Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họp lại tại “tâm điểm của thế giới”

Họp lại tại “tâm điểm của thế giới”

Họp lại tại “tâm điểm của thế giới”

Bạn có bao giờ nghe câu “Te Pito o Te Henua” chưa? Theo nguyên ngữ Rapa Nui, được nói trên Đảo Easter, có nghĩa là “Tâm điểm của thế giới”. Điều gì đã làm cho hội nghị ở đó đặc biệt đến thế?

CÔ LẬP, huyền bí, kỳ lạ. Đó là những từ được dùng để mô tả Đảo Easter, hoặc Rapa Nui theo cách gọi của cư dân trên đảo. Nó đúng là một vùng cô lập nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách thành phố Santiago, Chile 3.790 kilômét. Nó trở thành một tỉnh của Chile vào ngày 9-9-1888.

Với diện tích 166 kilômét vuông, đảo hình tam giác này chủ yếu gồm có ba núi lửa đã tắt. Thật vậy, như nhiều đảo ở Thái Bình Dương, nó được tạo thành bởi đỉnh của những ngọn núi to lớn nằm dưới nước. Toàn đảo được tuyên bố là công trình thiên nhiên bất hủ. Chắc chắn đảo này được nổi tiếng nhờ các tượng đá kỳ bí, gọi là moai. *

Ngoài cảnh vật và địa điểm lịch sử hấp dẫn, Đảo Easter còn có nhiều thức ăn ngon. Thổ sản gồm có trái cây như dứa, trái bơ, đu đủ và chín loại chuối. Biển có nhiều loại cá và các hải sản khác.

Khí hậu trên đảo ôn hòa, mưa đều và có cầu vồng cho du khách được thưởng thức không khí trong lành và quang cảnh ngoạn mục. Hiện nay cư dân có khoảng 3.800 người. Dân đảo ngày nay là con cháu của những người đến lập nghiệp đầu tiên, lai dân Âu Châu, Chile và những dân khác. Hàng trăm du khách từ Châu Âu, Châu Á đến đảo, làm ngành du lịch thành một phần quan trọng của nền kinh tế trên đảo.

Hạt giống Nước Trời được trồng đầu tiên

Cuốn Niên giám 1982 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ) báo cáo: “Có một thời gian chúng tôi chỉ có một người công bố duy nhất trên Đảo Easter. Chị này được giúp về thiêng liêng nhờ liên lạc thư từ với một chị giáo sĩ tại chi nhánh [Chile]. Dù chị đã về đất liền, chúng tôi còn giữ danh sách những người nhận tạp chí Tháp Canh dài hạn trên đảo. Một điều ngạc nhiên là vào tháng 4 năm 1980, chúng tôi nhận một cú điện thoại đường dài của một người chú ý muốn biết khi nào làm Lễ Tưởng Niệm. Sau đó, cùng năm ấy, một cặp vợ chồng từ thành phố Valparaiso dọn đến, và họ hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh với những người chú ý. Vào tháng 4 năm 1981, một Lễ Tưởng Niệm diễn ra trên đảo lần đầu tiên, có 13 người hiện diện. Chúng tôi vui mừng biết bao là ‘tin mừng’ được lan ra đến vùng cô lập này!”

Sau đó, vào ngày 30-1-1991, chi nhánh gửi một cặp vợ chồng tiên phong đặc biệt, Dario và Winny Fernandez, đến đảo. Anh Fernandez nhớ lại: “Năm giờ bay đưa chúng tôi đến vùng cô lập nhất trên địa cầu này, một vùng có nền văn hóa đầy huyền bí”. Những buổi họp và hoạt động rao giảng được tổ chức ngay với sự ủng hộ của một anh tại địa phương và một chị mới dọn đến với hai con. Bất kể áp lực gia đình, sự cuồng nhiệt tôn giáo và vài lối sống phổ biến trong xã hội Pô-li-nê-si, các anh chị này thấy Đức Giê-hô-va ban ân phước cho những cố gắng của họ. Anh chị Fernandez không còn làm tiên phong đặc biệt nhưng họ vẫn ở trên đảo nuôi đứa con trai sinh tại đó. Hiện nay, có 32 người công bố Nước Trời. Trong số này có người Rapa Nui địa phương, và những người đến đảo lập nghiệp hoặc dọn đến vì nơi đó cần nhiều người rao giảng hơn.

Chuẩn bị cho hội nghị vòng quanh

Vì đảo quá xa đất liền, mỗi năm ba lần hội thánh nhận được những băng video có thu chương trình hội nghị đặc biệt một ngày, hội nghị vòng quanh và đại hội địa hạt. Nhưng đến cuối năm 2000, dự tính có một hội nghị riêng, lần đầu tiên trên đảo, đã được Ủy Ban Chi Nhánh Chile duyệt xét. Cuối cùng, họ quyết định cho tổ chức một hội nghị vòng quanh vào tháng 11 năm 2001, và một số anh chị ở nhiều nơi trong nước Chile được mời dự dịp đặc biệt này. Vì thời biểu của máy bay, hội nghị được diễn ra vào Chủ Nhật và Thứ Hai.

Lòng 33 đại biểu thật rộn rã khi nghĩ đến việc tới đảo tham gia hội nghị vòng quanh đầu tiên được tổ chức tại vùng cô lập đó. Sau chuyến bay dài qua vùng biển Thái Bình Dương, họ cảm thấy nhẹ nhỏm khi được anh em địa phương tiếp đón tại phi trường. Các đại biểu được chào mừng bằng một vòng hoa xinh đẹp, một món quà điển hình của đảo. Kế đó, họ được đưa đến chỗ trọ và sau một vòng tham quan ngắn, tất cả những người tham gia vào chương trình hội nghị gặp nhau tại Phòng Nước Trời.

Sự thông báo bất ngờ

Trong lúc lái xe đến hội nghị, một số đại biểu đã ngạc nhiên khi nghe trên radio ông linh mục địa phương bình luận về việc họ đến thăm đảo. Ông nói rằng du khách từ đất liền sẽ đến nhà dân chúng để nói về ngày tận thế sắp đến. Mặc dù ông bảo giáo dân đừng nghe các du khách, lời thông báo của ông giúp mọi người biết sự hiện diện của một nhóm đông Nhân Chứng Giê-hô-va trên đảo. Điều này khiến dân chúng ngóng đợi. Trong những ngày kế tiếp, các đại biểu tế nhị chia sẻ với họ tin mừng khích lệ.

Hội nghị bắt đầu

Vào sáng Chủ Nhật ngày đầu hội nghị, các anh em địa phương chờ đợi trước cửa Phòng Nước Trời để chào đón các đại biểu đến dự. “Iorana Koe! Iorana Koe!” “Chào mừng!” Một số các chị mặc áo truyền thống và cài hoa đẹp trên tóc theo kiểu Pô-li-nê-di chính gốc.

Sau phần âm nhạc du dương mở đầu, cả trăm giọng hợp ca bài “Hãy bền vững, chớ rúng động!” như chưa từng được nghe trên đảo bao giờ. Các anh chị địa phương đã cảm động rơi lệ khi anh chủ tọa cất tiếng chào mừng nồng nhiệt bằng tiếng Rapa Nui. Đến giờ tạm ngưng giữa trưa, ba Nhân Chứng mới biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng cách làm báp têm trong nước. Khi chương trình ngày đầu kết thúc, mọi người cảm thấy gần gũi Đức Giê-hô-va và toàn thể anh em hơn.—1 Phi-e-rơ 5:9.

Làm chứng buổi sáng

Vì hoàn cảnh đặc biệt trên đảo, chương trình hội nghị vòng quanh ngày thứ hai bắt đầu sau giờ ăn trưa. Vì vậy, các đại biểu lợi dụng tình thế dùng buổi sáng tham gia vào công việc rao giảng. Họ có được những kinh nghiệm nào?

Một bà lão tám con nói với Nhân Chứng là bà không thể nói chuyện với họ vì là người Công Giáo. Sau khi nói với bà là họ muốn bàn về vấn đề mọi người phải đương đầu như việc lạm dụng ma túy và những lo lắng trong gia đình, bà đồng ý lắng nghe.

Một bà lão địa phương có vẻ lạnh nhạt với cặp vợ chồng Nhân Chứng. Bà bảo họ đi nói với dân ở đất liền vì họ là những người tàn nhẫn với người khác. Cặp vợ chồng nói rằng thông điệp ‘tin mừng về Nước Trời’ dành cho mọi người và mục đích họ đến đảo là để dự hội nghị giúp mọi người tăng thêm lòng yêu thương Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Họ hỏi bà có muốn được sống lâu trong địa đàng, giống như cảnh trên đảo nhưng không bị bệnh và chết không. Sau khi lý luận với bà về những miệng núi lửa tồn tại bao nhiêu năm trên đảo, bà suy ngẫm về sự ngắn ngủi của đời sống và hỏi: “Tại sao chúng ta chỉ sống một thời gian ngắn?” Bà ngạc nhiên khi đọc Thi-thiên 90:10.

Ngay lúc ấy, hai Nhân Chứng thình lình nghe tiếng la lớn ở nhà kế bên. Mặc dù họ không hiểu người ta la gì, nhưng bà nói là người hàng xóm đang mắng và nhất định không muốn các Nhân Chứng đến nhà. Tuy nhiên người đàn bà này là nua, tức trưởng nữ trong gia đình. Vì cha bà mất, bà có bổn phận quyết định điều gì có lợi nhất cho gia đình. Ngay trước mặt họ hàng, bà lên tiếng bênh vực các Nhân Chứng bằng tiếng mẹ đẻ và sẵn sàng nhận những sách báo họ để lại. Sau đó trong tuần, khi đi xe ngang qua các Nhân Chứng, bà bảo em trai ngừng xe lại. Bất chấp người em bất bình ra mặt, bà chào tạm biệt các anh chị Nhân Chứng và chúc họ thành công trong việc rao giảng.

Mặc dù một số người trên đảo lúc đầu có vẻ bác bỏ thông điệp mà các Nhân Chứng ở đất liền rao giảng, nhưng các du khách này thấy rõ dân Rapa Nui vốn tử tế và thân thiện. Phần lớn sẵn sàng nghe tin mừng. Thật vậy, 6 trong số 20 Nhân Chứng báp têm trên đảo là dân bản địa. Một anh trong số đó lúc đầu biết lẽ thật Kinh Thánh bằng cách lắng nghe từ phòng kế bên khi vợ anh học với Nhân Chứng. Anh cùng vợ hiện nay đã báp têm, và anh làm tôi tớ thánh chức trong hội thánh.

Chương trình thiêng liêng tiếp tục

Sau giờ ăn trưa, chương trình ngày thứ hai bắt đầu. Lần nữa có 32 anh chị địa phương và 33 đại biểu cùng với một số người chú ý tham dự. Gần một trăm người lắng nghe chương trình, gồm có bài diễn văn công cộng “Tình yêu thương và đức tin thắng thế gian như thế nào”. Quả thật, những người hiện diện thấy tình yêu thương được biểu hiện sống động trong vòng dân tộc của Đức Giê-hô-va, ngay cả giữa những người có nền văn hóa khác nhau.—Giăng 13:35.

Trong thời gian có hội nghị, hai anh giám thị vòng quanh và địa hạt đã mở buổi họp đặc biệt với các anh chị tiên phong. Số này gồm ba người tiên phong đều đều ở trên đảo cùng với những đại biểu làm tiên phong đều đều hoặc đặc biệt. Mọi người đều cảm thấy rất khích lệ.

Ngày hôm sau, vài anh chị địa phương làm công việc hướng dẫn du khách đã đưa các đại biểu đi tham quan đảo. Họ đến thăm mỏ đá nơi tượng moai được tạc, và cũng đến những núi lửa nơi có những cuộc tranh tài ngày xưa, và tất nhiên là bãi cát vàng Anakena thật đẹp, nơi các người đầu tiên đến đảo lập nghiệp đã cập bến. *

Dịp chót để gặp anh em địa phương là tại Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh. Sau buổi họp, các Nhân Chứng địa phương làm khách ngạc nhiên với bữa ăn mang hương vị đặc thù của đảo. Sau đó, trong trang phục sắc tộc, họ trình diễn những màn vũ đẹp mắt. Các đại biểu, cũng như anh chị ở Rapa Nui, chắc chắn rằng những cố gắng chuẩn bị hội nghị rất đáng công.

Tất cả đại biểu cảm thấy gắn bó sâu đậm với các anh chị trên đảo cô lập này, những người họ cùng kết hợp trong một tuần lễ hào hứng. Họ cảm thấy bùi ngùi khó rời đảo. Họ sẽ luôn ưu ái những người bạn mới cùng với sự khích lệ về thiêng liêng đã nhận được. Tại phi trường, anh chị địa phương đã choàng vào cổ các đại biểu những vòng đeo bằng vỏ ốc mà họ đã kết.

Lúc rời đảo, các đại biểu đã hứa: “Iorana! Iau he hoki mai e Rapa Nui ee”, có nghĩa là: “Tạm biệt Rapa Nui! Ta sẽ trở lại”. Thật thế, họ mong được trở lại thăm những người bạn mới gặp và gia đình thiêng liêng trên Đảo Easter kỳ lạ, cô lập, huyền bí và thân thiện!

[Chú thích]

^ đ. 4 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 22-6-2000, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 27 Trên miệng núi lửa Rano Raraku có nhiều chữ khắc. Còn tại Rano Kau là khởi điểm của cuộc tranh tài giữa những người muốn cai trị đảo. Cuộc thi gồm có phần đi xuống vách đá cạnh biển, bơi đến một đảo nhỏ, nhặt một quả trứng của loài chim đảo, bơi về đảo chính và leo lên vách đá mà trứng vẫn còn nguyên.

[Khung nơi trang 24]

Làm chứng trên Đảo Easter

Khoảng hai năm trước khi có hội nghị đáng nhớ này, vợ chồng anh giám thị vòng quanh đến thăm đảo và có được những kinh nghiệm thú vị. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của họ khi một chị đưa họ đến chỗ trọ nhắc lại việc họ đã giúp chị học Kinh Thánh ở miền nam Chile khi chị còn là một thiếu nữ, khoảng 16 năm về trước. Sau đó hột giống ấy đã ra trái ở Rapa Nui.

Họ cũng có một kinh nghiệm thích thú này: Một chủ nhân tiệm bán quà lưu niệm nhận cuốn Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới và ấn phẩm giúp học Kinh Thánh Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Khi họ trở lại thăm, ông nói với họ rằng ông không thể đọc Kinh Thánh đó. Họ đã đưa cho ông cuốn tiếng Pháp chứ không phải tiếng Tây Ban Nha! Vấn đề đã được điều chỉnh ngay, và ông thấy rằng với sự giúp đỡ của Nhân Chứng địa phương, và tất nhiên, với cuốn Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ thì rốt cuộc Kinh Thánh không khó hiểu lắm.

[Bản đồ nơi trang 22]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ĐẢO EASTER

CHILE

[Các hình nơi trang 23]

Hai trong số những người báp têm tại hội nghị vòng quanh

[Các hình nơi trang 25]

Dốc núi lửa Rano Raraku; hình nhỏ: Trái rừng gọi là guayaba mọc trên đảo