỗ của khối đạo xưng theo Đấng Christ về hy vọng của nhân loại như thế nào?

16 Các nhà thờ trong khối đạo xưng theo Đấng Christ không dạy về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất nhưng cho rằng mọi người tốt đều lên trời. Song Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10) Dù giàu sức tưởng tượng đến mấy, có thể nào cho rằng ý định của Đức Giê-hô-va nói chung đang được thực hiện ngày nay trên trái đất đầy bạo lực, bất công, bệnh tật và chết chóc không? Tuyệt nhiên không! Vì thế, chúng ta phải khẩn khoản cầu xin cho ý định Đức Chúa Trời được thực hiện trên trái đất, phù hợp với lời hứa do sứ đồ Phi-e-rơ ghi lại: ‘Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới [chính phủ của Đấng Mê-si do Đấng Christ cầm quyền] và đất mới [xã hội loài người công bình], là nơi sự công-bình ăn-ở’.—2 Phi-e-rơ 3:13.

17. Đâu là ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất?

17 Đức Giê-hô-va có mục đích khi tạo ra trái đất. Ngài soi dẫn nhà tiên tri Ê-sai viết: “Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê-sai 45:18) Đức Chúa Trời đặt cặp vợ chồng đầu tiên trong vườn địa đàng và bảo họ “hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng”. (Sáng-thế Ký 1:27, 28; 2:15) Hiển nhiên, ý định của Đấng Tạo Hóa là loài người công bình và hoàn toàn, sống trên trái đất, vui mừng tuân thủ quyền tối cao của Đức Giê-hô-va và sống mãi mãi trong Địa Đàng mà Đấng Christ hứa.—Thi-thiên 37:11, 29; Lu-ca 23:43.

18, 19. (a) Điều gì phải được thực hiện trước khi ý định của Đức Chúa Trời thành tựu trọn vẹn trên trái đất? (b) Những khía cạnh nào khác trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su sẽ được xem xét trong bài tới?

18 Ý muốn của Đức Giê-hô-va đối với trái đất không bao giờ có thể thành tựu trọn vẹn khi trên trái đất còn có những người thách thức quyền tối cao của Ngài. Huy động lực lượng thần linh hùng mạnh do Đấng Christ chỉ huy, Đức Chúa Trời sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. Toàn thể hệ thống gian ác của Sa-tan, kể cả tôn giáo giả, chính trị thối nát, thương mại bất lương và tham lam cùng các lực lượng quân sự gây tàn phá, sẽ bị quét sạch mãi mãi. (Khải-huyền 11:18; 18:21; 19:1, 2, 11-18) Quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh và danh Ngài được thánh. Chúng ta cầu xin tất cả những điều này khi nói: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

19 Tuy nhiên, trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su cho thấy chúng ta cũng có thể cầu xin về những điều riêng tư. Những khía cạnh này trong lời chỉ dẫn của ngài về sự cầu nguyện sẽ được xem xét trong bài tới.

[Chú thích]

Câu hỏi ôn

• Tại sao việc chúng ta gọi Đức Giê-hô-va “Cha chúng tôi” là thích hợp?

• Tại sao việc chúng ta cầu xin cho danh Đức Giê-hô-va được thánh có tầm quan trọng chính yếu?

• Tại sao chúng ta cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến?

• Việc chúng ta cầu xin cho ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện trên trái đất như ở trên trời hàm ý gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su khác hẳn lời cầu nguyện ra vẻ đạo đức của người Pha-ri-si

[Hình nơi trang 10]

Tín đồ Đấng Christ cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến, danh Ngài được thánh, và ý định Ngài được thực hiện